Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia nhiều nội dung Dự án Luật Điện lực (sửa đổi)

Tiếp tục phiên thảo luận tại tổ, chiều 26/10/2024, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai đã tham gia thảo luận Dự án Luật Điện lực (sửa đổi).

Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, đại biểu Lê Thu Hà phát biểu thể hiện nhất trí về sự cần thiết ban hành luật, đồng thời nêu: Về chính sách của Nhà nước về phát triển điện lực (khoản a, Điều 5), đề nghị bổ sung cụm từ “đảm bảo hài hòa lợi ích của các ngành, doanh nghiệp trong phát triển nhiệt điện khí”, thành: “Ưu tiên phát triển nhiệt điện khí sử dụng nguồn khí trong nước, phát triển nhanh nhiệt điện khí sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng, đưa điện khí dần trở thành nguồn cung cấp điện năng quan trọng, hỗ trợ cho điều tiết hệ thống điện; đảm bảo hài hòa lợi ích của các ngành, doanh nghiệp trong phát triển nhiệt điện khí”.

Lý do mà đại biểu Lê Thu Hà đưa ra là thực tế có tình trạng cùng khai thác, sử dụng một nguồn nhiên liệu, cùng trong dự án điện khí, trong khi các đơn vị khai thác, bán nhiên liệu thì hiệu quả, doanh thu, lợi nhuận cao, dẫn đến đơn vị cuối của chuỗi giá trị (sử dụng, tiêu thụ và mua điện) phải mua với giá cao, không có hiệu quả kinh doanh. Đồng thời, các giá mua điện đầu vào cao này sẽ được tính vào giá điện và khách hàng sử dụng điện sẽ phải gánh chịu các chi phí này.

thay-1891-649.jpg
Đại biểu Lê Thu Hà góp ý đối với dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi).

Về cấp độ phát triển thị trường điện cạnh tranh (Điều 61), dự thảo luật, tại khoản 3 nêu: “Thủ tướng Chính phủ quy định về điều kiện, cơ cấu ngành điện để hình thành và phát triển các cấp độ thị trường điện cạnh tranh; quy định nguyên tắc hoạt động, lộ trình phát triển thị trường điện cạnh tranh phù hợp với quy định tại khoản 10 và khoản 11 Điều 5 luật này và tình hình kinh tế - xã hội theo từng thời kỳ”.

Đại biểu đề nghị bổ sung quy định cụ thể cho phép dừng thị trường điện khi giá thị trường điện lên quá cao, ảnh hưởng trực tiếp đến người sử dụng hoặc bên mua điện (trong trường hợp chi phí thị trường chưa được chuyển ngang toàn bộ vào giá bán lẻ điện). Lý do: Giá điện ngày càng có xu hướng tăng cao bởi các yếu tố đầu vào như nhiên liệu. Khi đó sẽ có trường hợp giá thị trường lên quá cao và sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người sử dụng hoặc bên mua điện, do đó cần có cơ chế xem xét dừng thị trường điện trong trường hợp này và luật hóa trong quy định của Luật Điện lực.

Về quyền và nghĩa vụ của đơn vị phân phối điện (Điều 81), tại điểm b, khoản 2 dự thảo luật: “Xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển lưới điện phân phối và thực hiện đầu tư phát triển lưới điện phân phối đáp ứng nhu cầu điện theo quy hoạch phát triển điện lực; đầu tư công tơ và đường dây dẫn điện đến công tơ cho bên mua điện, trừ trường hợp có thỏa thuận khác với bên mua điện trên cơ sở bảo đảm quyền lợi giữa các bên nhưng không trái với quy định của pháp luật”. Đại biểu Lê Thu Hà đề nghị sửa đổi, bổ sung cụm từ “theo quy hoạch phát triển điện lực; đầu tư công tơ và đường dây dẫn điện đến công tơ cho bên mua điện” thành “phù hợp với phương án phát triển nguồn, lưới điện cấp tỉnh và các quy hoạch khác có liên quan trong phạm vi được cấp phép hoạt động điện lực; đầu tư trạm điện, công tơ và đường dây dẫn điện đến ranh giới quản lý, sử dụng của bên mua điện theo thỏa thuận đấu nối”.

