Làm theo lời Bác dạy

Tết đến, xuân về, mỗi người dân Lào Cai lại trào dâng cảm xúc với những kỷ niệm không quên về Bác Hồ. Cách đây 58 năm, Bác và Đoàn cán bộ Chính phủ lên thăm Lào Cai. Nói chuyện với nhân dân các dân tộc Lào Cai, Bác ân cần căn dặn, chỉ rõ những nhiệm vụ để mỗi người Lào Cai xây dựng miền đất nghèo khó trở nên “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!” và có đội ngũ cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên”.
Mùa vàng trên cánh đồng Võ Lao (Văn Bàn).

Ở độ tuổi “xưa nay hiếm”, ông Hoàng Trá Quang (phường Duyên Hải, thành phố Lào Cai), người dân tộc Nùng, nguyên Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, kể: Lần đầu tiên được gặp Bác Hồ, ông thấy sung sướng và tự hào. Hình ảnh của Bác như người cha thân thương, trìu mến, gần gũi trong gia đình. Lần được gặp Bác và những lời Bác dạy ân cần luôn đọng mãi trong ông. Khi đó, ông mới 26 tuổi, là Phó Bí thư Tỉnh đoàn. Được gặp Bác giúp ông gửi trọn niềm tin vào Đảng và Bác để phấn đấu học tập, công tác. Sức mạnh của niềm tin ấy giúp ông trưởng thành, trở thành người cán bộ được dân tin, dân yêu, dân quý. Ông tâm sự: Bác căn dặn đồng bào Lào Cai: “Phải cố gắng làm thế nào cho đồng bào no cơm ấm áo hơn nữa. Muốn vậy thì phải tăng gia sản xuất... Muốn đủ lương thực thì phải ra sức trồng lúa và ngô khoai... Cán bộ phải hướng dẫn đồng bào, đặc biệt đồng bào rẻo cao định canh, bảo vệ rừng, dùng phân bón, làm ruộng bậc thang, cải tiến kỹ thuật cày, cấy”.

Làm theo lời Bác, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, nhân dân các dân tộc Lào Cai ra sức thi đua khai hoang mở rộng diện tích, thực hiện thâm canh tăng vụ và áp dụng rộng rãi các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nhờ đó, diện tích, năng suất, sản lượng lương thực không ngừng tăng lên. Dấu mốc năm 1958, khi Bác lên thăm, diện tích trồng cây lương thực của tỉnh mới có 6.500 ha, tổng sản lượng lương thực quy thóc đạt 20 ngàn tấn; nhiều hộ dân lam lũ trong những “tháng ba, ngày tám”. Đến nay, diện tích lúa nước toàn tỉnh có hơn 30.000 ha/2 vụ, tổng sản lượng lương thực năm 2015 tỉnh Lào Cai đạt 281.000 tấn, góp phần đảm bảo an ninh lương thực và các hộ dân Lào Cai có thêm “bát ăn, bát để”, chung tay xây dựng nông thôn mới. Từ lúc phần lớn đồng bào vùng cao sống du canh, du cư, đến nay, tình trạng đó đã được khắc phục. Nạn đốt rừng làm nương trước đây đã được thay thế bằng chương trình phủ xanh đất trống và bảo vệ, phát triển rừng. Huyện Bảo Yên, Bảo Thắng, Văn Bàn... đã có nhà máy chế biến gỗ, với nguồn nguyên liệu dồi dào, với các sản phẩm chế biến chủ yếu gồm gỗ xẻ các loại, ván dăm ép, giấy đế... Kinh tế phát triển tạo điều kiện cho tỉnh Lào Cai chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật. Đến nay, đội ngũ cán bộ kỹ thuật nông - lâm nghiệp của tỉnh có hàng nghìn người, thường xuyên “ba cùng”, hướng dẫn nông dân tăng gia sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hiệu quả.

Cán bộ Trung tâm Giống nông - lâm nghiệp tỉnh kiểm tra chất lượng lúa giống.

Đến Trung tâm Giống nông - lâm nghiệp tỉnh dịp này, tôi thấy không khí thi đua sôi nổi từ các phòng nghiệp vụ đến các đơn vị sản xuất; từ cán bộ đến công nhân, tất cả đều tích cực học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác. Thạc sĩ Trần Thị Hằng, Giám đốc Trung tâm, tâm sự: Khó khăn của cán bộ kỹ thuật nơi đây chính là phải tìm ra được bộ giống lúa bố, mẹ tốt nhất để lai tạo thành giống lúa lai mới. Mỗi người đều thấm nhuần lời Bác dạy: “Kiên trì và nhẫn nại, việc khó cũng thành công”, bởi để lai tạo thành công một giống lúa mới kéo dài tới 6 năm. Mỗi lần nếm trải thất bại, chúng tôi không nản mà cùng nhau bàn bạc, tìm ra nguyên nhân; thường xuyên lội ruộng, theo dõi thời tiết như nhà thiên văn để chủ động điều chỉnh lúa bố mẹ đến thời kỳ cùng trổ cờ, dùng gậy gạt phấn lúa bố sang lúa mẹ để tạo lúa lai…

