Tả Phìn (Sa Pa) bảo tồn di sản nghề làm trống của người Dao

Nghề làm trống da bò là một trong 7 di sản văn hóa của dân tộc Dao đỏ ở Sa Pa đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Tuy nhiên, câu chuyện bảo tồn nghề làm trống vẫn luôn là trăn trở của những người làm công tác văn hóa cũng như của chính các nghệ nhân trong cộng đồng dân tộc Dao đỏ.

Bộ trống Dao gồm nhiều chiếc trống có kích cỡ khác nhau.

Độc đáo từ cách làm trống đến ý nghĩa của chiếc trống da bò trong đời sống văn hóa, tâm linh của người Dao đỏ tạo nên sức hấp dẫn trong hành trình du khách trải nghiệm văn hóa các tộc người ở Sa Pa nói chung và Tả Phìn nói riêng. Chính vì điều này, trong năm 2023, Phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Sa Pa đã xây dựng và triển khai mô hình “Cung đường di sản văn hóa Dao” tại xã Tả Phìn. Đây là một trong những điểm du lịch đặc sắc văn hóa dân tộc Dao đỏ, trong đó nghề làm trống da bò là một trong những nghề truyền thống được bảo tồn và phát huy, không chỉ mang ý nghĩa về bảo tồn văn hóa mà còn tạo nên một sản phẩm du lịch độc đáo cho du khách khi đến đây tham quan, nghỉ dưỡng.

Cắt gỗ làm nêm trống.

Hiện tại, Phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Sa Pa cùng chuyên gia tư vấn văn hóa du lịch tiến hành khảo sát và lựa chọn một số gia đình ở thôn Sả Séng, xã Tả Phìn để tổ chức cho nghệ nhân và các hộ tham gia thực hiện khôi phục nghề làm trống. Tại gia đình nghệ nhân Chảo Quẩy Vạng, đã hình thành nên một không gian trình diễn nghề làm trống, vừa sản xuất ra sản phẩm - vừa là nơi để du khách đến Tả Phìn tham quan, tìm hiểu về nghề thủ công truyền thống này. Tại đây, những chiếc trống Dao đã được làm theo các kích cỡ khác nhau, đường kính từ 20 cm (trống con) đến 150cm (trống đại). Các đoàn khách đến Tả Phìn khi ghé thăm khu trình diễn làm trống này đều thích thú, không ít du khách đã hỏi đặt mua trống mang về làm kỷ niệm…

Để làm nên chiếc trống da bò truyền thống  người Dao đỏ đã rất khéo léo và tỉ mỉ ở mỗi công đoạn.

Ông Chảo Quẩy Vạng, người đã có thâm niên hơn 30 năm làm trống da bò ở thôn Sả Séng, xã Tả Phìn cho biết: Để làm được một chiếc trống da bò, phải trải qua nhiều khâu, nhiều công đoạn, rất cầu kỳ và đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo của bàn tầy người thợ trống. Nhất là khâu xử lý da bò, phải sơ chế để cho mặt da căng mịn, khi làm thành trống mới có âm thanh chuẩn được… Khi nêm gỗ và giằng dây mây vào tang trống, phải làm sao để cho trống có độ tròn, mặt trống căng đều. Nhìn thì có vẻ đơn giản, nhưng để làm được một chiếc trống như ý, cũng phải mất nhiều tháng trời để học làm trống, thậm chí cũng phải vài năm mới thạo tay nghề được.

Mỗi chiếc trống đều được nghệ nhân Chảo Quẩy Vạng dành nhiều tâm huyết đam mê nghề ở trong đó.

Thực tế, hiện nay, số người biết làm trống da bò ở trong các bản người Dao hiện giờ chỉ còn đếm được trên đầu ngón tay; thêm nữa, lớp trẻ cũng ít người có ý định học và theo nghề làm trống của cha ông mình.... mà chỉ còn người già và một vài người ở thế hệ kế cận là còn tâm huyết với nghề thủ công này. Do đó, nghề làm trống da bò của dân tộc Dao đỏ mặc dù đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tuy nhiên cũng không tránh khỏi nguy cơ mai một trước sự tiếp biến văn hóa trong cuộc sống đương đại.

Ngày nay chiếc trống Dao đã được nhiều người yêu văn hóa dùng để decor không gian sống theo sở thích phong cách của mình.

