Sắc màu chợ phiên Ý Tý

Tôi vẫn nhớ mãi gương mặt trái xoan, giọng nói ngọt ngào, hàm răng trắng, khi cười lộ ra chiếc răng khiểng của cô gái Hà Nhì bán hàng ở chợ phiên Ý Tý (Bát Xát) - “Chú ơi, đủ tiền rồi ạ. Cảm ơn chú. Lần sau chú lại mua hàng cho cháu nhé!”.
 


Đông vui chợ phiên Ý Tý.

Cứ đến thứ 7 hằng tuần, đồng bào ở khắp các bản làng trong vùng lại nô nức đến chợ phiên Ý Tý. Khi ra chợ, mọi người thường mang theo những mặt hàng nông sản bán cho khách.

Ở Bát Xát có món ăn đặc sản là “Bánh dầy chấm mật ong rừng”. Tôi đi nhiều nơi và biết nhiều chợ ở các địa phương khác cũng có bán bánh dầy, nhưng phải vào chợ Ý Tý mới cảm nhận được món ngon dân dã đặc trưng này. Bánh dầy được đồng bào làm từ gạo nếp mới, đãi sạch gạo rồi đồ thành xôi, sau đó đưa vào cối giã mịn, nặn thành bánh, trong có nhân đậu đỏ. Những ngày trời se lạnh, được thưởng thức vị thơm ngọt và bùi của bánh, vị ngọt sâu của mật ong rừng, tôi thấy ngon miệng và ấm lòng lạ thường.

Ở chợ Ý Tý còn có món đặc sản khác như: “Ngó cây thảo quả xào mỡ lợn”. Nghe thì bình thường, nhưng khi ăn, tôi mới cảm nhận được sự tuyệt vời của nó. Đồng bào chọn những ngó cây thảo quả mập, rửa sạch, để ráo nước, thái mỏng ngang thớ, sau đó cho mỡ lợn vào chảo đun nóng rồi bỏ ngó thảo quả vào, cho thêm gia vị, xào đến khi chín tới thì bày ra đĩa, ăn khi còn nóng. Món ngó thảo quả xào mỡ lợn có vị đặc trưng của thảo quả, giòn và có vị ngọt sâu, rất thơm./.

Khi đi tìm mua hàng, tôi bất chợt thấy gương mặt bẽn lẽn của các thôn nữ. Hỏi mua hàng của một cô gái người Mông, tôi được biết cô ở thôn Ngải Thầu, xã Ý Tý, cách chợ 15 km. Ngó cây thảo quả cô bán ai cũng tranh mua vì rẻ và ngon. Ở hàng bên cạnh, cô gái Dao bán ngô luộc đon đả: “Bắp ngô luộc 2.000 đồng/bắp, anh mua đi!”. Bắp ngô còn nóng, khói bốc nghi ngút, tôi mua liền chục bắp chia cho bạn bè. Mọi người xuýt xoa vì ngô nóng bỏng tay, hạt ngô non mềm và ngọt bởi được trồng ở non cao khí hậu bốn mùa dịu mát, ăn một lại muốn ăn hai.

Những sắc màu thổ cẩm các dân tộc Mông, Dao, Hà Nhì, lúc ẩn lúc hiện trong chợ; phiên chợ đông vui như hội, đồng bào xuống chợ không chỉ để mua bán, trao đổi hàng hoá mà còn để trao duyên. Đó là nét rất riêng của chợ phiên vùng cao Ý Tý.

Rời chợ, ánh mắt cô thôn nữ Hà Nhì bẽn lẽn như mời tôi lần sau trở lại, để lại được mua, được bán và trở thành bạn bè. Chuyến đi để lại trong tôi ấn tượng sâu sắc về phiên chợ vùng cao với những sắc màu tươi mới./.
(Theo baolaocai.vn)

Tin Liên Quan

Sôi nổi Giải vô địch đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ tỉnh Lào Cai năm 2024

Giải vô địch đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ tỉnh Lào Cai năm 2024 đang diễn ra vô cùng sôi động, hấp dẫn tại thị trấn Si Ma Cai, huyện Si Ma Cai.

Bồi đắp niềm tự hào văn hóa dân tộc

“Tuần lễ trang phục truyền thống các dân tộc” tỉnh Lào Cai năm 2024 diễn ra từ ngày 15/4 – 19/4 đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các cá nhân, tập thể. Tại các cơ quan, đơn vị, khu dân cư trên địa bàn tỉnh, cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, lao động và người dân thể hiện rõ niền tự hào...

Nghi lễ đặc sắc trong tết Thanh minh của người Bố Y

Người dân tộc Bố Y trên địa bàn tỉnh Lào Cai chỉ có hơn 2000 người, chủ yếu sinh sống ở các xã: Thanh Bình, Nậm Chảy, Tung Chung Phố và thị trấn Mường Khương (huyện Mường Khương). Trong đời sống tâm linh của người Bố Y, tết Thanh Minh “Sứn mìn” đã trở thành nét văn hóa đặc sắc được truyền lại từ...

Đền Quan ghi dấu nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, quân sự

Tọa lạc ở phường biên giới Lào Cai (thành phố Lào Cai), đền Quan là một trong những di tích quan trọng, còn lưu giữ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, quân sự. Thuở xưa, đây là nơi ghi dấu công lao to lớn của quân đội nhà Trần do Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn chỉ huy lên trấn ải vùng biên giới Lào Cai.

Hoa văn phượng hoàng trong trang phục của người Nùng Dín

Mỗi một dân tộc đều có những nét độc đáo riêng trong bản sắc văn hóa truyền thống. Với người Nùng Dín ở vùng biên giới Mường Khương (Lào Cai), một trong những đặc điểm nhận diện rõ nhất trong trang phục truyền thống của họ, chính là vẻ đẹp tinh tế và đầy màu sắc của hoa văn phượng hoàng thêu trên...

Phát triển du lịch từ bản sắc văn hóa

Trong những năm qua, tỉnh Lào Cai luôn kiên định phát triển du lịch dựa trên các giá trị bền vững, gắn với bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số, nhằm từng bước tạo lập trong lòng du khách trong nước và quốc tế thông điệp “An toàn...