Bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc rất ít người

Thành lập được 14 đội văn nghệ dân tộc Xá Phó, dân tộc Bố Y tại 14 thôn của 12 xã thuộc 7 huyện, thị xã, thành phố hoạt động khởi sắc, tiến bộ. Các đội văn nghệ tổ chức tập luyện, biểu diễn bài bản và các tiết mục đặc sắc, đa dạng, góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc. Đó là kết quả bước đầu của Dự án “Hỗ trợ bảo tồn văn hóa dân tộc” thuộc Đề án 2086 của Chính phủ triển khai trên địa bàn tỉnh do Ban Dân tộc tỉnh phối hợp với Trường Cao đẳng Lào Cai thực hiện.
Đội văn nghệ dân tộc Xá Phó thôn 2 Nhai Thổ (xã Kim Sơn) luyện tập.

Để triển khai dự án, Trường Cao đẳng Lào Cai đã phối hợp với UBND các xã: Liên Minh (thị xã Sa Pa), Thống Nhất (thành phố Lào Cai), Kim Sơn (Bảo Yên), Sơn Thủy, Nậm Dạng (Văn Bàn), Thanh Bình, Tung Chung Phố, Nậm Chảy (Mường Khương), Na Hối, Nậm Đét (Bắc Hà) khảo sát, lựa chọn thành viên đội văn nghệ để luyện tập, biểu diễn và lưu giữ, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc Xá Phó, Bố Y. UBND các xã đã kiện toàn danh sách các đội văn nghệ dân tộc thiểu số của thôn gồm 30 người, 100% là đồng bào dân tộc Xá Phó, Bố Y, trong đó ngoài các nghệ nhân còn khuyến khích sự tham gia của người dân tại thôn, bản, có sự điều chỉnh bổ sung thành viên, đặc biệt là số thành viên trẻ.

Ông Đỗ Xuân Quỳnh, Giám đốc Trung tâm Thực nghiệm và Biểu diễn (Trường Cao đẳng Lào Cai) cho biết: Trung tâm đã cử cán bộ, giảng viên giảng dạy và hướng dẫn các nội dung về ca múa nhạc và dẫn chương trình cho đội văn nghệ, đồng thời khảo sát cụ thể cơ sở vật chất, nhân sự và thời gian để tiến hành đợt giảng dạy. Các nhóm thực hiện dự án đã tham gia tư vấn cho UBND các xã trong việc lựa chọn thành viên đội văn nghệ; xây dựng kế hoạch và nội dung đề cương chương trình giảng dạy chi tiết cho đội văn nghệ về tiêu chuẩn, tiêu chí quy định xây dựng đội văn nghệ thôn, bản của UBND tỉnh.

Trung tâm Thực nghiệm và Biểu diễn cũng hướng dẫn cho các nghệ nhân đội văn nghệ sử dụng một số nhạc cụ dân tộc như đàn tròn, đàn bầu, sáo Mông, đàn tính, trống dân tộc, khèn Mông, phách, chuông, chùm quả nhạc; một số động tác múa nâng cao; luyện tập bài sáng tác mới và các tiết mục múa trên cơ sở phát triển giai điệu, chất liệu múa dân tộc Xá Phó, Bố Y...

Đội văn nghệ được thành lập với phương châm hoạt động lâu dài, góp phần khôi phục và bảo tồn những giá trị văn hóa của đồng bào Xá Phó, Bố Y, đồng thời quảng bá các nét văn hóa độc đáo, nguyên bản, mang tính cộng đồng của đồng bào các dân tộc này tại cơ sở, phục vụ hoạt động du lịch tại địa phương.

Đội văn nghệ dân tộc Xá Phó thôn Ta Khuấn của xã Sơn Thủy (Văn Bàn) được thành lập với 30 thành viên. Chị Lự Thị Đông, thành viên đội văn nghệ cho biết: Tham gia đội văn nghệ không chỉ góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa mà còn giúp tôi hiểu biết sâu sắc hơn về các làn điệu dân ca, dân vũ của dân tộc mình. Không chỉ đáp ứng nhu cầu tinh thần của bản thân, đội văn nghệ còn biểu diễn trong những ngày lễ, Tết của dân tộc, những ngày hội của quê hương...

