Khúc khải hoàn trong ký ức những cựu chiến binh

Cuộc kháng chiến chống Mỹ đã lùi xa gần 50 năm, nhưng câu chuyện về những năm tháng cầm súng bảo vệ Tổ quốc, về ngày non sông vang khúc khải hoàn (30/4/1975) vẫn vẹn nguyên trong ký ức của những người lính - những thanh niên thời đại Hồ Chí Minh năm nào.
8a.jpg

Trong ký ức của ông Trần Quang Thành ở thôn Mường 1, xã Xuân Giao (huyện Bảo Thắng), những khói lửa chiến tranh, rồi cả niềm vui đại thắng vẫn còn vẹn nguyên.

Năm 1971, khi vừa tròn 18 tuổi, chàng thanh niên Trần Quang Thành đăng ký tham gia khóa huấn luyện hơn 2 tháng tại thị xã Lào Cai để hành quân vào Nam. Tuy nhiên sau đó, anh nhận thông báo không đủ điều kiện vì sức khỏe chỉ ở hạng B2. Trở về quê, anh làm công nhân ở Nông trường Phú Xuân (huyện Bảo Thắng)…

Làm nông trường được 2 năm, anh Thành lại viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Ngày cầm giấy khám tuyển sức khỏe loại A, anh mừng khôn xiết, mơ ngày ra chiến trận. Sau 2 tháng huấn luyện ở Hà Bắc rồi hành quân vào Nam, anh làm Tiểu đội trưởng Tiểu đội 3, C12, Trung đoàn Cầu đường 99 trực thuộc Bộ Tư lệnh 559. Đó là tiểu đội công binh cầu đường, có nhiệm vụ làm cầu dã chiến cho các đoàn xe qua.

khuc khai hoan 2.jpg

Đóng chân tại huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) - một trong những vùng “đất lửa”, tiểu đội của anh Thành gặp rất nhiều khó khăn, hiểm nguy khi làm nhiệm vụ. Nơi đây luôn hứng chịu những trận “mưa” hóa học của Mỹ nên đất đai cằn khô, cây cối chết đứng, trên bầu trời thì máy bay địch luôn gầm rú. Để tránh sự do thám của địch, tiểu đội phải cắt cử nhau làm xuyên đêm. Mỗi cây cầu bị đánh sập, mỗi đoạn đường bị xới tung, khoét sâu được thay thế bằng những cây cầu dã chiến để các đoàn xe qua…

Ông Thành không nhớ nổi mình và đồng đội đã làm được bao nhiêu cây cầu nối suốt con đường đánh giặc, nhưng cây cầu có tính quyết định trong cuộc đời binh nghiệp cũng như trong Đại thắng mùa Xuân năm 1975 thì ông nhớ mãi.

Cuối tháng 2/1975, trung đoàn của ông được lệnh hành quân vào Nam theo Quốc lộ 1. Lúc này, quân nguỵ bắt đầu rút về Sài Gòn, tháo chạy đến đâu chúng đánh sập cầu đến đó. Đoàn của ông đi ngay sau quân giải phóng, cây cầu nào bị đánh sập thì nối lại, sông nào chưa có cầu thì bắc cầu tạm cho xe cơ giới qua. Thế trận như chẻ tre, quân ta thần tốc đêm ngày với 5 mũi tiến về giải phóng Sài Gòn. Cánh quân của ông Thành về đến Đồng Nai thì phải dừng lại bởi cầu Biên Hòa bắc qua sông Đồng Nai vào Sài Gòn dài 20 nhịp đã bị phá hủy 2 nhịp. Nhiệm vụ đặt ra là phải nối liền cây cầu trong thời gian nhanh nhất. Trời tháng 4, miền Nam nắng như đổ lửa nhưng chỉ trong vòng 12 tiếng đồng hồ khẩn trương tạo mố cầu, lắp ghép thành cầu, nan cầu bằng cách kéo tời ngang sông, 2 nhịp cầu với chiều dài 108 m đã hoàn thành. Cầu thông xe vào lúc 0 giờ ngày 29/4, đoàn quân rầm rập tiến qua sông hợp với các cánh quân khác đánh vào Sài Gòn. Chỉ hơn 24 giờ sau, vào lúc 11 giờ 30 phút, Sài Gòn được giải phóng.

3a.jpg
7a.jpg

Cựu chiến binh Phạm Văn Chinh ở xã Bảo Hà (huyện Bảo Yên) thường nhắc đến thời điểm trước và sau ngày Giải phóng miền Nam với niềm tự hào mãnh liệt.

Sau khi giải phóng Buôn Ma Thuột (10/3/1975), ông cùng các chiến sĩ trong Đại đội Pháo 23 ly, Binh trạm 37 được lệnh kéo pháo thần tốc vào tỉnh Đồng Nai để yểm trợ các cánh quân tiến vào Sài Gòn từ phía Đồng Nai. Ban đầu, ông được giao làm lính trinh sát phòng không trực tiếp tham gia các trận đánh với nhiệm vụ phát hiện máy bay địch, phân loại máy bay, tốc độ bay, từ đó báo lên cấp trên phân tích tình hình cho phương án chiến đấu.

 
khuc khai hoan 3.jpg

Những ngày gần chiến thắng, hai bên đánh nhau rất ác liệt, giành giật trên từng trận địa. Trong một lần đi trinh sát, đồng đội bên mảng thông tin bị thương nặng. Trong tình thế nguy cấp, dù là lính trinh sát phòng không nhưng ông Chinh được giao nhiệm vụ nối dây thông tin hữu tuyến. Với sự nhanh nhẹn, am hiểu trận địa, ông nhanh chóng tìm ra đoạn dây bị đứt. Lúc này, máy bay địch vẫn điên cuồng thả bom, rừng cây nơi ông Chinh làm nhiệm vụ bị xới tung. Tuy nhiên, với sự quả cảm, ông vẫn bám trụ tới cùng. Để nối dây nhanh nhất có thể, ông dùng răng cắn vào dây cáp thay cho việc dùng kìm chuyên dụng phải thao tác lâu. Trong lúc gấp gáp, sợi cáp cứng đã khiến chiếc răng cửa của ông Chinh bị vỡ đôi, tóe máu.

