ASEAN 2016: Những con số ấn tượng

Năm 2016 khép lại đánh dấu Cộng đồng ASEAN tròn một tuổi. Đây là khoảng thời gian khởi đầu quan trọng, tạo tiền đề để hoàn thiện Cộng đồng ASEAN trên tất cả các mặt, đóng góp vào việc mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho hơn 650 triệu người dân trong khu vực. Cùng điểm lại một năm hoạt động sôi động của ASEAN.

01 là cam kết và tầm nhìn của ASEAN chung tay ứng phó và hỗ trợ lẫn nhau khi có thảm họa và thiên tai, thể hiện qua Tuyên bố một ASEAN, một Ứng phó: ASEAN chung sức ứng phó với thiên tai trong và ngoài khu vực được các nhà Lãnh đạo ký kết tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 28&29 diễn ra vào ngày 6 và 7-9-2016 tại Viêng Chăn, Lào. Để triển khai cam kết này, ASEAN đang xúc tiến thực hiện những kế hoạch công tác liên quan cũng như củng cố vai trò, năng lực cho các cơ quan điều phối cấp khu vực.

05 là số lượng kế hoạch tổng thể triển khai Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, sau khi Hội nghị Cấp cao ASEAN 28&29 thông qua thêm Kế hoạch công tác thực hiện Sáng kiến Liên kết ASEAN (IAI) giai đoạn III và Kế hoạch tổng thể Kết nối ASEAN 2025 (MPAC 2025) (ba kế hoạch còn lại của các trụ cột Cộng đồng Chính trị-An ninh, Cộng đồng Kinh tế và Cộng đồng Văn hóa-Xã hội đã được thông qua tại Cấp cao ASEAN 27 tháng 11-2015). Trong năm đầu tiên triển khai Tầm nhìn Cộng đồng 2025, kết quả thu được rất đáng khích lệ. Trong đó, về chính trị-an ninh, đã có 140/290 dòng hành động trong Kế hoạch tổng thể APSC được triển khai (đạt tỷ lệ 48%). Tại hai trụ cột kinh tế và văn hóa xã hội, các cơ quan liên quan đã xây dựng và đưa vào triển khai nhiều kế hoạch hợp tác cụ thể.

05 cũng là số lĩnh vực trọng điểm (strategic areas) được xác định trong Kế hoạch công tác thực hiện Sáng kiến Liên kết ASEAN (IAI) giai đoạn III (bao gồm: lương thực và nông nghiệp, thuận lợi hóa thương mại, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, giáo dục, y tế và phúc lợi xã hội) và trong Kế hoạch tổng thể Kết nối ASEAN 2025 (bao gồm: cơ sở hạ tầng bền vững, sáng tạo số, kho vận (logistics) liên thông, tối ưu quản lý, và sự di chuyển của con người). Đây là một đổi mới trong hợp tác ASEAN về thu hẹp khoảng cách phát triển và kết nối. Thay vì dàn trải ra các trụ cột, lĩnh vực chuyên ngành như kế hoạch trước, lần này ASEAN chỉ tập trung vào những lĩnh vực trọng điểm, hướng tới mục tiêu và kết quả rõ ràng đi đôi với biện pháp thực thi cụ thể, phân rõ trách nhiệm của từng cơ quan cùng với thiết lập cơ chế theo dõi, giám sát chặt chẽ.

11 là số lượng tuyên bố của các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN về những diễn biến, vụ việc cụ thể xảy ra ở khu vực và trên thế giới (tính tới hết tháng 9-2016), trong đó có các vụ khủng bố, vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên, động đất và thiên tai… Đây là một trong những con số kỷ lục, cho thấy nỗ lực của ASEAN trong việc khẳng định vai trò, tiếng nói chung về những vấn đề khu vực và toàn cầu.

15 là tổng số nước và tổ chức được ASEAN cấp quy chế đối tác chính thức tính tới hết năm 2016, sau khi ASEAN đồng ý trao quy chế Đối tác đối thoại theo lĩnh vực cho Thuỵ Sĩ và quy chế Đối tác phát triển cho Đức vào tháng 7-2016. Hiện tại, 15 Đối tác này bao gồm 10 Đối tác Đối thoại (Úc, Canada, Trung Quốc, Liên hiệp châu Âu, Ấn Độ, Niu Di-lân, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga và Mỹ), Liên hợp quốc, ba Đối tác đối thoại theo lĩnh vực (Pakistan, Na Uy, Thuỵ Sĩ) và một Đối tác Phát triển (Đức).

