Khuyến nông Lào Cai góp phần quan trọng vào kết quả sản xuất nông nghiệp của tỉnh

30 năm qua, đóng góp tích cực cho sự phát triển của ngành Nông nghiệp tỉnh Lào Cai có sự nỗ lực không ngừng của hoạt động khuyến nông. Trong từng giai đoạn cụ thể, hoạt động khuyến nông đã bám sát chủ trương của tỉnh, định hướng của ngành, nhiệm vụ của địa phương để góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu đề ra.

Sau khi tỉnh Lào Cai tái lập năm 1991, tỷ lệ đói nghèo lên tới trên 70% số hộ, lương thực bình quân đầu người chỉ đạt gần 200kg/năm, nông nghiệp chủ yếu sản xuất tự cấp, tự túc, manh mún, lạc hậu. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách sau tái lập là tổ chức lại sản xuất, thực hiện xóa đói, giảm nghèo, ổn định đời sống dân cư, đảm bảo an ninh lương thực.

Mô hình nuôi cá đảm bảo an toàn thực phẩm.

Hệ thống tổ chức khuyến nông Lào Cai chính thức ra đời vào năm 1993, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 13-CP ngày 2/3/1993 quy định về công tác khuyến nông. Với chức năng là đơn vị sự nghiệp khoa học của ngành, Trung tâm Khuyến nông đã triển khai hàng trăm chương trình, dự án ứng dụng, khảo nghiệm các giống cây trồng, vật nuôi mới, lựa chọn và đưa vào sản xuất theo quy mô nhỏ. Về lĩnh vựcc trồng trọt, bắt đầu đưa vào khảo nghiệm một số giống lúa lai, ngô lai,  đậu tương giống mới, khoai tây vụ đông, mía đường, … Về lĩnh vực chăn nuôi thí điểm đưa các giống gà, vịt siêu thịt, siêu trứng, các giống dê nhập ngoại, bò lai Sind (nhằm cải tạo tầm vóc của đàn bò vàng địa phương); Thủy sản có các giống như chép lai, trê lai, rô phi đơn tính, tôm càng xanh; tham gia các dự án trồng cây lâm nghiệp xã hội. Ngoài ra, tiếp tục khảo nghiệm những giống cây, con mới khác nhằm tăng năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi, xóa đói, giảm nghèo cho người nông dân; áp dụng hàng loạt tiến bộ kỹ thuật thâm canh tiên tiến, tăng vụ sản xuất; đào tạo tập huấn cho hàng trăm ngàn lượt cán bộ, nông dân, ...

Với đóng góp tích cực của hệ thống Khuyến nông từ tỉnh đến cơ sở, kết quả đến hết năm 2004, tổng giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp đạt mức trên 616 tỷ đồng gấp hơn 2 lần so với khi mới tái lập; lương thực bình quân đầu người đạt 332 kg/người/năm; tỷ lệ đói, nghèo giảm xuống còn 21%...

Hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc giống Lê Tai Nung.

Giai đoạn từ năm 2005 – 2015, sản xuất nông nghiệp của Lào Cai đã cơ bản đảm bảo an ninh lương thực, tỷ lệ đói nghèo giảm mạnh. Ngành Nông nghiệp Lào Cai định hướng vừa phát triển sản xuất đảm bảo an sinh xã hội, vừa đẩy mạnh quy hoạch, phát triển sản xuất hàng hóa phục vụ cho tiêu dùng và đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Để đạt được mục tiêu đó, công tác thông tin tuyên truyền, tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, xây dựng các mô hình trình diễn được thực hiện sâu rộng, toàn diện đến nông dân. Giai đoạn này hoạt động khuyến nông có sự kết hợp hài hòa giữa 2 phương pháp tiếp cận từ trên xuống và tiếp cận từ dưới lên. Các hoạt động khuyến nông được xây dựng và triển khai thực hiện trên cơ sở mục tiêu phát triển của ngành, Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển nông nghiệp, nông thôn tại địa phương và xuất phát từ nhu cầu thực tế trong sản xuất và điều kiện cụ thể của từng vùng, từng địa phương, phát huy được nguồn lực tại chỗ, đáp ứng mục tiêu phát triển ngành.

Một số mô hình, dự án như sản xuất rau, hoa, trồng cây ăn quả giống mới, sản xuất chè, trồng tre măng, trồng rừng bằng cây giống lai, phát triển cây lâm sản ngoài gỗ, cải tạo đàn trâu, đàn bò, nuôi trồng thâm canh thủy sản, … đã đạt được kết quả đáng kể. Đến hết năm 2015, Nông nghiệp Lào Cai đã hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tương đối rõ nét, giá trị thu nhập trên 1 ha canh tác và thu nhập của người nông dân được nâng lên, an ninh lương thực được đảm bảo, tốc độ tăng trưởng nhanh, quy mô kinh tế nông nghiệp có sự phát triển mạnh. Tổng giá trị sản xuất toàn ngành đạt trên 1.008 tỷ đồng gấp 1,6 lần so với năm 2004; tổng sản lượng lương thực có hạt đạt trên 281 ngàn tấn tăng trên 100 ngàn tấn so với năm 2004; bình quân lương thực đầu người đạt 363 kg/người/năm, tỷ lệ đói nghèo giảm xuống còn 16%, tỷ lệ che phủ rừng đạt 53,3%, có 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới…

