Thế giới tuần qua (6/4 – 12/4)

Dù xuất hiện một số điểm sáng trong nỗ lực thắt chặt quan hệ giữa các quốc gia cũng như kết quả khả quan của các cuộc gặp gỡ quốc tế thì thế giới vẫn phải trải qua những ngày căng thẳng với những tuyên bố đầy khiêu khích về việc phóng tên lửa của CHDCND Triều Tiên và nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm H7N9...

Tăng cường hợp tác giữa các quốc gia
 
* Ngày 8/4, Hà Lan và Nga đã ký kết một loạt văn kiện hợp tác song phương. Trong đó, có bản ghi nhớ về hợp tác thăm dò địa chất, thăm dò và khai thác dầu mỏ ở thềm lục địa Bắc cực của Nga và thềm lục địa ngoài khơi Nam Phi; hợp tác đào tạo cán bộ quản lý cho các tổ chức thuộc nền kinh tế quốc dân của 2 nước; hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, ngoại giao, giáo dục, y tế và khoa học...
 
* Ngày 9/4, Trung Quốc và Cuba đã đạt thỏa thuận tăng cường hợp tác về an ninh và thực thi luật pháp giữa 2 quốc gia nhằm góp phần thúc đẩy phát triển quan hệ song phương cũng như phục vụ sự nghiệp xây dựng đất nước.
 
* Ngày 10/4, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì cho biết quan hệ Trung Quốc – Liên minh châu Âu (EU) là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của nước này. Về phần mình, Đại diện cấp cao của EU phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh Catherine Ashton cũng cho biết, EU hy vọng tiếp tục duy trì các hình thức đối thoại cũng như cơ chế trao đổi với Trung Quốc, đồng thời mở rộng hợp tác nhằm đưa quan hệ EU – Trung Quốc phát triển hiệu quả hơn.
 
* Ngày 11/4, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov tuyên bố cho biết, Nga sẵn sàng phát triển mối quan hệ song phương với Gruzia trên nhiều lĩnh vực như: Thương mại, văn hóa, nhân văn và thể thao. Ông nhấn mạnh tình hữu nghị giữa nhân dân 2 nước không bao giờ mất đi, ngay cả khi mối quan hệ song phương trải qua những giai đoạn thử thách đầy cam go.
 
Thiện chí ngoại giao từ các hội nghị quốc tế

Trưởng đoàn các nước ASEAN tại Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Chính trị - An ninh ASEAN.

* Hội nghị Ngoại trưởng G8 diễn ra trong 2 ngày 10 – 11/4 tại London (Anh) đưa ra tuyên bố sẽ áp dụng nhiều lệnh trừng phạt mới đối với CHDCND Triều Tiên trong trường hợp nước này tiến hành phóng tên lửa, tuy nhiên vẫn còn nhiều chia rẽ xung quanh vấn đề Syria khi chỉ đưa ra lời kêu gọi tăng cường cứu trợ nhân đạo mà không đi đến thống nhất về việc cung cấp vũ khí cho lực lượng đối lập.
 
* Hội nghị cấp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã diễn ra tại Bandar Seri Begawan (Brunei) trong 2 ngày 10 – 11/4 bao gồm: Hội nghị Bộ trưởng  Ngoại giao ASEAN, Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Chính trị – An ninh ASEAN và Hội đồng Điều phối ASEAN.
 
Các Bộ trưởng Ngoại ASEAN đã cùng bàn về phương hướng và các trọng tâm ưu tiên của ASEAN trong năm nay, cũng như trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.
 
Về vấn đề Biển Đông, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN nhấn mạnh quan điểm và nguyên tắc chung của ASEAN, bao gồm: Bảo đảm hòa bình, ổn định ở Biển Đông; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình; tôn trọng luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển năm 1982 của Liên hợp quốc (UNCLOS); thực hiện đầy đủ, hiệu quả DOC và sớm tiến tới Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Kết thúc các Hội nghị, các Bộ trưởng nhất trí và ủng hộ Chủ tịch ASEAN Brunei ra Thông cáo báo chí về vấn đề Biển Đông.
 
Căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên
 
Triều Tiên liên tục có những hành động gây căng thẳng như: Rút khỏi Hiệp định đình chiến giữa 2 miền Triều Tiên; đơn phương chấm dứt hiệu lực các thỏa thuận phi hạt nhân đã ký kết trước đó, cắt đường dây nóng quân sự với Hàn Quốc; đe dọa tấn công các căn cứ của Mỹ tại Okinawa, Guam và Trân Châu Cảng; đóng cửa khu công nghiệp Keasong. Không những thế, Bình Nhưỡng còn có những động thái nhằm cảnh báo cộng đồng thế giới về khả năng tiến hành phóng thử các thiết bị tên lửa đạn đạo ở khu vực biên giới phía Bắc và mới đây nhất là kêu gọi các công dân nước ngoài sơ tán khỏi Triều Tiên, Hàn Quốc phòng trường hợp chiến tranh Triều Tiên bùng nổ.
 
Những động thái này làm dấy lên lo ngại đối với cộng đồng quốc tế về khả năng phóng tên lửa của Triều Tiên và thậm chí làm tăng nỗi ám ảnh về một cuộc “chiến tranh nhiệt hạch”.
 
Bộ tư lệnh lực lượng hỗn hợp Hàn – Mỹ đã nâng cao mức cảnh báo, nhằm tăng cường số lượng nhân viên tình báo và giám sát chặt chẽ các hoạt động tên lửa của Bình Nhưỡng.
 
Ngày 10/4, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera cho biết, Lực lượng phòng vệ Nhật Bản đang áp dụng mọi biện pháp cần thiết nhằm đối phó với khả năng CHDCND Triều Tiên phóng nhiều tên lửa từ các địa điểm khác nhau.
 
Cùng ngày, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Patrick Ventrell tiếp tục kêu gọi Triều Tiên kiềm chế trước các hành vi gây hấn tiếp theo và Mỹ đang thực hiện một loạt các biện pháp cần thiết, bao gồm cả việc nâng cao khả năng phòng thủ, thắt chặt an ninh trong nước và bảo đảm an ninh cho các đồng minh trong khu vực.
 
Trung Quốc cũng kêu gọi Triều Tiên và các bên khác có liên quan cần “kiềm chế” tối đa nhằm đối phó với tình hình căng thẳng đang ngày một gia tăng trên bán đảo Triều Tiên. Tổng thống Nga Putin thậm chí còn nhắc tới “một thảm hoạ hạt nhân tồi tệ nhất trong lịch sử có thể xảy ra” khi đề cập đến tình hình bán đảo Triều Tiên.
 
Gần đây nhất, ngày 11/4, Tổng Thống Mỹ nhấn mạnh, hiện chính quyền Washington vẫn hy vọng vào một giải pháp ngoại giao có thể xoa dịu cuộc khủng hoảng đang tiếp diễn trên bán đảo Triều Tiên. Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Ryoo Kihl-jae cũng kêu gọi Bình Nhưỡng ngồi vào bàn đối thoại để giải quyết tình trạng căng thẳng hiện nay trên bán đảo Triều Tiên. Trung Quốc cũng kêu gọi tất cả các bên liên quan “hành động nhằm xoay chuyển tình hình” trên bán đảo Triều Tiên hiện nay. Ngoại trưởng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tuyên bố sẵn sàng đóng vai trò trung gian trong các vòng đàm phán giữa Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên.
 
