Ăn tết ở bản Hà Nhì

Một ngày cuối năm, điện thoại tôi kêu reng reng. Phía đầu dây bên kia, giọng anh Chu Che Xá, Trưởng thôn Lao Chải 1, xã Y Tý (Bát Xát) hồ hởi:  Bản tôi chuẩn bị đón Tết sớm Ga Tho Tho vui lắm. Anh lên ăn Tết với đồng bào Hà Nhì nhé. Không một phút chần chừ, tôi chuẩn bị hành lý và lên đường đến bản Hà Nhì vui tết.

4 giờ sáng, thôn Lao Chải 1, xã Y Tý chìm trong biển sương dày đặc. Lúc này, gà trong chuồng vẫn còn rúc đầu dưới cánh ngủ im lìm, nhưng vợ chồng anh Chu Gì Xa và chị Ly Mò Chúy đã lục tục trở dậy thổi lửa. Chị Chúy nhanh tay bắc chõ gỗ đồ xôi, rồi đặt thêm nồi nước thật to lên đun. Anh Xa thì mài lại mấy con dao trong góc bếp cho thật sắc, chẻ thêm ít lạt tre tươi. Khi lửa trong lò đã đỏ rực, mùi cơm nếp thơm tỏa khắp nhà anh Chu Gì Xa, thì bản Hà Nhì như bừng tỉnh bởi âm thanh ngày hội. “Hôm nay là Tết Ga Tho Tho mà. Là người Hà Nhì, thì ai cũng tưng bừng chuẩn bị đón ngày Tết của dân tộc mình”- anh Xa chia sẻ.

Múa hát mừng xuân mới.

Tôi chộn rộn sau một đêm thao thức chờ đợi, háo hức nhìn Chu Gì Xa, trưởng thôn Chu Che Xá và 3 người đàn ông Hà Nhì lực lưỡng đang toát mồ hôi hò nhau trói con lợn đen hơn 80 kg, lặc lè khiêng lên sân trước nhà. Ông Chu Hờ Sứ, bố anh Xa nhanh tay vẩy nước, gạo và muối vào mõm và tai lợn để làm lý cho chú lợn được hóa kiếp làm vật tế thần linh. Ngoài kia, tiếng “hò thò thò” (giã bánh giày) đã vang lên thình thịch, thình thịch trong những ngôi nhà nấm bập bùng ánh lửa và tiếng lợn kêu eng éc giữa biển sương trắng mênh mông…

Khi con lợn to vừa mổ xong, phần thịt nạc mông, quả tim và bộ gan được để riêng, rửa sạch, luộc chín. Vợ chồng anh Chu Gì Xa đầu vấn khăn gọn gàng, trên người mặc trang phục truyền thống của dân tộc Hà Nhì để hành lễ “À bu hơ đà” (lễ cúng tổ tiên). Lễ vật có thịt, rượu, cơm nóng, bánh giày, muối ớt và các sản vật khác được trân trọng đặt lên bàn thờ.

Giữa không gian linh thiêng và khói bếp tỏa cay xè mắt, mọi người lần lượt hành lễ trước bàn thờ, cảm tạ và cầu mong tổ tiên, thần linh phù hộ cho người an, vật thịnh, mùa màng bội thu… Lễ cúng “À bu hơ đà” kết thúc, bát thịt lợn được vợ chồng chủ nhà bỏ xuống, mời người già, trẻ nhỏ và các thành viên khác trong gia đình cùng hưởng lộc. Theo quan niệm của người Hà Nhì, ai được ăn lộc này sẽ được tổ tiên, thần linh phù hộ có thêm sức mạnh và may mắn. Đám trẻ vui mừng ăn hết vẫn thòm thèm. Chị Ly Mò Chúy gắp miếng thịt nạc to, bỏ vào lòng bàn tay tôi, rồi nói mấy câu tiếng Hà Nhì ra hiệu mời tôi thưởng thức. Vị thịt lợn vùng cao sao mà ngon và ngọt thế, lần đầu tiên được hưởng lộc Tết Ga Tho Tho trong gia đình người Hà Nhì, cảm giác trong tôi thật khó diễn tả…

