Lau trắng ngang trời

Khi những đợt gió mùa đông bắc đầu tiên vi vu thổi, không gian nhuốm màu lạnh giá cũng là lúc những bông hoa lau đương thì xuân sắc nhất. Ở thành phố Lào Cai, lau mọc trắng xóa cả triền sông Hồng, sông Nậm Thi. Rồi cả những bãi đất hoang cũng nhuốm màu lau. Ngang trời, đâu đâu cũng màu lau trắng.
Một miền lau trắng.

Cũng không hiểu ở sông gió trời se sắt hơn, hay gần nước nên độ ẩm cao mà những bông lau ở dọc các triền sông luôn to hơn, sắc trắng thì tinh khôi hơn ở những vùng đất khác. Nhìn từ xa, trên bờ, mặt nước loang loáng ánh lau. Mỗi khi gió mùa thổi qua, những bông lau lại ngả nghiêng, sóng sánh, dòng sông mang một dáng hình thật mới lạ - dòng sông lau.

“Dòng sông lau” trên khúc sông Hồng chảy qua thành phố Lào Cai dịp này cũng nhuốm màu tinh khiết. Mùa nước cạn, những bãi soi nổi cồn, lòng sông như hàng trăm con suối nhỏ đuổi dòng về xa, còn mùa mưa, nước từ thượng nguồn ầm ào đổ về, cứ mênh mang. Cũng không ai biết “dòng sông lau” của chúng tôi có tự bao giờ, chỉ biết rằng, từ khi người dân đến đây đặt làng, dựng bản thì sông đã có. Mang trong mình dòng cả, sông đã đem nước tưới đẫm ruộng đồng, ao chuôm, đem phù sa bồi đắp đôi bờ. Thế nên, theo dọc triền sông, những làng quê trù mật luôn tốt tươi màu cây trái, sáng ngời màu nước bạc đong đầy.

Nhớ thuở còn cắp sách tới trường, những khi rảnh rỗi, tôi cùng đám bạn trong lớp thường ra bờ sông chơi, dù đó là ngày mưa rào hay ngày nắng gắt, cảm xúc sông lau với chúng tôi không vì thế mà thay đổi. Cả một khúc sông vắng cứ ầm ĩ, ồn ã bởi tiếng reo hò, la hét của “lũ quỷ sứ” chúng tôi. Thôi thì đủ trò, nào là “xây” lô cốt, đánh trận giả, chơi âm ư, trốn tìm, kéo co… Tôi thích ra sông vào mùa lau. Dù lúc này, dòng sông không có vẻ đẹp rực rỡ của ánh nắng vàng, nhưng chính những khúc sông vắng đến ngẩn ngơ, những bãi cồn trơ sỏi đá, lại đem đến cho tôi những cảm xúc tuyệt vời. Mùa này, lau đan búi tốt tươi. Trong ánh bình minh, với cái nắng chênh chếch, hàng lau trải bóng trên mặt sông thật mềm mại. Mỗi khi có cơn gió mùa thoảng qua, những chiếc lá lại cọ vào nhau sàn sạt, rồi đung đưa như những chiếc kim khổng lồ, cần mẫn thêu lên bức họa bầu trời đầy hương sắc.

Lau trắng bên sông.

Một sản vật mà chúng tôi luôn kiếm tìm trong thân lau khẳng khiu, ấy là bông lau non. Bên trong những bẹ lá kia, trên đầu búp, luôn ẩn sâu những nõn lau trắng muốt, mềm mại. Bóc bỏ những lớp vỏ khô cứng sần sùi, một mùi thơm man mát của cỏ lá tỏa ra. Và thú vị hơn, khi đưa những nõn lau ấy vào miệng, độ tươi giòn, ngọt ngào của thứ quà đồng quê, luôn đem đến cho người thưởng thức cảm giác mới lạ, riêng có. Người dân nơi đây còn có một món ăn tuyệt vời, để chiêu đãi bạn quí làm từ lau, đó là nõn lau xào thịt ba chỉ. Món ăn với sự ngậy béo của thịt, hòa quyện với nõn lau mềm, ngọt, khiến cho khách phương xa không thể nguôi quên.

Trời trở rét, những cơn gió vô tình, cứ ào ào thổi, mang theo cái lạnh đến tê người. Dòng sông như hút gió khổng lồ, đem lạnh giá phủ lên mọi vật trên đường chúng đi. Mặc kệ, những đôi chân trần vẫn thi nhau nhảy nhót dọc triền sông. Sao có thể vắng bóng ai trong mùa lau chín? Không giống như những loài hoa khác, hoa lau không hương, chỉ có sắc trắng bình dị. Nhưng chính vẻ bình dị đó lại đem đến nét đẹp riêng cho loài hoa này. Những nhành hoa lau trắng tinh, mỗi nhành hoa là hàng nghìn bông lau nhỏ xinh khoe sắc, rồi hàng nghìn nhành lau ấy lại gom góp cho cả triền sông trắng tinh khôi. Mải mê với vẻ đẹp hoa lau, bất chợt, một cảm giác mềm mại lướt qua, khi vô tình, bờ môi, mái tóc, bàn tay chạm vào những nhành lau bé nhỏ.

