Báo Singapore: Câu chuyện thành công của Việt Nam nổi bật trước Hội nghị cấp cao ASEAN

Báo The Straits Times của Singapore ngày 9-11 đăng bài viết có tiêu đề “Vietnam's success story in spotlight ahead of Asean Summit” (tạm dịch: Câu chuyện thành công của Việt Nam nổi bật trước Hội nghị cấp cao ASEAN”).

Ảnh chụp màn hình bài báo đăng trên The Straits Times, ngày 9-11.

Trong bài viết này, tác giả Grace Ho cho rằng: “Trong lúc mọi ánh mắt đều hướng về Hội nghị cấp cao ASEAN chuẩn bị diễn ra tại Hà Nội từ thứ Tư đến Chủ nhật tuần này, câu chuyện thành công về kinh tế của Việt Nam cũng là chủ đề thu hút nhiều sự chú ý”.

Nền kinh tế Việt Nam đã liên tục chuyển mình mạnh mẽ trong thập kỷ qua, tăng trưởng từ 5 đến 7% mỗi năm. Các nhà đầu tư nước ngoài đặc biệt ấn tượng với tầng lớp trung lưu ngày càng phát triển, khu vực tư nhân sôi động và dân số trẻ. Khoảng 70% trong số 95 triệu người Việt Nam dưới 35 tuổi.

Những cơ hội về kinh tế

Bài báo dẫn lời nữ Đại sứ đầu tiên của Singapore tại Việt Nam, bà Catherine Wong, cho rằng, đối với Singapore, quan hệ kinh tế là “trụ cột” trong mối quan hệ với Việt Nam.

Trao đổi ý kiến với The Straits Times vào ngày 4-11, từ Hà Nội, Đại sứ Catherine Wong cho biết, Singapore hiện là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn thứ ba tại Việt Nam. “Điều này rất có ý nghĩa vì hai nhà đầu tư hàng đầu Hàn Quốc và Nhật Bản đều là những nền kinh tế lớn hơn Singapore rất nhiều”, bà Catherine Wong phân tích. 

Biểu tượng hợp tác lâu dài giữa Singapore và Việt Nam gồm có liên doanh Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore 24 năm tuổi, cùng với thỏa thuận khung kết nối từ năm 2006 nhằm thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực như tài chính, công nghệ thông tin và vận tải. 

Đại sứ Catherine Wong nhấn mạnh hai nước còn có những cơ hội mới để hợp tác khi kết cấu hạ tầng cùng với các giải pháp đô thị, đổi mới, khởi nghiệp cũng như thương mại điện tử tại Việt Nam đang phát triển nhanh chóng. 

Một lĩnh vực tăng trưởng khác của Việt Nam là thương mại nông sản. Đại sứ bày tỏ hy vọng sẽ đa dạng hóa nguồn cung cấp thực phẩm bằng cách đưa thêm nhiều nông sản và thủy sản Việt Nam vào Singapore. 

Ứng phó đại dịch Covid-19, tỷ lệ tử vong thấp

Đại sứ Catherine Wong nhận định, Việt Nam đã thực hiện một số biện pháp rất nghiêm ngặt, ứng phó nhanh, sớm chuẩn bị để xử lý các ca nhiễm mới có thể xuất hiện trong nước sau khi những ca bệnh đầu tiên được ghi nhận tại Trung Quốc. Việt Nam cũng phát triển bộ xét nghiệm, máy thở và nghiên cứu vaccine phòng Covid-19.

Theo bà Catherine Wong, Việt Nam đã trải qua hai làn sóng lây nhiễm, một làn sóng trong tháng 3 và một làn sóng trong tháng 4, và đợt bùng phát cục bộ ở TP Đà Nẵng trong tháng 7 và 8. Tuy nhiên, phản ứng nhanh chóng của các nhà chức trách và các biện pháp phong tỏa toàn diện đã giúp hạn chế sự lây nhiễm trong nước. 

Với lý do này, Singapre tự tin khi quyết định đơn phương dỡ bỏ các hạn chế đi lại đối với du khách Việt Nam từ ngày 8-10. Tuy nhiên, do Việt Nam vẫn đóng cửa đường biên giới cho nên bà  Catherine Wong cho rằng bước tiếp theo là cần xem xét hoạt động đi lại hai chiều có thể được nới lỏng như thế nào kèm theo các biện pháp phòng ngừa để bảo đảm an toàn.

Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị cấp cao liên quan sẽ diễn ra từ ngày 12 đến 15-11, theo hình thức trực tuyến.

