Giữ “hồn” dân tộc Bố Y

Chúng tôi gặp ông Dương Tuấn Nghĩa, Trưởng phòng Di sản, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch để tìm hiểu về công tác sưu tầm, bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số. Một trong những câu chuyện mà ông Nghĩa nhắc đến làm chúng tôi rất ấn tượng là việc bảo tồn văn hóa dân tộc Bố Y - cộng đồng dân tộc có số dân rất ít nhưng lại có văn hóa truyền thống đặc sắc và độc đáo. Tuy nhiên, bản sắc văn hóa người Bố Y có nguy cơ mai một, nên công tác bảo tồn, phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc này đang được ngành chức năng và chính quyền địa phương quan tâm.

Phát huy những giá trị văn hóa đậm bản sắc

Theo gợi ý của ông Dương Tuấn Nghĩa, chúng tôi tìm đến xã Thanh Bình (Mường Khương), nơi tập trung khá đông người Bố Y sinh sống để tìm hiểu thêm những nét độc đáo và việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của đồng bào nơi đây. Qua tài liệu và lời kể của những vị cao niên ở địa phương, chúng tôi nhận thấy, nổi bật trong số những sinh hoạt văn hóa của người Bố Y là Tết Sử Giề Pà (Lễ tạ ơn trâu) tổ chức vào ngày mùng 8 tháng 4 hằng năm.

Thực hiện nghi lễ trong Tết Sử Giề Pà.

Theo truyền thuyết, Tết Sử Giề Pà nói về thời xa xưa, Nhà Trời đưa một con trâu trắng xuống hạ giới giúp dân tìm ra nguồn nước để vượt qua nạn hạn hán lịch sử. Trong thực tế đời sống, người Bố Y có truyền thống cấy lúa nước từ rất lâu đời và con trâu đóng vai trò hết sức quan trọng. Tết Sử Giề Pà độc đáo với mâm lễ vật cúng chung của làng là chiếc đầu trâu được nặn bằng xôi bảy màu, có đôi sừng dài tượng trưng cho con trâu trưởng thành khỏe mạnh, thêm trứng nhuộm phẩm đỏ, xôi bảy màu, gà luộc nguyên con, rượu, chè, hương, tiền... Người thực hiện lễ cúng rót rượu, trà, khấn mời thần trâu, thần thổ địa và các vị thần khác về ăn tết cùng dân làng. Ông thay mặt cho dân làng gửi gắm những ước vọng đến thần linh, đặc biệt là cầu mong các vị thần bảo vệ con trâu của họ luôn mạnh khỏe. Kết thúc lễ cúng, những người đến tham dự sẽ cùng nhau ăn uống, thụ lộc để làm lý. Họ tin rằng, ăn những lễ vật đó sẽ được tiếp thêm sức mạnh của các vị thần. Chiếc đầu trâu làm bằng xôi bảy màu dành lại cho gia đình đã chuẩn bị lễ. Nghi lễ kết thúc, mọi người trở về nhà tiếp đón khách; thanh niên, trẻ con tụ tập tại điểm diễn ra các hoạt động vui chơi của làng để tham gia trò chơi, hát giao duyên… Ý nghĩa văn hóa của Tết Sử Giề Pà là mong ước của người Bố Y luôn được thần linh phù hộ cho gia súc khỏe mạnh, mùa màng bội thu, thóc lúa đầy bồ. Phần hội có những tiết mục dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian làm tăng thêm tính liên kết của cộng đồng trong bản làng.

Nhận thấy nguy cơ bị mai một, năm 2013, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã xây dựng Dự án bảo tồn Tết Sử Giề Pà (Tạ ơn trâu) của người Bố Y, đến nay, việc phục dựng và phát huy nét sinh hoạt văn hóa này đã có những thành công bước đầu. Từ khi triển khai dự án, vào dịp đầu tháng 4 hằng năm, nếu du khách ghé thăm thôn Lao Hầu, xã Thanh Bình (Mường Khương) sẽ được sống trong không khí vui tươi, phấn khởi của Tết Sử Giề Pà.

Giữ “hồn” dân tộc Bố Y

Gìn giữ văn hóa truyền thống của dân tộc mình luôn là nỗi trăn trở, thôi thúc những vị cao niên người Bố Y như ông Dì Si Sần, bà Lồ Lài Sửu ở xã Thanh Bình (Mường Khương). Năm nay, ông Sần đã bảy mươi tuổi. Trong cộng đồng người Bố Y ở Thanh Bình, ông được bà con rất kính trọng bởi nhân cách đức độ, sự am tường tín ngưỡng, lễ giáo của dân tộc, do đó ông được bà con tín nhiệm cử làm chủ tế trong ngày Tết Sử Giề Pà hằng năm.

Từ nhiều năm nay, ông Sần thường tổ chức các hoạt động truyền dạy cho thế hệ trẻ các bài cúng tế, nhịp dân ca, dân vũ, các trò chơi dân gian của dân tộc và phổ biến phong tục, tập quán của dân tộc Bố Y. Dự án bảo tồn và phục dựng Tết Sử Giề Pà do Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch thực hiện đã giúp ông Sần hiện thực hóa mơ ước, đó là giúp bà con dân tộc mình được sống trong không gian văn hóa đậm đà bản sắc; qua đó, cộng đồng người Bố Y tăng thêm tình đoàn kết, niềm tự hào dân tộc.

