Ngày tị nạn thế giới 2013: “Hãy dành 1 phút để giúp đỡ 1 gia đình di cư”

Ngày 20/6 hằng năm, nhiều quốc gia trên thế giới đã hưởng ứng lời kêu gọi của Đại hội đồng Liên hợp quốc tiến hành kỷ niệm ngày quốc tế dành cho những người tị nạn, thông qua nhiều hành động nhằm nêu bật tình hình đặc biệt và cấp bách của hơn 45 triệu người tị nạn.

Năm 2001, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã quyết định kỷ niệm Ngày Tị nạn Thế giới vào ngày 20/6 hằng năm. Ngày kỷ niệm này là dịp để chào mừng những người tị nạn, người xin tị nạn, người phải di cư, người không quốc tịch và những người hồi hương trên toàn thế giới. Đây đồng thời là dịp để hoan nghênh cố gắng và hy vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn của họ. Thông qua các chương trình tái định cư, hồi hương tự nguyện hoặc hòa nhập vào địa phương tại nước tị nạn, Liên hợp quốc mong muốn giúp đỡ những người tị nạn bắt đầu cuộc sống mới.
 
Năm 2012, thế giới có tới 45,2 triệu người tị nạn. (Ảnh: AFP)

Năm 2013, Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) tiếp tục chiến dịch “1” với trang web đầu tiên nhằm gây quỹ, trong đó yêu cầu mỗi chúng ta dành ra 1 phút để hỗ trợ 1 gia đình buộc phải di cư.
 
Theo báo cáo thống kê thường niên vừa được Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) công bố ngày 19/6, số người tị nạn trên thế giới trong năm 2012 lên tới hơn 45,2 triệu người, tăng cao so với 42,5 triệu vào cuối năm 2011. Con số này bao gồm 15,4 triệu người tị nạn, 937.000 người xin tị nạn và 28,8 triệu người buộc phải chạy trốn trong biên giới của đất nước họ. Báo cáo không tính tới sự gia tăng số người tị nạn trong năm 2013 do cuộc xung đột ở Syria.
 
Chiến tranh vẫn là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng di cư. Theo báo cáo của UNHCR, 55% số người di cư thuộc 5 quốc gia bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột, bao gồm: Afghanistan, Somalia, Iraq, Syria và Sudan. Các nước như Mali, Cộng hòa Dân chủ Congo và Ethiopia cũng ghi nhận dòng người tị nạn đáng kể.
 
Trong thông cáo được đưa ra, Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn António Guterres cho biết: “Đây thực sự là con số đáng báo động, minh chứng cho những căng thẳng cá nhân và làm nổi bật những khó khăn của cộng đồng quốc tế để ngăn chặn và giải quyết xung đột”.
 
Báo cáo cũng chỉ ra rằng, khoảng cách chênh lệch giữa các nước giàu và nghèo không ngừng gia tăng liên quan tới việc tiếp nhận người tị nạn. Trong số 10,5 triệu người tị nạn được UNHCR thống kê, một nửa sinh sống tại các quốc gia có tỷ lệ GDP bình quân đầu người ở dưới mức 5.000 USD.
 
Nhìn chung, các nước đang phát triển tiếp nhận tới 81% người tị nạn trên thế giới, tăng so với tỷ lệ 70% vào thời điểm cách đây 10 năm. Trẻ vị thành niên dưới 18 tuổi chiếm 46% tổng số người tị nạn. Ngoài ra, số trẻ em không kèm hoặc tách rời khỏi cha mẹ nộp 21.300 đơn xin tị nạn vào năm 2012. Đây là mức cao nhất mà UNHCR đã từng được ghi nhận. UNHCR hiện đang nỗ lực để trợ giúp những người dân phải di cư, bao gồm việc cung cấp cho họ sự hỗ trợ vật chất trực tiếp, cũng như tìm kiếm giải pháp lâu dài.
 
Năm 2012 cũng đánh dấu việc chấm dứt tị nạn đối với 2,7 triệu người, trong đó có 526.000 người tị nạn và 2,1 triệu người di cư. Năm 2012 chứng kiến ​​rất ít thay đổi từ năm 2011 trong bảng xếp hạng các quốc gia tiếp nhận số lượng lớn nhất những người tị nạn. Pakistan tiếp tục tiếp nhận nhiều người tị nạn hơn bất kỳ quốc gia nào khác với 1,6 triệu người, tiếp theo là Cộng hòa Hồi giáo Iran và Đức.
 
Afghanistan vẫn là quốc gia có số lượng người tị nạn lớn nhất. Đây là vị trí mà nước này chiếm giữ kể từ 32 năm qua. Trung bình, 1/4 số người tị nạn trên thế giới là người Afghanistan, 95% trong số này sống ở Pakistan và nước Cộng hòa Hồi giáo Iran. Somalia, hiện trường của một cuộc xung đột kéo dài, là quốc gia có số lượng người tị nạn nhiều thứ hai vào năm 2012, tuy nhiên gần đây cũng bắt đầu ghi nhận diễn biến suy giảm. Iraq là nước có số người tị nạn nhiều thứ ba với 746.700 người, tiếp theo là Syria với 471.400 người.
 