Chính Giám đốc Hằng đã cùng các đồng nghiệp thực hiện thành công đề tài: “Nghiên cứu chọn tạo, sản xuất hạt giống bố mẹ và hạt lúa lai F1 tương ứng tại Lào Cai”, đã lựa chọn được 1 giống lúa lai 3 dòng; 2 giống lúa lai 2 dòng mang thương hiệu Lào Cai là: LC25, LC212, LC270, hoàn thành tốt mục tiêu đề tài đặt ra. Kết quả đề tài đánh dấu bước ngoặt trong công tác chọn tạo giống của Lào Cai. Riêng giống lúa lai LC25 được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là giống cây trồng  mới, trao Danh hiệu “Bông lúa vàng Việt Nam” lần thứ Nhất - năm 2012; giống lúa lai LC212 đoạt giải thưởng “Cho mùa vàng bội thu” năm 2013 và được nông dân tin dùng. Đây là những giống lúa có nhiều đặc tính tốt, như thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất cao, có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, thích ứng rộng với nhiều vùng, đặc biệt là cơm ngon, mềm, dẻo, có mùi thơm đạt tiêu chuẩn cho tiêu dùng và xuất khẩu. Từ đó, việc sản xuất giống lúa từng bước mở rộng diện tích và năng suất, sản lượng. Năm 2011, diện tích sản xuất lúa giống có 183,5 ha, sản lượng 444 tấn, năm 2015, diện tích được nâng lên hơn 300 ha, sản lượng đạt 670 tấn. Lào Cai đã chủ động được khâu giống lúa, không còn cảnh “ăn đong” nhập giống lúa ngoại như trước, đồng thời giảm chi phí đầu tư lúa giống, tiết kiệm 5 tỷ đồng/năm cho nông dân và Nhà nước so với việc phải nhập giống lúa. Năng suất giống lúa lai do Trung tâm chọn tạo ổn định, đạt trên 5 tấn/ha/vụ, cao hơn các giống cũ trên 5%, tăng thu nhập cho nông dân trên 20 tỷ đồng/năm. Từ thành công đề tài giống lúa lai mang thương hiệu Lào Cai, Giám đốc Hằng cùng nhóm tác giả tiếp tục nghiên cứu chọn tạo, thử nghiệm các giống lúa thuần mới là Tân Thịnh 14, Tân Thịnh 15 và giống lai 2 dòng Vân Hương...

Lời Bác dạy năm xưa vẫn vang mãi trong tâm khảm mỗi người dân Lào Cai, bởi có Bác Hồ soi đường chỉ lối và dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng bào các dân tộc Lào Cai đã đoàn kết xây dựng Lào Cai phát triển như hôm nay. Chia tay ông Hoàng Trá Quang và Giám đốc Trần Thị Hằng, tôi nhớ mãi câu hát: “Người cho ta tất cả là Bác Hồ Chí Minh” - Đó cũng chính là tình cảm của người dân Lào Cai đối với Bác Hồ kính yêu./.

Theo LCĐT

Tin Liên Quan

Phát huy vai trò thanh niên trong đảm bảo trật tự an toàn giao thông

Lực lượng thanh niên Lào Cai hiện có trên 150.300 người, chiếm gần 20% dân số toàn tỉnh. Những năm qua, lực lượng đoàn viên thanh niên Lào Cai đã tích cực tham gia giữ gìn trật tự, an toàn giao thông (ATGT) với tinh thần xung kích tình nguyện, chung tay cùng các lực lượng chức năng bảo đảm ATGT cho Nhân dân.

Mỗi ngày có gần 400 xe hàng xuất - nhập khẩu qua Cửa khẩu Kim Thành

Hoạt động xuất - nhập khẩu hàng hóa qua Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành (Cửa khẩu Kim Thành) diễn ra khá sôi động, mỗi ngày có gần 400 xe hàng được làm thủ tục thông quan.

06 nhóm giải pháp đảm bảo an toàn không gian mạng quốc gia

Hiện nay, nguy cơ mất an toàn thông tin nói chung và vấn nạn lừa đảo trên không gian mạng đang trở nên ngày càng phổ biến, phức tạp và gây hậu quả ngày càng lớn. Việc bảo đảm an toàn thông tin, phòng chống lừa đảo trên không gian mạng không chỉ là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước mà còn là trách...

Đẩy mạnh phân cấp trong quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh Lào Cai

UBND tỉnh Lào Cai vừa ban hành Quyết định số 875/QĐ-UBND ngày 19/4/2024 về Đề án đẩy mạnh phân cấp trong quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký.

Mường Khương: Nỗ lực nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông cho Nhân dân

Mường Khương là huyện vùng cao biên giới với 23 dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm trên 87% tổng dân số. Ý thức, kỹ năng tham gia giao thông của một bộ phận người dân, đặc biệt người dân vùng sâu, vùng xa còn hạn chế. Thách thức lớn nhất với Mường Khương là thay đổi thói quen sử...

Lào Cai: Phát động Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024

Sáng 26/4, Ủy ban nhân dân tỉnh phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh Lào Cai tổ chức Lễ phát động Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024.