“Lợi ích kép” từ phát triển du lịch nông thôn

Những năm qua, bên cạnh việc phát triển khu vực nông thôn theo chương trình xây dựng nông thôn mới, “hiện đại hóa nông thôn”, Lào Cai luôn quan tâm gìn giữ các giá trị văn hóa đặc sắc, tạo đà cho phát triển du lịch nông thôn.

Phát triển du lịch nông thôn là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, trên cơ sở thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông thôn, góp phần hỗ trợ các địa phương thực hiện hiệu quả, bền vững các tiêu chí nông thôn mới. Chương trình hướng tới đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của các địa phương, nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bền vững.

Thuốc tắm của người Dao đỏ ở Tả Phìn (Sa Pa) đã có thương hiệu.

Xã Nghĩa Đô (Bảo Yên) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015, đang phấn đấu đạt xã nông thôn mới nâng cao trong giai đoạn 2022 - 2025. Đến nay, Nghĩa Đô đã đạt 12/19 tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao. Để các tiêu chí đã đạt được duy trì và phát triển bền vững, đồng thời tranh thủ các nguồn lực thực hiện các tiêu chí còn lại, việc cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống của người dân luôn được xã chú trọng. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Đảng bộ xã xác định phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, đột phá trong phát triển kinh tế.

Để phát triển du lịch nông thôn gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, Nghĩa Đô định hướng thành lập và liên kết các hợp tác xã (nông nghiệp, dịch vụ du lịch, tiểu thủ công nghiệp) trong chuỗi giá trị du lịch cộng đồng. Cùng với đó, tiếp tục nhân rộng mô hình quản lý du lịch cộng đồng, tạo sinh kế và thu nhập bền vững cho cộng đồng, hộ kinh doanh, sản xuất phục vụ phát triển du lịch.

Không chỉ xã Nghĩa Đô, tại Lào Cai, mỗi bản làng, mỗi dân tộc đều khai thác và phát huy bản sắc văn hóa riêng để phát triển du lịch. Đồng bào dân tộc Dao Đỏ, xã Tả Phìn (thị xã Sa Pa) đã khai thác vốn tri thức dân gian trong chữa bệnh và phát triển thành thương hiệu “tắm lá thuốc dân tộc Dao Đỏ - Tả Phìn”; khai thác văn hóa vật chất trên trang phục của mình tạo thành sản phẩm thủ công thêu tay độc đáo. Đồng bào Mông bản Cát Cát phát triển dịch vụ bán hàng lưu niệm, nước uống, dịch vụ khuân vác thuê, dịch vụ dẫn đường tại các điểm nghỉ chân theo tuyến Sa Pa - Sín Chải - Cát Cát - Sa Pa. Đồng bào Tày Bắc Hà phát triển các mô hình lưu trú, nghỉ dưỡng gắn với trải nghiệm văn hóa cộng đồng…

Khảo sát xây dựng mô hình phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới tại Bắc Hà.

Từ thực tế trên cho thấy, khi mô hình du lịch cộng đồng phát triển tại bản làng, người dân được hoàn toàn làm chủ các hình thức kinh doanh của mình và thu lợi ích trực tiếp từ hoạt động kinh doanh đó. Việc phát triển các mô hình dịch vụ du lịch, cơ sở sản xuất hàng lưu niệm, trang phục dân tộc, đồ trang sức, thuốc tắm của người dân bản địa đã góp phần cải thiện cuộc sống hằng ngày của người dân, đồng thời góp phần gìn giữ nghề thủ công truyền thống. Việc phát triển du lịch cộng đồng nông thôn đã mang lại những “lợi ích kép”, không chỉ có ý nghĩa riêng với ngành văn hóa, du lịch, mà còn có những tác động tích cực đối với chương trình xây dựng nông thôn mới.

