Di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia - Đền Mẫu

Nằm trong quần thể di tích phía Bắc thành phố Lào Cai, ở vị trí cửa khẩu biên giới quốc gia, hằng năm Đền Mẫu thu hút hàng vạn lượt du khách đến thăm quan, chiêm bái. Đền là nơi thờ Mẫu đệ nhất Liễu Hạnh – 1 trong 4 vị Thánh được phong “Tứ bất tử” của dân tộc Việt Nam.



Đền Mẫu - địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng ở Lào Cai. (Ảnh: HT)

Theo truyền tụng trong nhân dân, thuở ấy rừng thiêng nước độc, thú giữ hoành hành, nạn giặc thường xuyên quấy nhiễu nhưng vị thế cửa ải Lê Hoa (cửa khẩu Lào Cai ngày nay) rất đẹp, lại là nơi hội tụ khí thiêng sông núi nên chúa Liễu Hạnh thường lui tới để giúp đỡ nhân dân và triều đình chống giặc ngoại xâm. Chúa Liễu Hạnh thường hiển linh là người bán hàng cơm, hàng quà, hàng nước cứu độ làm phúc cho người cơ nhỡ, cho quân lính coi giữ ải Lê Hoa.

Để tưởng nhớ công lao đức độ của chúa Liễu Hạnh, nhân dân địa phương đã lập đền thờ ngay tại nơi bà lui tới, đó chính là vị trí đền hiện nay. Về sau, thời Nguyễn xét công trạng của bách thần cả nước đã phong mệnh ấn bảo cho Thánh mẫu Liễu Hạnh và giao cho nhân dân vùng Lào Cai chăm non, thờ phụng để tỏ lòng tôn kính, biết ơn vị Thánh mẫu linh thiêng.
 

Đền Mẫu là 1 trong 15 Di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia của tỉnh Lào Cai. (Ảnh: Thanh Huyền)

Đền Mẫu được xây tại ngã ba nơi hợp lưu của hai con sông Hồng và sông Nậm Thi, khúc sông quanh co, nước chảy chậm là nơi hội tụ đầy đủ các yếu tố Tâm – Trí – Tài – Nhân – Phúc. Mặt đền quay về hướng Tây Nam với kiến trúc cổ hình chữ Đinh. Hai bên hiên đền là hình ảnh hổ phù miệng ngậm nửa chữ Thọ. Bốn góc mái đền được uốn cong hình con thuyền úp ngược với những con rồng đươc chạm trổ tinh xảo, điêu luyện. Mái đền được xây hai tầng; tầng trên nhỏ, nhẹ biểu trưng cho dương; tầng dưới to, nặng biểu trưng cho âm. Ở giữa mái đền là hình ảnh hai con rồng chầu mặt trời biểu tượng tôn vinh đấng vô cùng. Vào tới sân đền, du khách sẽ thấy hình tượng hai con sư tử nằm phục ở cửa chính với tư cách là người giám sát, đảm nhận việc trông coi canh giữ ngôi đền.

Hằng năm cứ vào ngày 3 tháng 3 âm lịch, nhân dân địa phương lại tưng bừng tổ chức tiệc Mẫu Liễu với các hình thức tế lễ, cầu tài, cầu lộc, đưa rước và tắm tượng. Tương truyền rằng trước kia, cứ đến ngày này tại ngã ba sông, từng đàn cá với nhiều màu sắc lại nổi lên để nghênh đón, tưởng nhớ Thánh mẫu Liễu Hạnh.

Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, Đền Mẫu giờ đã trở thành một trong những địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng của Lào Cai. Với những giá trị lịch sử và những nét văn hoá mang đậm bản sắc dân tộc, Đền Mẫu được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích Lịch sử văn hóa cấp Quốc gia vào năm 2011./.
Thanh Huyền

Tin Liên Quan

Nghệ thuật đính cườm trên trang phục người Xá Phó

Mỗi tộc người thiểu số đều có nét riêng trong thiết kế, nghệ thuật tạo hình, làm nên sự đặc sắc trên bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình. Cũng từ vải bông, vải lanh nhuộm chàm, rồi thêu thổ cẩm như một số dân tộc khác, nhưng ở dân tộc Xá Phó lại có thêm một nét đặc trưng, tạo nên sự...

Ấn tượng trang phục của dân tộc đội mũ hình mái nhà ở Mường Khương

Trang phục của người Pa Dí ở Mường Khương không rực rỡ sắc màu như của người Mông hay người Dao đỏ…, mà mang nét riêng với gam màu chàm chủ đạo cùng những họa tiết tinh tế.

Yêu trang phục của người Dao

Để hoàn thiện bộ trang phục của dân tộc Dao có khi phải mất cả năm, thế nhưng qua đôi tay của chị Giang, giờ đây thời gian đã được rút ngắn rất nhiều.

Bắc Hà bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch

Huyện Bắc Hà có 14 dân tộc cùng sinh sống, mỗi dân tộc có nét văn hóa độc đáo riêng. Thời gian qua, huyện rất chú trọng bảo tồn văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.

Người Mông Sa Pa vượt mưa, xuyên rừng hái chàm nhuộm vải

Cây chàm từ xa xưa đã gắn bó với đời sống sinh hoạt của người Mông Sa Pa. Cộng đồng người Mông truyền tai nhau rằng "ở đâu có người Mông nơi đó có cây chàm" càng khẳng định vai trò quan trọng của loại cây này đối với mỗi thế hệ người Mông trên mảnh đất Sa Pa.

Chung tay xây dựng văn hóa mang bản sắc Lào Cai