Việt Nam và Nhật Bản tăng cường quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng

Thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1973, quan hệ Việt Nam và Nhật Bản không ngừng được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công vun đắp. Trải qua gần 50 năm, quan hệ hợp tác giữa hai nước có những bước tiến mạnh mẽ, thực chất trên tất cả các lĩnh vực, đóng góp vào hòa bình, phát triển ở khu vực và thế giới.

Nhật Bản viện trợ vắc-xin giúp Việt Nam ứng phó dịch Covid-19. Ảnh TTXVN

Quan hệ giữa hai nước đang ở giai đoạn tốt nhất kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, với sự tin cậy chính trị cao. Nhằm đẩy mạnh hợp tác thực chất hơn nữa, hai nước đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á vào năm 2014. Lãnh đạo cấp cao hai nước duy trì thường xuyên các chuyến thăm và tiếp xúc tại các diễn đàn quốc tế, khu vực. Các cơ chế đối thoại song phương trong nhiều lĩnh vực như ngoại giao, an ninh, thương mại, năng lượng... phát huy hiệu quả, góp phần thúc đẩy hợp tác giữa hai nước.

Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định: Việt Nam luôn coi Nhật Bản là đối tác chiến lược, quan trọng hàng đầu. Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng của Việt Nam và là nước thuộc Nhóm bảy nước công nghiệp phát triển (G7) đầu tiên công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam. Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam và đứng thứ hai trong tổng số 140 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Về thương mại, trong chín tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam với Nhật Bản đạt 31 tỷ USD. Về đầu tư trực tiếp, lũy kế đến ngày 20/9/2021, Nhật Bản có 4.748 dự án FDI còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký 63,85 tỷ USD. Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn với doanh nghiệp Nhật Bản trong quá trình đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

Viện trợ phát triển chính thức (ODA) là một trong những điểm sáng trong quan hệ giữa hai nước. Nhật Bản là nước cung cấp ODA lớn nhất của Việt Nam, đóng góp quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam. Những năm gần đây, Nhật Bản liên tục cung cấp ODA cho các dự án ứng phó biến đổi khí hậu của Việt Nam. Nhật Bản cũng là một trong những nước viện trợ ODA lớn nhất cho ngành giáo dục-đào tạo của Việt Nam.

Cộng đồng người Việt Nam hiện sinh sống, làm việc và học tập tại Nhật Bản đạt gần 450 nghìn người, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế của đất nước mặt trời mọc, cũng như góp phần tăng cường hiểu biết, gắn bó giữa nhân dân hai nước. Hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực như lao động, nông nghiệp, lãnh sự… đều có bước phát triển nhanh chóng và thực chất. Hai nước hợp tác tốt tại các diễn đàn đa phương, như Liên hợp quốc, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)... Là thành viên tích cực của Hiệp hội, Việt Nam đã nỗ lực đảm nhận tốt vai trò điều phối quan hệ ASEAN - Nhật Bản giai đoạn 2018 - 2021.

Khẳng định tinh thần đối tác chiến lược sâu rộng trong hoàn cảnh khó khăn, trong bối cảnh dịch Covid-19, hai nước duy trì trao đổi cấp cao và các cấp bằng nhiều hình thức linh hoạt. Nhật Bản tích cực hỗ trợ Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch thông qua viện trợ vắc-xin ngừa Covid-19, cung cấp trang thiết bị, hỗ trợ kỹ thuật, cải thiện hệ thống y tế. Việt Nam hỗ trợ Nhật Bản tổng cộng 1.190.000 khẩu trang y tế và 20 nghìn khẩu trang vải.

Hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2023, Việt Nam và Nhật Bản tiếp tục phối hợp chặt chẽ, đưa quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng ngày càng đi vào chiều sâu, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới.

https://nhandan.vn/tin-tuc-the-gioi/viet-nam-va-nhat-ban-tang-cuong-quan-he-doi-tac-chien-luoc-sau-rong-674836/

Theo Báo Nhân Dân

Tin Liên Quan

Mùa hè khắc nghiệt, nền nhiệt cao kỷ lục

Cơ quan khí hậu của Liên minh châu Âu (EU) Copernicus cho biết, tính đến tháng 3 vừa qua, thế giới đã trải qua tháng thứ 10 liên tiếp có nền nhiệt cao kỷ lục, cả nhiệt độ không khí và các đại dương đều ở mức cao nhất mọi thời đại. Nhiều khu vực đã xuất hiện “mùa cháy rừng” tồi tệ nhất trong thế kỷ...

Tổ chức Mặt trận góp phần củng cố quan hệ đoàn kết Việt Nam-Lào-Campuchia

Chiều 9/4 tại thủ đô Vientiane, đã diễn ra Hội nghị Chủ tịch Mặt trận ba nước Campuchia-Lào-Việt Nam lần thứ 5. Hội nghị nhằm củng cố, tăng cường quan hệ hợp tác lâu dài, ổn định và phát triển giữa ba tổ chức Mặt trận của ba nước.

Triển vọng chính sách sản lượng của OPEC+ đối mặt "ngã ba đường"

Mặc dù kỳ vọng OPEC+ bắt đầu nghĩ đến việc chấm dứt kế hoạch cắt giảm sản lượng là hợp lý, nhưng việc khối này giữ nguyên các hạn chế có thể hợp lý hơn.

Khai mạc Hội chợ thương mại Việt Nam-Lào-Campuchia-Thái Lan

Chiều 10/4 tại tỉnh Champasak đã diễn ra lễ khai mạc “Hội chợ triển lãm trưng bày sản phẩm và các hoạt động kết nối đầu tư, thương mại, du lịch giữa các doanh nghiệp Việt Nam-Lào-Campuchia-Thái Lan”.

Hợp tác bảo vệ tài nguyên nước

Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) nhận định, khủng hoảng nước là một trong số những rủi ro hàng đầu đối với thế giới. Biến đổi khí hậu khiến nhiều khu vực trên thế giới đối mặt tình trạng thiếu nước trầm trọng, làm đảo lộn sinh hoạt của người dân và cản trở sự phát triển kinh tế.

Tín hiệu tích cực từ các "đầu tàu" kinh tế

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong quý IV/2023 tăng trưởng 3,4%, cao hơn so với mức 3,2% dự báo trước đó; Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của ngành sản xuất Trung Quốc trong tháng 3 lần đầu quay lại ngưỡng trên 50 điểm sau 5 tháng giảm liên tục. Ðó là những tín hiệu tích cực từ các "đầu tàu" kinh...