Những “cánh hoa” xinh ...

Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Lào Cai hiện có 116 hội viên, sinh hoạt tại 5 chi hội chuyên ngành trực thuộc (gồm văn, thơ, âm nhạc, mỹ thuật, nhiếp ảnh) và 5 chi hội chuyên ngành thành viên, là các chi hội chuyên ngành Trung ương sinh hoạt tại Lào Cai (gồm văn nghệ dân gian, văn học - nghệ thuật các dân tộc thiểu số, nhiếp ảnh, âm nhạc và mỹ thuật). Mỗi chuyên ngành với đặc thù riêng đã tạo nên diện mạo văn học - nghệ thuật Lào Cai đặc sắc, phong phú và hấp dẫn. Nếu hình dung văn học - nghệ thuật là một bông hoa đẹp, thì các chi hội chuyên ngành chính là những “cánh hoa” xinh...

Văn xuôi -nghệ thuật của chữ nghĩa

Chi hội Văn được đánh giá là chi hội mạnh từ số lượng hội viên đến các hoạt động phong trào, hoạt động hội và sáng tác. Điểm đặc biệt của chuyên ngành văn là có sự giao thoa với chuyên ngành thơ: Rất nhiều hội viên văn có năng khiếu thơ và không ít hội viên thơ có các tác phẩm văn đặc sắc.

Trải qua chặng đường lịch sử với nhiều giai đoạn, văn xuôi Lào Cai vẫn duy trì dòng chảy bền bỉ, nhiều tác giả thành danh trên văn đàn cả nước như Ma Văn Kháng, Mã A Lềnh, Đoàn Hữu Nam… và các thế hệ kế tục như Mã Anh Lâm, Hoàng Anh Tuấn...

Các tác giả tên tuổi như Mã A Lềnh, Đoàn Hữu Nam, Cao Văn Tư... vẫn duy trì niềm say mê sáng tác và truyền nhiệt huyết cho bạn viết và thế hệ trẻ. Chỉ trong 5 năm, đã có 34 ấn phẩm văn xuôi được xuất bản.

Năm 2021 xuất hiện sự cộng tác nhiệt tình, tâm huyết của 3 cây bút trẻ thông qua một số truyện ngắn (thể loại phóng sự, ghi chép báo chí thì nhiều), đó là Trương Thị Lân (Văn phòng Hội), Nguyễn Hồng Loan (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh - Sở Y tế), Nguyễn Thu Trang (Trường Cao đẳng Lào Cai)… Hội viên trẻ như Nguyễn Thị Hằng (giáo viên Trường Tiểu học Tân An, Văn Bàn) tiếp tục có sự say mê học hỏi sáng tác, viết đa dạng, văn phong ngày càng ấn tượng.

Thơ - nhụy thơm và mật ngọt

Làm thơ không đơn giản, nhưng Chi hội Thơ Lào Cai vẫn khá lớn mạnh với 28 hội viên, ngoài ra còn có một số hội viên chuyên ngành khác như văn xuôi, nhiếp ảnh... cũng tham gia sáng tác thơ.

Trong 5 năm qua, Chi hội Thơ Lào Cai đã để lại nhiều dấu ấn cho nền thi ca Lào Cai: Hàng trăm bài thơ đã được đăng trên các báo, tạp chí trong và ngoài tỉnh; xuất bản 25 tập thơ do các nhà xuất bản uy tín phát hành như Nhà xuất bản Văn học, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc… Giá trị nội dung phong phú, phản ánh cuộc sống con người của từng vùng đất, đặc biệt là bản sắc văn hóa, con người các dân tộc thiểu số Lào Cai. Nhiều tập thơ, chùm thơ đoạt giải cao trong các cuộc thi, giải thưởng của tỉnh Lào Cai, các giải thưởng trung ương như Mã Anh Lâm đoạt giải B của Hội Văn học - Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam; Pờ Sảo Mìn với 2 tập thơ đoạt 1 giải B, 1 giải C của Hội Văn học - Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam; Hoàng Anh Tuấn đoạt giải Ba cuộc thi của Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp với Hội Văn học - Nghệ thuật Hòa Bình tổ chức...