Lại có những lần băng qua bom đạn để hoàn thành nhiệm vụ, khi ngoảnh lại đồng đội vừa chung lưng chiến đấu đã anh dũng hy sinh. Ông Chinh hồi tưởng: "Gian khổ, hiểm nguy rồi đối mặt với mất mát, hy sinh không biết bao nhiêu mà kể nhưng những người lính ngày ấy luôn có một niềm tin sắt đá rằng đất nước sẽ sớm thái bình". Vào thời khắc 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, cùng với cả nước, đại đội của ông Chinh vỡ òa trong niềm vui đại thắng.

Nhắc đến giây phút thiêng liêng, đôi mắt người lính già đỏ hoe xúc động.

4a.jpg

Sau ngày giải phóng, đại đội của ông Chinh nhận được lệnh đóng quân tại thành phố Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) vinh dự được bảo vệ Sài Gòn, bảo vệ thành quả cách mạng. Những ngày tháng không có bom rơi, đạn nổ nhưng lại là những ngày vô cùng căng thẳng bởi các thế lực thù địch, tàn dư của chế độ cũ vẫn chực chờ nổi dậy. Hơn ai hết, những người vừa bước ra từ cuộc chiến như ông Chinh hiểu giá trị lớn lao của những giây phút hòa bình hiện tại nên luôn nêu cao cảnh giác, ra sức giữ gìn thành quả, đề phòng mọi âm mưu chống phá, lật đổ của các thế lực thù địch. Phải đến gần 1 năm sau, khi tình hình ổn định trở lại, ông Chinh mới xuất ngũ, lên xe trở về quê hương…

Câu chuyện của cựu chiến binh Trần Quang thành và cựu chiến binh Phạm Văn Chinh chỉ là 2 trong nhiều câu chuyện về thanh niên Lào Cai ngày ấy đã nuôi ý chí, khát vọng bảo vệ Tổ quốc. Với họ - những người đã từng chiến đấu ngoài mặt trận, Bác Hồ luôn là tình yêu, là động lực lớn lao, là niềm tin tất thắng và mỗi khi gặp nguy nan, họ lại hướng về để có dũng khí bước tiếp trên con đường Người đã chọn, để cùng làm nên những chiến thắng vẻ vang trong lịch sử dân tộc.

Giờ đây, dù đã đều bước vào tuổi “xưa nay hiếm” nhưng ý chí ấy, khát vọng ấy vẫn luôn rực cháy, được họ gìn giữ, trao truyền cho thế hệ sau về tinh thần thanh niên thời đại Hồ Chí Minh.

https://baolaocai.vn/khuc-khai-hoan-trong-ky-uc-nhung-cuu-chien-binh-post367833.html

Theo Tô Dung/LCĐT

Tin Liên Quan

Tập trung nguồn lực phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Lào Cai là tỉnh miền núi, biên giới, nằm giữa vùng Đông Bắc và vùng Tây Bắc. Toàn tỉnh có trên 781 nghìn người, gồm nhiều dân tộc cùng chung sống, các dân tộc thiểu số chiếm trên 66,2% dân số toàn tỉnh. Toàn tỉnh có 138 xã, phường, thị trấn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; 1.174 thôn, tổ...

Bí thư Tỉnh uỷ Đặng Xuân Phong gặp gỡ lãnh đạo Đảng Lao động Mê-hi-cô

Tối 28/10/2024 (giờ Mê-hi-cô), tiếp nối các hoạt động đối ngoại tại Mê-hi-cô, Đoàn đại biểu tỉnh Lào Cai do đồng chí Đặng Xuân Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai làm Trưởng đoàn đã gặp gỡ và làm việc với Tổng Bí thư Alberto Anaya Gutiérrez và...

Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Lào Cai Đặng Xuân Phong và đoàn công tác thăm và làm việc tại Đại sứ quán Việt Nam tại Mê-hi-cô

Ngày 28/10/2024 (giờ Mê-hi-cô), Đoàn đại biểu tỉnh Lào Cai do đồng chí Đặng Xuân Phong - Uỷ viên BCH TW Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Lào Cai, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai làm Trưởng đoàn đã đến Mê-hi-cô triển khai các hoạt động đối ngoại của tỉnh.

Nỗ lực xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống Nhân dân

Với sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, sự đồng hành của người dân, công tác phát triển nông thôn, xây dựng nông thôn của xã Mường Hoa, thị xã Sa Pa đã đạt rất nhiều kết quả tích cực. Đây cũng là xã đầu tiên trên địa bàn tỉnh Lào Cai đạt chuẩn nông thôn mới của giai đoạn 2021 - 2025.

Phát huy vai trò truyền thông trong ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an sinh xã hội

An sinh xã hội là một trong những chủ trương, chính sách quan trọng của Ðảng và Nhà nước ta đã được quán triệt, bảo đảm thực hiện trong các thời kỳ phát triển của đất nước. Những năm qua, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, công tác an sinh xã hội ở Lào Cai tiếp tục đạt được nhiều...