Lo ngại về diễn biến của virus cúm gia cầm H7N9

Số lượng các ca tử vong do virus H7N9 tăng lên không ngừng. (Ảnh: AFP)
 
Ủy ban Y tế và Kế hoạch hóa gia đình quốc gia Trung Quốc cho biết, tính đến chiều 11/4 đã có tổng cộng 38 ca nhiễm virus H7N9 trên cả nước, trong đó 10 trường hợp đã tử vong. Hiện nguyên nhân lây nhiễm chưa được xác minh, song các mẫu xét nghiệm gia cầm lấy từ các chợ buôn bán gia cầm sống đều có kết quả dương tính với virus H7N9.
 
Ngày 9/4, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố cho biết chưa tìm thấy bằng chứng cho thấy virus cúm gia cầm H7N9 lây nhiễm từ người sang người. Tuy nhiên, ngày 11/4, Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) cảnh báo nguy cơ virus H7N9 có thể lan rộng ra ngoài Trung Quốc.
 
Giám đốc phụ trách trung tâm khẩn cấp về các bệnh lây nhiễm qua động vật của FAO tại châu Á Subhash Morzaria cho biết, virus H7N9 gây những triệu chứng bệnh rõ rệt ở người, trong khi ở gia cầm gần như không có dấu hiệu bệnh hoặc biểu hiện rất nhẹ, vì vậy việc xác định nguồn truyền bệnh càng khó khăn hơn. FAO lo ngại trường hợp các gia cầm nhiễm bệnh được vận chuyển qua biên giới và có thể làm lây lan loại virus chết người này./.
(Theo chinhphu.vn)

Tin Liên Quan

Mùa hè khắc nghiệt, nền nhiệt cao kỷ lục

Cơ quan khí hậu của Liên minh châu Âu (EU) Copernicus cho biết, tính đến tháng 3 vừa qua, thế giới đã trải qua tháng thứ 10 liên tiếp có nền nhiệt cao kỷ lục, cả nhiệt độ không khí và các đại dương đều ở mức cao nhất mọi thời đại. Nhiều khu vực đã xuất hiện “mùa cháy rừng” tồi tệ nhất trong thế kỷ...

Tổ chức Mặt trận góp phần củng cố quan hệ đoàn kết Việt Nam-Lào-Campuchia

Chiều 9/4 tại thủ đô Vientiane, đã diễn ra Hội nghị Chủ tịch Mặt trận ba nước Campuchia-Lào-Việt Nam lần thứ 5. Hội nghị nhằm củng cố, tăng cường quan hệ hợp tác lâu dài, ổn định và phát triển giữa ba tổ chức Mặt trận của ba nước.

Triển vọng chính sách sản lượng của OPEC+ đối mặt "ngã ba đường"

Mặc dù kỳ vọng OPEC+ bắt đầu nghĩ đến việc chấm dứt kế hoạch cắt giảm sản lượng là hợp lý, nhưng việc khối này giữ nguyên các hạn chế có thể hợp lý hơn.

Khai mạc Hội chợ thương mại Việt Nam-Lào-Campuchia-Thái Lan

Chiều 10/4 tại tỉnh Champasak đã diễn ra lễ khai mạc “Hội chợ triển lãm trưng bày sản phẩm và các hoạt động kết nối đầu tư, thương mại, du lịch giữa các doanh nghiệp Việt Nam-Lào-Campuchia-Thái Lan”.

Hợp tác bảo vệ tài nguyên nước

Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) nhận định, khủng hoảng nước là một trong số những rủi ro hàng đầu đối với thế giới. Biến đổi khí hậu khiến nhiều khu vực trên thế giới đối mặt tình trạng thiếu nước trầm trọng, làm đảo lộn sinh hoạt của người dân và cản trở sự phát triển kinh tế.

Tín hiệu tích cực từ các "đầu tàu" kinh tế

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong quý IV/2023 tăng trưởng 3,4%, cao hơn so với mức 3,2% dự báo trước đó; Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của ngành sản xuất Trung Quốc trong tháng 3 lần đầu quay lại ngưỡng trên 50 điểm sau 5 tháng giảm liên tục. Ðó là những tín hiệu tích cực từ các "đầu tàu" kinh...