Không chỉ tạo điều kiện cho hội viên trong chi hội, chuyên ngành thơ còn đặc biệt tạo điều kiện cho các hội viên chuyên ngành khác tham gia sinh hoạt nghiệp vụ, sẵn sàng trao đổi với câu lạc bộ thơ các địa phương. Cũng nhờ đó, hội viên chuyên ngành nhiếp ảnh Huy Thức mới đây đã xuất bản tập thơ mang tên Mây ngàn quên ngủ, đoạt giải A giải thưởng Văn học - Nghệ thuật hằng năm của tỉnh; Câu lạc bộ thơ ca phường Cốc Lếu (thành phố Lào Cai) đã tổ chức cuộc thi thơ chào mừng thành công đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 và kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Lào Cai (1991 - 2021) với sự trợ giúp của Ban Chấp hành Chi hội.

Nhiếp ảnh - nghệ thuật hình ảnh

Giai điệu tình yêu 

Nếu như văn chương là nghệ thuật của ngôn từ, câu chữ, ý tứ thì nhiếp ảnh là sự tung hứng của bố cục, ánh sáng, màu sắc, độ nét, sự tương phản... Bởi vậy, biết chụp ảnh, chụp được ảnh là một chuyện, nhưng để có được những tấm ảnh đạt đến tầm nghệ thuật lại không đơn giản.

Có lẽ vì thế mà giới chơi ảnh Lào Cai không ít nhưng hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật lại không nhiều. Mặc dù chỉ với 22 hội viên, nhưng Chi hội Nhiếp ảnh lại có bề dày hoạt động, tích cực hưởng ứng các phong trào chung của Hội và của tỉnh, là lực lượng nòng cốt để Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh xuất bản ấn phẩm sách ảnh và triển lãm ảnh “Lào Cai qua nghệ thuật nhiếp ảnh” chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI; trưng bày ảnh tại Lễ kỷ niệm 30 năm Ngày tái lập tỉnh, trưng bày phục vụ Lễ hội Xuân đền Thượng hàng năm; tổ chức trưng bày 200 ảnh nghệ thuật về con người và thiên nhiên Sa Pa; tích cực tham gia các cuộc thi ảnh nghệ thuật do Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh tổ chức với sự bảo trợ của Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam, các cuộc thi ảnh do các huyện trong tỉnh tổ chức...

Hằng năm, các tác giả nhiếp ảnh Lào Cai đều tham gia các cuộc liên hoan ảnh khu vực, toàn quốc và của tỉnh Lào Cai hoặc các bộ, ngành Trung ương tổ chức, với gần 60 giải thưởng các loại, trong đó có một số giải thưởng tại các cuộc thi lớn như tác giả Gia Chiến đoạt Huy chương Bạc giải thưởng Word Cup, Huy chương Đồng liên hoan ảnh khu vực; các tác giả Mạnh Cường, Thào Thị Minh Tâm đoạt giải C của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam…

Âm nhạc - trầm bổng từng khuông nhạc

Để trở thành nhạc sỹ, bạn phải hiểu về nhạc lý, thêm một chút tâm hồn cùng một chút hiểu biết về văn, thơ rồi lại phải tìm đề tài, tìm cảm hứng mới có thể sáng tác ra bài hát. Có lẽ vì thế mà hội viên chi hội âm nhạc của Lào Cai đang ở mức “khiêm tốn”, chỉ 13 người.

Ít nhưng chất! Trong nhiệm kỳ, cùng với những nhạc sỹ tên tuổi đã được khẳng định là một lớp đại diện cho thế hệ nhạc sỹ trẻ Lào Cai năng động, tìm tòi, mỗi năm có tới 25 - 30 tác phẩm được sáng tác. Đặc biệt, trong nhiệm kỳ đã có hơn 30 tác phẩm đoạt giải của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam, Hội Nhạc sỹ Việt Nam, giải thưởng Văn học - Nghệ thuật hằng năm, giải thưởng Cuộc vận động sáng tác và quảng bá tác phẩm văn học - nghệ thuật về chủ đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của tỉnh và các giải chuyên đề khác.

