UBND tỉnh triển khai Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản

Ngày 10/8, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị triển khai Quyết định số 866/QĐ-TTg ngày 18/7/2023 về Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; làm việc với các doanh nghiệp hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Xuân Trường chủ trì hội nghị.

DN16.jpg
Quang cảnh hội nghị.

Cùng dự hội có các đồng chí: Hoàng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Nguyễn Trọng Hài, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh; các huyện, thành phố; đơn vị liên quan cùng các doanh nghiệp hoạt động khoáng sản trên địa bàn.

DN11.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Xuân Trường phát biểu tại hội nghị.

Mục tiêu của Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản là quản lý chặt chẽ, khai thác, chế biến, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên khoáng sản, gắn với nhu cầu phát triển của nền kinh tế, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và hướng tới mục tiêu đạt mức trung hòa các-bon. Đẩy mạnh đầu tư, hình thành ngành khai thác, chế biến đồng bộ, hiệu quả với công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại, phù hợp với xu thế của thế giới.

DN9.jpg
Lãnh đạo Sở Công Thương báo cáo kế hoạch triển khai Quyết định số 866.

Đối với các loại khoáng sản có trữ lượng lớn, chiến lược, quan trọng (bauxite, titan, đất hiếm, cromit, niken, đồng, vàng), các doanh nghiệp được cấp phép khai thác mỏ phải có đủ năng lực và phải đầu tư các dự án chế biến phù hợp sử dụng công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại, bảo vệ môi trường bền vững. Hạn chế và tiến tới chấm dứt khai thác các mỏ trữ lượng thấp, phân tán, nhỏ lẻ, tập trung tài nguyên khoáng sản từ các mỏ/điểm mỏ quy mô nhỏ thành các cụm mỏ quy mô đủ lớn để đầu tư đồng bộ từ thăm dò, khai thác, chế biến áp dụng công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại.

DN14.jpg
Đại biểu theo dõi phóng sự truyền hình về các mục tiêu của quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản.

Quy hoạch phát triển các loại khoáng sản trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 866 về thăm dò khoáng sản, thực hiện thăm dò 12 loại khoáng sản trên địa bàn toàn tỉnh với diện tích là 17.918,6 ha. Cụ thể, giai đoạn 2021 - 2030 có 35 đề án thăm dò (4 đã cấp, 31 cấp mới); giai đoạn 2031 - 2050 có 6 đề án cấp mới gồm 5 đề án đồng, 1 đề án apatit.

Về khai thác và tuyển quặng, duy trì các giấy phép khai thác đã được cơ quan có thẩm quyền cấp để đảm bảo tính ổn định cho các dự án chế biến, sử dụng các loại khoáng sản đã đầu tư xây dựng. Thực hiện khai thác đối với 13 loại khoáng sản, tổng diện tích khai trường 22.826,2 ha. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2030 có 75 dự án (26 dự án đã cấp, 49 dự án cấp mới), giai đoạn 2031 - 2050 có 59 dự án.

Trong chế biến, tập trung nguồn lực trong nước và đẩy mạnh hợp tác quốc tế đầu tư chế biến sâu các loại khoáng sản như: Đồng, đất hiếm,… Giai đoạn 2021 - 2030 có 14 dự án (đã cấp 8 dự án, 6 dự án cấp mới), giai đoạn 2031 - 2050 có 12 dự án.

DN7.jpg
Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo việc thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.

Theo báo cáo tại buổi làm việc, tính đến hết tháng 6/2023, trên địa bàn có 85 giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản đang còn hiệu lực của 68 tổ chức, cá nhân (trong đó, 80 giấy phép khai thác khoáng sản của 64 tổ chức, cá nhân; 4 giấy phép thăm dò của 4 tổ chức, cá nhân).

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Lào Cai có một số dự án khai thác, chế biến khoáng sản đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép hoạt động khoáng sản. Tuy nhiên, đến nay một số dự án chưa hoạt động, một số dự án đã tạm dừng hoạt động.

Tính đến hết ngày 31/7/2023, trên địa bàn tỉnh có 53 giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường còn hiệu lực (2 giấy phép thăm dò, 51 giấy phép khai thác). Tổng công suất đã cấp 1.556.000 m3 đá/năm và 700.000 m3 cát/năm (tổng công suất các mỏ chưa khai thác/tạm dừng là 450.000 m3 đá/năm và 194.000 m3cát/năm).

 
DN5.jpg
Doanh nghiệp thảo luận tại buổi làm việc.

Tại buổi làm việc, các doanh nghiệp, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đã nêu những khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp đang phải đối mặt hiện nay, như: Chồng lấn quy hoạch khoáng sản và quy hoạch sử dụng đất; công tác giải phóng mặt bằng còn nhiều khó khăn, vướng mắc; khó khăn trong khai thác vật liệu xây dựng...

DN4.jpg
Doanh nghiệp đề nghị tỉnh hỗ trợ tháo gỡ khó khăn để đảm bảo sản xuất.

Đại diện các doanh nghiệp đề nghị tỉnh có giải pháp tháo gỡ khó khăn về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng khai trường, dự án để duy trì hoạt động và mở rộng sản xuất; đẩy nhanh tiến độ thực hiện cấp giấy phép đầu tư, hỗ trợ thực hiện điều chỉnh giấy phép khai thác khi còn trữ lượng; chỉ đạo các các sở, ban, ngành của tỉnh và chính quyền các địa phương tăng cường hỗ trợ cùng doanh nghiệp trong công tác phối hợp thực hiện các nội dung liên quan.

