Cuối tuần ở Mường Hum

Nằm dưới thung lũng sâu, được bao bọc bởi núi cao chót vót, Mường Hum (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) là điểm đến của nhiều du khách trong và ngoài nước. Vào ngày Chủ nhật, từng đoàn du khách khắp nơi đổ xuống thung lũng này để nhóm chợ phiên. Đến mùa lúa chín, người ta lại đến đây ngắm những thửa ruộng bậc thang, những nấc thang trải dài như nối Mường Hum lên đến chín tầng mây…

Chợ phiên Mường Hum.

Xuất phát từ thành phố Lào Cai, di chuyển khoảng 45 cây số là đến Mường Hum. Cung đường này cực kỳ hiểm trở. Du khách phải đi dọc theo đường vành đai biên giới, vượt qua những ngọn núi, không ít lần xe “leo” lên những mỏm đá rồi mới bắt đầu xuống thung lũng sâu trên con đường ngoằn ngoèo.

Nếu đi từ thị trấn Sa Pa, đường đi dễ dàng hơn. Theo đường lên đỉnh Ô Quy Hồ đến ngã ba Bản Xèo thì rẽ phải. Cứ thế di chuyển trên con đường dọc theo triền núi khi lên khi xuống là đến thung lũng Mường Hum. Khách có thể lên Y Tý đi chợ phiên thứ 7 rồi trở lại Mường Hum đi tiếp chợ phiên Chủ nhật.

Đường đi gian nan nhưng bù lại cảnh sắc Mường Hum tuyệt đẹp. Nếu nói Sa Pa là nàng “công chúa” duyên dáng và sang trọng thì Mường Hum lại có nét duyên ngầm như nàng con gái miền sơn cước.

Đến ngày họp chợ phiên, dòng người từ các quả núi đổ về chợ. Người ta dắt theo ngựa, mang vác mọi thứ từ nông sản đến heo cúi, gà… Thậm chí, có cả tủ, bàn vừa mới đóng xong cũng được vác đến chợ để trao đổi. Ai nấy cũng trang phục lộng lẫy đầy màu sắc. Những cô gái Mông rực rỡ trong những chiếc váy hoa được dệt, thêu tay cầu kỳ; thiếu nữ Dao đỏ thì mặc trang phục chàm có hoa văn trên ngực, đầu đội khăn đỏ và mang nhiều trang sức bạc… Một đứa trẻ còn địu trên lưng cũng được mẹ mặc cho những trang phục truyền thống.

Người vùng cao đi chợ không chỉ để mua bán, trao đổi hàng hóa mà còn để giao lưu. Người gặp lại bạn xưa. Người gặp lại tình cũ. Người trẻ thì đến chợ để tìm một nửa của mình. Hằng ngày họ sống trên núi cao, cật lực với nương rẫy, không có thời gian hẹn hò, tìm hiểu.

Sau khi mua bán xong, những hàng quán ăn uống tấp nập người. Họ ăn thắng cố - món chỉ có bán ở chợ phiên và uống rượu ngô. Nam nữ đều có thể uống rượu và uống đến say khướt. Du khách không lạ khi tan chợ có người nằm bên vệ đường ngủ ngon lành vì quá say. Hay một phụ nữ đi bên các con; trên lưng ngựa là người đàn ông nằm vắt vẻo.

Nằm dưới thung lũng sâu, Mường Hum tuyệt đẹp vào mùa lúa chín. Những dãy núi cao bao bọc xung quanh là những bậc thang trồng lúa. Chiều chiều, những bậc thang trên cùng nằm khuất trong mây. Đứng từ Mường Hum, tưởng chừng như đó là những bậc thang nối từ trần gian đến chín tầng trời. Lúc trời xanh trong vắt, những thửa ruộng bậc thang càng thêm chót vót.

Đặc biệt, ngay trung tâm Mường Hum có con suối lớn. Đó là con suối Mường Hum ào ạt chảy ngày đêm được hợp lưu bởi hai dòng suối Nậm Pung Hồ và Trung Lèng Hồ. Những ca khúc “Suối Mường Hum còn chảy mãi”, “Chiều Mường Hum” mới chỉ nghe thôi đã muốn đến Mường Hum. Đến đây rồi, lòng không thể không dạt dào theo con suối, bay lượn theo cánh bướm vờn hoa bên suối.

Người dân nơi đây sống và sinh hoạt theo nếp riêng truyền thống của từng dân tộc. Sự hiếu khách và thân thiện của các dân tộc bản địa càng tạo sự thích thú cho du khách. Họ nhoẻn miệng cười duyên dáng khi ai đó đưa máy chụp hình lên; hoặc thẹn thùng e lệ vì nhiều người lạ đang nhìn mình.

Mường Hum là thế - rất bản sắc như những gì đã có, đó là thứ quý nhất để níu chân du khách. Khi về, người ta vẫn nhớ đến những nụ cười trong trẻo như làn nước suối Mường Hum…

(Theo Báo điện tử Lào Cai)

Tin Liên Quan

Nhiều cách làm hay trong giữ gìn, bảo tồn trang phục, lễ hội tại Lào Cai

Với 25 nhóm, ngành dân tộc cùng 41 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và 2 di sản đại diện nhân loại, Lào Cai là một trong những địa phương có truyền thống văn hóa độc đáo, giàu bản sắc, cũng như sở hữu nhiều di sản văn hóa hàng đầu cả nước.

Sôi nổi Giải vô địch đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ tỉnh Lào Cai năm 2024

Giải vô địch đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ tỉnh Lào Cai năm 2024 đang diễn ra vô cùng sôi động, hấp dẫn tại thị trấn Si Ma Cai, huyện Si Ma Cai.

Bồi đắp niềm tự hào văn hóa dân tộc

“Tuần lễ trang phục truyền thống các dân tộc” tỉnh Lào Cai năm 2024 diễn ra từ ngày 15/4 – 19/4 đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các cá nhân, tập thể. Tại các cơ quan, đơn vị, khu dân cư trên địa bàn tỉnh, cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, lao động và người dân thể hiện rõ niền tự hào...

Nghi lễ đặc sắc trong tết Thanh minh của người Bố Y

Người dân tộc Bố Y trên địa bàn tỉnh Lào Cai chỉ có hơn 2000 người, chủ yếu sinh sống ở các xã: Thanh Bình, Nậm Chảy, Tung Chung Phố và thị trấn Mường Khương (huyện Mường Khương). Trong đời sống tâm linh của người Bố Y, tết Thanh Minh “Sứn mìn” đã trở thành nét văn hóa đặc sắc được truyền lại từ...

Đền Quan ghi dấu nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, quân sự

Tọa lạc ở phường biên giới Lào Cai (thành phố Lào Cai), đền Quan là một trong những di tích quan trọng, còn lưu giữ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, quân sự. Thuở xưa, đây là nơi ghi dấu công lao to lớn của quân đội nhà Trần do Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn chỉ huy lên trấn ải vùng biên giới Lào Cai.

Hoa văn phượng hoàng trong trang phục của người Nùng Dín

Mỗi một dân tộc đều có những nét độc đáo riêng trong bản sắc văn hóa truyền thống. Với người Nùng Dín ở vùng biên giới Mường Khương (Lào Cai), một trong những đặc điểm nhận diện rõ nhất trong trang phục truyền thống của họ, chính là vẻ đẹp tinh tế và đầy màu sắc của hoa văn phượng hoàng thêu trên...