Những ân tình tháng Bảy

Hằng năm, tháng Bảy càng trở nên ý nghĩa hơn bao giờ hết bởi tình cảm, trách nhiệm, sự tri ân của mọi người hướng về các gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng. Đó là nét đẹp trong tâm thức, trong mạch nguồn đạo lý của dân tộc và của mỗi người dân Lào Cai.

Càng đến dịp kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7), các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa trên địa bàn huyện Bảo Thắng càng thêm sôi nổi. Ông Lê Quốc Phú, Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Bảo Thắng bận rộn hơn bởi có nhiều tổ chức đến đăng ký tham gia hoạt động tri ân. Tiếp đón xong đại diện một đơn vị đến đăng ký tặng quà gia đình người có công với cách mạng, ông Phú mới có thời gian trao đổi với chúng tôi. “Đã thành nét đẹp, tháng Bảy hằng năm, các hoạt động tri ân gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng được địa phương tổ chức chu đáo và tạo sự lan tỏa đến mọi người dân, các tổ chức trong và ngoài huyện”, ông Phú cho biết.

Đoàn viên, thanh niên Lào Cai chăm sóc phần mộ liệt sĩ.

Trong dịp kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ năm nay, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh huyện Bảo Thắng, Viettel Bảo Thắng, Công ty Cổ phần đầu tư TNG Holdings Việt Nam đã ủng hộ gần 50 triệu đồng và trực tiếp tham gia dọn dẹp, vệ sinh các nghĩa trang liệt sĩ của huyện. Huyện Bảo Thắng cũng trích ngân sách địa phương tặng 958 suất quà cho người có công trên địa bàn với trị giá gần 300 triệu đồng. Đặc biệt, huyện đã đề nghị tỉnh và được phê duyệt hỗ trợ xây mới 10 nhà, trị giá 500 triệu đồng cho người có công, đồng thời sử dụng ngân sách địa phương hỗ trợ sửa chữa 3 nhà, xây mới 3 nhà cho người có công. Đúng ngày Thương binh - Liệt sĩ, huyện tổ chức khởi công 4 nhà và bàn giao đưa vào sử dụng 3 nhà. Bà Nguyễn Thị Hạt (xã Phú Nhuận) là người hoạt động kháng chiến không giấu nổi niềm vui khi được bàn giao nhà ở trong dịp này. Bà Hạt bộc bạch: Căn nhà gỗ làm từ lâu đã xuống cấp, trở thành nỗi lo của gia đình. Được sự hỗ trợ của tỉnh và huyện, gia đình tôi làm được căn nhà mới kiên cố, khang trang, yên tâm hơn mỗi khi mưa gió.

Sự phấn khởi của bà Hạt cũng là niềm vui của ông Vũ Xuân Mừng (xã Trì Quang), người hoạt động kháng chiến và ông Trần Minh Oai (xã Thái Niên), người bị nhiễm chất độc hóa học khi cùng được bàn giao nhà mới trong ngày 27/7 năm nay.

Không chỉ Bảo Thắng, mà các địa phương trong tỉnh đều tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, như thăm hỏi, tặng quà các gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng; thắp nến tri ân… làm sáng lên đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam. Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Trong những năm qua, công tác đền ơn, đáp nghĩa luôn được Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh đặc biệt quan tâm bằng những việc làm cụ thể, mang tính nhân văn sâu sắc. Tỉnh đã thẩm định, công nhận mới 382 người có công được hưởng chế độ theo quy định của Nhà nước. Hiện nay, tổng số hồ sơ người có công đang quản lý trong tỉnh là hơn 25.000 hồ sơ, các ngành, địa phương đã chi trả tận tay, đúng, đủ, kịp thời chế độ ưu đãi người có công hằng năm hơn 100 tỷ đồng. Thực hiện Quyết định số 22 ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở, tỉnh đã xây dựng Đề án hỗ trợ nhà ở đối với người có công với cách mạng, hỗ trợ 2.680 hộ, tổng kinh phí gần 7 tỷ đồng. Đặc biệt, trong gần 2 năm, đại dịch Covid-19 đã tác động đến cuộc sống của người có công trên địa bàn, tuy nhiên, thực hiện Nghị quyết số 42 ngày 9/4/2021 của Chính phủ, tỉnh đã hỗ trợ kịp thời 2.979 người có công với cách mạng và thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp hằng tháng với số tiền gần 4,5 tỷ đồng.

