Bắc Hà: Hiệu quả trong chuyển dịch cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi

Những năm qua, tuy điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn song huyện vùng cao Bắc Hà đã phát huy tốt sức mạnh tổng hợp, tập trung thực hiện chuyển dịch sản xuất theo hướng đa dạng hóa cơ cấu cây trồng, tạo động lực đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, góp phần nâng cao đời sống của nông dân.

Với khoảng 80% dân số sống bằng nghề nông nghiệp, tuy nhiên đất sản xuất nông nghiệp chỉ có 12.256 ha, chiếm 18% tổng diện tích đất tự nhiên. Những năm trước đây, sản xuất nông nghiệp của huyện vẫn thực hiện theo phong tục tập quán lạc hậu, độc canh, thuần nông, việc áp dụng khoa học vào sản xuất vẫn là điều lạ lẫm với người dân, cơ cấu giống cây trồng chuyển đổi chậm. Năm 2010, các giống lúa mới được đưa vào trồng chiếm 88,2%, ngô lai chiếm 46.7%, diện tích lúa nương 300 ha, tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 22.941 tấn, giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác chỉ đạt 22 triệu đồng/ha. Cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp không cân đối giữa trồng trọt với chăn nuôi và dịch vụ nông nghiệp, giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp mới đạt 304.501 triệu đồng, thu nhập bình quân đầu người đạt 8,6 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn.

Xác định rõ những thuận lợi, khó khăn của địa phương, Đảng bộ, chính quyền huyện Bắc Hà đã vận dụng sáng tạo Nghị quyết của Đảng vào thực tiễn, tranh thủ các nguồn lực đầu tư của nhà nước, thực hiện đồng bộ các giải pháp để chuyển dịch cơ cấu cây trồng gắn với xây dựng nông thôn mới.Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII đã xác định nông nghiệp – lâm nghiệp, nông thôn giữ vai trò trọng tâm. Trên cơ sở đó, UBND huyện đã xây dựng 3/12 đề án trọng tâm toàn khóa thuộc lĩnh vực nông nghiệp để tổ chức thực hiện gồm: Đề án đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, thâm canh tăng  vụ, tăng giá trị sản xuất trên 1 ha canh tác; Đề án phát triển chăn nuôi; Đề án phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2010 - 2015. Đây là sự cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng để tổ chức triển khai thực hiện chuyển đổi giống cơ cấu cây trồng có hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện.


Sản xuất rau an toàn tại HTX Na Lang, xã Tà Chải, huyện Bắc Hà

Để thực hiện nhiệm vụ trên, trước hết Bắc Hà tập trung làm tốt công tác chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật đến người nông dân gắn với thực hiện có hiệu quả các mô hình điểm. Các giống mới ( như ngô NK 45, AG59, Bioseed 9698; lúa LC270, VL 20, Thuần thơm) đã được đưa vào thay thế cho các giống địa phương kém hiệu quả. Bên cạnh đó các giống đặc sản tiếp tục được chú trọng phát triển như: Séng cù, Nếp, Khẩu nậm xít. Diện tích lúa nương giảm, diện tích lúa nước tăng lên từ 2.076 ha (năm 2010) thành 2.262 ha (năm 2014). Cơ cấu vụ mùa thay đổi, diện tích tăng vụ đạt 1.439 ha. Năng suất lúa tăng từ 40,23 tạ/ha (năm 2010) lên 42,18 tạ/ha (năm 2013), năng suất ngô đạt 33,8 tạ/ha (tăng 3,4 tạ so với năm 2010). Tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 27.485 tấn (tăng 4.544 tấn so với năm 2010).Nhiều loại cây trông mới được đưa vào trồng chuyển đổi như: Atiso, Đương quy, Lê tai nung, Chanh tứ quý, Đào pháp,… Các vùng sản xuất chuyên canh hang hóa được hình thành như vùng sản xuất chè tập trung (tại xã Bản Liền, Nậm Khánh, Tả Củ Tỷ, Lầu Thí Ngài,..), vùng sản xuất cây dược liệu (các xã Na Hối, Lùng Cải, Lùng Phình,…), vùng sản xuất rau an toàn, rau bản địa (tại các xã Tà Chải, Na Hối), vùng cây ăn quả ôn đới, vùng cây ăn quả nhiệt đới,…

Tiềm năng đất lâm nghiệp cũng được Bắc Hà tập trung khai thác có hiệu quả. Trong 3 năm (2011-2013) huyện đã trồng mới rừng tập trung được 1.843 ha rừng, nâng tỷ lệ che phủ rừng của huyện lên 33,1%. Công tác xã hội hóa lâm nghiệp có chuyển biến tích cực, thu hút được mọi thành phần kinh tế tham gia trồng rừng, người lao động làm lâm nghiệp đã có thu nhập, người dân đã quan tâm và từng bước gắn bó với rừng, làm giàu từ rừng, nhiều hộ gia đình đã chuyển từ canh tác nương rẫy sang trồng rừng sản xuất.

