Nghề làm tranh cắt giấy của người Nùng Dín

Cuối năm 2013, khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chính thức công bố quyết định công nhận nghề làm tranh cắt giấy của người Nùng Dín (Mường Khương) là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia, nhiều người cả trong và ngoài tỉnh vẫn chưa thể hình dung đây là nghề như thế nào, sản phẩm của nghề này là gì? Và đó vẫn là nghề với nhiều bí ẩn cần tìm hiểu và giải mã.
 
Chúng tôi tìm đến nhà nghệ nhân làm tranh cắt giấy Lý Văn Sơn ở thôn Suối Thầu 1, xã Bản Xen (Mường Khương) để tìm hiểu những bí ẩn của nghề, đồng thời để chứng kiến những công đoạn làm tranh mà không phải lúc nào cũng diễn ra.



Làm tranh cắt giấy.

Đón chúng tôi ở cửa ngôi nhà gỗ truyền thống của người Nùng, giữa những bộ đồ nghề và giấy màu, nghệ nhân Lý Văn Sơn mộc mạc “Thôi không bắt tay nhà báo nhé, tay tôi vừa bôi bột hồ để dán giấy nên...”. Nghỉ tay, pha trà mời khách, ông Sơn bảo tổ thợ đang miệt mài làm việc cùng ngồi nghe ông kể về lịch sử nghề làm tranh cắt giấy và những điều bí ẩn của nghề có một không hai này, bởi từ trước đến nay cũng chưa có lần nào ông ngồi kể tường tận về nghề này cho mọi người nghe.

Theo ông Sơn, nghề làm tranh cắt giấy (tiếng Nùng gọi là chàng slaw) là một nét văn hóa riêng của người Nùng Dín ở Lào Cai mà không dân tộc nào có được. Qua mấy chục năm làm nghề đã đi rất nhiều vùng trong tỉnh, ở những nơi có người Nùng sinh sống, ông thấy có rất ít địa phương còn lưu giữ, bảo tồn được nghề làm tranh cắt giấy, có lẽ xã Bản Xen (Mường Khương) - quê ông là nơi còn lưu giữ khá toàn vẹn nghề thủ công truyền thống này.

Không ai biết rõ nguồn gốc của loại hình nghệ thuật trang trí trên giấy của người Nùng Dín xuất hiện từ khi nào và vì sao đến nay vẫn tồn tại trong đời sống tâm linh của mọi gia đình và cộng đồng người Nùng Dín. Tranh cắt giấy là một sản phẩm quan trọng bắt buộc phải có trong nghi thức làm đám tang hoặc Tết Thanh minh, bởi theo quan niệm của người Nùng, nếu như không có nó, linh hồn người chết như đi sang thế giới bên kia mà không có hành trang gì, sẽ trở thành linh hồn vất vưởng, lang thang, sống một cuộc đời ở thế giới mới...

Tranh cắt giấy được làm vào thời điểm khi trong nhà có người qua đời và tổ chức tang lễ hoặc vào dịp Tết Thanh minh khi nhà ai đó muốn làm nhà cho người đã khuất. Đặc biệt, việc làm tranh cắt giấy ở đám tang người Nùng Dín là một nghi lễ bắt buộc. Khi gia đình ai đó có người qua đời, gia chủ sẽ mời các nghệ nhân đến nhà làm lễ vật bằng tranh cắt giấy để cho người quá cố đem về thế giới bên kia, đó là những món quà mô phỏng những công trình nhà cửa, đồ dùng, tiền của, phương tiện lao động... Bởi con người có linh hồn, khi người chết thì hồn sẽ lìa khỏi xác và vẫn tồn tại ở một thế giới siêu nhiên. Hồn người chết vẫn có thể quay về thăm gia đình phù hộ cho con cháu làm ăn phát đạt, sống mạnh khoẻ, bình an.

