Đến thăm Đền Cấm Lào Cai

Cách đây gần 200 năm, Đền Cấm được xây dựng trong khu rừng cấm phía sau Ga Quốc tế Lào Cai (phường Phố Mới ngày nay) để thờ phụng và tưởng nhớ chiến công oanh liệt của quan binh thời Trần. Đền còn thờ một nhân vật hết sức quan trọng là bà chúa Cấm - người được nhân dân địa phương tôn vinh như một vị thần chữa bệnh cho dân.
 


Đền Cấm - nét đẹp cổ kính.

Đền Cấm trước kia là nơi nhận lệnh tác chiến và là đại bản doanh của quân đội nhà Trần trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược. Khi đóng quân tại đây, do rừng thiêng nước độc, nhiều quân lính của ta xuống sức, ốm đau bệnh tật. Vừa lúc đó có một người đàn bà mặc quần áo dân tộc đem thuốc trong rừng đến chữa bệnh cho quân ta khoẻ mạnh rồi đi mất. Tin đó là người do trời cử xuống giúp nên quân sĩ cố gắng chiến đấu hết mình để bảo vệ bờ cõi Tổ quốc.

Để tỏ lòng thành kính và biết ơn, nhân dân Lào Cai đã cùng nhau góp sức, góp của lập nên đền thờ vị tướng Trần Hưng Đạo và các binh lính nhà Trần đã hy sinh; nhưng cũng không quên tôn vinh người đàn bà dân tộc năm nào đã chữa khỏi bệnh cho quân nhân nhà Trần là bà chúa Cấm.

Trước kia, Đền Cấm chỉ là một ngôi miếu nhỏ, sau đó mới được xây dựng thành đền. Ngày nay, Đền Cấm đã được trùng tu khang trang, to đẹp theo kiến trúc cổ hình chữ Đinh với mái đền 2 tầng uốn cong hình con thuyền tạo nên sự thanh thoát. Đền có 3 dãy nhà chính: Nhà Đại Điện, nhà Tả Vu và Hữu Vu. Ngoài hai dãy nhà Tả Vu, Hữu Vu còn có lầu cô bé bản đền và cậu bé bản đền (cô Cấm, cậu Cấm - người cai quản khu rừng và đền).
 


Khuôn viên Đền Cấm.

Ngày Thìn đầu tiên của tháng 7 âm lịch hằng năm được chọn làm ngày lễ của Đền Cấm. Vào ngày lễ, nhân dân trong vùng cùng tới để mổ lợn ngay tại sân đền. Sau khi cúng lễ xong, nhân dân dự tiệc bằng cách bày thịt và một số những thức ăn khác lên lá chuối đã làm sạch. Tất cả không dùng bát đũa mà dùng tay thụ lộc và uống rượu bằng ống nứa được cắt ngắn cẩn thận. Tương truyền rằng: Xưa kia quân lính nhà Trần đi đánh trận không có mâm, bát đũa nên phải dùng lá chuối làm mâm và ăn bằng tay.

Ngôi đền nằm dưới chân quả đồi thấp, phía trước là các cây cổ thụ toả bóng và hương thơm ngát, kề bên là hồ nước xanh phẳng lặng đã tạo cho đền một cảnh quan lý tưởng. Năm 2001, Đền Cấm được Bộ Văn hoá và Thông tin cấp bằng công nhận là Di tích Lịch sử văn hoá cấp Quốc gia./.
Thanh Huyền

Tin Liên Quan

Nghệ thuật đính cườm trên trang phục người Xá Phó

Mỗi tộc người thiểu số đều có nét riêng trong thiết kế, nghệ thuật tạo hình, làm nên sự đặc sắc trên bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình. Cũng từ vải bông, vải lanh nhuộm chàm, rồi thêu thổ cẩm như một số dân tộc khác, nhưng ở dân tộc Xá Phó lại có thêm một nét đặc trưng, tạo nên sự...

Ấn tượng trang phục của dân tộc đội mũ hình mái nhà ở Mường Khương

Trang phục của người Pa Dí ở Mường Khương không rực rỡ sắc màu như của người Mông hay người Dao đỏ…, mà mang nét riêng với gam màu chàm chủ đạo cùng những họa tiết tinh tế.

Yêu trang phục của người Dao

Để hoàn thiện bộ trang phục của dân tộc Dao có khi phải mất cả năm, thế nhưng qua đôi tay của chị Giang, giờ đây thời gian đã được rút ngắn rất nhiều.

Bắc Hà bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch

Huyện Bắc Hà có 14 dân tộc cùng sinh sống, mỗi dân tộc có nét văn hóa độc đáo riêng. Thời gian qua, huyện rất chú trọng bảo tồn văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.

Người Mông Sa Pa vượt mưa, xuyên rừng hái chàm nhuộm vải

Cây chàm từ xa xưa đã gắn bó với đời sống sinh hoạt của người Mông Sa Pa. Cộng đồng người Mông truyền tai nhau rằng "ở đâu có người Mông nơi đó có cây chàm" càng khẳng định vai trò quan trọng của loại cây này đối với mỗi thế hệ người Mông trên mảnh đất Sa Pa.

Chung tay xây dựng văn hóa mang bản sắc Lào Cai