Đó là nhạc sỹ Phùng Chiến với 31 ca khúc được ra đời, đoạt 6 giải thưởng, trong đó có 1 giải B Hội Nhạc sỹ Việt Nam, 2 giải B Hội Văn học - Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam, 1 giải B của UBND tỉnh Lào Cai... ; nhạc sỹ Vũ Đình Trọng được Ban Chấp hành Trung ương Đảng tặng giải thưởng có thành tích xuất sắc trong sáng tác, quảng bá ca khúc về chủ đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, cùng 3 ca khúc được 3 giải A; nhạc sỹ Xuân Quỳnh sáng tác 16 tác phẩm, đoạt 5 giải thưởng; các nhạc sỹ Kim Xuân Hùng, Ma Thanh Quân, Kim Lan, Phu Ngọc Lan sáng tác khá đều đặn...

Mỹ thuật - những biến tấu của màu sắc và đường nét

Là người “ngoại đạo”, tôi chỉ biết các họa sỹ phải lao động nghệ thuật vất vả, phải tìm đề tài, đi thực tế lấy thông tin, lấy cảm hứng... rồi phải kết hợp các yếu tố về hình khối, hình dạng, đường nét, màu sắc, sắc độ, không gian... và cả chất liệu sao cho phù hợp. Mỗi lần đi sáng tác, thì mỹ thuật “lỉnh kỉnh” hơn với giá vẽ, toan, bạt, khung, bút, màu, chai lọ... thậm chí cả xô, chậu (để pha màu). Không những thế, để hoàn thiện một tác phẩm thì dù cẩn thận đến đâu, kiểu gì tay chân, quần áo cũng lấm lem. Ấy thế nhưng mỗi lần có đợt đi thực tế hoặc tổ chức trại sáng tác, các họa sỹ đều rất hăng hái, nhiệt tình, nói như họa sỹ Đỗ Chung - nguyên ủy viên Ban Chấp hành Hội: Tất cả vì đam mê!

Tác phẩm Bếp lửa Hà Nhì - Nguyễn Hoàn Thiện.

Còn nhớ năm 2018, Lào Cai đăng cai Triển lãm Mỹ thuật khu vực III Tây Bắc - Việt Bắc, các họa sỹ Lào Cai tham gia nhiệt tình và đoạt 1 giải Khuyến khích và nhiều giấy khen của Hội Mỹ thuật Việt Nam. Ngoài triển lãm khu vực thường niên, các họa sỹ còn tham gia các cuộc thi, trưng bày, sáng tác lô gô biểu trưng, các cuộc vận động sáng tác theo chuyên đề và các đề án lớn của tỉnh nhân dịp tổ chức các sự kiện lớn, các hoạt động văn hóa, văn nghệ trên địa bàn tỉnh.

Chỉ với 17 hội viên nhưng mỗi năm, Chi hội Mỹ thuật có khoảng 50 tác phẩm được tham gia tại các triển lãm ở tỉnh và khu vực, đã đoạt 2 giải Khuyến khích khu vực, 1 giải Khuyến khích của Cục Hải quân Việt Nam, có tác phẩm được trưng bày trong Bảo tàng Quân đội và Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, cùng nhiều giải dự thưởng chuyên ngành ở địa phương và Trung ương…

Văn nghệ dân gian - miệt mài với nghiên cứu, sưu tầm

Chi hội Văn nghệ dân gian làm nhiệm vụ sưu tầm, nghiên cứu, phổ biến và truyền dạy vốn văn hóa - văn nghệ dân gian các dân tộc Việt Nam.

Lào Cai là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về số lượng di sản văn hóa phi vật thể, với 26 di sản, 46 di tích, danh thắng được xếp hạng, cùng hàng chục lễ hội dân gian truyền thống ở các địa phương. Đây là nguồn tư liệu phong phú cho các nhà sưu tầm, nghiên cứu văn hóa dân gian. Trong 5 năm qua, đã có 50 công trình nghiên cứu, sưu tầm văn nghệ dân gian được thực hiện, trong đó đã xuất bản hơn 20 đầu ấn phẩm cùng nhiều tác phẩm lẻ đăng tải trên các báo, tạp chí. Tiểu biểu là các tác phẩm “Tri thức dân gian về trồng trọt của người Nùng Dín ở Lào Cai” của tác giả Vàng Thung Chúng đoạt giải 3A và tập bản thảo Nghi lễ dân gian của người Tày xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên của các tác giả Phạm Văn Chiến, Ma Thanh Sợi, Dương Tuấn Nghĩa, Nguyễn Ngọc Thanh đoạt giải 3B của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam.