Trong bộ tranh cắt giấy của người Nùng Dín có nhiều loại khác nhau. Tuy nhiên, một bộ tranh đủ cho một đám tang bao gồm: Nhà táng, cây tiền, ngựa giấy, đèn lồng và những bức trướng... Nhà táng (rân sả) tượng trưng cho ý nghĩa của một cơ ngơi khang trang, một cuộc sống đầy đủ, là những gì mà người sống mong muốn làm cho người đã khuất. Thể hiện lòng biết ơn của con cái với ông bà, cha mẹ, đó cũng là khát vọng được sống một cuộc sống đầy đủ, sung túc, hạnh phúc ở thế giới bên kia. Cột tiền (ẳn xả) hay gọi là cây tiền cho người chết với mong muốn người chết có được sự giàu sang phú quý. Các bức trướng (chỉ vần đứng, chỉ vần ngồi), đây là vật do con cháu, người thân, làng xóm viếng linh hồn người chết, tỏ lòng tiếc thương người qua đời. Bên cạnh các đồ dùng như nhà cửa, tiền bạc, bức trướng thì trong bộ tranh còn có những con ngựa giấy. Những con ngựa này sẽ giúp linh hồn người chết việc đi lại, chuyên chở hàng hóa khi về thế giới bên kia.

Khi bắt tay làm tranh cắt giấy, nghệ nhân sẽ phải dùng tre, nứa đan, dựng khung, sau đó cắt giấy dán theo mô hình đã có. Trong toàn bộ quy trình làm tranh cắt giấy, việc đục tranh là khâu quan trọng nhất, khó nhất và mất nhiều thời gian. Tranh đẹp, xấu là do sự tài hoa của người thợ vẽ, phối màu và đục. Tranh cắt giấy có thể đục theo hai cách, một là đục trực tiếp trên khổ giấy, hai là đục tranh theo các khuôn mẫu có trước.

Về việc phối màu, hiện nay các nghệ nhân thường kết hợp nhiều màu khác như màu tím, màu đỏ, màu xanh, màu vàng và màu đen. Nghệ thuật sử dụng màu sắc trên tranh cắt giấy của người Nùng Dín có những đặc điểm riêng biệt, từ kỹ thuật pha chế và nhuộm màu cho tới việc phối màu, các màu sắc phối hợp với nhau cùng với họa tiết hoa văn tạo ra một bức tranh tổng thể sinh động. Những nét hoa văn được tạo ra trong các cây tiền, nhà táng giấy rất đa dạng về hình khối, mảng màu theo đặc trưng của các nhóm khác nhau. Đối với cây vàng thì màu vàng làm chủ đạo, đối với cây bạc thì màu trắng là chủ đạo, còn đối với nhà táng thì nhiều màu tím, màu xanh, màu vàng, màu trắng và màu đen.

Trong họa tiết hoa văn của nhà táng thể hiện sự đa dạng về các mẫu tượng trưng như hoa lá, cỏ cây, cảnh quan làng, bản. Trên từng nền dải của nhà táng, hoa văn được trang trí theo từng cung bậc gồm các tầng là: Chim muông, thú rừng, trâu, bò, lợn, gà, cá, cua, nhà cửa; công cụ lao động sản xuất như cày, bừa, cuốc, xẻng... Điều này thể hiện sự tưởng tượng về thế giới đa tầng của sự sống theo quan niệm của người Nùng Dín, gồm trên trời cao, dương gian và dưới mặt đất. Với những quan niệm như vậy, cho nên trong các mô tuýp hoa văn trang trí trên nhà táng cũng thể hiện rất rõ về sự đa dạng và sinh động của thế giới xung quanh.

Do là một sản phẩm mang tính tâm linh rất lớn, nên việc làm tranh cắt giấy phải tuân thủ theo một nghi lễ riêng, nghĩa là khi gia đình có người qua đời, việc đầu tiên là gia chủ sẽ mang lễ đến mời nhóm thợ đến nhà tổ chức làm tranh, tùy theo hoàn cảnh mỗi nhà và số con cháu mà những người thợ sẽ làm các mẫu vật to hay nhỏ và số lượng các cây tiền, đèn lồng khác nhau, duy chỉ có nhà là làm một cái. Sau khi biết được ý định của gia chủ, nhóm thợ lấy tre dựng các mô hình rồi cắt, đục giấy dán trang trí. Khi các mô hình tranh cắt giấy được làm xong, người đứng đầu tổ thợ làm nghi lễ bán cho người chết.