Trong gian nhà tường đất ấm áp của anh Chu Gì Xa, mấy chiếc mâm đan bằng mây được bày ra với đủ món ăn ngon chế biến từ thịt lợn bản và rau xanh, rượu mầm thóc rót tràn bát, bia Hà Nhì rót tràn cốc. Mọi người quây quần bên mâm cỗ tết đầm ấm, cùng ăn cơm, uống rượu, chúc nhau những lời chúc tốt đẹp. Nhấp cạn chén rượu thơm nồng, Trưởng thôn Chu Che Xá giọng đầy phấn khởi: Năm nay, người Hà Nhì ở Lao Chải 1 và ở Y Tý ăn Tết Ga Tho Tho to hơn mọi năm, vì có nhiều niềm vui lắm. Tháng 6 âm lịch vừa qua, thỏa bao mong đợi của bà con, Lễ hội Khô Già Già của dân tộc Hà Nhì được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Sau đó không lâu, quần thể ruộng bậc thang ở thung lũng Thẻ Pả thuộc xã Y Tý và Ngải Thầu cũng được công nhận là Di tích quốc gia danh lam thắng cảnh. Đó là niềm tự hào của người Hà Nhì trên vùng cao Bát Xát.

Nói rồi, Trưởng thôn Chu Che Xá nâng cây đàn Hót Tờ của người Hà Nhì, tay gảy đàn, miệng cất giọng hát mạnh mẽ và ấm áp. Bài dân ca Hà Nhì hay quá, tôi không hiểu hết ca từ, nhưng nghe trong giai điệu có âm thanh hoang vu của đại ngàn, có tiếng suối Thiên Sinh chảy róc rách, tiếng nai rừng gọi nhau, tiếng chim hót chuyền cành, tiếng gió thổi qua rừng sương Nhìu Cồ San ào ạt…

Tôi đang mơ màng theo làn điệu du dương của bài dân ca Hà Nhì, chủ nhà Chu Gì Xa đã rót tràn chén rượu, đưa cho tôi chiếc bánh giày vừa nướng trên than hồng còn nóng bỏng tay. Rượu Hà Nhì nấu bằng mầm thóc, ủ trong chum lâu ngày uống nhiều mà vẫn tỉnh. Bánh giày của người Hà Nhì được làm từ loại gạo nếp nương ngon nhất, trộn với vừng đen giã suốt đêm cho nhuyễn mịn, ủ trong lá chuối non lấy trên rừng, rồi lại được nướng trên than bếp cho phồng lên. Vỏ bánh vàng xẹm, giòn giòn, còn bên trong vẫn dẻo quánh, thơm phức. Món ăn ngày Tết dân dã, để lại trong tôi ấn tượng không bao giờ quên.

Đồng bào hà Nhì làm bánh  giáy ngày tết.

Trong câu chuyện rôm rả bên mâm cơm ngày tết, tôi biết thêm rằng, Tết Ga Tho Tho hay còn gọi là Tết tháng 11, về mặt lý còn quan trọng hơn cả Tết Nguyên đán. Cụ Chu Hờ Sứ rít hơi thuốc lào, nhả khói trắng sương bay, giải thích: Đây là lúc lúa trên ruộng bậc thang, ngô, lạc, đậu tương, bí đỏ… trên nương đã thu hoạch xong, các gia đình người Hà Nhì làm lễ dâng lên tổ tiên những sản vật mình mới thu hoạch được để cảm tạ tổ tiên, mong cho năm sau người an vật thịnh, mùa màng tươi tốt, cuộc sống ấm no… Tết Ga Tho Tho kéo dài trong 3 ngày liền, mỗi ngày chủ nhà đều làm lễ cúng tổ tiên vào buổi sáng và tối.