Những năm qua, hội viên chi hội đã tham gia bảo tồn, phát huy giá trị 19 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; rà soát, bổ sung tư liệu, mở các lớp trao truyền di sản và quay phim bảo tồn rất nhiều di sản văn hóa phi vật thể. Quay phim, chụp ảnh bảo tồn văn hóa các dân tộc: Nùng, La Chí, Phù Lá, Thu Lao, Bố Y, Dao đỏ, Xá Phó, Mông, Dao, Giáy... xây dựng 18 hồ sơ khoa học di sản phi vật thể trình Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; đã tham mưu, phối hợp tổ chức thực hiện nhiều lễ hội dân gian trên địa bàn tỉnh, góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống các dân tộc và tạo điểm nhấn cho phát triển du lịch ở Lào Cai.

Sự lớn mạnh của Hội Văn học - Nghệ thuật Lào Cai hôm nay được bồi đắp bằng công sức, niềm đam mê, nhiệt huyết của mỗi hội viên, của mỗi chuyên ngành. Cùng đoàn kết, tích cực xây dựng tổ chức hội vững mạnh, bám sát nhiệm vụ chính trị của đất nước, của tỉnh, phấn đấu tạo ra những tác phẩm, công trình văn học - nghệ thuật tương xứng với sự phát triển của quê hương, đất nước, để văn học - nghệ thuật Lào Cai thực sự là đóa hoa ngày càng đậm sắc, ngát hương với những “cánh hoa” xinh.

https://baolaocai.vn/bai-viet/361718-nhung-canh-hoa-xinh

 

Theo LCĐT

Tin Liên Quan

Sôi nổi Giải vô địch đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ tỉnh Lào Cai năm 2024

Giải vô địch đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ tỉnh Lào Cai năm 2024 đang diễn ra vô cùng sôi động, hấp dẫn tại thị trấn Si Ma Cai, huyện Si Ma Cai.

Bồi đắp niềm tự hào văn hóa dân tộc

“Tuần lễ trang phục truyền thống các dân tộc” tỉnh Lào Cai năm 2024 diễn ra từ ngày 15/4 – 19/4 đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các cá nhân, tập thể. Tại các cơ quan, đơn vị, khu dân cư trên địa bàn tỉnh, cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, lao động và người dân thể hiện rõ niền tự hào...

Nghi lễ đặc sắc trong tết Thanh minh của người Bố Y

Người dân tộc Bố Y trên địa bàn tỉnh Lào Cai chỉ có hơn 2000 người, chủ yếu sinh sống ở các xã: Thanh Bình, Nậm Chảy, Tung Chung Phố và thị trấn Mường Khương (huyện Mường Khương). Trong đời sống tâm linh của người Bố Y, tết Thanh Minh “Sứn mìn” đã trở thành nét văn hóa đặc sắc được truyền lại từ...

Đền Quan ghi dấu nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, quân sự

Tọa lạc ở phường biên giới Lào Cai (thành phố Lào Cai), đền Quan là một trong những di tích quan trọng, còn lưu giữ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, quân sự. Thuở xưa, đây là nơi ghi dấu công lao to lớn của quân đội nhà Trần do Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn chỉ huy lên trấn ải vùng biên giới Lào Cai.

Hoa văn phượng hoàng trong trang phục của người Nùng Dín

Mỗi một dân tộc đều có những nét độc đáo riêng trong bản sắc văn hóa truyền thống. Với người Nùng Dín ở vùng biên giới Mường Khương (Lào Cai), một trong những đặc điểm nhận diện rõ nhất trong trang phục truyền thống của họ, chính là vẻ đẹp tinh tế và đầy màu sắc của hoa văn phượng hoàng thêu trên...

Phát triển du lịch từ bản sắc văn hóa

Trong những năm qua, tỉnh Lào Cai luôn kiên định phát triển du lịch dựa trên các giá trị bền vững, gắn với bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số, nhằm từng bước tạo lập trong lòng du khách trong nước và quốc tế thông điệp “An toàn...