Một trong những hoạt động nổi bật của tỉnh là công tác chăm sóc 48 công trình ghi công, trong đó có 2 công trình đài tưởng niệm anh hùng liệt sĩ, 24 công trình bia tưởng niệm ghi tên liệt sĩ, 22 nghĩa trang liệt sĩ với 2.553 mộ liệt sĩ. Tỉnh cũng chỉ đạo ngành chức năng phối hợp với bưu điện lập sơ đồ, chụp ảnh đưa dữ liệu lên Cổng thông tin nghĩa trang liệt sĩ, mộ liệt sĩ quốc gia phục vụ việc tra cứu, tìm kiếm thông tin mộ liệt sĩ.

Cùng với đó, việc triển khai Cuộc vận động “Đền ơn, đáp nghĩa” được tỉnh xác định là hoạt động nhân văn sâu sắc, thể hiện sự tri ân đối với người có công với cách mạng. Chính vì vậy, cuộc vận động đã nhận được sự quan tâm của cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể, cùng Nhân dân tham gia. Trong những năm qua, quỹ đền ơn, đáp nghĩa các cấp đã vận động được gần 37 tỷ đồng. Nguồn quỹ được quản lý, sử dụng đúng mục đích và hiệu quả, như hỗ trợ làm nhà ở cho hơn 600 hộ người có công, kinh phí hơn 21 tỷ đồng; sửa chữa công trình ghi công liệt sĩ; thăm, tặng quà người có công… Hằng năm, nhân kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ, dịp lễ, tết, từ nhiều nguồn kinh phí, tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động tri ân, thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Từ năm 2013 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức thăm, tặng quà các gia đình chính sách, người có công với cách mạng với gần 200.000 suất quà, tổng kinh phí hơn 52 tỷ đồng.

Tháng Bảy năm nay, những ngọn nến tri ân tiếp tục được đồng loạt thắp lên tại các nghĩa trang liệt sĩ, những phần quà chứa đựng tấm lòng của các thế hệ hôm nay gửi đến các gia đình chính sách, có công với cách mạng, thương binh, bệnh binh… trên địa bàn. Đó là những việc làm mang đậm đạo lý, nghĩa tình của người dân Lào Cai.

http://baolaocai.vn/bai-viet/214169-nhung-an-tinh-thang-bay

 

Theo LCĐT

Tin Liên Quan

Sôi nổi Giải vô địch đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ tỉnh Lào Cai năm 2024

Giải vô địch đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ tỉnh Lào Cai năm 2024 đang diễn ra vô cùng sôi động, hấp dẫn tại thị trấn Si Ma Cai, huyện Si Ma Cai.

Bồi đắp niềm tự hào văn hóa dân tộc

“Tuần lễ trang phục truyền thống các dân tộc” tỉnh Lào Cai năm 2024 diễn ra từ ngày 15/4 – 19/4 đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các cá nhân, tập thể. Tại các cơ quan, đơn vị, khu dân cư trên địa bàn tỉnh, cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, lao động và người dân thể hiện rõ niền tự hào...

Nghi lễ đặc sắc trong tết Thanh minh của người Bố Y

Người dân tộc Bố Y trên địa bàn tỉnh Lào Cai chỉ có hơn 2000 người, chủ yếu sinh sống ở các xã: Thanh Bình, Nậm Chảy, Tung Chung Phố và thị trấn Mường Khương (huyện Mường Khương). Trong đời sống tâm linh của người Bố Y, tết Thanh Minh “Sứn mìn” đã trở thành nét văn hóa đặc sắc được truyền lại từ...

Đền Quan ghi dấu nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, quân sự

Tọa lạc ở phường biên giới Lào Cai (thành phố Lào Cai), đền Quan là một trong những di tích quan trọng, còn lưu giữ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, quân sự. Thuở xưa, đây là nơi ghi dấu công lao to lớn của quân đội nhà Trần do Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn chỉ huy lên trấn ải vùng biên giới Lào Cai.

Hoa văn phượng hoàng trong trang phục của người Nùng Dín

Mỗi một dân tộc đều có những nét độc đáo riêng trong bản sắc văn hóa truyền thống. Với người Nùng Dín ở vùng biên giới Mường Khương (Lào Cai), một trong những đặc điểm nhận diện rõ nhất trong trang phục truyền thống của họ, chính là vẻ đẹp tinh tế và đầy màu sắc của hoa văn phượng hoàng thêu trên...

Phát triển du lịch từ bản sắc văn hóa

Trong những năm qua, tỉnh Lào Cai luôn kiên định phát triển du lịch dựa trên các giá trị bền vững, gắn với bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số, nhằm từng bước tạo lập trong lòng du khách trong nước và quốc tế thông điệp “An toàn...