Lý do: Theo quy định tại Điều 10 của dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) thì lưới điện phân phối không thuộc phạm vi của “Quy hoạch phát triển điện lực” mà thuộc phạm vi của “Phương án phát triển nguồn, lưới điện cấp tỉnh là một nội dung trong quy hoạch tỉnh” và phạm vi của “Các trường hợp không thuộc phạm vi cấp Quy hoạch phát triển điện lực, phương án phát triển nguồn, lưới điện của tỉnh”. Và theo các quy định của pháp luật hiện hành (Thông tư số 39 ngày 18/11/2015 của Bộ Công Thương) thì “Lưới điện phân phối là phần lưới điện bao gồm các đường dây và trạm điện có cấp điện áp đến 110 kV”…

Về hành lang bảo vệ an toàn công trình điện lực (Điều 104), đề nghị xem xét bổ sung khoản 6 vào sau khoản 5 dự thảo luật: “Đối với các trường hợp cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, trước khi cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì yêu cầu phòng quản lý tài nguyên các cấp, sở tài nguyên và môi trường, UBND huyện, thị xã, thành phố phải thể hiện đường dây điện cao, hạ áp đi qua và có trên mặt bằng của Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (nếu có)”.

Lý do: Để phù hợp với thực tế, vì rất nhiều hộ được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tuy nhiên đường điện đã được xây dựng từ trước nên các chủ đầu tư, hộ gia đình xây dựng nhà vẫn yêu cầu ngành điện phải di chuyển đường điện ra ngoài mảnh đất đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, như vậy là không hợp lý...

https://baolaocai.vn/doan-dai-bieu-quoc-hoi-tinh-tham-gia-nhieu-noi-dung-du-an-luat-dien-luc-sua-doi-post392488.html

Theo Đức Lân - Thanh Thúy/baolaocai.vn

Tin Liên Quan

Tập trung nguồn lực phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Lào Cai là tỉnh miền núi, biên giới, nằm giữa vùng Đông Bắc và vùng Tây Bắc. Toàn tỉnh có trên 781 nghìn người, gồm nhiều dân tộc cùng chung sống, các dân tộc thiểu số chiếm trên 66,2% dân số toàn tỉnh. Toàn tỉnh có 138 xã, phường, thị trấn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; 1.174 thôn, tổ...

Bí thư Tỉnh uỷ Đặng Xuân Phong gặp gỡ lãnh đạo Đảng Lao động Mê-hi-cô

Tối 28/10/2024 (giờ Mê-hi-cô), tiếp nối các hoạt động đối ngoại tại Mê-hi-cô, Đoàn đại biểu tỉnh Lào Cai do đồng chí Đặng Xuân Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai làm Trưởng đoàn đã gặp gỡ và làm việc với Tổng Bí thư Alberto Anaya Gutiérrez và...

Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Lào Cai Đặng Xuân Phong và đoàn công tác thăm và làm việc tại Đại sứ quán Việt Nam tại Mê-hi-cô

Ngày 28/10/2024 (giờ Mê-hi-cô), Đoàn đại biểu tỉnh Lào Cai do đồng chí Đặng Xuân Phong - Uỷ viên BCH TW Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Lào Cai, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai làm Trưởng đoàn đã đến Mê-hi-cô triển khai các hoạt động đối ngoại của tỉnh.

Nỗ lực xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống Nhân dân

Với sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, sự đồng hành của người dân, công tác phát triển nông thôn, xây dựng nông thôn của xã Mường Hoa, thị xã Sa Pa đã đạt rất nhiều kết quả tích cực. Đây cũng là xã đầu tiên trên địa bàn tỉnh Lào Cai đạt chuẩn nông thôn mới của giai đoạn 2021 - 2025.

Phát huy vai trò truyền thông trong ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an sinh xã hội

An sinh xã hội là một trong những chủ trương, chính sách quan trọng của Ðảng và Nhà nước ta đã được quán triệt, bảo đảm thực hiện trong các thời kỳ phát triển của đất nước. Những năm qua, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, công tác an sinh xã hội ở Lào Cai tiếp tục đạt được nhiều...