Bên cạnh đó, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi cũng tăng khá qua các năm, phương thức chăn nuôi đang chuyển dần sang chăn nuôi theo môi hình chăn nuôi trang trại, cơ cấu vật nuôi đang chuyển dịch theo hướng tập trung phát triển đàn đại gia súc (trâu, ngựa), đồng thời bảo tồn và phát triển giống lơn, gà địa phương. Nhận thức của người dân về chăn nuôi đã được nâng lên. Hết năm 2014, tổng đàn gia súc, gia cầm toàn huyện là 287.900 con.

Không những thế, huyện đã tận dụng tối đa các điều kiện để phát triển thủy sản, trong đó tập trung chuyển đổi từ đất ruộng kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản hiệu quả cao kinh tế cao. Diện tích, sản lượng nuôi trồng thủy sản tăng lên 35 ha (tăng 16 ha so với năm 2010). Khai thác thủy sản đã chuyển từ khai thác tự nhiên sang khai thác nuôi trồng, tận dụng các lòng hồ thủy điện để phát triển nuôi cá lồng.

Sau hơn 4 năm thực hiện, kết quả đã được thể hiện khá rõ nét, các lợi thế so sánh từng vùng đã được khai thác hiệu quả, cơ cấu nội ngành chuyển dịch tích cực và đúng hướng, tỷ trọng chăn nuôi và dịch vụ tăng dần từ 32,5% (năm 2011) lên 34,46% (năm 2013); trồng trọt giảm từ 67,5% (năm 2011) xuống 65,54% (năm 2013); giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích đất canh tác đạt 32,8 triệu đồng/ha (tăng 10 triệu đồng so với năm 2010); giá trị sản xuất ngành nông nghiệp đạt 499.500 triệu đồng. Thu nhập bình quân đầu người đạt 12,8 triệu đồng/năm (tăng 4,2 triệu đồng so với năm 2010). Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 34,98% (giảm 25,03% so với năm 2010).

Với những chủ trương hợp lý cùng cách làm hiệu quả, Bắc Hà đã thực sự thu được những bước tiến lớn trong thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội địa phương phát triển; tạo thu nhập ổn định và nâng cao đời sống của nhân dân. Đa dạng hóa cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa; mở ra nhiều cơ hội để huyện Bắc Hà nâng cao hiệu quả công tác xóa đói, giảm nghèo, từng bước “cán đích” trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới./.


Thanh Nga

Tin Liên Quan

Phát huy vai trò thanh niên trong đảm bảo trật tự an toàn giao thông

Lực lượng thanh niên Lào Cai hiện có trên 150.300 người, chiếm gần 20% dân số toàn tỉnh. Những năm qua, lực lượng đoàn viên thanh niên Lào Cai đã tích cực tham gia giữ gìn trật tự, an toàn giao thông (ATGT) với tinh thần xung kích tình nguyện, chung tay cùng các lực lượng chức năng bảo đảm ATGT cho Nhân dân.

Mỗi ngày có gần 400 xe hàng xuất - nhập khẩu qua Cửa khẩu Kim Thành

Hoạt động xuất - nhập khẩu hàng hóa qua Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành (Cửa khẩu Kim Thành) diễn ra khá sôi động, mỗi ngày có gần 400 xe hàng được làm thủ tục thông quan.

06 nhóm giải pháp đảm bảo an toàn không gian mạng quốc gia

Hiện nay, nguy cơ mất an toàn thông tin nói chung và vấn nạn lừa đảo trên không gian mạng đang trở nên ngày càng phổ biến, phức tạp và gây hậu quả ngày càng lớn. Việc bảo đảm an toàn thông tin, phòng chống lừa đảo trên không gian mạng không chỉ là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước mà còn là trách...

Đẩy mạnh phân cấp trong quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh Lào Cai

UBND tỉnh Lào Cai vừa ban hành Quyết định số 875/QĐ-UBND ngày 19/4/2024 về Đề án đẩy mạnh phân cấp trong quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký.

Mường Khương: Nỗ lực nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông cho Nhân dân

Mường Khương là huyện vùng cao biên giới với 23 dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm trên 87% tổng dân số. Ý thức, kỹ năng tham gia giao thông của một bộ phận người dân, đặc biệt người dân vùng sâu, vùng xa còn hạn chế. Thách thức lớn nhất với Mường Khương là thay đổi thói quen sử...

Lào Cai: Phát động Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024

Sáng 26/4, Ủy ban nhân dân tỉnh phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh Lào Cai tổ chức Lễ phát động Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024.