Đội văn nghệ dân tộc thiểu số Xá Phó, Bố Y của 14 thôn đều có đội trưởng, đội phó đội để quản lý, tổ chức các hoạt động của đội nhằm xây dựng, tổ chức được chương trình văn nghệ đơn giản tại thôn, bản và có khả năng phối hợp với các đơn vị khác xây dựng, tổ chức chương trình giao lưu văn nghệ... đáp ứng các tiêu chí, tiêu chuẩn của UBND tỉnh ban hành. Trong đó, có 12 nghệ nhân tham gia tốp múa dân tộc, 8 nghệ nhân tham gia tốp hát, 10 nghệ nhân tham gia dàn nhạc dân tộc... Anh Hà Anh Tuấn, Đội trưởng Đội văn nghệ Phù Lá thôn 2 Nhai Thổ (xã Kim Sơn, huyện Bảo Yên) cho biết: Các thành viên rất hào hứng tham gia luyện tập những bài hát, điệu múa mang bản sắc dân tộc mình.

Đến nay, mỗi đội văn nghệ đã hoàn thành chương trình văn nghệ gồm 5 tác phẩm: 1 tác phẩm múa tập thể có sử dụng nhạc của dân tộc Xá Phó, Bố Y; 1 tác phẩm múa độc lập, ghép và khớp với âm nhạc; 1 tác phẩm hòa tấu về nhạc cụ dân tộc; 1 tác phẩm hát có múa phụ họa (các bài hát về Đảng, Bác Hồ, quê hương, đất nước); 1 tác phẩm ca khúc mang âm hưởng dân ca dân tộc Xá Phó, Bố Y được sáng tác mới.

Đánh giá hiệu quả Dự án “Hỗ trợ bảo tồn văn hóa dân tộc”, ông Nông Đức Ngọc, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh khẳng định: Các đội văn nghệ cơ bản đã đạt được những tiêu chuẩn và tiêu chí xây dựng đội văn nghệ thôn, bản đề ra. Đặc biệt, các thành viên đội văn nghệ luôn nhiệt tình luyện tập với trách nhiệm cao. Dự án có ý nghĩa nhân văn sâu sắc là tăng cường, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho vùng dân tộc thiểu số nói chung và dân tộc Xá Phó, Bố Y trên địa bàn tỉnh nói riêng.

http://baolaocai.vn/bai-viet/9395/bao-ton-ban-sac-van-hoa-dan-toc-rat-it-nguoi

 

Theo LCĐT

Tin Liên Quan

Sôi nổi Giải vô địch đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ tỉnh Lào Cai năm 2024

Giải vô địch đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ tỉnh Lào Cai năm 2024 đang diễn ra vô cùng sôi động, hấp dẫn tại thị trấn Si Ma Cai, huyện Si Ma Cai.

Bồi đắp niềm tự hào văn hóa dân tộc

“Tuần lễ trang phục truyền thống các dân tộc” tỉnh Lào Cai năm 2024 diễn ra từ ngày 15/4 – 19/4 đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các cá nhân, tập thể. Tại các cơ quan, đơn vị, khu dân cư trên địa bàn tỉnh, cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, lao động và người dân thể hiện rõ niền tự hào...

Nghi lễ đặc sắc trong tết Thanh minh của người Bố Y

Người dân tộc Bố Y trên địa bàn tỉnh Lào Cai chỉ có hơn 2000 người, chủ yếu sinh sống ở các xã: Thanh Bình, Nậm Chảy, Tung Chung Phố và thị trấn Mường Khương (huyện Mường Khương). Trong đời sống tâm linh của người Bố Y, tết Thanh Minh “Sứn mìn” đã trở thành nét văn hóa đặc sắc được truyền lại từ...

Đền Quan ghi dấu nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, quân sự

Tọa lạc ở phường biên giới Lào Cai (thành phố Lào Cai), đền Quan là một trong những di tích quan trọng, còn lưu giữ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, quân sự. Thuở xưa, đây là nơi ghi dấu công lao to lớn của quân đội nhà Trần do Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn chỉ huy lên trấn ải vùng biên giới Lào Cai.

Hoa văn phượng hoàng trong trang phục của người Nùng Dín

Mỗi một dân tộc đều có những nét độc đáo riêng trong bản sắc văn hóa truyền thống. Với người Nùng Dín ở vùng biên giới Mường Khương (Lào Cai), một trong những đặc điểm nhận diện rõ nhất trong trang phục truyền thống của họ, chính là vẻ đẹp tinh tế và đầy màu sắc của hoa văn phượng hoàng thêu trên...

Phát triển du lịch từ bản sắc văn hóa

Trong những năm qua, tỉnh Lào Cai luôn kiên định phát triển du lịch dựa trên các giá trị bền vững, gắn với bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số, nhằm từng bước tạo lập trong lòng du khách trong nước và quốc tế thông điệp “An toàn...