Theo báo cáo của UNHCR, số lượng những người di cư trong nội bộ đất nước của họ vào năm 2012 ở mức cao nhất trong hơn 20 năm qua, với 28,8 triệu người, trong đó 17,7 triệu người vô gia cư được UNHCR hỗ trợ.
 
Nhân Ngày Tị nạn Thế giới năm nay, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon gửi thông điệp, trong đó nêu rõ: “Những người tị nạn không ngừng gia tăng. Hiện trên thế giới có tới hơn 45 triệu người tị nạn hay di cư, một con số chưa từng có kể từ gần 20 năm trở lại đây. Năm ngoái, cứ 4 giây lại có một người bị buộc phải rời bỏ khỏi nơi ở”.
 
Nhà lãnh đạo cấp cao của Liên hợp quốc cũng nhấn mạnh, những con số vẫn không đủ để hình dung ra mức độ nghiêm trọng của thảm kịch nhân loại này. Mỗi ngày, các cuộc xung đột phá vỡ hàng ngàn gia đình, một số bị buộc phải rời khỏi những người thân yêu và những người khác bị chia rẽ do chiến tranh hỗn loạn. Trẻ em chính là những nạn nhân đầu tiên. “Những người tị nạn có tác động mạnh mẽ về kinh tế, xã hội và đôi khi là chính trị đối với các cộng đồng dân cư tiếp nhận người tị nạn. Gánh nặng tiếp nhận những người tị nạn ngày càng không được chia sẻ đồng đều. Các nước nghèo tiếp nhận phần đông người di cư”.
 
Chính vì vậy, Tổng Thư ký Ban Ki-moon nhấn mạnh: “Để cung cấp giải pháp bền vững cho những người di cư, cộng đồng quốc tế phải thể hiện tinh thần đoàn kết cao hơn và chia sẻ tốt hơn gánh nặng mà họ phải chịu đựng. Vào Ngày Tị nạn Thế giới, tôi mong muốn tiếp tục tăng cường nỗ lực để ngăn chặn, giải quyết xung đột và thúc đẩy việc thiết lập hòa bình và an ninh, để các gia đình có thể sum họp và những người tị nạn được trở về nhà”./.

(Theo dangcongsan.vn)

Tin Liên Quan

Mùa hè khắc nghiệt, nền nhiệt cao kỷ lục

Cơ quan khí hậu của Liên minh châu Âu (EU) Copernicus cho biết, tính đến tháng 3 vừa qua, thế giới đã trải qua tháng thứ 10 liên tiếp có nền nhiệt cao kỷ lục, cả nhiệt độ không khí và các đại dương đều ở mức cao nhất mọi thời đại. Nhiều khu vực đã xuất hiện “mùa cháy rừng” tồi tệ nhất trong thế kỷ...

Tổ chức Mặt trận góp phần củng cố quan hệ đoàn kết Việt Nam-Lào-Campuchia

Chiều 9/4 tại thủ đô Vientiane, đã diễn ra Hội nghị Chủ tịch Mặt trận ba nước Campuchia-Lào-Việt Nam lần thứ 5. Hội nghị nhằm củng cố, tăng cường quan hệ hợp tác lâu dài, ổn định và phát triển giữa ba tổ chức Mặt trận của ba nước.

Triển vọng chính sách sản lượng của OPEC+ đối mặt "ngã ba đường"

Mặc dù kỳ vọng OPEC+ bắt đầu nghĩ đến việc chấm dứt kế hoạch cắt giảm sản lượng là hợp lý, nhưng việc khối này giữ nguyên các hạn chế có thể hợp lý hơn.

Khai mạc Hội chợ thương mại Việt Nam-Lào-Campuchia-Thái Lan

Chiều 10/4 tại tỉnh Champasak đã diễn ra lễ khai mạc “Hội chợ triển lãm trưng bày sản phẩm và các hoạt động kết nối đầu tư, thương mại, du lịch giữa các doanh nghiệp Việt Nam-Lào-Campuchia-Thái Lan”.

Hợp tác bảo vệ tài nguyên nước

Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) nhận định, khủng hoảng nước là một trong số những rủi ro hàng đầu đối với thế giới. Biến đổi khí hậu khiến nhiều khu vực trên thế giới đối mặt tình trạng thiếu nước trầm trọng, làm đảo lộn sinh hoạt của người dân và cản trở sự phát triển kinh tế.

Tín hiệu tích cực từ các "đầu tàu" kinh tế

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong quý IV/2023 tăng trưởng 3,4%, cao hơn so với mức 3,2% dự báo trước đó; Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của ngành sản xuất Trung Quốc trong tháng 3 lần đầu quay lại ngưỡng trên 50 điểm sau 5 tháng giảm liên tục. Ðó là những tín hiệu tích cực từ các "đầu tàu" kinh...