Chính phủ Singapore tiếp sức cho nền kinh tế

Chính phủ Singapore đang tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế, khi dịch Covid-19 đang lây lan mạnh, tác động tiêu cực đến các ngành kinh tế mũi nhọn như dịch vụ, du lịch, vận tải… của “đảo quốc sư tử”.
Chính phủ Singapore tiếp sức cho nền kinh tế

Ngành du lịch Singapore chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

 

Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore (MTI) vừa hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này năm 2020 xuống còn từ -0,5% đến 1,5%, so mức dự báo từ 0,5% đến 2,5% trước đó. Thủ tướng Lý Hiển Long đánh giá, sức càn quét của dịch Covid-19 đối với Singapore nghiêm trọng hơn dịch SARS năm 2003, đồng thời nhận định, nền kinh tế Ðông - Nam Á có thể bước vào giai đoạn suy thoái. Bên cạnh dịch Covid-19, MTI nhấn mạnh, con tàu kinh tế Singapore cũng bị chông chênh bởi những sóng gió chung của nền kinh tế toàn cầu, khi tình trạng căng thẳng thương mại giữa nhiều nước tiếp diễn và các cuộc xung đột tại khu vực Trung Ðông khiến thị trường tài chính và nguyên vật liệu trên thế giới liên tục bất ổn.

Giới chuyên gia nhận định, vận tải, du lịch, dịch vụ là các lĩnh vực chịu tác động nghiêm trọng nhất. Singapore là một trong những điểm đến yêu thích của du khách Trung Quốc. Năm 2019, Singapore đón số lượng du khách quốc tế cao kỷ lục, lên đến 19,1 triệu lượt, trong đó du khách Trung Quốc chiếm 19%. Vì vậy, sau khi dịch Covid-19 bùng phát, ngành công nghiệp không khói của Singapore đã chịu thiệt hại đáng kể. Cơ quan du lịch Singapore dự báo, do dịch Covid-19, số khách du lịch đến nước này trong năm 2020 sẽ giảm từ 25% đến 30% so năm trước đó. Theo Tổng cục Du lịch Singapore, "đảo quốc sư tử" ghi nhận sự sụt giảm trung bình từ 18 nghìn đến 20 nghìn khách quốc tế mỗi ngày và hàng loạt sự kiện bị hoãn hoặc hủy.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp Singapore sử dụng người lao động Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng, do sự hạn chế đi lại và chế độ cách ly nhằm giảm sự lây lan của dịch bệnh. Hiện tất cả lao động nước ngoài có thị thực làm việc tại Singapore buộc phải có sự chấp thuận của Bộ Nhân lực nước này trước khi nhập cảnh hoặc quay trở lại làm việc. Bên cạnh tình trạng thiếu hụt người lao động, việc thiếu nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu từ các nước, trong đó có Trung Quốc, khiến hoạt động sản xuất tại nhiều doanh nghiệp Singapore bị đình trệ hoặc được triển khai cầm chừng, nhất là các nhà máy sản xuất điện thoại, ô-tô. Các lĩnh vực khác như ngân hàng, bất động sản, dịch vụ cũng chịu tác động tiêu cực.

Trong nỗ lực giúp nền kinh tế vượt qua giai đoạn nhiều thách thức hiện nay, mới đây, Chính phủ Singapore đã công bố gói tài chính trị giá 4,6 tỷ USD, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi dịch Covid-19. Ngoài ra, một phần trong gói tài chính này được dùng để trợ cấp cho các hộ gia đình có người thân bị nhiễm Covid-19 và giúp ngành y tế chống dịch. Giới phân tích nhận định, khoản ngân sách lớn nêu trên cho thấy sự quyết liệt của Chính phủ Singapore trong việc tránh nguy cơ nền kinh tế rơi vào suy thoái.