Với chúng tôi, cành lau còn được coi như chiếc cờ lệnh, giành tặng cho những ai thắng trong các cuộc chơi. Cuối buổi, ai được nhiều lau nhất sẽ được tôn vinh là thủ lĩnh. Thủ lĩnh sẽ giữ quyền “tối cao” đối với cả nhóm và sẽ được giữ mãi cho đến tận buổi chơi sau. Chúng tôi vẫn có một châm ngôn của thủ lĩnh mà ai cũng thuộc lòng: “ Thủ lĩnh gọi dạ, bảo vâng. Chớ nói lung tung, thủ lĩnh phạt”.

Cứ thế, đầy hồn nhiên, chúng tôi lớn lên giữa những mùa lau, rồi “dạ, vâng” trước những lời thủ lĩnh dặn, mà không biết thời gian đang mải miết thật xa. Để rồi, trong một mùa lau chín ngang sông, giấu vội những bông lau đầu mùa, cậu bạn ngập ngừng trao cho cô bạn cùng lớp. Lau với họ, giờ không chỉ là sắc trắng tinh khôi, hay là chiếc cờ lệnh, giờ còn là “sợi chỉ hồng” trao tặng yêu thương!

Đất trời đang vào mùa lau chín, những nhành lau trắng tinh rung rinh như mời gọi. Bỏ vội những lo toan, tôi ào về với “dòng sông lau” đầy kỉ niệm, Nghe đâu đây tiếng cười nói rộn vang góc trời. Bước chân trần trên triền sông giá lạnh, mà sao thấy lòng ấm áp. Tôi đang về với dòng sông tuổi thơ!

https://baolaocai.vn/bai-viet/352879-lau-trang-ngang-troi

 

Theo LCĐT

Tin Liên Quan

Sôi nổi Giải vô địch đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ tỉnh Lào Cai năm 2024

Giải vô địch đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ tỉnh Lào Cai năm 2024 đang diễn ra vô cùng sôi động, hấp dẫn tại thị trấn Si Ma Cai, huyện Si Ma Cai.

Bồi đắp niềm tự hào văn hóa dân tộc

“Tuần lễ trang phục truyền thống các dân tộc” tỉnh Lào Cai năm 2024 diễn ra từ ngày 15/4 – 19/4 đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các cá nhân, tập thể. Tại các cơ quan, đơn vị, khu dân cư trên địa bàn tỉnh, cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, lao động và người dân thể hiện rõ niền tự hào...

Nghi lễ đặc sắc trong tết Thanh minh của người Bố Y

Người dân tộc Bố Y trên địa bàn tỉnh Lào Cai chỉ có hơn 2000 người, chủ yếu sinh sống ở các xã: Thanh Bình, Nậm Chảy, Tung Chung Phố và thị trấn Mường Khương (huyện Mường Khương). Trong đời sống tâm linh của người Bố Y, tết Thanh Minh “Sứn mìn” đã trở thành nét văn hóa đặc sắc được truyền lại từ...

Đền Quan ghi dấu nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, quân sự

Tọa lạc ở phường biên giới Lào Cai (thành phố Lào Cai), đền Quan là một trong những di tích quan trọng, còn lưu giữ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, quân sự. Thuở xưa, đây là nơi ghi dấu công lao to lớn của quân đội nhà Trần do Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn chỉ huy lên trấn ải vùng biên giới Lào Cai.

Hoa văn phượng hoàng trong trang phục của người Nùng Dín

Mỗi một dân tộc đều có những nét độc đáo riêng trong bản sắc văn hóa truyền thống. Với người Nùng Dín ở vùng biên giới Mường Khương (Lào Cai), một trong những đặc điểm nhận diện rõ nhất trong trang phục truyền thống của họ, chính là vẻ đẹp tinh tế và đầy màu sắc của hoa văn phượng hoàng thêu trên...

Phát triển du lịch từ bản sắc văn hóa

Trong những năm qua, tỉnh Lào Cai luôn kiên định phát triển du lịch dựa trên các giá trị bền vững, gắn với bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số, nhằm từng bước tạo lập trong lòng du khách trong nước và quốc tế thông điệp “An toàn...