Thêm một vụ đông thắng lợi

Theo đánh giá của ngành nông nghiệp tỉnh, vụ đông 2017 - 2018 kết thúc với thắng lợi khá toàn diện.

Những năm gần đây, vụ đông đã trở thành vụ sản xuất chính trong năm, giúp nông dân trong tỉnh nâng cao thu nhập trên một diện tích đất canh tác. Phong trào sản xuất vụ đông không chỉ phát triển mạnh ở các địa phương vùng thấp, giáp thành phố Lào Cai như Bảo Thắng, Bát Xát, mà đã lan rộng hầu hết các địa phương trong tỉnh. Thậm chí, ở một số huyện vùng cao, người dân vốn không có “thói quen” sản xuất vụ đông như Sa Pa, Si Ma Cai, Mường Khương, nay cũng mở rộng diện tích. Vụ đông 2017 - 2018, nông dân trong tỉnh gieo trồng hơn 9.000 ha rau, màu các loại. Đến nay, bà con đã thu hoạch xong toàn bộ diện tích, giải phóng đất để thực hiện kế hoạch sản xuất vụ xuân 2018. Tổng sản lượng cây vụ đông đạt 106.300 tấn, tăng 41% (30.884 tấn) so với năm 2016; tổng giá trị đạt 730 tỷ đồng, tăng hơn 300 tỷ đồng so với cùng kỳ; giá trị trung bình đạt 80,44 triệu đồng/ha, tăng 27,54 triệu đồng/ha so với vụ đông năm trước.

Người dân xã Sa Pả (Sa Pa) rải vụ, gối vụ các loại rau.

Có thể thấy, hơn 80 triệu đồng/ha nhờ sản xuất tăng vụ trên đất ruộng là con số ấn tượng và cũng là thắng lợi lớn đối với ngành nông nghiệp Lào Cai. Theo bà Nguyễn Thị Hà, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, vụ đông năm 2017 - 2018 thắng lợi từ các yếu tố: Rải vụ tốt, đa dạng chủng loại cây trồng, liên kết thị trường hiệu quả và ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất.

Vụ đông năm 2017 - 2018 bắt đầu từ rất sớm (giữa tháng 9/2017) và kết thúc muộn (cuối tháng 2/2018). Các loại cây ưa ấm được ngành chức năng khuyến cáo trồng sớm từ cuối tháng 9, cây ưa lạnh thì trồng vào cuối vụ đông. Việc rải vụ giúp sản lượng cây vụ đông cung ứng ra thị trường không ồ ạt vào một thời điểm dẫn đến tình trạng dư thừa sản phẩm như những năm trước. Ngoài ra, thay vì tập trung vào một loại cây trồng chủ lực, ngay từ khi bắt đầu mùa vụ, ngành nông nghiệp Lào Cai đã khuyến cáo người dân trồng đa dạng chủng loại cây để không xảy ra tình trạng sản lượng lớn tập trung vào một sản phẩm.

Bà Nguyễn Thị An, ở thôn Cố Hải, xã Sơn Hải (Bảo Thắng) cho biết: “Năm trước, người người trồng bắp cải, nhà nhà trồng bắp cải nên đến vụ, có thời điểm bán chỉ 1.000 đồng/kg cũng chẳng ai mua. Năm nay, mỗi hộ trồng một loại rau như su hào, súp lơ, đậu cô ve… Người trồng sớm, người trồng muộn nên giá bán cao hơn. Ví dụ, bắp cải chính vụ bán 4.000 đồng/kg, có những gia đình trồng sớm còn bán được 18.000 đồng/kg”. Ngoài việc chủ động trong thời vụ và cơ cấu giống, nông dân trong tỉnh còn tăng cường nhiều biện pháp bảo vệ cây trồng như che phủ ni lông để giữ ấm trong những ngày rét đậm, rét hại, tưới nước để rửa trôi sương muối, tiêu diệt mầm bệnh từ giai đoạn làm đất, sử dụng phân hữu cơ đã ủ hoai mục… Do vậy, dù trong vụ đông vừa qua xảy ra nhiều đợt rét đậm, rét hại, nhưng cây rau vẫn sinh trưởng và phát triển tốt.

Trước đây, người dân trong tỉnh thường bắt tay vào sản xuất vụ đông đồng loạt từ tháng 10/2017 và kết thúc vào tháng 1/2018, dẫn đến tình trạng rau khan hiếm vào đầu và cuối vụ sản xuất; khi giá thành cao, người dân lại chưa có rau để bán ra thị trường. Thời điểm trước Tết Nguyên đán, bà con thu hoạch rau đồng loạt, sản lượng lớn rau được cung ứng ra thị trường, thậm chí là cùng một loại rau, trong khi sức tiêu thụ giảm đáng kể khiến giá bán thấp. Bà Nguyễn Thị Hà, Phó Chi cục trưởng Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết thêm: “Rút kinh nghiệm từ những vụ trước, ngành nông nghiệp Lào Cai đã sớm ban hành kế hoạch sản xuất vụ đông, khuyến khích người dân rải vụ, gối vụ với các giống ngắn ngày. Các loại rau tăng vụ trên đất ruộng được ngành chức năng chỉ đạo gieo trồng trong khung thời vụ dài với đa dạng loại rau. Cách làm này đã góp phần đẩy giá trị các sản phẩm cây vụ đông tăng cao, từ trên 50 triệu đồng vụ đông năm trước lên hơn 80 triệu đồng vụ đông năm nay”.