Ðể hỗ trợ nền kinh tế trong dài hạn, mới đây, Chính phủ Singapore cũng công bố các biện pháp nhằm giúp các doanh nghiệp mở rộng đầu tư ra nước ngoài, đứng vững trong giai đoạn nhiều khó khăn hiện nay. Hiện Singapore
có 25 hiệp định thương mại tự do với các nền kinh tế trên thế giới, mang lại cơ hội tiếp cận hàng tỷ khách hàng cho các doanh nghiệp nước này. Theo kế hoạch, Singapore sẽ triển khai đồng bộ các biện pháp như hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận thị trường mới ở nước ngoài, gia hạn chương trình giảm thuế thêm 5 năm đối với các công ty đầu tư ra nước ngoài, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ mở rộng kinh doanh ở các nước khác…

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nhận định, dịch Covid-19 sẽ tiếp tục tác động tiêu cực đến nền kinh tế "đảo quốc sư tử" trong thời gian tới. Những giải pháp đồng bộ, kịp thời mà Chính phủ Singapore triển khai trong thời gian qua, được hy vọng sẽ tiếp thêm sức mạnh để nền kinh tế Ðông - Nam Á này vượt qua những thách thức hiện nay và tiếp tục vững bước.

https://nhandan.org.vn/thegioi/tin-tuc/item/43522902-chinh-phu-singapore-tiep-suc-cho-nen-kinh-te.html

Theo Báo Nhân dân

Tin Liên Quan

Mùa hè khắc nghiệt, nền nhiệt cao kỷ lục

Cơ quan khí hậu của Liên minh châu Âu (EU) Copernicus cho biết, tính đến tháng 3 vừa qua, thế giới đã trải qua tháng thứ 10 liên tiếp có nền nhiệt cao kỷ lục, cả nhiệt độ không khí và các đại dương đều ở mức cao nhất mọi thời đại. Nhiều khu vực đã xuất hiện “mùa cháy rừng” tồi tệ nhất trong thế kỷ...

Tổ chức Mặt trận góp phần củng cố quan hệ đoàn kết Việt Nam-Lào-Campuchia

Chiều 9/4 tại thủ đô Vientiane, đã diễn ra Hội nghị Chủ tịch Mặt trận ba nước Campuchia-Lào-Việt Nam lần thứ 5. Hội nghị nhằm củng cố, tăng cường quan hệ hợp tác lâu dài, ổn định và phát triển giữa ba tổ chức Mặt trận của ba nước.

Triển vọng chính sách sản lượng của OPEC+ đối mặt "ngã ba đường"

Mặc dù kỳ vọng OPEC+ bắt đầu nghĩ đến việc chấm dứt kế hoạch cắt giảm sản lượng là hợp lý, nhưng việc khối này giữ nguyên các hạn chế có thể hợp lý hơn.

Khai mạc Hội chợ thương mại Việt Nam-Lào-Campuchia-Thái Lan

Chiều 10/4 tại tỉnh Champasak đã diễn ra lễ khai mạc “Hội chợ triển lãm trưng bày sản phẩm và các hoạt động kết nối đầu tư, thương mại, du lịch giữa các doanh nghiệp Việt Nam-Lào-Campuchia-Thái Lan”.

Hợp tác bảo vệ tài nguyên nước

Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) nhận định, khủng hoảng nước là một trong số những rủi ro hàng đầu đối với thế giới. Biến đổi khí hậu khiến nhiều khu vực trên thế giới đối mặt tình trạng thiếu nước trầm trọng, làm đảo lộn sinh hoạt của người dân và cản trở sự phát triển kinh tế.

Tín hiệu tích cực từ các "đầu tàu" kinh tế

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong quý IV/2023 tăng trưởng 3,4%, cao hơn so với mức 3,2% dự báo trước đó; Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của ngành sản xuất Trung Quốc trong tháng 3 lần đầu quay lại ngưỡng trên 50 điểm sau 5 tháng giảm liên tục. Ðó là những tín hiệu tích cực từ các "đầu tàu" kinh...