Mùa về đẹp một vùng trời mây

Năm nào cũng vậy, cứ cuối xuân, đầu hạ là đất trời lại khoác lên mình những sắc màu đẹp tươi. Ở nơi mà cây núi chạm trời như Lào Cai, thì không gian càng thêm thanh sạch, yên bình và rực rỡ hơn bởi muôn ngàn màu sắc hoa.
Vùng cao Y Tý (Bát Xát) trong ánh xuân.

Mùa xuân, chỉ nghe có bấy nhiêu thôi là bao đắm say, ngọt ngào lại đưa về mải miết. Lẽ vậy chăng, vì mùa xuân được ví như cô gái đang “tuổi trăng” căng tràn sức sống. Những mơn mởn, non tơ đầy quyến rũ của nàng xuân mới cứ theo về phong kín các nẻo mơ.

Mơ xuân, giọt sương trắng cuộn tròn bên kẽ lá chợt tỉnh giấc rồi tí tơi, lách tách bên hiên nhà khi có làn gió xuân vô tình ngang cửa. Khẽ lách tay vào đêm, cô gái trẻ nhẩm đếm giọt sương rơi: “một… hai… ba”. Không thể dò xét giấc mơ xuân ấy, nhưng tôi hiểu, trong “một… hai… ba” ấy là những màu hồng mộng ước cho buổi sớm mai đong đầy hạnh phúc, bởi ánh mắt nhìn loang loáng niềm vui.

Mùa xuân ngọt ngào trong làn nắng mới, muôn vật như khoác trên mình tấm áo choàng xinh xắn. Như mới hôm qua thôi, trong giá rét mùa đông, những nhành đào, nhành mận, nhành lê vẫn còn khẳng khiu với lớp vỏ sần sùi, bạc phếch màu tháng năm. Ấy vậy mà giờ đã bung nở ngàn đóa nào trắng, nào hồng, nào thắm đỏ lung linh. Dòng sông Hồng cũng hiền hòa hơn, không tung bọt đỏ ngầu giận dữ như mùa mưa lũ hay đìu hiu vắng lặng như mùa đông sang. Có phải phù sa thắm đượm khi qua mùa lũ hay bởi tiết trời xuân ấm áp mà khắp các triền sông, những mầm xanh vươn cao mạnh mẽ. Xa xa, vườn ai cũng mươn mướt một màu. Nghe trong hương gió, mùi ổi thơm, mùi hoa cau và hương của đồng quê thấm đẫm.

Cũng chẳng hiểu trời xanh trong nên tiếng sáo vang xa, hay đất trời hòa quyện một màu khiến không gian thêm mênh mang hơn, nên âm thanh cũng nhẹ tênh lan bay khắp chốn? Chỉ biết rằng mùa xuân tới, cả núi đồi tràn ngập tiếng sáo xa.

Bố tôi rất thích thổi sáo vào mùa xuân. Thời trẻ gắn bó với núi rừng nên những điệu sáo Mông, ông mê lắm. Mẹ ưng bố cũng vì tiếng sáo ấy. Xuân nào cũng vậy, bố đem sáo ra ngoài nương thổi, gió bay về trầm bổng. Mẹ bên thềm thêu áo mới, đôi tay đưa cũng nhanh hơn, nắng rơi chênh chếch. Mẹ bảo: “Mẹ thêu hình con thuyền ra khơi để sau này con được “thuận buồm xuôi gió” nhé con trai”. Tôi nhảy chân sáo vì sắp có chiếc áo mới thêu hình con thuyền, trong xóm có mấy đứa được món quà ấy đâu… Giờ tôi đã đi xa, cũng chẳng biết đã đi qua bao nhiêu mùa thêu của mẹ, chỉ biết rằng khi màu nước màu trời hòa một, tôi lại ngóng về thềm xưa mong áo mới, ngóng cánh buồm ưỡn ngực ra khơi.

 Anh bạn thi sĩ của tôi nghe kể về tiếng sáo và chiếc áo nhuộm màu thời gian, đôi mắt xa xăm, hẹn nhau xuân tới sẽ về thềm xưa. Sinh ra ở miền xuôi nhưng rất hữu duyên với miền ngược, người bạn thi sĩ coi đây là quê hương thứ hai của mình. Trong câu chuyện “tâm đầu ý hợp”, anh kể tôi nghe những nỗi niềm chờ xuân trong khắc khoải. Để rồi khi niềm vui vỡ òa, chiều xuân luôn là thời điểm anh chọn ghi trong tác phẩm của mình. Những ý thơ đẹp về chiều biên giới với lung linh mận trắng, đào phai hay đôi má sơn nữ ửng hồng trong vạt nắng của anh đã từng khiến bao trái tim thơ thổn thức. Anh nói: “Mình yêu mùa xuân, yêu con người, đất trời vùng cao khi mùa xuân đến. Mình sẽ còn ở mãi đến khi nào hết xuân trên mảnh đất này”.

Nói vậy thôi, chứ tôi biết tứ thì “xuân, hạ, thu, đông” có lỡ hẹn bao giờ. Và tôi biết đã yêu xuân rồi, có ai nào lỡ bỏ xuân đi!

https://baolaocai.vn/bai-viet/355578-mua-ve-dep-mot-vung-troi-may

 

Theo LCĐT

Tin Liên Quan

Sôi nổi Giải vô địch đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ tỉnh Lào Cai năm 2024

Giải vô địch đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ tỉnh Lào Cai năm 2024 đang diễn ra vô cùng sôi động, hấp dẫn tại thị trấn Si Ma Cai, huyện Si Ma Cai.

Bồi đắp niềm tự hào văn hóa dân tộc

“Tuần lễ trang phục truyền thống các dân tộc” tỉnh Lào Cai năm 2024 diễn ra từ ngày 15/4 – 19/4 đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các cá nhân, tập thể. Tại các cơ quan, đơn vị, khu dân cư trên địa bàn tỉnh, cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, lao động và người dân thể hiện rõ niền tự hào...

Nghi lễ đặc sắc trong tết Thanh minh của người Bố Y

Người dân tộc Bố Y trên địa bàn tỉnh Lào Cai chỉ có hơn 2000 người, chủ yếu sinh sống ở các xã: Thanh Bình, Nậm Chảy, Tung Chung Phố và thị trấn Mường Khương (huyện Mường Khương). Trong đời sống tâm linh của người Bố Y, tết Thanh Minh “Sứn mìn” đã trở thành nét văn hóa đặc sắc được truyền lại từ...

Đền Quan ghi dấu nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, quân sự

Tọa lạc ở phường biên giới Lào Cai (thành phố Lào Cai), đền Quan là một trong những di tích quan trọng, còn lưu giữ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, quân sự. Thuở xưa, đây là nơi ghi dấu công lao to lớn của quân đội nhà Trần do Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn chỉ huy lên trấn ải vùng biên giới Lào Cai.

Hoa văn phượng hoàng trong trang phục của người Nùng Dín

Mỗi một dân tộc đều có những nét độc đáo riêng trong bản sắc văn hóa truyền thống. Với người Nùng Dín ở vùng biên giới Mường Khương (Lào Cai), một trong những đặc điểm nhận diện rõ nhất trong trang phục truyền thống của họ, chính là vẻ đẹp tinh tế và đầy màu sắc của hoa văn phượng hoàng thêu trên...

Phát triển du lịch từ bản sắc văn hóa

Trong những năm qua, tỉnh Lào Cai luôn kiên định phát triển du lịch dựa trên các giá trị bền vững, gắn với bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số, nhằm từng bước tạo lập trong lòng du khách trong nước và quốc tế thông điệp “An toàn...