20 là số năm kỷ niệm ngày ASEAN và Nga chính thức lập quan hệ đối tác (1996-2016). Nhân dịp này, hai bên đã tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm có ý nghĩa, đặc biệt là Hội nghị Cấp cao kỷ niệm ASEAN-Nga được tổ chức vào ngày 19 và 20-5-2016 tại Sochi, Nga, đánh dấu lần đầu tiên các Lãnh đạo ASEAN tới Nga để họp Hội nghị Cấp cao. Cũng trong năm 2016, ASEAN và Trung Quốc đã tổ chức kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ đối tác (1991-2016). Một hoạt động đặc biệt khác là Hội nghị Cấp cao ASEAN-Mỹ diễn ra vào ngày 15 và 16-2-2016 tại Sunnylands, California. Đây là Hội nghị Cấp cao ASEAN-Mỹ đầu tiên tổ chức tại Mỹ và cũng là Cấp cao đầu tiên giữa ASEAN với một Đối tác sau khi Cộng đồng ASEAN được thành lập vào ngày 31-12-2015.

26 là tổng số nước và tổ chức ngoài ASEAN gia nhập Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông - Nam Á (TAC), sau khi đại diện ba nước Chi-lê, Ai Cập và Ma-rốc ký Nghị định thư gia nhập TAC vào tháng 7-2016. Ký kết năm 1976, TAC đề ra những nguyên tắc, chuẩn mực ứng xử cho quan hệ giữa các quốc gia, trong đó có tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình; từ bỏ việc sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực; thúc đẩy quan hệ hợp tác hiệu quả... Việc ngày càng nhiều nước ngoài khu vực gia nhập TAC đã cho thấy sức sống và giá trị bền vững của những nguyên tắc, chuẩn mực ứng xử do ASEAN đề xướng.

50 là số năm thành lập của ASEAN vào năm 2017 (8-8-1967 - 8-8-2017). Hiện tại, các nước thành viên và cơ quan chuyên ngành của ASEAN đang lên kế hoạch tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm sự kiện quan trọng trong năm tới.

87 là số nước và tổ chức đã cử Đại sứ tại ASEAN, trong đó có chín Đại sứ chuyên trách, thể hiện vai trò và uy tín quốc tế ngày càng tăng của ASEAN. Bên cạnh đó, ASEAN đã thành lập 52 Ủy ban ASEAN tại nước thứ ba (gồm đại diện Sứ quán/Phái đoàn các nước thành viên ASEAN) để phối hợp quan điểm, hoạt động cũng như quảng bá nâng cao hình ảnh, uy tín về ASEAN tại nước sở tại.

Theo Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại ASEAN
(theo Báo Nhân Dân)

Tin Liên Quan

Lễ khởi động Năm giao lưu nhân dân ASEAN-Trung Quốc 2024

Lễ khởi động là một trong những hoạt động trọng điểm triển khai quyết định của Hội nghị Cấp cao ASEAN-Trung Quốc lần thứ 26 (Jakarta, tháng 9/2023) nhằm đẩy mạnh giao lưu nhân dân, làm sâu sắc giao lưu văn hóa và thắt chặt tình hữu nghị giữa các nước ASEAN và Trung Quốc.

Thủ tướng truyền tải thông điệp quan trọng về 'Bài học từ ASEAN' tại WEF Davos

Chiều 17/1 (giờ địa phương), tại Davos, Thụy Sĩ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tham dự và phát biểu với tư cách diễn giả chính tại phiên thảo luận "Bài học từ ASEAN" trong khuôn khổ Hội nghị WEF Davos năm 2024.

Tuyên bố Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN về duy trì và thúc đẩy ổn định không gian biển ở Đông Nam Á

Ngày 30/12/2023, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã ra Tuyên bố Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN về duy trì và thúc đẩy ổn định không gian biển ở Đông Nam Á.

Lào sẵn sàng đảm nhận cương vị Chủ tịch ASEAN lần thứ 3 trong năm 2024

Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Lào Saleumxay Kommasith, hiện Lào đã sẵn sàng đảm nhận cương vị Chủ tịch ASEAN trong năm 2024 với chủ đề “ASEAN: Thúc đẩy sự kết nối và tự cường”.

Khai mạc Diễn đàn chiến lược ASEAN-Hàn Quốc

Ngày 1/11/2023, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã phối hợp với Đại sứ quán Hàn Quốc tổ chức Diễn đàn chiến lược ASEAN-Hàn Quốc với chủ đề "Hướng tới quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện ASEAN-Hàn Quốc vì hòa bình, an ninh và thịnh vượng". Đây là sáng kiến do Việt Nam đề xuất.

Hội nghị Bộ trưởng Thông tin ASEAN lần thứ 16 sẽ diễn ra từ 20-23/9 tại Đà Nẵng

Từ ngày 20-23/9, tại TP. Đà Nẵng, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Thông tin ASEAN lần thứ 16, Hội nghị Bộ trưởng Thông tin ASEAN+3 lần thứ 7 và các hội nghị quan chức cấp cao liên quan. Quy mô khoảng 100-150 đại biểu quốc tế và 250-300 đại biểu Việt Nam.