Không chỉ vậy, để thu hút khách du lịch, các bản làng quan tâm nhiều hơn tới việc đảm bảo vệ sinh môi trường, tôn tạo cảnh quan, chỉnh trang nhà ở, các công trình phụ trợ. Việc quan tâm phát triển du lịch vì thế góp phần thực hiện các tiêu chí liên quan đến môi trường nông thôn thuận lợi hơn, các xã phát triển du lịch đã đạt chuẩn thì các tiêu chí cũng được duy trì bền vững hơn.

Ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Chánh Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Lào Cai nhận định: Việc phát triển các mô hình du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, phát huy lợi thế của địa phương, tăng thu nhập cho người dân. Phát triển du lịch cũng góp phần bảo vệ cảnh quan môi trường, qua đó thực hiện các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới bền vững hơn.

Bảo Yên khai thác thế mạnh văn hóa địa phương gắn với phát triển du lịch cộng đồng.

Cũng theo ông Kiên, Lào Cai dự kiến từ nay đến năm 2025 sẽ xây dựng thí điểm các điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của tỉnh; xây dựng các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch. Cùng với đó, phát huy lợi thế riêng có của từng địa phương, phấn đấu mỗi huyện đạt chuẩn nông thôn mới có tiềm năng du lịch xây dựng ít nhất 1 mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp, nông thôn mang tính đặc trưng của địa phương. Thực hiện chương trình này, giai đoạn 2023 - 2025, các cơ quan chuyên môn sẽ phối hợp với các địa phương xây dựng mô hình thí điểm, đào tạo, tập huấn nghiệp vụ quản lý du lịch, nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng phục vụ khách du lịch…

“Từ nay đến hết năm 2025, Lào Cai có mục tiêu đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn theo hướng bền vững gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc; giữ gìn cảnh quan thiên nhiên; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; giải quyết tốt vấn đề môi trường, lao động, việc làm” - ông Nguyễn Trung Kiên nói.

https://baolaocai.vn/bai-viet/363542-loi-ich-kep-tu-phat-trien-du-lich-nong-thon

theo LCĐT

Tin Liên Quan

Những nghị quyết mang hơi thở cuộc sống

Nghị quyết đúng, trúng, phù hợp với thực tế, được người dân đồng thuận sẽ là tiền đề quan trọng để cấp ủy đảng, chính quyền các cấp triển khai hiệu quả vào thực tế cuộc sống, đáp ứng nguyện vọng của Nhân dân, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Thành quả nổi bật từ...

Cầu nối tinh thần đoàn kết trong xây dựng nông thôn mới

Thôn Nam Hải, xã Sơn Hải (huyện Bảo Thắng) có 217 hộ với hơn 800 khẩu. Đây là thôn điển hình trong phong trào xây dựng nông thôn mới với hàng nghìn mét vuông đất được hiến, mô hình “Đường rộng - sáng điện - nhiều hoa” hình thành nhưng ít ai biết quá trình triển khai thực hiện các tiêu chí nông thôn mới ở...

Lào Cai triển khai 176 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất

Với mục tiêu phấn đấu ít nhất 80% các hộ thuộc đối tượng thụ hưởng tham gia dự án thoát nghèo và vươn lên thành hộ khá, giàu, trong năm 2024, tỉnh Lào Cai sẽ thực hiện 176 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia, gồm 65 dự án liên kết (11 dự án cấp tỉnh, 54 dự án cấp...

Lào Cai quan tâm bảo tồn và phát triển làng nghề

Từ nay đến năm 2030, tỉnh Lào Cai sẽ quan tâm phát triển 06 nhóm ngành nghề nông thôn với mục tiêu phát huy tiềm năng của khu vực nông thôn, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập, tạo công ăn việc làm và cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Rộn ràng Ngày hội đọc sách tại trường PTDTBT THCS Bản Khoang, xã Ngũ Chỉ Sơn, Sa Pa

Ngày 19/4/2024, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Thư viện tỉnh tổ chức Ngày hội đọc sách tại trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Bản Khoang (xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa). Đây là hoạt động thiết thực hưởng ứng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam 21/4.

Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 10,77% trở lên đối với 10 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh

Đó là mục tiêu được tỉnh Lào Cai đặt ra đối với 10 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh trong năm 2024.