DN6.jpg
Lãnh đạo Cục Thuế tỉnh trả lời kiến nghị của doanh nghiệp.

Tại hội nghị, lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh và huyện, thành phố đã trực tiếp trả lời các ý kiến kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp liên quan đến ngành, lĩnh vực và địa phương phụ trách.

DN3.jpg
Lãnh đạo huyện Bát Xát đề nghị doanh nghiệp phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh trịnh Xuân Trường nhấn mạnh: Đây là hội nghị quan trọng của UBND tỉnh để triển khai Quyết định số 866/QĐ-TTg ngày 18/7/2023 về Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 - quyết định là cơ sở, hành lang để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương, doanh nghiệp trong thực hiện khai thác, chế biến khoáng sản. Tại buổi làm việc này, lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương và Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đã thẳng thắn cùng trao đổi, thảo luận làm rõ các vấn đề mà doanh nghiệp quan tâm và đề xuất các giải pháp hiệu quả, thiết thực để tháo gỡ khó khăn, giúp doanh nghiệp hoạt động ổn định và phát triển trong thời gian tới.

DN2.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Xuân Trường kết luận buổi làm việc.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, tỉnh sẽ luôn đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hoạt động, phát triển. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần thực hiện nghiêm quy định của pháp luật và có chia sẻ chung với tỉnh, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Trong đó, cần đổi mới công nghệ sản xuất, chế biến để tạo sự cạnh tranh trên trên thị trường, thực hiện nghiêm về công tác bảo vệ môi trường, nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, công tác an sinh xã hội tại địa phương. Nếu doanh nghiệp chậm trong thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, tỉnh sẽ cương quyết thu hồi giấy phép đầu tư.

DN13.jpg

Đối với Hiệp hội Doanh tỉnh, tiếp tục phát huy tốt vai trò cầu nối tiếp nhận, đề xuất với cấp ủy, chính quyền các ý kiến, kiến nghị, nhất là những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp để có giải pháp tháo gỡ kịp thời, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố, các sở, ban, ngành chức năng của tỉnh quyết liệt vào cuộc triển khai tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là về công tác đền bù giải phóng mặt bằng; tăng cường công tác phối hợp giữa chính quyền và doanh nghiệp, doanh nghiệp phải chủ động hơn trong đề xuất cùng thực hiện nhiệm vụ của đơn vị mình.

Về cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, Chủ tịch UBND Trịnh Xuân Trường cho rằng, hiện đang mất cân đối việc cấp giữa các vùng, khu vực trong tỉnh, nên có địa phương phải mua vật liệu từ nơi khác về khiến tăng chi phí đầu tư; một số mỏ cấp khai thác nhưng không đưa vào hoạt động. Do vậy, các ngành chức năng, địa phương tăng cường kiểm tra, cần thiết sẽ thực hiện thu hồi mỏ đã cấp; kiểm soát chặt chẽ giá vật liệu xây dựng, xử lý nghiêm trường hợp găm hàng tăng giá gây biến động thị trường.

https://baolaocai.vn/ubnd-tinh-trien-khai-quy-hoach-tham-do-khai-thac-che-bien-va-su-dung-cac-loai-khoang-san-post371921.html

Theo Viết Vinh/LCĐT

Tin Liên Quan

Triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và quảng bá du lịch năm 2024

Ngày 12/3/2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 158/KH-UBND về triển khai thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và quảng bá du lịch tỉnh Lào Cai năm 2024.

Ký kết hợp tác trong lĩnh vực quản lý khu kinh tế, khu công nghiệp

Chiều 9/3, tại thành phố Lào Cai, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Lào Cai đã làm việc với Ban Quản lý Khu kinh tế thành phố Hải Phòng về một số nội dung hợp tác thuộc phạm vi quản lý trong các khu kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn hai địa phương.

Xuất - nhập khẩu: Chờ đợi sự khởi sắc

Năm 2024, Lào Cai phấn đấu giá trị kim ngạch xuất - nhập khẩu qua các cửa khẩu đạt 4,5 tỷ USD, tăng 264% so với năm 2023. Không phải ngẫu nhiên đặt ra mục tiêu như vậy, bởi thực tế đang có nhiều cơ hội và sự khởi sắc đối với hoạt động xuất - nhập khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn.

Lào Cai: Tạo sức bật trong thu hút đầu tư

Với phương châm “Doanh nghiệp phát tài - Lào Cai phát triển”, nắm chắc những lợi thế để phát triển kinh tế cửa khẩu, kinh tế vùng biên, tỉnh Lào Cai đã và đang đẩy mạnh thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; phát triển hạ tầng, khơi thông điểm nghẽn về logictics, huy...

Thúc đẩy kết nối hạ tầng giao thông Lào Cai (Việt Nam) - Vân Nam (Trung Quốc)

Chiều 12/12, bên lề hội nghị triển khai triển khai nghị quyết của Tỉnh ủy và nghị quyết của HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) năm 2024, Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Xuân Trường thông báo một tin vui khi Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam và Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc chính thức ký Nghị...

Trung tâm kết nối giao thương kinh tế Việt Nam - Trung Quốc

Với vị trí “cửa ngõ” trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh (Việt Nam), những năm qua, tỉnh Lào Cai đã tập trung phát huy lợi thế riêng có để phấn đấu trở thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế Việt Nam - Trung Quốc.