Trong vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020, Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37, Hội nghị cấp cao ASEAN - Trung Quốc lần thứ 23, Hội nghị cấp cao ASEAN - Nhật Bản lần thứ 23, Hội nghị cấp cao ASEAN - Hàn Quốc lần thứ 21, Hội nghị cấp cao ASEAN - Ấn Độ lần thứ 17, Hội nghị cấp cao ASEAN - Liên hợp quốc lần thứ 11, Hội nghị cấp cao ASEAN - Hoa Kỳ lần thứ 8, Hội nghị cấp cao ASEAN - Australia lần thứ 2, Hội nghị cấp cao kỷ niệm 45 năm quan hệ đối tác ASEAN - New Zealand, Hội nghị cấp cao ASEAN+3 lần thứ 23, Hội nghị cấp cao Đông Á lần thứ 15, Hội nghị cấp cao các nước tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Hội nghị cấp cao các nhà lãnh đạo nữ ASEAN. Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng sẽ chủ trì Hội nghị cấp cao Mê Công - Nhật Bản lần thứ 12 và Hội nghị cấp cao Mê Công - Hàn Quốc lần thứ 2.

Dự kiến, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sẽ có phát biểu chào mừng Hội nghị; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch AIPA 41 phát biểu đại diện cho Việt Nam tại Hội nghị cấp cao các nhà lãnh đạo nữ ASEAN.

Trước đó, trong các ngày 10 và 11-11, diễn ra các hội nghị trù bị. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN không chính thức, Hội nghị Hội đồng Điều phối ASEAN lần thứ 28 và Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN lần thứ 22. Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh chủ trì Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Kinh tế ASEAN lần thứ 19 và Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế RCEP trù bị.

https://nhandan.org.vn/cong-dong-asean/bao-singapore-cau-chuyen-thanh-cong-cua-viet-nam-noi-bat-truoc-hoi-nghi-cap-cao-asean-623918/

Theo Báo Nhân dân

Tin Liên Quan

Mùa hè khắc nghiệt, nền nhiệt cao kỷ lục

Cơ quan khí hậu của Liên minh châu Âu (EU) Copernicus cho biết, tính đến tháng 3 vừa qua, thế giới đã trải qua tháng thứ 10 liên tiếp có nền nhiệt cao kỷ lục, cả nhiệt độ không khí và các đại dương đều ở mức cao nhất mọi thời đại. Nhiều khu vực đã xuất hiện “mùa cháy rừng” tồi tệ nhất trong thế kỷ...

Tổ chức Mặt trận góp phần củng cố quan hệ đoàn kết Việt Nam-Lào-Campuchia

Chiều 9/4 tại thủ đô Vientiane, đã diễn ra Hội nghị Chủ tịch Mặt trận ba nước Campuchia-Lào-Việt Nam lần thứ 5. Hội nghị nhằm củng cố, tăng cường quan hệ hợp tác lâu dài, ổn định và phát triển giữa ba tổ chức Mặt trận của ba nước.

Triển vọng chính sách sản lượng của OPEC+ đối mặt "ngã ba đường"

Mặc dù kỳ vọng OPEC+ bắt đầu nghĩ đến việc chấm dứt kế hoạch cắt giảm sản lượng là hợp lý, nhưng việc khối này giữ nguyên các hạn chế có thể hợp lý hơn.

Khai mạc Hội chợ thương mại Việt Nam-Lào-Campuchia-Thái Lan

Chiều 10/4 tại tỉnh Champasak đã diễn ra lễ khai mạc “Hội chợ triển lãm trưng bày sản phẩm và các hoạt động kết nối đầu tư, thương mại, du lịch giữa các doanh nghiệp Việt Nam-Lào-Campuchia-Thái Lan”.

Hợp tác bảo vệ tài nguyên nước

Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) nhận định, khủng hoảng nước là một trong số những rủi ro hàng đầu đối với thế giới. Biến đổi khí hậu khiến nhiều khu vực trên thế giới đối mặt tình trạng thiếu nước trầm trọng, làm đảo lộn sinh hoạt của người dân và cản trở sự phát triển kinh tế.

Tín hiệu tích cực từ các "đầu tàu" kinh tế

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong quý IV/2023 tăng trưởng 3,4%, cao hơn so với mức 3,2% dự báo trước đó; Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của ngành sản xuất Trung Quốc trong tháng 3 lần đầu quay lại ngưỡng trên 50 điểm sau 5 tháng giảm liên tục. Ðó là những tín hiệu tích cực từ các "đầu tàu" kinh...