Lào Cai: Chi hơn 55 tỷ đồng cho công tác bảo vệ và phát triển rừng

Tỉnh Lào Cai hiện có 334.893,22 ha rừng (138.758,76 ha rừng sản xuất; 150.547,31 ha rừng phòng hộ; 45.587,15 ha rừng đặc dụng). Trong nhiều năm qua, công tác bảo vệ và phát triển rừng được tỉnh đặc biệt quan tâm nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, hạn chế thiên tai, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
 


Rừng phòng hộ được bảo vệ nghiêm ngặt tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên. (Ảnh: Phạm Sơn)

Trong năm 2012, tỉnh đã bố trí vốn và chỉ đạo các đơn vị chức năng ký hợp đồng giao khoán với các hộ gia đình, nhóm hộ, cộng đồng. Giao 327.955 ha cho các gia đình bảo vệ rừng; khoanh nuôi tái sinh mới 1.300 ha và trồng mới 653 ha rừng phòng hộ tập trung. Đặc biệt, việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng rừng, như trồng Keo gỗ xẻ cung cấp gỗ lớn tại Bát Xát, Bảo Thắng, Lào Cai; dự án trồng rừng nguyên liệu cao sản tại Bảo Thắng, Văn Bàn đảo bảo yêu cầu thâm canh, đưa giống mới, có năng suất cao, chất lượng tốt vào sản xuất,... nhờ vậy diện tích rừng trồng tăng lên đáng kể. Năm 2012, đã có thêm hơn 2.388 ha rừng sản xuất được trồng mới, góp phần nâng độ che phủ rừng trong toàn tỉnh lên 51,3%.

Thực hiện kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng năm 2013, toàn tỉnh đặt mục tiêu tập trung bảo vệ 327.955 ha rừng; trồng mới 6.428 ha rừng sản xuất, 340 ha rừng phòng hộ; cải tạo 350 ha rừng sản xuất; khoanh nuôi tái sinh mới 1.300 ha rừng phòng hộ. Để thực hiện mục tiêu đó, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã chuẩn bị trên 16 triệu cây giống để trồng rừng phòng hộ và rừng sản xuất, với tổng kinh phí 55,216 tỷ đồng.

Tuy nhiên trên thực tế, công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh vẫn còn những tồn tại, bất cập cần được giải quyết. Việc trồng rừng sản xuất ở một vài địa phương vùng thấp gắn với vùng nguyên liệu của các nhà máy chưa hiệu quả do doanh nghiệp chưa có chính sách cụ thể, người dân không có kinh phí đầu tư trồng rừng trên đất lâm nghiệp được giao nên đã chuyển sang trồng ngô, sắn để đáp ứng nhu cầu trước mắt. Vẫn còn xảy ra tình trạng phá rừng; khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép; các cơ sở chế biến còn ở gần rừng khó cho việc quản lý tài nguyên rừng và dẫn đến việc suy thoái, giảm chất lượng rừng do khai thác trái phép các loại lâm sản ngoài gỗ. Việc huy động nguồn lực trong dân và doanh nghiệp để đầu tư vào trồng rừng nguyên liệu còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất do chưa có cơ chế tiêu thụ sản phẩm.

Để thực hiện tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng, tỉnh Lào Cai chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp với chính quyền địa phương rà soát, xác định thực trạng sử dụng đất rừng và diện tích rừng thuộc các chủ quản lý, như: Rừng và đất rừng của các Ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; hộ gia đình, cộng đồng, xã quản lý, từ đó tiến hành giao đất, giao rừng để rừng và đất rừng thực sự có chủ.

Thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác quản lý bảo vệ rừng, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia và huy động các nguồn lực đầu tư cho bảo vệ và phát triển rừng sản xuất. Tại những nơi đất trống có khả năng tái sinh phục hồi phải khoanh nuôi tái sinh là chính. Ưu tiên khoán bảo vệ rừng đối với các khu rừng phòng hộ, rừng đặc dụng ở khu vực thường xuyên bị đe dọa khai thác trái phép.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về rừng. Biên soạn các tài liệu về kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng để phát thanh qua hệ thống truyền thanh cơ sở tuyên truyền tới hộ gia đình, cá nhân tham gia bảo vệ rừng.

Kiện toàn và nâng cao số lượng, chất lượng lực lượng kiểm lâm; trang bị phương tiện hoạt động, từng bước bổ sung năng lực cho lực lượng kiểm lâm nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Từ đó góp phần thực hiện có hiệu quả công tác đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng.

Tổ chức lồng ghép các chương trình dự án hỗ trợ lâm nghiệp như: Trồng rừng sản xuất, nâng cấp rừng phòng hộ, trồng cây phân tán, phát triển lâm sản ngoài gỗ, xây dựng các công trình lâm sinh, quản lý đa dạng sinh học nhằm làm chuyển biến rõ nét trong công tác bảo vệ và phát triển rừng./.
Nguyễn Quang

Tin Liên Quan

Đẩy mạnh phân cấp trong quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh Lào Cai

UBND tỉnh Lào Cai vừa ban hành Quyết định số 875/QĐ-UBND ngày 19/4/2024 về Đề án đẩy mạnh phân cấp trong quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký.

Mường Khương: Nỗ lực nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông cho Nhân dân

Mường Khương là huyện vùng cao biên giới với 23 dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm trên 87% tổng dân số. Ý thức, kỹ năng tham gia giao thông của một bộ phận người dân, đặc biệt người dân vùng sâu, vùng xa còn hạn chế. Thách thức lớn nhất với Mường Khương là thay đổi thói quen sử...

Lào Cai: Phát động Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024

Sáng 26/4, Ủy ban nhân dân tỉnh phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh Lào Cai tổ chức Lễ phát động Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024.

Phát triển dịch vụ ligistics, thúc đẩy hợp tác, kết nối xuất nhập khẩu

Với tiềm năng phát triển kinh tế đa ngành, đa lĩnh vực như công nghiệp, nông lâm nghiệp, du lịch, thương mại dịch vụ, đặc biệt kinh tế cửa khẩu là những điều kiện thuận lợi để Lào Cai thúc đẩy phát triển dịch vụ logicstics.

Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Xuân Trường làm việc với Tập đoàn Erex (Nhật Bản)

Tiếp tục chuyến thăm và làm việc tại Nhật Bản, chiều 24/4, Đoàn đại biểu tỉnh Lào Cai do đồng chí Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Tập đoàn Erex.

Bảo Thắng tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số huyện lần thứ IV, năm 2024

Sáng 25/4, huyện Bảo Thắng đã long trọng tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ IV, năm 2024.