Lào Cai ơi, Lào Cai ơi!

Có mặt ở mảnh đất biên cương từ những năm 90 của thế kỷ trước, Lào Cai trong tôi là những ngôi nhà cũ kỹ, là thiếu thốn muôn phần. Cả thị xã chỉ có đường Hoàng Liên là ra dáng phố thị, nhà cửa san sát hai bên; còn từ đây mà tỏa đi các nhánh, các đường thì chỉ hoang màu cỏ bụi, những sống trâu, ổ voi lở loét.

Ngày ấy, người dân Lào Cai vẫn quen gọi Hoàng Liên là đường cao tốc, vì ít xe cộ đi lại, mà chủ yếu cũng chỉ là những phương tiện thô sơ, nên con đường rộng thênh thênh, thẳng tắp, người đi xe máy có thể vít hết tầm ga.

Lung linh đêm Lào Cai. Ảnh: Ngọc Bằng

Nhà bác tôi ở thị xã Cam Đường, theo đường chim bay chỉ cách 5 cây số, nhưng mỗi lần có ý định về chơi, gia đình tôi đều phải sắp xếp thời gian, phương tiện như một chuyến đi xa. Tôi nhớ ngày học cấp 3, cô giáo dạy môn Giáo dục công dân kể rằng cô có mặt ở Lào Cai những ngày đầu tái lập tỉnh. Ngày đó, người ta thường nói với nhau: “Ai mang tôi đến chốn này/ Bên kia Cốc Lếu, bên này Lào Cai”. Cũng không rõ ai là tác giả của câu thơ lục bát ấy, nhưng dù là một lời nói vui hay một dòng tâm trạng của người xa xứ cũng chứa đựng biết bao điều về mảnh đất “ngăn sông”, cách trở trăm bề.

Trong số những bài hát viết về Lào Cai, tôi rất thích ca khúc “Hát về thành phố ban mai”, không chỉ bởi âm hưởng vui tươi, rộn ràng như những bước đi của thành phố trẻ, mà còn là khát vọng được dựng xây của bao thế hệ: “Lào Cai ơi, Lào Cai ơi, miền đất thiêng có từ ngàn đời/ Vì tương lai của thành phố mới/ Vì cuộc sống hòa nhập sinh sôi/ Vì hạnh phúc của bao con người/ Lào Cai ơi, chúng ta xây dựng hơn mười lần ngày xưa/ Chúng ta xây dựng hơn mười lần ngày xưa”. Thời gian như thoi đưa, nhìn lại 28 năm kể từ ngày tái lập tỉnh, quả thực khát khao ấy, ước vọng ấy đã trở thành hiện thực.

Tôi đang đi trên đại lộ Trần Hưng Đạo, đường Võ Nguyên Giáp, đường Hoàng Liên kéo dài rộng thênh thênh, mặc cho gió thổi bay tóc rối. Tôi đang đi trên Quốc lộ 279, 4D, Tỉnh lộ 151, 156… giúp nối liền các miền quê trong tỉnh. Tôi đang đi trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai ngắm những đoàn xe nối nhau đến với miền đất bên đôi bờ sông Hồng, sông Chảy. “Thiên đường giao thông” ấy là mong ước của bao thế hệ đã giúp Lào Cai hiện thực những giấc mơ, nối dài những hy vọng trong câu chuyện hội nhập và phát triển. Từ những thiếu thốn của một thời gian khó, người dân Lào Cai đã chung sức, đồng lòng kiến thiết lại quê hương. Để đến hôm nay, Lào Cai căng mình lớn mạnh, trở thành tỉnh dẫn đầu khu vực Tây Bắc trên mọi lĩnh vực; là mảnh đất tiềm năng thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước; là hình ảnh đẹp về thiên nhiên, con người thân thiện, mến khách…

Hôm trước, gia đình cô bạn người miền xuôi lên chơi. Dịp cuối tuần nên thời gian dư dả, tôi đưa đoàn khách phương xa đến với một vài nơi trong tỉnh. Mùa hè nên Lào Cai kém “duyên”, bởi thành phố thì nắng “như thiêu như đốt”, còn vùng cao thì những lãng đãng sương mù, những biển mây trắng như bông, những sắc mận, cành đào - đặc sản của núi rừng vùng cao đều đang phiêu lãng đợi mùa sau - tôi ra sức “phân trần”. Đoàn người thì cứ ríu rít khen ngợi và đầy ngạc nhiên về sự phát triển của Lào Cai, về những điểm đến hấp dẫn, lý tưởng của miền đất đầy nắng; chia tay rồi vẫn mong có ngày trở lại!

Tôi đang đi trên đường Hoàng Liên, đại lộ Trần Hưng Đạo mặc cho gió táp vào mặt, lòng hân hoan: “Lào Cai ơi, Lào Cai ơi/ Chúng ta xây dựng hơn mười lần ngày xưa…”.

Theo LCĐT

Tin Liên Quan

Nhiều cách làm hay trong giữ gìn, bảo tồn trang phục, lễ hội tại Lào Cai

Với 25 nhóm, ngành dân tộc cùng 41 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và 2 di sản đại diện nhân loại, Lào Cai là một trong những địa phương có truyền thống văn hóa độc đáo, giàu bản sắc, cũng như sở hữu nhiều di sản văn hóa hàng đầu cả nước.

Sôi nổi Giải vô địch đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ tỉnh Lào Cai năm 2024

Giải vô địch đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ tỉnh Lào Cai năm 2024 đang diễn ra vô cùng sôi động, hấp dẫn tại thị trấn Si Ma Cai, huyện Si Ma Cai.

Bồi đắp niềm tự hào văn hóa dân tộc

“Tuần lễ trang phục truyền thống các dân tộc” tỉnh Lào Cai năm 2024 diễn ra từ ngày 15/4 – 19/4 đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các cá nhân, tập thể. Tại các cơ quan, đơn vị, khu dân cư trên địa bàn tỉnh, cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, lao động và người dân thể hiện rõ niền tự hào...

Nghi lễ đặc sắc trong tết Thanh minh của người Bố Y

Người dân tộc Bố Y trên địa bàn tỉnh Lào Cai chỉ có hơn 2000 người, chủ yếu sinh sống ở các xã: Thanh Bình, Nậm Chảy, Tung Chung Phố và thị trấn Mường Khương (huyện Mường Khương). Trong đời sống tâm linh của người Bố Y, tết Thanh Minh “Sứn mìn” đã trở thành nét văn hóa đặc sắc được truyền lại từ...

Đền Quan ghi dấu nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, quân sự

Tọa lạc ở phường biên giới Lào Cai (thành phố Lào Cai), đền Quan là một trong những di tích quan trọng, còn lưu giữ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, quân sự. Thuở xưa, đây là nơi ghi dấu công lao to lớn của quân đội nhà Trần do Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn chỉ huy lên trấn ải vùng biên giới Lào Cai.

Hoa văn phượng hoàng trong trang phục của người Nùng Dín

Mỗi một dân tộc đều có những nét độc đáo riêng trong bản sắc văn hóa truyền thống. Với người Nùng Dín ở vùng biên giới Mường Khương (Lào Cai), một trong những đặc điểm nhận diện rõ nhất trong trang phục truyền thống của họ, chính là vẻ đẹp tinh tế và đầy màu sắc của hoa văn phượng hoàng thêu trên...