Ngát hương Lùng Chù

Đối với đồng bào dân tộc Mông, hương là thứ không thể thiếu trong ngày Tết. Tự tay tìm kiếm, chuẩn bị nguyên liệu và làm hương là cách để đồng bào tỏ lòng thành kính với tổ tiên.



Một công đoạn làm hương.

Bà Sùng Thị Sua, thôn Lùng Chù, xã Thải Giàng Phố (Bắc Hà) kể với chúng tôi về nghề truyền thống của dân tộc mình. Bà Sua thạo việc làm hương từ khi còn nhỏ. Hơn 50 năm làm nghề, hương thành phẩm của gia đình bà luôn được khách hàng ưa chuộng, tìm tới tận nhà đặt. Những ngày giáp Tết, chồng, con trai đi rừng cả ngày để kiếm nguyên liệu, còn bà và con dâu ở nhà chẻ que hương, phơi cho được nắng. Khi đã chuẩn bị đủ nguyên liệu, cả nhà cùng làm, chuẩn bị cho ngày chợ phiên.

Bà Sua tâm sự: Dù được làm thủ công, không được đóng bao gói đẹp mắt nhưng nhờ kinh nghiệm từ cha ông truyền lại và những nguyên liệu tự nhiên nên hương cháy rất đượm, toả hương thơm đặc trưng. Nguyên liệu làm hương của đồng bào khá đơn giản, gồm tre hoặc vầu, gỗ mục và cây Pờ le. Sau khi gỗ mục và vỏ cây Pờ le được phơi khô, sẽ cho vào cối giã nhỏ thành bột mịn gọi là bột hương. Que hương được nhúng nước rồi lăn vào bột, lặp lại 5 lần như vậy, sau đó mang ra phơi nắng sẽ được hương thành phẩm.

Bà Sua cho biết thêm: Quá trình nhúng nước, lăn que hương vào bột chỉ được làm 5 lần, nếu thực hiện thiếu hoặc nhiều hơn, hương sẽ không cháy. Đặc biệt, cây Pờ le là nguyên liệu không thể thiếu cũng không thể thay thế, được dùng như chất kết dính và tạo mùi thơm riêng biệt cho những bó hương của đồng bào.

Gia đình ông Thào Seo Dua cũng đang tất bật cho những mẻ hương ngày cuối năm. Hôm nay, chỉ có ông Dua ở nhà, tranh thủ ngày nắng phơi khô gỗ mục, vợ và con trai đã đi rừng chặt tre, tìm cây Pờ le. Ông Dua cho biết: Nhà có con trai lớn, biết đi xe máy, nên chở được hương đi bán dưới chợ huyện hoặc bán buôn cho cửa hàng ở các huyện khác. Hương làm ra phải bán ngay, để lâu sẽ bị ẩm. Dịp giáp Tết, hương được làm với số lượng lớn gấp đôi ngày thường, khoảng 100 bó/tuần. 

Thôn Lùng Chù có 30 hộ dân thì 27 hộ biết nghề làm hương. Lòng yêu nghề mà tổ tiên truyền lại là động lực chính giúp ông duy trì việc làm hương đến ngày hôm nay./.
(Theo baolaocai.vn)

Tin Liên Quan

Nghệ thuật đính cườm trên trang phục người Xá Phó

Mỗi tộc người thiểu số đều có nét riêng trong thiết kế, nghệ thuật tạo hình, làm nên sự đặc sắc trên bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình. Cũng từ vải bông, vải lanh nhuộm chàm, rồi thêu thổ cẩm như một số dân tộc khác, nhưng ở dân tộc Xá Phó lại có thêm một nét đặc trưng, tạo nên sự...

Ấn tượng trang phục của dân tộc đội mũ hình mái nhà ở Mường Khương

Trang phục của người Pa Dí ở Mường Khương không rực rỡ sắc màu như của người Mông hay người Dao đỏ…, mà mang nét riêng với gam màu chàm chủ đạo cùng những họa tiết tinh tế.

Yêu trang phục của người Dao

Để hoàn thiện bộ trang phục của dân tộc Dao có khi phải mất cả năm, thế nhưng qua đôi tay của chị Giang, giờ đây thời gian đã được rút ngắn rất nhiều.

Bắc Hà bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch

Huyện Bắc Hà có 14 dân tộc cùng sinh sống, mỗi dân tộc có nét văn hóa độc đáo riêng. Thời gian qua, huyện rất chú trọng bảo tồn văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.

Người Mông Sa Pa vượt mưa, xuyên rừng hái chàm nhuộm vải

Cây chàm từ xa xưa đã gắn bó với đời sống sinh hoạt của người Mông Sa Pa. Cộng đồng người Mông truyền tai nhau rằng "ở đâu có người Mông nơi đó có cây chàm" càng khẳng định vai trò quan trọng của loại cây này đối với mỗi thế hệ người Mông trên mảnh đất Sa Pa.

Chung tay xây dựng văn hóa mang bản sắc Lào Cai