Tăng trưởng xanh giúp Việt Nam bứt phá

Ðầu tư xanh, chuyển đổi xanh đang trở thành xu hướng tất yếu trong chiến lược cạnh tranh của doanh nghiệp. Cùng những gói hỗ trợ tài chính xanh của Chính phủ, sự chuyển dịch này sẽ là cơ sở quan trọng để tạo sự thay đổi trong sản xuất và tiêu dùng của Việt Nam trong thời gian tới.

Công ty TNHH Vander Leun (90% vốn Hà Lan) chuyên sản xuất và lắp ráp tủ bảng điện cho tàu thủy đặt nhà máy tại Khu công nghiệp sinh thái Nam Cầu Kiền, Hải Phòng. (Ảnh LÊ DŨNG)

Cũng như nhiều quốc gia khác, Việt Nam đang rất cần những giá trị xanh để có thể vừa phục hồi kinh tế-xã hội sau tác động của đại dịch Covid-19, vừa ứng phó biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng, cũng như tình hình địa chính trị thế giới khó lường. Và chủ thể làm nên những giá trị xanh cho nền kinh tế chính là cộng đồng doanh nghiệp.

Những doanh nghiệp tiên phong

Công ty TNHH Nước giải khát Suntory PepsiCo Việt Nam vừa ra mắt sản phẩm Pepsi 330ml chai mới được sản xuất 100% từ nhựa tái sinh tại thị trường Việt Nam. Ông Jahanzeb Khan, Tổng Giám đốc Suntory PepsiCo tự hào chia sẻ, đây là lần đầu tiên chai nhựa tái sinh dùng cho nước giải khát của Pepsi được ra mắt tại thị trường châu Á. Giảm bao bì và các chất thải từ bao bì, chuyển đổi sang sử dụng các vật liệu thân thiện hơn với môi trường là một trong bốn nội dung ưu tiên trong chiến lược phát triển bền vững giai đoạn 2021-2025 của Suntory PepsiCo Việt Nam, bên cạnh việc bảo tồn nguồn tài nguyên nước, giảm khí nhà kính trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và cải thiện sức khỏe của người tiêu dùng.

Xu hướng sản xuất xanh cũng diễn ra mạnh mẽ trong các dự án đầu tư mới đang chảy vào Việt Nam. Dự án tỷ USD đầu tiên của năm 2022 vừa được cấp giấy chứng nhận đầu tư là dự án nhà máy sản xuất đồ chơi và thực hiện quyền xuất nhập khẩu, bán buôn bán lẻ hàng hóa tại Bình Dương của Công ty TNHH Lego Manufaturing Việt Nam (Ðan Mạch). Tổng mức đầu tư của dự án hơn 1,3 tỷ USD, phân kỳ đầu tư trong 15 năm. Ðáng lưu ý, đây là nhà máy thứ sáu của Lego trên thế giới và là nhà máy thứ hai ở châu Á nhưng sẽ là nhà máy trung hòa carbon đầu tiên của Lego, trong đó cam kết sử dụng điện áp mái và các nguồn năng lượng sạch, phù hợp xu hướng tiêu dùng mới ở các nước phát triển hiện nay. Bên cạnh vấn đề chất lượng và giá cả, người tiêu dùng rất quan tâm đến việc sản phẩm có được sản xuất theo quy trình thân thiện với môi trường hay không. Những yếu tố này sẽ sớm trở thành một phần cạnh tranh của hàng hóa cũng như nền kinh tế Việt Nam trong tương lai.

Nhiều địa phương đã xây dựng và ban hành chiến lược, kế hoạch hành động để tìm kiếm các mô hình đổi mới sản xuất theo hướng xanh, bền vững. Ðơn cử, tỉnh Bạc Liêu xác định hướng đi trở thành một trung tâm năng lượng sạch của quốc gia, trọng tâm là điện gió, điện mặt trời và điện khí. Với chính sách thu hút đầu tư phù hợp, Bạc Liêu đã thu hút thành công các nhà máy nhiệt điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), nhà máy điện gió quy mô lớn. Tương tự, thành phố Hồ Chí Minh cũng xác định ba nhiệm vụ trọng tâm, đó là giảm cường độ phát khí thải gây hiệu ứng nhà kính, tăng sử dụng năng lượng tái tạo; xanh hóa sản xuất; xanh hóa đời sống và tiêu dùng, theo đó tập trung tháo gỡ vướng mắc về thể chế để đón làn sóng đầu tư xanh…

