Tháng Hai rét lộc...

Tháng Giêng rét đài, tháng Hai rét lộc..., câu ngạn ngữ như cung đàn có thang có bậc, nửa là kinh nghiệm thời tiết, nửa nói lên cái phấp phỏng, háo hức của người, của vật, của cây lá trước tiến triển của mùa luôn ngân nga trong mưa xuân, nắng xuân trên ngàn năm đất Việt.

Trước đây ở miền Bắc khí hậu ôn hòa, bốn mùa rõ rệt, mùa đông rét tê tái khiến cây cối phải trút hết lá để âm thầm nuôi rễ, nuôi thân. Ba tháng ngủ đông trong khẳng khiu, gầy guộc, tháng Giêng về dòng nhựa trong lớp vỏ sù sì của cây bỗng hớn hở đón những hạt mưa xuân náo nức để tách vỏ bật mầm, nở hoa háo hức. Tháng Giêng mưa mà như không mưa, rét mà như không rét, những cơn mưa phùn tháng Giêng chỉ đủ cho làm duyên khi đậu trên những mái tóc óng đen, những đôi má ửng hồng, những vạt áo mớ ba mớ bảy, đặc biệt những hạt nước li ti ấy vương vấn, thấm sâu vào thân, vào cành, vào rễ cây như thôi thúc sự hồi sinh khiến cho cây cối khắp mọi miền phải nhanh chóng nhập cuộc với thời vụ. Còn rét. Tháng Giêng xưa hầu như không còn gió mùa Đông Bắc, khi mùa đông đã làm xong phận sự, sang xuân, những cơn gió mang cái rét căm căm kèm theo mưa dầm nhường cho cái rét ngọt đủ để cho những giọt mưa xuân làm ẩm cả đất trời, đủ để cho muôn cây cùng xanh, muôn hoa cùng nở, cùng thể hiện sức sống mãnh liệt của thiên nhiên, đồng thời đáp ứng được niềm vui, hy vọng của con người. Trong khúc hát giao mùa của tháng Giêng, những chồi non mang màu lộc biếc bừng lên, những cánh hoa mang tinh khiết của đất trời bừng lên. Trong giời sinh giời dưỡng, những cánh hoa ướp ủ trong mưa xuân, trong rét ngọt sau một con trăng rụng dần chỉ còn lại những đài hoa. Những đài hoa đó lại phấp phỏng, lại náo nức đón ngày mới, thời tiết mới để hứa hẹn mùa quả đậu. Có thể hai từ “rét đài” của tháng Giêng bắt nguồn từ chu kỳ thời tiết, chu kỳ sinh trưởng của cây cối, của mùa như thế chăng?...

Tháng Hai, tháng của sinh sôi. Từ cái “bữa ấy mưa xuân phơi phới bay”(*) ấy sang tháng Hai mưa xuân vẫn còn dùng dằng nhưng nắng xuân đã bừng lên. Những giọt nắng non ong óng đã làm không khí ấm dần lên, song vẫn còn đó đêm đêm những làn mưa bụi lây rây, vẫn còn đó những hạt sương to mọng từ “quá mù ra mưa” đậu hờ trên tán lá, vẫn còn đó cái lạnh “rét chẳng ra rét, nóng chẳng ra nóng” trải dọc đêm dài, thỉnh thoảng một cơn mưa bất chợt lại rót “sữa giời” xuống nuôi cây... Trong tiết xuân phân ấy lúa vào thì con gái, khoai bắt đầu nuôi củ, mướp, bầu bắt đầu lên giàn, lá non dần cứng cáp, đài hoa dần thành quả…, vạn vật không bỏ lỡ cơ hội để tạo nên sinh sôi nảy nở. Có thể đó gọi là tháng Hai rét lộc chăng?...

Dẫu những suy luận của tôi có đúng hay không nhưng ngàn đời qua cứ đến tháng Giêng là mưa xuân, là rét ngọt, là cây nảy mầm, bật hoa, cứ đến tháng Hai là nắng lên, rét ủ, là hoa dần thành quả. Bây giờ trái đất nóng lên, nhiều năm mùa chẳng theo mùa, nhiều năm sang tháng ba vẫn rét đậm rét hại, những năm trái mùa đó vạn vật phải cương lên để tồn tại và phát triển, song dẫu sao cây vẫn bật mầm trổ hoa theo quy luật, con người vẫn luôn nương theo mùa vụ, bắt mùa vụ cho gặt hái mùa màng.

http://baolaocai.vn/bai-viet/209647-thang-hai-ret-loc

 

Theo LCĐT

Tin Liên Quan

Sôi nổi Giải vô địch đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ tỉnh Lào Cai năm 2024

Giải vô địch đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ tỉnh Lào Cai năm 2024 đang diễn ra vô cùng sôi động, hấp dẫn tại thị trấn Si Ma Cai, huyện Si Ma Cai.

Bồi đắp niềm tự hào văn hóa dân tộc

“Tuần lễ trang phục truyền thống các dân tộc” tỉnh Lào Cai năm 2024 diễn ra từ ngày 15/4 – 19/4 đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các cá nhân, tập thể. Tại các cơ quan, đơn vị, khu dân cư trên địa bàn tỉnh, cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, lao động và người dân thể hiện rõ niền tự hào...

Nghi lễ đặc sắc trong tết Thanh minh của người Bố Y

Người dân tộc Bố Y trên địa bàn tỉnh Lào Cai chỉ có hơn 2000 người, chủ yếu sinh sống ở các xã: Thanh Bình, Nậm Chảy, Tung Chung Phố và thị trấn Mường Khương (huyện Mường Khương). Trong đời sống tâm linh của người Bố Y, tết Thanh Minh “Sứn mìn” đã trở thành nét văn hóa đặc sắc được truyền lại từ...

Đền Quan ghi dấu nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, quân sự

Tọa lạc ở phường biên giới Lào Cai (thành phố Lào Cai), đền Quan là một trong những di tích quan trọng, còn lưu giữ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, quân sự. Thuở xưa, đây là nơi ghi dấu công lao to lớn của quân đội nhà Trần do Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn chỉ huy lên trấn ải vùng biên giới Lào Cai.

Hoa văn phượng hoàng trong trang phục của người Nùng Dín

Mỗi một dân tộc đều có những nét độc đáo riêng trong bản sắc văn hóa truyền thống. Với người Nùng Dín ở vùng biên giới Mường Khương (Lào Cai), một trong những đặc điểm nhận diện rõ nhất trong trang phục truyền thống của họ, chính là vẻ đẹp tinh tế và đầy màu sắc của hoa văn phượng hoàng thêu trên...

Phát triển du lịch từ bản sắc văn hóa

Trong những năm qua, tỉnh Lào Cai luôn kiên định phát triển du lịch dựa trên các giá trị bền vững, gắn với bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số, nhằm từng bước tạo lập trong lòng du khách trong nước và quốc tế thông điệp “An toàn...