Sản xuất cây dược liệu ứng dụng công nghệ cao

Hơn 2 năm trở lại đây, người dân các huyện vùng cao trong tỉnh triển khai ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất cây dược liệu, bước đầu cho kết quả khả quan, mang lại thu nhập ổn định.
Kiểm tra sự sinh trưởng của cây atiso.

Sau khi thu hoạch xong diện tích atiso trồng từ năm 2017, gia đình anh Má A Kỉnh, thôn Má Tra, xã Sa Pả (huyện Sa Pa) khẩn trương trồng vụ mới năm 2018. Đến cuối tháng 9, vườn dược liệu của gia đình anh đã sinh trưởng và phát triển tốt. Vừa cặm cụi nhặt cỏ trong luống atiso xanh mơn mởn, anh Kỉnh cho biết: Gia đình tôi trồng cây atiso được 6 năm rồi, nhưng từ năm 2016 mới trồng theo tiêu chuẩn GACP - WHO (các nguyên tắc trồng trọt và thu hái dược liệu theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới - PV). Sau khi đăng ký trồng theo tiêu chuẩn GACP - WHO, gia đình tôi được cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật, ban đầu chưa có kinh nghiệm nên cảm thấy khó, nhưng sau 2 vụ sản xuất, tôi cảm thấy tự tin hơn khi trồng loại cây này.

Gia đình anh Má A Chu cũng là hộ trồng nhiều cây atiso ở xã Sa Pả. Mỗi vụ, gia đình anh trồng trên 2.000 m2 cây atiso. Trước kia, khi chưa áp dụng theo tiêu chuẩn GACP - WHO, anh chỉ biết trồng và chăm sóc cây theo cách thông thường. Bây giờ, anh biết thêm cách theo dõi, ghi chép về cây từ khi trồng đến chăm sóc và cách sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón phù hợp. Do đó, chất lượng tinh dầu của cây cũng tốt hơn.

Theo anh Chu, năng suất cây atiso cao hơn các năm trước nên thu nhập trên cùng diện tích đất canh tác được cải thiện rõ rệt. Năm 2016, gia đình anh trồng 2.000 m2, khi thu hoạch chỉ bán được 60 triệu đồng; năm 2017, cùng diện tích đó, nhờ ứng dụng công nghệ, năng suất cao hơn, giá bán cũng tốt hơn, thu được hơn 80 triệu đồng.

Sa Pả là xã trồng nhiều cây dược liệu của huyện Sa Pa, trong đó chủ yếu là atiso. Năm 2018, xã trồng mới 30 ha atiso, với 99 hộ đăng ký trồng (tăng 7,5 ha so với năm 2017), 100% diện tích được người dân ứng dụng công nghệ cao theo tiêu chuẩn GACP - WHO. Theo chính quyền địa phương, 2 năm trước đây, diện tích cây atiso ở xã có chiều hướng giảm do các hộ chưa nắm chắc kỹ thuật trồng và chưa quen ứng dụng công nghệ cao vào khâu chăm sóc. Sau khi thấy mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn GACP - WHO có năng suất, chất lượng tốt hơn nên năm 2018, nhiều hộ trồng trở lại.

Lắp đặt hệ thống tưới tự động trong vườn trồng cây dược liệu.

Huyện Sa Pa hiện có 112 ha đất trồng cây dược liệu, gồm các loại: Atiso, đương quy, xuyên khung, chè dây, sa nhân, trong đó 51,5 ha được trồng ứng dụng công nghệ cao, tập trung tại xã Sa Pả, xã Tả Phìn và thị trấn Sa Pa. Ông Nguyễn Tiến Thành, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sa Pa cho rằng, Sa Pa đã thành công bước đầu trong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất cây dược liệu, nhưng để khuyến khích người dân mở rộng diện tích thì còn không ít khó khăn. Cụ thể, đất để trồng cây dược liệu theo hướng phát triển hàng hóa còn nhỏ lẻ, manh mún, không thuận lợi cho việc ứng dụng công nghệ cao. Bên cạnh đó, hình thức tổ chức sản xuất vẫn mang tính tự phát; các mô hình (hợp tác xã, tổ đội sản xuất, hiệp hội, công ty....) còn ít và chưa phát huy hết vai trò. Chi phí đầu tư sản xuất lớn nên người dân vùng cao khó mở rộng diện tích nếu không có sự hỗ trợ từ Nhà nước, doanh nghiệp. Cùng với đó, cơ chế, chính sách chưa đủ mạnh để khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất cây dược liệu theo hình thức liên doanh, liên kết...

Tương tự Sa Pa, Bắc Hà cũng là huyện có diện tích trồng cây dược liệu lớn của tỉnh. Toàn huyện hiện có 84 ha cây dược liệu, trong đó mới có 35 ha ứng dụng công nghệ cao. Ông Nguyễn Xuân Giang, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Hà cho biết: Niên vụ năm 2017 - 2018, huyện Bắc Hà xây dựng một số mô hình sản xuất giống và trồng cây dược liệu ứng dụng công nghệ cao, như đương quy, đan sâm, cát cánh theo tiêu chuẩn GACP - WHO, sau khi xây dựng thành công mô hình, huyện sẽ nhân rộng.