Bà Hoàng Thị Vượng, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Sa Pa cho biết: Việc khôi phục và phát huy nghề làm trống Dao trong “Cung đường di sản văn hóa Dao  Tả Phìn” chúng tôi mong muốn vừa bảo tồn bản sắc văn hóa, vừa để các nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số không chỉ trong hồ sơ di sản mà phải thực sự “sống” trong đời sống, phát huy được giá trị kinh tế cũng như giá trị về văn hóa của một di sản văn hóa. Không chỉ xây dựng một không gian trình diễn nghề làm trống, chúng tôi đã mời chuyên gia tư vấn văn hóa du lịch cùng với nghệ nhân, trong thời gian tới sẽ phát triển chiếc trống Dao thành sản phẩm quà tặng du lịch. Theo đó, sẽ sáng tạo, thiết kế và ứng dụng thành sản phẩm trang trí với các chất liệu, kích cỡ khác nhau, phù hợp với nhu cầu của du khách.

Người Dao đỏ ở Tả Phìn duy trì và phát huy nghề làm trống truyền thống.

Song hành với bảo tồn nguyên bản nghề làm trống truyền thống phục vụ lễ hội và các nghi lễ (lễ nhảy lửa, lễ cấp sắc, lễ cúng rừng…) trong cộng đồng dân tộc Dao đỏ, thì việc thiết kế mẫu mã sản phẩm mô phỏng chiếc trống Dao đỏ, cũng sẽ dễ dàng đưa câu chuyện văn hóa đến nhiều hơn, xa hơn với du khách thập phương. Đặc biệt, với một điểm đến như Tả Phìn - địa danh đặc sắc về văn hóa trên bản đồ Khu du lịch trọng điểm quốc gia Sa Pa, thì việc bảo tồn nghề làm trống của dân tộc Dao đỏ nói riêng và một số nghề truyền thống như: chạm khắc bạc, nghề rèn đúc nông cụ, nghề thêu thổ cẩm, nghề làm thuốc từ thảo mộc… sẽ góp phần quan trọng để tạo sức hấp dẫn lâu bền và có chiều sâu về bản sắc văn hóa, tri thức bản địa. 

Những chiếc nêm gỗ tạo nên vẻ độc đáo của chiếc trống Dao.

Kiều Lê

Tin Liên Quan

Sôi nổi Giải vô địch đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ tỉnh Lào Cai năm 2024

Giải vô địch đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ tỉnh Lào Cai năm 2024 đang diễn ra vô cùng sôi động, hấp dẫn tại thị trấn Si Ma Cai, huyện Si Ma Cai.

Bồi đắp niềm tự hào văn hóa dân tộc

“Tuần lễ trang phục truyền thống các dân tộc” tỉnh Lào Cai năm 2024 diễn ra từ ngày 15/4 – 19/4 đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các cá nhân, tập thể. Tại các cơ quan, đơn vị, khu dân cư trên địa bàn tỉnh, cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, lao động và người dân thể hiện rõ niền tự hào...

Nghi lễ đặc sắc trong tết Thanh minh của người Bố Y

Người dân tộc Bố Y trên địa bàn tỉnh Lào Cai chỉ có hơn 2000 người, chủ yếu sinh sống ở các xã: Thanh Bình, Nậm Chảy, Tung Chung Phố và thị trấn Mường Khương (huyện Mường Khương). Trong đời sống tâm linh của người Bố Y, tết Thanh Minh “Sứn mìn” đã trở thành nét văn hóa đặc sắc được truyền lại từ...

Đền Quan ghi dấu nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, quân sự

Tọa lạc ở phường biên giới Lào Cai (thành phố Lào Cai), đền Quan là một trong những di tích quan trọng, còn lưu giữ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, quân sự. Thuở xưa, đây là nơi ghi dấu công lao to lớn của quân đội nhà Trần do Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn chỉ huy lên trấn ải vùng biên giới Lào Cai.

Hoa văn phượng hoàng trong trang phục của người Nùng Dín

Mỗi một dân tộc đều có những nét độc đáo riêng trong bản sắc văn hóa truyền thống. Với người Nùng Dín ở vùng biên giới Mường Khương (Lào Cai), một trong những đặc điểm nhận diện rõ nhất trong trang phục truyền thống của họ, chính là vẻ đẹp tinh tế và đầy màu sắc của hoa văn phượng hoàng thêu trên...

Phát triển du lịch từ bản sắc văn hóa

Trong những năm qua, tỉnh Lào Cai luôn kiên định phát triển du lịch dựa trên các giá trị bền vững, gắn với bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số, nhằm từng bước tạo lập trong lòng du khách trong nước và quốc tế thông điệp “An toàn...