Người dân xã Y Tý (Bát Xát) sản xuất vụ đông từ rất sớm.

Một trong những địa phương thắng lợi lớn trong vụ đông vừa qua là Văn Bàn. Tuy có lợi thế về đất sản xuất để phát triển vụ đông, nhưng huyện lại gặp khó do không có thị trường tiêu thụ bởi cách xa trung tâm thành phố, khu du lịch hoặc khu công nghiệp. Thế nhưng vụ đông năm nay, có những nơi người dân thu được đến 120 triệu đồng/ha nhờ sự liên kết hiệu quả giữa người dân và doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Ví dụ, tại xã Hòa Mạc, những năm trước, do đầu ra không ổn định, người dân không mạnh dạn mở rộng diện tích cây vụ đông vì chỉ tiêu thụ sản phẩm theo hình thức bán lẻ. Vụ đông 2017 - 2018, nhiều hộ trong xã đã ký hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ với Công ty Quốc tế An Việt, trồng được 10 ha khoai tây. Năng suất khoai tây năm nay đạt 20 - 25 tấn/ha, với giá bán trung bình 6.000 đồng/kg, mỗi ha người dân thu về 120 triệu đồng. Công ty này cũng thực hiện liên kết với một số xã khác tại huyện Văn Bàn, Bảo Yên và Bảo Thắng để cung ứng giống và tiêu thụ sản phẩm vụ đông, giúp người dân yên tâm về đầu ra.

Tương tự huyện Văn Bàn, các địa phương khác như Bảo Yên, Bát Xát, Bảo Thắng cũng có sự liên kết tốt giữa nông dân với các đơn vị cung ứng vật tư nông nghiệp và bao tiêu sản phẩm, góp phần giảm thiểu rủi ro và nâng cao lợi nhuận cho người sản xuất. Nhiều chuỗi liên kết được hình thành để tiêu thụ các sản phẩm như khoai tây, khoai lang, tỏi, rau xanh… được người dân và doanh nghiệp bắt tay thực hiện nghiêm túc.

Với sự chủ động trong sản xuất, ứng dụng các phương pháp khoa học để bảo vệ cây trồng, vụ đông 2017 - 2018 được đánh giá là được mùa, được giá và thắng lợi lớn trên nhiều phương diện. Đây cũng là kinh nghiệm để ngành nông nghiệp Lào Cai có sự chủ động, làm cơ sở để chỉ đạo sản xuất thắng lợi những vụ đông tiếp theo.

Theo Thúy Phượng/LCĐT

Tin Liên Quan

Người "Thủ lĩnh" quyết đoán

Với kinh nghiệm, kiến thức bản địa quý báu trong ứng phó với thảm họa lũ quét, sạt lở đất ở vùng cao, anh Ma A Chính, Bí thư Chi bộ thôn Cô Tông Bản Vàng, xã Bản Cái, huyện Bắc Hà đã quyết đoán đưa toàn bộ 54 hộ dân trong thôn ra đến khu vực an toàn, dựng lán tránh trú.

Lào Cai đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ hướng tới phát triển bền vững

Tỉnh Lào Cai đang triển khai quyết liệt Kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đáp ứng mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo Quyết định 693/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Kế hoạch này bám sát Kết luận 72-KL/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 13-NQ/TW với định hướng đưa Lào Cai trở...

Lào Cai tăng cường kiểm soát quyền lực và phòng chống tham nhũng trong hoạt động tố tụng

Tỉnh Lào Cai vừa ban hành kế hoạch triển khai Quyết định 714/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhằm thực hiện Quy định 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN, TC) trong các hoạt động tố tụng, bao gồm điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án. Đây là bước đi cụ thể nhằm tăng...

Đoàn kết theo lời Bác dạy

Ngày 23/9/1958, trong chuyến thăm và nói chuyện với cán bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những lời căn dặn sâu sắc về tầm quan trọng của đoàn kết dân tộc.

Bí thư Tỉnh ủy Đặng Xuân Phong tiếp Đoàn công tác của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam ủng hộ khắc phục hậu quả thiên tai

Chiều 23/9, đồng chí Đặng Xuân Phong, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tiếp Đoàn công tác của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam và Công ty TNHH Một thành viên Apatit Việt Nam do ông Phùng Quang Hiệp, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng...

Càng gian khó, càng đoàn kết như anh em ruột thịt

Cách đây 66 năm, ngày 23/9/1958, tại sân Tỉnh ủy, khi trò chuyện với cán bộ, công nhân, chiến sĩ, Nhân dân, kiều bào ta đang sinh sống tại Hà Khẩu (Trung Quốc), Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Ngày nay, dưới chế độ dân chủ cộng hòa của chúng ta, các dân tộc bất kỳ to hay nhỏ đều là bình đẳng, đều là...