Lúc làm lễ bán, trước quan tài người chết với sự chứng kiến của gia đình người chết, tổ trưởng tổ thợ phải đọc bài khấn với nội dung đại ý như: “Khẩn cầu ông (bà)... năm nay bao nhiêu tuổi, mất vào giờ nào, ngày, tháng, năm nào, nay chúng tôi đã làm xong nhà và vật phẩm để bán cho ông (bà), kính mong ông bà về nhận”. Ngay khi tổ trưởng đọc bài khấn xong thì người đại diện gia đình tang chủ đứng ra nhận mua và trả tiền. Sau khi mua nhà cho người đã mất, gia chủ mang mô hình nhà đó chụp lên quan tài và để các vật phẩm xung quanh. Khi đám tang kết thúc, người nhà đưa tất cả các vật phẩm ra đặt lên mộ người vừa mất rồi châm lửa đốt.

Đối với việc làm tranh cắt giấy trong dịp Tết Thanh minh thì khác, gia đình nào cảm thấy cần làm nhà mới và cúng thêm vật phẩm cho ông bà, cha mẹ đã mất, họ đến nhờ nhóm thợ làm và mang ra mộ thực hiện nghi lễ bán cho người đã chết tại mộ. Sau khi làm thủ tục mua bán xong, gia chủ chụp ngôi nhà và đồ đạc lên mộ nhưng không đốt mà để nguyên. Vì thế, vào dịp Tết Thanh minh, đi đến một số vùng có đồng bào người Nùng Dín sinh sống, chúng ta sẽ gặp trên một số ngôi mộ có ngôi nhà làm bằng tre, dán giấy màu và những cây tiền.

Nghề làm tranh cắt giấy đã phản ánh được nét đẹp truyền thống văn hoá của người Nùng Dín; đó là quan niệm ứng xử của người sống đối với người chết, điều đó cũng toát lên sự coi trọng các giá trị đạo đức, thể hiện lòng hiếu thảo của con cháu với ông bà, cha mẹ gắn liền với những chuẩn mực đạo đức xã hội./.
(Theo baolaocai.vn)

Tin Liên Quan

Nghệ thuật đính cườm trên trang phục người Xá Phó

Mỗi tộc người thiểu số đều có nét riêng trong thiết kế, nghệ thuật tạo hình, làm nên sự đặc sắc trên bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình. Cũng từ vải bông, vải lanh nhuộm chàm, rồi thêu thổ cẩm như một số dân tộc khác, nhưng ở dân tộc Xá Phó lại có thêm một nét đặc trưng, tạo nên sự...

Ấn tượng trang phục của dân tộc đội mũ hình mái nhà ở Mường Khương

Trang phục của người Pa Dí ở Mường Khương không rực rỡ sắc màu như của người Mông hay người Dao đỏ…, mà mang nét riêng với gam màu chàm chủ đạo cùng những họa tiết tinh tế.

Yêu trang phục của người Dao

Để hoàn thiện bộ trang phục của dân tộc Dao có khi phải mất cả năm, thế nhưng qua đôi tay của chị Giang, giờ đây thời gian đã được rút ngắn rất nhiều.

Bắc Hà bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch

Huyện Bắc Hà có 14 dân tộc cùng sinh sống, mỗi dân tộc có nét văn hóa độc đáo riêng. Thời gian qua, huyện rất chú trọng bảo tồn văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.

Người Mông Sa Pa vượt mưa, xuyên rừng hái chàm nhuộm vải

Cây chàm từ xa xưa đã gắn bó với đời sống sinh hoạt của người Mông Sa Pa. Cộng đồng người Mông truyền tai nhau rằng "ở đâu có người Mông nơi đó có cây chàm" càng khẳng định vai trò quan trọng của loại cây này đối với mỗi thế hệ người Mông trên mảnh đất Sa Pa.

Chung tay xây dựng văn hóa mang bản sắc Lào Cai