Tuổi trẻ bắt nhịp với chuyển đổi số trong nông nghiệp

Không thể đứng ngoài cuộc cách mạng 4.0, trong thời gian qua, tuổi trẻ Lào Cai luôn tiên phong trong chuyển đổi số, nhất là đối với lĩnh vực sản xuất nông nghiệp. Từ đó, nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo ra đời, tạo động lực thúc đẩy sản xuất nông nghiệp địa phương phát triển.


Thanh niên vùng cao tích cực chuyển đổi số

Cầm gói trà Shan tuyết cổ thụ thương hiệu “Trà cổ thụ Tả Củ Tỷ” 250 gr trên tay, chàng thanh niên người Dao sinh năm 1998 - Lý Văn Minh (xã Tả Củ Tỷ, huyện Bắc Hà) say sưa giới thiệu với chúng tôi quy trình làm nên thương hiệu trà cổ thụ Tả Củ Tỷ thơm ngon nức tiếng.

Đoàn viên Lý Văn Minh chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ chè cổ thụ.

Đó là những búp trà cổ thụ bắt buộc phải hái vào buổi sáng khi còn nguyên những hạt sương mai trên lá, sau đó đưa về xưởng, sao chè trên chiếc chảo gang lớn hoàn toàn bằng phương pháp thủ công. Nhờ phương pháp chế biến chè truyền thống này mà trà cổ thụ Tả Củ Tỷ giữ trọn hương vị đặc biệt, được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng. Ý tưởng khởi nghiệp hình thành từ năm 2018 nhưng đến tháng 6/2022 thương hiệu trà cổ thụ Tả Củ Tỷ mới ra đời, trải qua nhiều khó khăn, đến nay bước đầu đã được thị trường đón nhận. Không chỉ tiêu thụ trong nước, trà cổ thụ Tả Củ Tỷ còn vươn tầm xuất khẩu.

Điều khiến chúng tôi ấn tượng khi nhìn vào gói trà là bao bì. Theo quan điểm của anh Minh, khi chưa biết chất lượng sản phẩm ra sao thì bao bì sản phẩm đẹp sẽ thu hút khách hàng tiếp cận. Vỏ gói trà kết hợp màu sắc trắng - xanh hài hòa được làm bằng chất liệu ni-lông mịn. Đặc biệt, trên bao bì còn có mã QR-code truy xuất nguồn gốc. Chỉ cần quét mã, mọi thông tin về nguồn gốc, quy trình sản xuất sẽ hiện ra. Bên cạnh đó, anh Minh tận dụng các nền tảng mạng xã hội để quảng bá sản phẩm trà, do đó việc tiêu thụ khá thuận lợi và anh cũng trở thành một trong những điển hình chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp ở vùng cao Bắc Hà.

“Điểm tựa” giúp tuổi trẻ chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp

Giai đoạn 2021 - 2025, Đại hội Đảng bộ huyện Bát Xát nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã ban hành Đề án số 01 về phát triển trồng trọt, chăn nuôi ứng dụng một phần công nghệ cao và chương trình hành động của Huyện ủy về triển khai thực hiện Nghị quyết 10 ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Theo đó, người dân có sự chuyển biến trong nhận thức, áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi; huyện Bát Xát có 5 sản phẩm OCOP, duy trì 5 mã số vùng trồng và duy trì tốt 100 ha sản phẩm VietGAP. Điều này đặt ra cơ hội cho tuổi trẻ Bát Xát chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp.

Mô hình trồng lê Tai nung ở xã Nậm Pung là ví dụ về chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp.