Còn với Tết Nguyên đán cổ truyền thì được người Hà Nhì coi là Tết ăn chơi. Trong đó, phong tục độc đáo nhất là lúc giao thừa, người ta sang vườn nhà hàng xóm nhổ trộm mấy cây tỏi mang về để lấy lộc. Sáng sớm mùng 1 Tết, chủ nhà ra mỏ nước đầu bản thắp hương và lấy nước mới về nấu thức ăn bày lên bàn thờ tổ tiên. Ngày Thìn tháng Giêng thì cả bản nô nức tổ chức lễ cúng rừng Gà Ma Dó đầu năm để tạ ơn thần rừng, sau đó tưng bừng tổ chức tết cho thiếu nhi… Mỗi cái tết hay lễ hội của dân tộc Hà Nhì đều mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, phong tục được cả cộng đồng trân trọng, gìn giữ.

Tạm biệt Lao Chải khi mặt trời đã vén màn sương mù, chiếu ánh nắng rạng rỡ, bản Hà Nhì bồng bềnh giữa biển mây đẹp như trong xứ sở thần tiên. Hẹn trở lại Lao Chải, Y Tý vào dịp Tết Nguyên đán năm nay, để thêm một lần xem bà con gọi nhau mổ lợn, giã bánh giày, cùng trai gái Hà Nhì đi chơi tết, hát giao duyên, ngắm hoa đào nở…

Theo Tuấn Ngọc/LCĐT

Tin Liên Quan

Nhiều cách làm hay trong giữ gìn, bảo tồn trang phục, lễ hội tại Lào Cai

Với 25 nhóm, ngành dân tộc cùng 41 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và 2 di sản đại diện nhân loại, Lào Cai là một trong những địa phương có truyền thống văn hóa độc đáo, giàu bản sắc, cũng như sở hữu nhiều di sản văn hóa hàng đầu cả nước.

Sôi nổi Giải vô địch đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ tỉnh Lào Cai năm 2024

Giải vô địch đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ tỉnh Lào Cai năm 2024 đang diễn ra vô cùng sôi động, hấp dẫn tại thị trấn Si Ma Cai, huyện Si Ma Cai.

Bồi đắp niềm tự hào văn hóa dân tộc

“Tuần lễ trang phục truyền thống các dân tộc” tỉnh Lào Cai năm 2024 diễn ra từ ngày 15/4 – 19/4 đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các cá nhân, tập thể. Tại các cơ quan, đơn vị, khu dân cư trên địa bàn tỉnh, cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, lao động và người dân thể hiện rõ niền tự hào...

Nghi lễ đặc sắc trong tết Thanh minh của người Bố Y

Người dân tộc Bố Y trên địa bàn tỉnh Lào Cai chỉ có hơn 2000 người, chủ yếu sinh sống ở các xã: Thanh Bình, Nậm Chảy, Tung Chung Phố và thị trấn Mường Khương (huyện Mường Khương). Trong đời sống tâm linh của người Bố Y, tết Thanh Minh “Sứn mìn” đã trở thành nét văn hóa đặc sắc được truyền lại từ...

Đền Quan ghi dấu nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, quân sự

Tọa lạc ở phường biên giới Lào Cai (thành phố Lào Cai), đền Quan là một trong những di tích quan trọng, còn lưu giữ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, quân sự. Thuở xưa, đây là nơi ghi dấu công lao to lớn của quân đội nhà Trần do Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn chỉ huy lên trấn ải vùng biên giới Lào Cai.

Hoa văn phượng hoàng trong trang phục của người Nùng Dín

Mỗi một dân tộc đều có những nét độc đáo riêng trong bản sắc văn hóa truyền thống. Với người Nùng Dín ở vùng biên giới Mường Khương (Lào Cai), một trong những đặc điểm nhận diện rõ nhất trong trang phục truyền thống của họ, chính là vẻ đẹp tinh tế và đầy màu sắc của hoa văn phượng hoàng thêu trên...