Toàn tỉnh hiện có khoảng 1.100 ha đất canh tác cây dược liệu các loại, trong đó nhóm cây trồng trên đất hằng năm là trên 400 ha, gồm: Đương quy, bạch truật, tam thất, atiso, xuyên khung, ý dĩ... nhưng chỉ có gần 200 ha tại các huyện Sa Pa, Bắc Hà, Si Ma Cai, Bát Xát, Mường Khương, Văn Bàn ứng dụng công nghệ cao. Theo đánh giá của các địa phương, do thực hiện quy trình trồng, thu hái và sử dụng công nghệ sơ chế, bảo quản, năng suất cây trồng được nâng cao, giá trị thu nhập bình quân trên đơn vị diện tích canh tác tăng từ 120 triệu đồng lên 150 triệu đồng/ha/năm.

Theo định hướng của tỉnh, từ nay đến năm 2020, toàn tỉnh phấn đấu phát triển vùng trồng dược liệu lên 1.900 ha, trong đó trọng tâm là xây dựng vùng sản xuất dược liệu ứng dụng công nghệ cao, với 400 ha, gồm các loại cây như atiso, xuyên khung, tam thất, sa nhân tím, đương quy, thạch hộc... tại huyện Bát Xát (80 ha), Sa Pa (65 ha), Mường Khương (65 ha), Bắc Hà (50 ha), Si Ma Cai (45 ha), Văn Bàn (45 ha), Bảo Yên (50 ha).

Để khắc phục những khó khăn đang đặt ra, ông Tô Mạnh Tiến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lào Cai cho biết: Ngành nông nghiệp đang phối hợp với các địa phương tuyên truyền cho người dân nắm và hiểu về sản xuất ứng dụng công nghệ cao, hiểu được hiệu quả từ phát triển cây dược liệu. Cùng với đó, ngành kêu gọi và phối hợp với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh hỗ trợ người dân thực hiện các khâu sản xuất, từ trồng, thu hoạch, bảo quản, chế biến đến tiêu thụ nông sản. Ngành nông nghiệp cũng đang thông qua các chương trình, dự án nhằm tăng cường tập huấn, đào tạo người dân về kỹ thuật trồng, chăm sóc và đặc biệt là sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn... Để có đất phát triển cây dược liệu, ngành nông nghiệp đang phối hợp với các huyện, xã vùng cao triển khai trồng trên chân ruộng một vụ…

Theo Đức Toàn/LCĐT

Tin Liên Quan

Người "Thủ lĩnh" quyết đoán

Với kinh nghiệm, kiến thức bản địa quý báu trong ứng phó với thảm họa lũ quét, sạt lở đất ở vùng cao, anh Ma A Chính, Bí thư Chi bộ thôn Cô Tông Bản Vàng, xã Bản Cái, huyện Bắc Hà đã quyết đoán đưa toàn bộ 54 hộ dân trong thôn ra đến khu vực an toàn, dựng lán tránh trú.

Lào Cai đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ hướng tới phát triển bền vững

Tỉnh Lào Cai đang triển khai quyết liệt Kế hoạch phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đáp ứng mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo Quyết định 693/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Kế hoạch này bám sát Kết luận 72-KL/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 13-NQ/TW với định hướng đưa Lào Cai trở...

Lào Cai tăng cường kiểm soát quyền lực và phòng chống tham nhũng trong hoạt động tố tụng

Tỉnh Lào Cai vừa ban hành kế hoạch triển khai Quyết định 714/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhằm thực hiện Quy định 132-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN, TC) trong các hoạt động tố tụng, bao gồm điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án. Đây là bước đi cụ thể nhằm tăng...

Đoàn kết theo lời Bác dạy

Ngày 23/9/1958, trong chuyến thăm và nói chuyện với cán bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh Lào Cai, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những lời căn dặn sâu sắc về tầm quan trọng của đoàn kết dân tộc.

Bí thư Tỉnh ủy Đặng Xuân Phong tiếp Đoàn công tác của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam ủng hộ khắc phục hậu quả thiên tai

Chiều 23/9, đồng chí Đặng Xuân Phong, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tiếp Đoàn công tác của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam và Công ty TNHH Một thành viên Apatit Việt Nam do ông Phùng Quang Hiệp, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng...

Càng gian khó, càng đoàn kết như anh em ruột thịt

Cách đây 66 năm, ngày 23/9/1958, tại sân Tỉnh ủy, khi trò chuyện với cán bộ, công nhân, chiến sĩ, Nhân dân, kiều bào ta đang sinh sống tại Hà Khẩu (Trung Quốc), Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Ngày nay, dưới chế độ dân chủ cộng hòa của chúng ta, các dân tộc bất kỳ to hay nhỏ đều là bình đẳng, đều là...