Anh Lê Hà Khương Anh, Bí thư Huyện đoàn Bát Xát cho biết: Ban Thường vụ Huyện đoàn đã bám sát chỉ đạo của Huyện ủy và đoàn cấp trên, hỗ trợ một số mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao do thanh niên làm chủ như mô hình nuôi cá nước lạnh xã Dền Sáng, mô hình trồng lê Tai nung xã Nậm Pung, mô hình trồng rau trái vụ tại thôn Trung Chải (xã Y Tý), mô hình trồng chè Bát tiên hữu cơ xã Mường Hum. Thông qua các chương trình, Huyện đoàn Bát Xát đã phối hợp với các đơn vị chuyên môn tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật, hỗ trợ tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), khảo sát hệ thống tưới tiết kiệm, là cầu nối giúp thanh niên tiếp cận nguồn vốn ưu đãi và tham gia các chương trình khởi nghiệp, vườn ươm doanh nghiệp. Nhờ tích cực chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp, đến nay huyện có 58 mô hình thanh niên phát triển kinh tế cho thu nhập hơn 50 triệu đồng/năm, 1 hợp tác xã do thanh niên làm chủ.

Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Lào Cai lần thứ XIV xác định nâng cao năng lực chuyển đổi số của đoàn viên, thanh niên là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Theo đó, Tỉnh đoàn tiếp tục khuyến khích, cổ vũ thanh niên đề xuất sáng kiến, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ, kinh tế số vào lao động, sản xuất, kinh doanh; xây dựng mô hình tổ, đội, nhóm thanh niên tham gia sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch. Xây dựng thương hiệu quốc gia và chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm.

Để thực hiện hiệu quả Nghị quyết 20 ngày 17/1/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Lào Cai đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tuổi trẻ Lào Cai đã cụ thể hóa thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu, phần việc và chỉ đạo các cấp bộ đoàn tuyên truyền đến đoàn viên, thanh niên về chuyển đổi số trong các lĩnh vực, hướng tới xây dựng lớp đoàn viên, thanh niên Lào Cai tiên phong ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong học tập, sản xuất kinh doanh. Thanh niên tích cực chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp đã góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 10 của Ban thường vụ Tỉnh ủy về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa, từ đó hình thành nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp tiêu biểu, đem lại giá trị kinh tế cao, tạo việc làm cho người dân, đóng góp tích cực vào chương trình xây dựng nông thôn mới, xóa đói, giảm nghèo tại địa phương.

theo LCĐT

Tin Liên Quan

Lào Cai triển khai 176 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất

Với mục tiêu phấn đấu ít nhất 80% các hộ thuộc đối tượng thụ hưởng tham gia dự án thoát nghèo và vươn lên thành hộ khá, giàu, trong năm 2024, tỉnh Lào Cai sẽ thực hiện 176 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia, gồm 65 dự án liên kết (11 dự án cấp tỉnh, 54 dự án cấp...

Lào Cai quan tâm bảo tồn và phát triển làng nghề

Từ nay đến năm 2030, tỉnh Lào Cai sẽ quan tâm phát triển 06 nhóm ngành nghề nông thôn với mục tiêu phát huy tiềm năng của khu vực nông thôn, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập, tạo công ăn việc làm và cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Rộn ràng Ngày hội đọc sách tại trường PTDTBT THCS Bản Khoang, xã Ngũ Chỉ Sơn, Sa Pa

Ngày 19/4/2024, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Thư viện tỉnh tổ chức Ngày hội đọc sách tại trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Bản Khoang (xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa). Đây là hoạt động thiết thực hưởng ứng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam 21/4.

Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 10,77% trở lên đối với 10 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh

Đó là mục tiêu được tỉnh Lào Cai đặt ra đối với 10 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh trong năm 2024.

3 dự án về nông nghiệp được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư

Quý I/2024, UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư đối với 3 dự án về nông nghiệp.

Lào Cai phát triển vùng nguyên liệu chuối, dứa, cây ăn quả ôn đới

Năm 2024, tỉnh Lào Cai tiếp tục tập trung nguồn lực nhằm xây dựng ổn định và nâng cao chất lượng vùng cây ăn quả ôn đới gắn với sản phẩm OCOP và phát triển du lịch nông nghiệp. Tăng cường quảng bá phát triển mở rộng các mô hình sản xuất gắn với du lịch nông nghiệp, phục vụ nhu cầu du khách góp phần...