Phan Xi Păng - Di sản thiên nhiên Việt Nam

Phan Xi Păng là ngọn núi cao nhất Việt Nam (3.143m), cũng là ngọn núi cao nhất trong ba nước Đông Dương nên được mệnh danh là “Nóc nhà Đông Dương”.
 
Phan Xi Păng thuộc dãy núi Hoàng Liên Sơn, cách thị trấn Sa Pa khoảng 9 km về phía Tây Nam, nằm giáp hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu, được hình thành vào thời kỳ tân tiến tạo cách ngày nay trên 100 triệu năm. Theo tiếng địa phương, núi tên là "Hủa Xi Pan" - có nghĩa là phiến đá khổng lồ chênh vênh. Đây là một bảo tàng thiên nhiên kỳ vĩ, ẩn chứa cả một thảm thực vật, động vật với nhiều loài đặc hữu.

Hệ thực vật ở Phan Xi Păng khá phong phú, có 2.432 loài thực vật thuộc 898 chi, 209 họ thuộc 6 ngành; trong đó có 34 loài có tên trong Sách Đỏ thế giới. Có một số loại thuộc nhóm quý hiếm, đặc trưng của khu vực như Pơ mu, Vân Sam, Thông lùn, Hoàng Liên, Tam thất, Đỗ trọng,…
 

Vân Sam Phan Xi Păng – Loài cây đặc hữu của Việt Nam chỉ phân bố trên dãy núi Hoàng Liên.

Bước đầu đã thống kê được 74 loài thú thuộc 26 họ, nằm trong 8 bộ (trong số 22 loài thú quý hiếm có 15 loài thú được ghi trong sách đỏ Việt Nam, 12 loài trong danh mục sách đỏ IUNC). Có 253 loài chim với 22 loài quý hiếm, trong đó có loài được đưa vào sách đỏ Việt Nam như Hạc cổ trắng, Gà lôi tía, Khách đuôi cờ, Khước mỏ dẹt đuôi ngắn, đặc biệt có một loài vừa bị đe dọa ở Việt Nam và sẽ nguy cấp ở mức độ toàn cầu là Trèo cây lưng đen, một loài gần bị đe dọa toàn cầu là Nuốc đuôi hồng. Có 304 loài bướm, thuộc 138 giống, 10 họ, đây là nơi duy nhất của Việt Nam có nhiều loài bướm chưa được tìm thấy ở các vùng miền khác của đất nước.

Thảm thực vật ở Phan Xi Păng chia làm nhiều tầng, lớp khác nhau. Dưới chân núi là những dãy cây gạo, cây mít, cơi cơi khá rậm rạp mà nay được lấy tên đặt cho các địa danh của tỉnh Lào Cai (Cốc Lếu là gốc gạo, Cốc San là gốc mít rừng…). Đến độ cao 700m là vành đai nhiệt đới, đôi khi còn sót lại những vạt rừng nguyên sinh rậm rạp, dây leo chằng chịt. Từ 700m trở lên là rừng cây hạt trần gồm 6 họ với 20 loài khác nhau. Vùng Séo Mý Tỷ bạt ngàn pơ mu, có những cây to 3 - 4 người ôm không xuể, cao chót vót đến 50-60m, tuổi của chúng đến vài trăm năm. Bên cạnh pơ mu còn nhiều loại gỗ quý hiếm khác như lãnh sam, thiết sam, liễu sam, vân sam, kim sam, thông đỏ, hoàng đàn,...

Phan Xi Păng là thế giới của hoa đỗ quyên, phong lan, hoàng anh rực rỡ. Riêng hoa đỗ quyên có tới 4 chi với 20 loài khác nhau, có nơi hoa đỗ quyên chi chít, rực rỡ cả núi rừng. Ở nước ta có 111 chi phong lan và 634 loài thì riêng Phan Xi Păng có tới 330 loài. Nhiều cây cổ thụ từ gốc tới ngọn đều như khoác tấm áo phong lan: lẵng vàng, lẵng tím, phớt hồng, trắng…
 


Mùa hoa Đỗ Quyên nở.

