Dừng chân ở bản “Thác nước đẹp”

Cuối tuần, sau hành trình khám phá những điểm đến hấp dẫn của thị trấn du lịch Sa Pa, chúng tôi dừng chân ở bản Cát Cát (tiếng địa phương có nghĩa là “Thác nước đẹp”), một địa danh nổi tiếng trong bản đồ du lịch bản làng dưới chân núi Fansipan.
 

Thác Cát Cát nhìn từ trên cầu Si.

Bước xuống những bậc đá, chúng tôi bắt đầu hành trình khám phá cuộc sống thường nhật của đồng bào nơi đây. Bắt gặp hình ảnh thú vị về đời sống và con người vùng cao được thu gọn trong không gian văn hóa được khéo léo sắp đặt xen kẽ với hơn 80 nóc nhà của đồng bào Mông. Hai bên đường xuống là những cửa hàng bày bán sản phẩm thổ cẩm cũng như đồ lưu niệm được chế tác tinh xảo nhờ sự khéo léo bằng đôi tay tài hoa nghề chạm bạc thủ công truyền thống của những nghệ nhân người Mông. Đó là những chiếc vòng cổ, vòng tay, nhẫn, dây xà tích hay những chiếc cốc, chiếc lược được làm từ bạc, đồng hay sừng trâu, gỗ, tre... những thứ rất gần gũi với cuộc sống của họ.

Vừa đi chúng tôi còn được chiêm ngưỡng những tràn ruộng bậc thang đang vào mùa cấy, tấp nập người Mông thoăn thoắt đưa từng dảnh mạ cắm sâu xuống đất đã được cày, bừa kỹ... Độc đáo nhất là nơi đây vẫn còn giữ được nguyên vẹn những ngôi nhà lợp ván gỗ thông theo kiểu truyền thống rất riêng của đồng bào Mông, rêu phong cổ kính, mang đậm chất vùng cao.

Điểm dừng chân giữa lưng chừng bản khiến chúng tôi và rất nhiều du khách tò mò, đó là ngôi nhà tường trình đất, trưng bày không gian sống trong một gia đình người Mông. Gian chính giữa là nơi thờ thần lúa, thần rừng... Bên trên là sàn gác lương thực dự trữ. Gian bếp có đủ vật dụng từ chiếc giỏ, chiếc rổ, rá, đến những sản phẩm thịt treo, ngô, lúa giống... Ngoài ra, còn trưng bày chiếc cối xay lúa, cối giã gạo, thùng gỗ đập lúa, bếp lò và chõ nấu rượu... Tất cả được sưu tầm và tái hiện sống động trong một không gian rất bình dị như chính cuộc sống thường ngày của đồng bào nơi đây, khiến cho du khách dễ hình dung về con người cũng như những nét văn hóa đặc sắc của người Mông ở Cát Cát.
 

Hết mấy trăm bậc đá, chúng tôi đã có mặt tại Cát Cát, điểm dừng chân cuối cũng là điểm thấp nhất bản, đó là Nhà biểu diễn văn nghệ của bản phục vụ khách du lịch. Qua chiếc cầu Si là đứng dưới chân thác Cát Cát. Thác Cát Cát đổ xuống trắng xóa như dải lụa buông hờ vắt ngang sườn núi. Bên dưới chân thác, nhịp khèn Mông, tiếng đàn môi ngân nga cùng hòa vào tiếng ầm ào của thác nước mải miết ngày đêm chảy xuống tạo nên những thanh âm vang vọng cả núi rừng.
 
Đứng trên cầu Si, nhìn dòng thác tung bọt trắng xóa giữa mênh mông của cây rừng xanh ngắt, những tia nước nhỏ như mưa sương hắt phả vào mặt mát lạnh. Những bông hoa đỏ thắm, tím ngắt hay vàng rực rỡ từ những bồn hoa được trồng ven lối đi bên dưới chân thác, tạo nên vẻ đẹp lãng mạn./.
(Theo Báo điện tử Lào Cai)

Tin Liên Quan

Bảo Yên khai mạc Ngày hội Văn hóa dân gian “Sắc vàng bên dòng Nặm Luông lần thứ 2 năm 2024”

Ngày 27/4, huyện Bảo Yên long trọng tổ chức khai mạc chuỗi các hoạt động kích cầu du lịch tại Điểm du lịch cộng đồng Nghĩa Đô với chủ đề “Sắc vàng bên dòng Nặm Luông lần thứ hai năm 2024” gồm nhiều sự kiện hấp dẫn.

Lào Cai hưởng ứng Chương trình “Người Việt đi du lịch Việt - Việt Nam tôi yêu”

Để đón đầu kỳ nghỉ Lễ 30/4 - 1/5 và mùa du lịch hè 2024, thúc đẩy phát triển du lịch và triển khai, thực hiện hiệu quả chương trình kích cầu du lịch nội địa, tỉnh Lào Cai tham gia phát động Chương trình “Người Việt đi du lịch Việt - Việt Nam tôi yêu” trên địa bàn tỉnh.

Lào Cai - điểm đến hấp dẫn trong kỳ nghỉ lễ

Chỉ còn hai ngày nữa kỳ nghỉ Lễ 30/4 - 1/5 sẽ chính thức bắt đầu. Theo kế hoạch, dịp này các địa phương sẽ tổ chức nhiều hoạt động kích cầu, thu hút du khách. Hiện các điểm du lịch, cơ sở lưu trú cũng đã chuẩn bị những điều kiện tốt nhất, nhằm mang đến cho du khách một kỳ nghỉ thú vị.

Khảo sát, điền dã các di tích danh lam, thắng cảnh tại huyện Bát Xát

Trong 2 ngày, 23 và 24/4, UBND huyện Bát Xát phối hợp với Bảo tàng tỉnh thực hiện khảo sát, điền dã thác Ong Chúa và đỉnh núi Nhìu Cồ San (thuộc thôn Nhìu Cù San, xã Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát) để lập hồ sơ đề nghị công nhận di tích danh lam, thắng cảnh cấp tỉnh.

Ra mắt sản phẩm du lịch “Điểm hẹn - Chợ tình Sa Pa”

Nằm trong chuỗi sự kiện Lễ hội mùa hè Sa Pa năm 2024, thị xã Sa Pa sẽ giới thiệu và ra mắt du khách trong và ngoài nước sản phẩm du lịch “Điểm hẹn - Chợ tình Sa Pa”.

Lào Cai tổ chức Hội thảo xúc tiến đầu tư và quảng bá du lịch tại Nhật Bản

Từ ngày 21 - 26/4, Đoàn đại biểu tỉnh Lào Cai do đồng chí Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng đoàn đến thăm và làm việc tại Nhật Bản.