Từ 2016 đến nay, ngành Nông nghiệp Lào Cai trước những cơ hội và thách thức của thời kỳ đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa, hội nhập kinh tế quốc tế ngành càng sâu rộng, đặc biệt là đất nước ta tham gia ký kết các hiệp định thương mại quốc tế (FTA) với các quốc gia, vùng lãnh thổ, các khu vực kinh tế quan trọng trên thế giới. Trong bối cảnh đó, ngành Nông nghiệp Việt Nam nói chung và tỉnh Lào Cai nói riêng đón nhận nhiều cơ hội lớn nhưng cũng đối mặt nhiều thách thức cần phải đổi mới mạnh mẽ trong tổ chức, quản trị sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, thương mại dịch vụ, logistis, chuyển đổi số... phát triển ngành nông nghiệp theo hướng đổi mới toàn diện đáp ứng yêu cầu hội nhập sâu rộng với trình độ sản xuất, chất lượng nông sản, vệ sinh an toàn thực phẩm đáp ứng được các chuẩn mực, tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế, đảm bảo nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường nông sản cả trong nước và xuất khẩu.

Cán bộ Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh giới thiệu các sản phẩm dược liệu của Lào Cai.

Hoạt động khuyến nông giai đoạn này luôn bám sát mục tiêu đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, phát triển nông nghiệp hiệu quả và bền vững theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái. Trong đó xác định rõ 6 ngành hàng nông nghiệp chủ lực của tỉnh là chè, chuối, dứa, dược liệu, quế, thịt lợn và 2 lĩnh vực quan trọng là khai thác hiệu quả kinh tế đồi rừng nhằm khai thác hiệu quả tài nguyên đất đai các tỉnh miền núi và khai thác lợi thế cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp tiềm năng của địa phương (những sản phẩm nông nghiệp bản địa, bản sắc văn hóa địa phương gắn với đời sống sản xuất của 25 dân tộc anh em).

Giai đoạn 2016 – 2024, Khuyến nông Lào Cai thực hiện đổi mới trên nhiều phương diện. Công tác chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, tiên tiến vào sản xuất thông qua các mô hình trình diễn áp dụng tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ, GAP, GACP, nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái, tuần hoàn góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Xây dựng, triển khai 91 mô hình, dự án; các mô hình khuyến nông chuyển dần từ hỗ trợ sản xuất nhỏ lẻ sang hỗ trợ sản xuất hàng hóa, áp dụng kỹ thuật thâm canh và công nghệ sản xuất tiến tiến để tăng năng suất, chất lượng và an toàn thực phẩm; chuyển đổi mô hình dự án kỹ thuật thuần sang mô hình kinh tế nông nghiệp, sản xuất hàng hóa tập trung. Đổi mới hoạt động tư vấn dịch vụ nông nghiệp theo cơ chế đặt hàng, bám sát các địa phương đã thành lập tổ nhóm nông dân cùng sở thích nhằm tư vấn hoạt động của các tổ nhóm gắn với tổ chức sản xuất và kinh doanh. Trung tâm đã tham gia tư vấn và triển khai thành công 07 dự án NGO, đã thành lập trên 30 tổ nhóm nông dân sản xuất quế, tham gia xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất bền vững, chứng nhận trên 4.123 ha quế hữu cơ tại Bắc Hà và Văn Bàn; nâng cao năng lực và vị thế phụ nữ vùng cao, góp phần phát triển kinh tế gia đình và cộng đồng. Đổi mới tuyên truyền đa hình thức trên phương tiện thông tin đại chúng, các trang thông tin điện tử, Bản tin... Tổ chức 62 lớp đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh, cấp chứng chỉ nghề cho 2.138 người...

Tài liệu hướng dẫn kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp. 

Đến hết năm 2023, tổng giá trị sản xuất toàn ngành đạt 9.098 tỷ đồng; giá trị sản xuất trên 1 ha canh tác đạt trên 97 triệu đồng; tổng sản lượng lương thực đạt 330.450 tấn; tỷ lệ che phủ rừng đạt 58,5 %; tỷ lệ nghèo giảm 4,43%, toàn tỉnh có 62/127 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 177 thôn kiểu mẫu, 237 thôn nông thôn mới, 05 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 02 đơn vị cấp huyện hoàn thành/đạt chuẩn nông thôn mới; có 5.368 ha đạt chứng nhận hữu cơ; có 196 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên.