Lên cao trên 2.400m, gió mây như hoà quyện với rừng cây. Cứ leo lên một nấc, mây ùa tới đặc hơn. Xoè tay, ta có thể nắm được làn mây đang bay. Các vách đá liên tiếp nhô ra như răng cưa. Các cây nhỏ mọc lẻ loi bên hốc đá hoặc bám vào các tầng mùn dày. Trên cùng bề mặt là tầng thảm mịn dày 5 - 6 cm, dẫm chân lên cứ bấp bênh, lùng nhùng. Những cây leo ở đây tưởng chừng không bám nổi vào đất mà nằm trên lớp vỏ mùn dày, khẽ hất, cả chùm cây sẽ đổ.

Từ điểm cao 2.800m mây mù bỗng trốn sạch, bầu trời quang đãng trong xanh. Chỉ có gió, gió ào ạt thổi làm cho thảm thực vật phải dán mình vào đá để tồn tại. Phủ kín mặt đất là trúc lùn. Những bụi trúc thấp lè tè khoảng 25 - 30 cm, cả thân cây trơ trụi, phần cuối mới có một túm lá phất phơ nên loài trúc này được gọi là trúc phất trần, xen kẽ là một số cây thuộc họ cói, họ hoa hồng, họ cúc, họ Hoàng Liên.

Trên điểm cao 2.936 m có cột mốc năm 1905 - người Pháp chinh phục đỉnh cao đã đặt. Trên cao có một khối đá khổng lồ, kê trên những hòn đá nhỏ giống như một chiếc bàn - đó là đỉnh Phan Xi Păng. Cả đỉnh nóc nhà Việt Nam rất nhiều khối đá nhấp nhô, đâm lên trời lởm chởm như răng cưa, bất chấp gió mưa đầy uy nghi hùng vĩ.

Năm 2008, cùng với Vịnh Hạ Long và động Phong Nha, đỉnh Phan Xi Păng được đề cử là 1 trong 7 kỳ quan thiên nhiên thế giới. Với độ cao và cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, Phan Xi Păng là một bảo tàng thiên nhiên kỳ vĩ của Việt Nam đang chinh phục lòng say mê, khám phá của du khách./.
Minh Phượng

Tin Liên Quan

Sôi nổi Giải vô địch đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ tỉnh Lào Cai năm 2024

Giải vô địch đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ tỉnh Lào Cai năm 2024 đang diễn ra vô cùng sôi động, hấp dẫn tại thị trấn Si Ma Cai, huyện Si Ma Cai.

Bồi đắp niềm tự hào văn hóa dân tộc

“Tuần lễ trang phục truyền thống các dân tộc” tỉnh Lào Cai năm 2024 diễn ra từ ngày 15/4 – 19/4 đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các cá nhân, tập thể. Tại các cơ quan, đơn vị, khu dân cư trên địa bàn tỉnh, cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, lao động và người dân thể hiện rõ niền tự hào...

Nghi lễ đặc sắc trong tết Thanh minh của người Bố Y

Người dân tộc Bố Y trên địa bàn tỉnh Lào Cai chỉ có hơn 2000 người, chủ yếu sinh sống ở các xã: Thanh Bình, Nậm Chảy, Tung Chung Phố và thị trấn Mường Khương (huyện Mường Khương). Trong đời sống tâm linh của người Bố Y, tết Thanh Minh “Sứn mìn” đã trở thành nét văn hóa đặc sắc được truyền lại từ...

Đền Quan ghi dấu nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, quân sự

Tọa lạc ở phường biên giới Lào Cai (thành phố Lào Cai), đền Quan là một trong những di tích quan trọng, còn lưu giữ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, quân sự. Thuở xưa, đây là nơi ghi dấu công lao to lớn của quân đội nhà Trần do Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn chỉ huy lên trấn ải vùng biên giới Lào Cai.

Hoa văn phượng hoàng trong trang phục của người Nùng Dín

Mỗi một dân tộc đều có những nét độc đáo riêng trong bản sắc văn hóa truyền thống. Với người Nùng Dín ở vùng biên giới Mường Khương (Lào Cai), một trong những đặc điểm nhận diện rõ nhất trong trang phục truyền thống của họ, chính là vẻ đẹp tinh tế và đầy màu sắc của hoa văn phượng hoàng thêu trên...

Phát triển du lịch từ bản sắc văn hóa

Trong những năm qua, tỉnh Lào Cai luôn kiên định phát triển du lịch dựa trên các giá trị bền vững, gắn với bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số, nhằm từng bước tạo lập trong lòng du khách trong nước và quốc tế thông điệp “An toàn...