Huy động nguồn lực tư nhân

Tại diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam 2022 do Bộ Ngoại giao phối hợp Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức mới đây, các diễn giả dẫn lại số liệu tính toán của Ngân hàng Thế giới và Bộ Kế hoạch và Ðầu tư cho thấy, Việt Nam cần khoảng 30 tỷ USD để thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh đến năm 2030. Tuy nhiên, ngân sách nhà nước chỉ có thể đáp ứng cao nhất khoảng 30% nguồn lực, 70% cần sự tham gia, góp sức chủ yếu từ khu vực tư nhân. Vấn đề đặt ra là cần chính sách, giải pháp gì để huy động và hội tụ được các nguồn lực, thúc đẩy được những sáng kiến và hành động của các bên liên quan cho những mục tiêu này.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Tạ Ðình Thi, Việt Nam cần cải cách, hoàn thiện thể chế, chính sách, môi trường đầu tư kinh doanh, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi và thông thoáng cho doanh nghiệp, người dân trong tiếp cận nguồn vốn, thúc đẩy đầu tư, nghiên cứu khoa học, chuyển giao, chuyển đổi công nghệ, mô hình sản xuất, đổi mới sáng tạo, kinh doanh theo hướng xanh, bền vững. Các cơ quan nhà nước theo chức năng và thẩm quyền tiếp tục nghiên cứu, ban hành, sửa đổi, bổ sung các chính sách, pháp luật liên quan tăng trưởng xanh có tính ổn định cao, tạo lập niềm tin của xã hội, nhất là khu vực đầu tư tư nhân. Bên cạnh đó, cần tiếp tục rà soát, sớm hoàn chỉnh và phê duyệt quy hoạch cấp trung ương, địa phương và nghiên cứu, xây dựng các chương trình, gói hỗ trợ tài chính xanh để phục vụ đầu tư xanh, chuyển đổi xanh ở các cấp độ khác nhau. Các doanh nghiệp cũng đang tái cấu trúc mạnh mẽ để phù hợp các mô hình và xu hướng mới đã hình thành trong và sau đại dịch Covid-19...

Khẳng định tăng trưởng xanh là xu hướng tất yếu và chặng đường sắp tới sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là đối với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam, song các chuyên gia kinh tế chỉ rõ, Việt Nam vẫn có những lợi thế nhất định. Trước hết, đó là sự quyết tâm của Ðảng, Nhà nước, của Chính phủ trong việc đẩy nhanh chuyển đổi nền kinh tế sang hướng xanh, bền vững. Ðồng thời, nhận thức về sự cần thiết phục hồi, tăng trưởng xanh bền vững của các địa phương, doanh nghiệp và người dân đang gia tăng rất lớn trong thời gian qua, phù hợp xu hướng phát triển phổ biến trên thế giới.

https://nhandan.vn/kinhte/tang-truong-xanh-giup-viet-nam-but-pha-693468/
Theo nhandan.vn

Tin Liên Quan

Môi trường đầu tư chuyển biến rõ nét

Thời gian gần đây môi trường đầu tư tại một số tỉnh, thành phố được cải thiện rõ rệt. Nhiều thủ tục hành chính, nhất là thủ tục liên quan đến doanh nghiệp và lĩnh vực đầu tư được đơn giản hóa, rút ngắn đáng kể thời gian giải quyết. Có địa phương ban hành cơ chế đặc thù, ủy quyền cho một...

Làm tốt hơn nữa công tác bảo vệ, giáo dục trẻ em trong tình hình mới

Những chủ trương, định hướng lớn của Ðảng và Hiến pháp năm 2013 đang đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao đối với công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, nhất là việc bảo vệ trẻ em trước và trong hoạt động tố tụng hình sự.

Chính sách nhất quán của Việt Nam là bảo vệ và thúc đẩy quyền con người

Ngày 25/4, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết bình luận của Việt Nam đối với Báo cáo Nhân quyền thường niên năm 2023 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố ngày 22/4/2024, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nhấn mạnh, Báo cáo Nhân...

Sắp diễn ra Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Ninh thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Ngày 28/4/2024, tại Long Thuận Hotel & Resort (số 01 đường Yên Ninh, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận), UBND tỉnh Ninh Thuận sẽ tổ chức Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư tỉnh Ninh Thuận.

Hơn 300 hình ảnh, tài liệu, hiện vật tiêu biểu được giới thiệu tại Triển lãm Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử

Triển lãm "Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử" giới thiệu hơn 300 hình ảnh, tài liệu, hiện vật tiêu biểu phản ánh về trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ năm 1954 và khẳng định ý nghĩa, tầm vóc, giá trị lịch sử vĩ đại của Chiến thắng Điện Biên Phủ; sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của...

Tuần phim Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2024), Cục Điện ảnh sẽ tổ chức "Tuần phim Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ" từ ngày 24-30/4/2024 tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.