Một trong những người đang tích cực hỗ trợ ông Sần bảo tồn văn hóa của người Bố Y là cán bộ văn hóa trẻ xã Thanh Bình - anh Lùng Tải Phà (con trai của nghệ nhân dân gian Lồ Lài Sửu). Trao đổi với phóng viên, anh Phà chia sẻ: “Thế hệ trẻ như chúng tôi đang có ý thức rất tốt trong gìn giữ, phát huy vốn văn hóa của dân tộc mình. Trong xã hội hiện đại, giao thoa văn hóa có thể khiến bản sắc văn hóa mỗi dân tộc bị mai một, đồng hóa phần nào. Vì vậy, tôi đang cố gắng sưu tầm những bài cúng, bài ca dao, dân ca mà mẹ tôi nghiên cứu, sưu tầm được, đồng thời thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt văn hóa trên địa bàn”. Kể về bà Lồ Lài Sửu, nghệ nhân dân gian người Bố Y, cán bộ văn hóa xã Lùng Tải Phà cho biết: Trong những buổi truyền dạy văn hóa dân tộc Bố Y, bà Sửu thường dạy cho thế hệ trẻ bằng lối diễn đạt hết sức sinh động, nên dễ tiếp nhận. Đó là những trò chơi dân gian, những bài đồng dao của người Bố Y, như trò chơi “Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài”, “trồng cây thuốc thơm”, ca dao về “cầu nương”, “ánh trăng”, chơi “cờ vua”, hát về “con đường đi”...

Hát giao duyên.

Ông Dương Tuấn Nghĩa, Trưởng phòng Di sản, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh cho rằng, hoạt động lưu giữ, bảo tồn văn hóa dân tộc cần gắn liền với phát huy các giá trị trong đời sống. Điều đó không chỉ thực hiện đối với Tết Sử Giề Pà, cơ quan chuyên ngành còn tìm hiểu các sản phẩm văn hóa khác của người Bố Y như nghi lễ cầu sức khỏe, nghi lễ giải hạn của gia đình, dòng họ, lễ “mời tiên”... Đó là những di sản có giá trị văn hóa rất lớn, ảnh hưởng tích cực đến đời sống, tín ngưỡng trong cộng đồng người Bố Y nói riêng và các dân tộc thiểu số nói chung. Tính nhân văn, giáo dục của các di sản trên sẽ góp phần tích cực trong việc hướng cộng đồng đến một xã hội gắn kết và hướng tới giá trị chân, thiện, mỹ.

Xã Thanh Bình, huyện Mường Khương vốn được du khách biết đến với những đồi chè xanh điệp trùng, những thắng cảnh say đắm lòng người. Giờ đây, việc bảo tồn, phát huy bản sắc các dân tộc, trong đó có dân tộc Bố Y đang tạo nên điểm nhấn trong “bức tranh” văn hóa sinh động của địa phương./.

Theo Phương Thảo/LCĐT

Tin Liên Quan

Nhiều cách làm hay trong giữ gìn, bảo tồn trang phục, lễ hội tại Lào Cai

Với 25 nhóm, ngành dân tộc cùng 41 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và 2 di sản đại diện nhân loại, Lào Cai là một trong những địa phương có truyền thống văn hóa độc đáo, giàu bản sắc, cũng như sở hữu nhiều di sản văn hóa hàng đầu cả nước.

Sôi nổi Giải vô địch đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ tỉnh Lào Cai năm 2024

Giải vô địch đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ tỉnh Lào Cai năm 2024 đang diễn ra vô cùng sôi động, hấp dẫn tại thị trấn Si Ma Cai, huyện Si Ma Cai.

Bồi đắp niềm tự hào văn hóa dân tộc

“Tuần lễ trang phục truyền thống các dân tộc” tỉnh Lào Cai năm 2024 diễn ra từ ngày 15/4 – 19/4 đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các cá nhân, tập thể. Tại các cơ quan, đơn vị, khu dân cư trên địa bàn tỉnh, cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, lao động và người dân thể hiện rõ niền tự hào...

Nghi lễ đặc sắc trong tết Thanh minh của người Bố Y

Người dân tộc Bố Y trên địa bàn tỉnh Lào Cai chỉ có hơn 2000 người, chủ yếu sinh sống ở các xã: Thanh Bình, Nậm Chảy, Tung Chung Phố và thị trấn Mường Khương (huyện Mường Khương). Trong đời sống tâm linh của người Bố Y, tết Thanh Minh “Sứn mìn” đã trở thành nét văn hóa đặc sắc được truyền lại từ...

Đền Quan ghi dấu nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, quân sự

Tọa lạc ở phường biên giới Lào Cai (thành phố Lào Cai), đền Quan là một trong những di tích quan trọng, còn lưu giữ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, quân sự. Thuở xưa, đây là nơi ghi dấu công lao to lớn của quân đội nhà Trần do Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn chỉ huy lên trấn ải vùng biên giới Lào Cai.

Hoa văn phượng hoàng trong trang phục của người Nùng Dín

Mỗi một dân tộc đều có những nét độc đáo riêng trong bản sắc văn hóa truyền thống. Với người Nùng Dín ở vùng biên giới Mường Khương (Lào Cai), một trong những đặc điểm nhận diện rõ nhất trong trang phục truyền thống của họ, chính là vẻ đẹp tinh tế và đầy màu sắc của hoa văn phượng hoàng thêu trên...