Có thể nói trong giai đoạn này, hệ thống khuyến nông từ tỉnh đến xã và thôn bản đã có sự đổi mới mạnh mẽ phương thức hoạt động, nâng cao năng lực trong đào tạo huấn luyện, tuyên truyền, chuyển giao kỹ thuật mới trong sản xuất; là lực lượng nòng cốt phổ biến chủ trương, chính sách của tỉnh vào thực tiến sản xuất, tham gia chỉ đạo sản xuất ở cơ sở, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật đến người sản xuất, hỗ trợ liên kết sản xuất, kiểm soát chất lượng, xúc tiến thương mại nông sản, kết nối thị trường; góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh.

Ngành Khuyến nông Lào Cai sau 30 năm hình thành, phát triển đã trở thành mắt xích quan trọng trong việc hiện thực hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước về nông nghiệp đến với người dân; góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu của ngành nông nghiệp; giúp nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo, sản xuất và tiêu thụ nông sản mang tính ổn định, bền vững; góp phần quan trọng trong việc đẩy nhanh tiến trình thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững ở địa phương.

Cán bộ ngành Khuyến nông nhận Bằng khen của UBND tỉnh trong Lễ kỷ niệm 30 năm hoạt động khuyến nông Lào Cai.

Trong thời gian tới, để thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu khuyến nông đã đề ra, cùng với việc bám sát chủ trương tái cơ cấu ngành của tỉnh, ngành Khuyến nông của tỉnh tiếp tục đổi mới nội dung và phương pháp hoạt động để nâng cao hiệu quả và phương pháp khuyến nông; thực hiện rà soát, cập nhật và chọn lọc các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới, đối tượng cây trồng vật nuôi phù hợp với điều kiện địa phương và nhu cầu thị trường để tổ chức thực hiện. Công tác đào tạo huấn luyện khuyến nông thay đổi theo hướng đa dạng về nội dung và phương pháp để học viên dễ nhớ, dễ làm theo hướng cầm tay chỉ việc, gắn lý thuyết với thực hành. Nội dung đào tạo huấn luyện không chỉ đào tạo về kỹ thuật, mà còn đào tạo về tổ chức quản lý, liên kết sản xuất, mã vùng sản xuất, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, thị trường, xúc tiến thương mại, chuyển đổi số trong nông nghiệp. Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp cho các doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp, các tổ chức kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó chú trọng cung cấp thông tin về những tiềm năng, thế mạnh của địa phương, thông  tin thị trường, tiêu chuẩn chất lượng, xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế, hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp mới. Xây dựng mô hình, dự án thực hiện chuyển đổi từ các mô hình sản xuất sang xây dựng các mô hình/dự án khuyến nông theo hướng tổng hợp, đa dạng, tích hợp đa giá trị để đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp hàng hóa.

Quỳnh Hoa

Tin Liên Quan

Ưu tiên đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, phấn đấu khởi công trong năm 2025

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 999/QĐ-TTg ngày 18/9/2024 thành lập Tổ công tác triển khai đầu tư các tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc và Lào. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Giang thăm, động viên Nhân dân Làng Nủ

Sáng 18/9, đồng chí Hoàng Giang, Phó Bí thư Tỉnh ủy đã đi thăm, động viên Nhân dân thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh (Bảo Yên) và các lực lượng đang làm nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn tại đây.

Hơn 247 tỷ đồng ủng hộ người dân tỉnh Lào Cai khắc phục hậu quả thiên tai

Thông tin từ Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, tính đến 15h ngày 18/9, Ban Vận động cứu trợ tỉnh đã tiếp nhận số đăng ký và ủng hộ của các tập thể, cá nhân, các cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh với số tiền hơn 247 tỷ đồng (bao gồm cả nguồn ủng hộ của Quỹ cứu trợ trung ương).

Chuyển 46 tỷ đồng hỗ trợ các huyện, thị xã khắc phục hậu quả thiên tai

Ban Vận động cứu trợ tỉnh vừa quyết định chuyển 46 tỷ đồng tại Kho bạc Nhà nước tỉnh do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh quản lý đến Ban Vận động cứu trợ các huyện, thị xã để khắc phục hậu quả thiên tai sau cơn bão số 3.

Câu lạc bộ Lào Cai 1 đứng thứ 5 chung cuộc Giải vô địch Taekwondo các câu lạc bộ quốc gia 2024

Chiều 18/9, tại Nhà thi đấu đa năng tỉnh đã diễn ra Lễ bế mạc Giải vô địch Taekwondo các câu lạc bộ quốc gia - Cúp Đại sứ Hàn Quốc 2024.

Chính sách miễn, giảm, gia hạn nộp thuế do ảnh hưởng của thiên tai theo quy định của pháp luật về thuế

Để cùng chung tay kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, người nộp thuế nhanh chóng khắc phục hậu quả sau mưa lũ, Cục Thuế tỉnh Lào Cai thông tin một số nội dung liên quan đến miễn, giảm, gia hạn nộp thuế do ảnh hưởng của thiên tai theo quy định của pháp luật về thuế (Căn cứ Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày...