Đầu tư nước ngoài - nguồn lực quan trọng góp phần phát triển nền kinh tế

Sau khi nước ta thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước năm 1986, hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài được đẩy mạnh. Sau 25 năm, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng phát huy vai trò quan trọng và có những đóng góp đáng kể trong sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Dự án thuỷ lợi Hồ Kẻ Gỗ (vốn đầu tư nước ngoài) đã giúp hàng vạn nông dân ở Hà Tĩnh phát triển sản xuất nông nghiệp. (Ảnh: Đ.H)
Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được ban hành lần đầu tiên vào tháng 12/1987, đã trở thành khung khổ luật pháp cơ bản đầu tiên cụ thể hóa quan điểm của Đảng ta về mở cửa, hội nhập. Nhìn tổng thể, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài nói riêng và các hoạt động kinh tế đối ngoại nói chung đã thể hiện vai trò tích cực trong thành tựu tăng trưởng, phát triển của Việt Nam 25 năm qua, và ngày càng khẳng định ảnh hưởng tích cực nhiều mặt đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước trong thời gian tới. Điều này khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong việc phát triển kinh tế, hội nhập kinh tế quốc tế. Để tổng kết, đánh giá toàn diện những kết quả đã đạt được cũng như những hạn chế, tồn tại của đầu tư nước ngoài; trên cơ sở đó xác định những định hướng, giải pháp cho giai đoạn tới, ngày 27/3 tới tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương tổ chức Hội nghị tổng kết 25 năm đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam.

Theo đồng chí Bùi Quang Vinh, Uỷ viên TW Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong giai đoạn đầu mở cửa, đầu tư nước ngoài là giải pháp hữu hiệu góp phần đưa Việt Nam ra khỏi tình thế khó khăn của tình trạng bị bao vây, cấm vận; khẳng định xu thế mở cửa và quan điểm “Việt Nam muốn là bạn của các nước trong cộng đồng thế giới”. Trong các giai đoạn tiếp theo, đầu tư nước ngoài là nguồn vốn bổ sung quan trọng trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội, góp phần đáng kể thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng năng lực sản xuất, đổi mới công nghệ, khai thông thị trường quốc tế, gia tăng kim ngạch xuất khẩu, cải thiện cán cân thanh toán quốc tế, đóng góp ngân sách nhà nước, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và tạo thêm việc làm.

Bên cạnh những đóng góp trực tiếp nêu trên, đầu tư nước ngoài đã có tác động lan tỏa đến các thành phần kinh tế khác của nền kinh tế, trong đó có việc khơi dậy các nguồn lực đầu tư trong nước, tạo sức ép cạnh tranh, thúc đẩy đổi mới và chuyển giao công nghệ, nâng cao hiệu quả sản xuất; phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, góp phần đưa Việt Nam từng bước tham gia chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu. Đến nay, Việt Nam đã trở thành điểm đến của nhiều tập đoàn hàng đầu trên thế giới trong nhiều lĩnh vực khác nhau với những sản phẩm chất lượng quốc tế, qua đó vừa vừa góp phần khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ khu vực và thế giới, vừa góp phần tạo động lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong nước nhằm thích ứng trong bối cảnh toàn cầu hóa. Đầu tư nước ngoài cũng đóng vai trò tích cực trong việc hỗ trợ cho quá trình cải cách doanh nghiệp nhà nước, khuyến khích đổi mới thủ tục hành chính và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh.(Nguồn:baodientu.chinhphu.vn)
 
Cũng theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, mặc dù đầu tư nước ngoài đã đạt được những kết quả quan trọng nêu trên, song việc thu hút đầu tư nước ngoài thời gian qua chưa đạt được một số mục tiêu như kỳ vọng. Đó là tỷ lệ dự án sử dụng công nghệ cao còn thấp, chưa thu hút được công nghệ nguồn, tỷ lệ việc làm mới chưa cao. Tình trạng cấp Giấy chứng nhận đầu tư không phù hợp với quy hoạch; chưa quan tâm đầy đủ đến vấn đề an ninh quốc gia; chưa chú ý đến hiệu quả sử dụng tài nguyên đất đai, khoáng sản... còn diễn ra ở nhiều địa phương. Nhiều dự án chưa được thẩm tra, xem xét kỹ các khía cạnh công nghệ, lao động, môi trường, lao động... dẫn đến chất lượng dự án chưa cao. Những hạn chế vốn có của hoạt động đầu tư tư nhân như chuyển giá; không đảm bảo quyền lợi chính đáng của người lao động về giờ làm việc, tiền lương, phúc lợi, dẫn đến việc đình công, bãi công; vi phạm pháp luật về môi trường chậm được khắc phục.

Trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư gián tiếp không còn ổn định do tình hình kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, ODA có xu hướng giảm dần do Việt Nam tham gia vào hàng ngũ nước có thu nhập trung bình, nguồn vốn trong nước còn hạn chế, thì đầu tư nước ngoài càng trở thành là nguồn lực quan trọng cho mục tiêu phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Việt Nam đang bước vào thời kỳ chiến lược mới với mục tiêu đến năm 2020 đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng, thu hút đầu tư nước ngoài trong giai đoạn tới cần quán triệt định hướng sau:

Một là, cần tạo bước chuyển mạnh về thu hút đầu tư nước ngoài từ chạy theo số lượng sang chọn lọc các dự án có chất lượng, công nghệ cao, thân thiện với môi trường và phù hợp với định hướng tái cấu trúc nền kinh tế của từng vùng, từng ngành và quốc gia.

Hai là, đặc biệt quan tâm thu hút các dự án quy mô lớn, sản phẩm cạnh tranh cao tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của các tập đoàn xuyên quốc gia, từ đó xây dựng, phát triển hệ thống các ngành, các doanh nghiệp phụ trợ.

Ba là, quy hoạch thu hút đầu tư nước ngoài theo ngành, lĩnh vực, đối tác phù hợp với lợi thế của từng vùng để phát huy hiệu quả đầu tư của từng địa phương, từng vùng và phù hợp tổng thể lợi ích quốc gia.

Bốn là, chuyển dần thu hút đầu tư nước ngoài với lợi thế giá nhân công rẻ sang cạnh tranh bằng nguồn lực chất lượng cao.

Để thực hiện thành công các mục tiêu về thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài thời gian tới theo định hướng nêu trên thì việc đề ra những giải pháp mang tính đột phá, có hiệu quả và có tính thực thi cao là yếu tố cực kỳ quan trọng. Ngoài các giải pháp chung như ổn định kinh tế vĩ mô, mở rộng thị trường nội địa để tạo ưu thế về quy mô thị trường, tập trung khắc phục các “nút thắt” về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, phát triển hệ thống doanh nghiệp trong nước, trong đó có công nghiệp hỗ trợ nhằm cải thiện môi trường kinh doanh. Để thực hiện được điều, cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Trước hết, phải hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư nhằm tạo môi trường đầu tư đồng bộ, minh bạch, rõ ràng và có tính tiên liệu. Sửa đổi chính sách ưu đãi đầu tư phù hợp với định hướng thu hút đầu tư nước ngoài giai đoạn tới, đồng thời đảm bảo tính hấp dẫn, cạnh tranh so với các nước trong khu vực. Cải tiến một cách căn bản phương thức xúc tiến đầu tư theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, theo từng ngành, lĩnh vực, khu vực và đối tác.

Công tác quản lý doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng được chú trọng cải thiện hiệu quả, đặc biệt là tập trung chuyển đổi mạnh áp dụng chế độ hậu ưu đãi và hậu kiểm, kết hợp tăng cường chế độ báo cáo, thống kê và giám sát, thanh tra. Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tập trung nâng cao hiệu lực chỉ đạo, điều hành gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính giảm chi phí và thời gian thực hiện các thủ tục cho công dân và doanh nghiệp; kiên quyết đẩy mạnh hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí để tạo môi trường kinh tế xã hội thuận lợi, cạnh tranh thu hút mạnh mẽ hơn nữa vốn đầu tư FDI.

Trong bối cảnh quốc tế và trong nước có những diễn biến nhanh và phức tạp, mang lại không ít những cơ hội và thách thức cho việc thu hút đầu tư nước ngoài, cần có giải pháp đột phá, có hiệu quả và tính thực thi cao để cải thiện môi trường đầu tư, tiếp tục thu hút và phát huy tối đa hiệu quả của nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Sự gia tăng quy mô và chất lượng liên kết kinh tế quốc tế không những tăng cường nguồn lực phát triển nền kinh tế mà còn là động lực của việc tiếp tục đổi mới trong nước và giảm thiểu sức ép, rủi ro từ bên ngoài…
(Theo dangcongsan.vn)

Tin Liên Quan

Môi trường đầu tư chuyển biến rõ nét

Thời gian gần đây môi trường đầu tư tại một số tỉnh, thành phố được cải thiện rõ rệt. Nhiều thủ tục hành chính, nhất là thủ tục liên quan đến doanh nghiệp và lĩnh vực đầu tư được đơn giản hóa, rút ngắn đáng kể thời gian giải quyết. Có địa phương ban hành cơ chế đặc thù, ủy quyền cho một...

Làm tốt hơn nữa công tác bảo vệ, giáo dục trẻ em trong tình hình mới

Những chủ trương, định hướng lớn của Ðảng và Hiến pháp năm 2013 đang đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao đối với công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, nhất là việc bảo vệ trẻ em trước và trong hoạt động tố tụng hình sự.

Chính sách nhất quán của Việt Nam là bảo vệ và thúc đẩy quyền con người

Ngày 25/4, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết bình luận của Việt Nam đối với Báo cáo Nhân quyền thường niên năm 2023 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố ngày 22/4/2024, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nhấn mạnh, Báo cáo Nhân...

Sắp diễn ra Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Ninh thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Ngày 28/4/2024, tại Long Thuận Hotel & Resort (số 01 đường Yên Ninh, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận), UBND tỉnh Ninh Thuận sẽ tổ chức Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư tỉnh Ninh Thuận.

Hơn 300 hình ảnh, tài liệu, hiện vật tiêu biểu được giới thiệu tại Triển lãm Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử

Triển lãm "Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử" giới thiệu hơn 300 hình ảnh, tài liệu, hiện vật tiêu biểu phản ánh về trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ năm 1954 và khẳng định ý nghĩa, tầm vóc, giá trị lịch sử vĩ đại của Chiến thắng Điện Biên Phủ; sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của...

Tuần phim Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2024), Cục Điện ảnh sẽ tổ chức "Tuần phim Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ" từ ngày 24-30/4/2024 tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên.