Người Mông xanh giữ nghề dệt vải

Những ngày giữa tháng Tám, trời thu trong xanh, men theo con dốc dài, sau hai tiếng cuốc bộ, chúng tôi ngược núi Tu Thượng lên thăm bản Mông xanh – một dân tộc rất ít người, chỉ có chưa đầy 1.000 người. Đây là tộc người duy nhất chỉ có ở bản Tu Thượng, xã Nậm Xé (huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai). Từ trên cao nhìn xuống núi, những thửa ruộng bậc thang đã bắt đầu chuyển xanh sang vàng. Cả một triền thung, có quả đồi hình bát úp, ruộng bậc thang xoay tròn xung quanh, nhìn như mâm lúa khổng lồ, tròn vành vạnh, báo hiệu một mùa vụ no ấm. Bên hòn đá đầu bản, những phụ nữ ngồi hong nắng, an nhiên giữa trời thu gió nhẹ, cứ bình yên xe sợi và nối sợi để dệt vải…

Nghệ nhân Lý Thị Sai cười niềm nở đón chúng tôi trong căn nhà gỗ truyền thống của người Mông xanh. Bà là một trong những người già còn lại rất ít ở bản trên núi cao này thông thạo hát dân ca Mông xanh, giỏi nghề dệt vải, may áo, thêu thùa. Biết chúng tôi tìm hiểu về quy trình dệt vải, bà Lý Thị Sai dẫn đứa cháu nội, cháu gái năm nay học lớp 10 theo cùng chúng tôi ra vườn trồng lanh (còn gọi là đay) gần nhà. Vừa giới thiệu với chúng tôi về nghề trồng cây lanh, cũng là dịp để hướng dẫn cháu gái cách thu cây lanh, phơi lanh và tước đay để làm sợi. Thường thì, cứ đến tháng 3-4, trời bắt đầu có những cơn mưa đầu mùa hạ, người Mông xanh gieo hạt lanh, sau 2-3 tháng trồng, có thể thu thân cây lanh để làm sợi được. Bà Lý Thị Sai cũng không còn nhớ được là mình biết dệt vải từ bao giờ. Chỉ biết rằng, từ ngày còn bé, bà được mẹ đẻ của mình cũng cho theo lên nương trồng lanh, tước sợi và lớn dần lên thì cũng được bà ngoại, bà nội và mẹ dạy cách dệt vải, may áo. Trong quan niệm của người Mông thì cây đay hay cây lanh để dệt vải được xem như một biểu tượng văn hóa, giúp người Mông có thêm một nghề thủ công đặc sắc…

Bà Lý Thị Sai dạy cháu nội thu hái cây đay về dệt vải.

Theo lời bà kể chuyện thì, cũng bằng tầm tuổi cô cháu gái của bà bây giờ, thiếu nữ Mông xanh Lý Thị Sai đang độ tuổi trăng tròn, sắp đến lúc có người cưới hỏi, nên mẹ bà đã dạy cách dệt vải, nhuộm chàm, may áo để tương lai về nhà chồng còn biết việc. Bà Lý Thị Sai tâm sự: Hồi ấy, lúc tôi đi lấy chồng cũng đã biết dệt vải, may áo, thêu thùa. Ngày cưới, được bố mẹ đẻ tặng cho một bộ váy áo mới. Theo phong tục truyền thống của người Mông xanh, phụ nữ khi về nhà chồng, tự mình may áo váy cho mình, may cho các con và cho bố mẹ chồng. Thế nên, từ hồi ấy đến giờ, ngoài thời gian làm nương, tôi lại ngồi xe sợi dệt vải, may quần áo, may váy cho cả gia đình. Dệt vải là thước đo thể hiện đức hạnh, sự khéo léo, chăm chỉ của người phụ nữ Mông xanh. Do vậy, đã là phụ nữ thì ai cũng phải biết dệt vải, may váy áo cho mình…

Phơi cây lanh

Cũng bởi truyền thống mặc trang phục riêng của đồng bào Mông xanh, nên hầu hết người Mông xanh ở bản Tu Thượng nhà nào nhà nấy, phụ nữ trong nhà đều biết và đều phải tự dệt vải may vá quần áo cho mình, cho người thân trong gia đình. Cô bé Vàng Thị Nam, cháu nội của bà Lý Thị Sai, năm nay 15 tuổi, nhưng cũng được bà nội truyền dạy cách xe sợi, dệt vải. Mẹ Nam và bác dâu trong nhà cũng được bà nội truyền nghề cho, nên mọi người đều biết làm. Vàng Thị Nam chia sẻ: Cháu rất thích được bà chỉ bảo và dạy cách làm vải may áo, từ bé khi còn chưa đi học, cháu đã ngồi xem bà tước sợi lanh, xe sợi, dệt vải và thêu những hoa văn thổ cẩm để may váy áo rồi. Nhưng khó và lâu nhất là nối sợi thành cuộn chỉ đay để dệt vải, nếu không biết làm còn bị đứt tay và đau tay lắm. Là con gái nên cháu cũng rất thích được học nghề truyền thống của dân tộc mình để giữ gìn truyền thống không bị mai một về sau. Đã là người Mông xanh, thì con trai phải biết thổi sáo, múa khèn, chơi đánh quay, còn con gái như cháu phải biết hát dân ca, biết dệt vải, may váy áo…

Khó nhất là công đoạn tước và nối sợi thành cuộn.

Ngồi bên khung dệt truyền thống, bà Lý Thị Sai vừa đều tay đưa con suốt sợi qua lại, chỉ một loáng, vừa hát xong bài dân ca Mông về dệt vải, cũng là lúc bà Sai dệt được một quãng vải sợi khá dài cuộn vào ống sợi. Cứ thế, bà bảo, lúc nào nông nhàn, nhất là buổi tối sau khi cơm nước xong, có thời gian bà lại ngồi vào khung dệt. Bà Lý Thị Sai trăn trở: Bây giờ nhiều gia đình đã không còn mặc quần áo truyền thống làm thường phục nữa, hằng ngày đi làm nương, họ cũng mặc như dân tộc Kinh, chỉ dịp Tết lễ của người Mông xanh họ mới mang ra mặc. Bởi vì để làm ra một bộ váy áo truyền thống như thế này, cũng phải mất cả năm trời, lại qua nhiều công đoạn cầu kỳ, từ lúc trồng lanh, thu hoạch, phơi, giã vỏ lanh, luộc lanh, tước sợi và nối sợi, rồi mới dệt vải, nhuộm chàm, may thành áo nên nhiều phụ nữ không còn mặn mà với việc dệt vải.

Dệt vải là thể hiện sự khéo léo và chăm chỉ của người phụ nữ Mông xanh.

Trăn trở của bà Lý Thị Sai cũng là của chính quyền xã Nậm Xé, bởi thế nên gần đây, xã đã tuyên truyền và vận động bà con bảo tồn văn hóa, giữ gìn nghề truyền thống. Vận động người già và những nghệ nhân như bà Lý Thị Sai tích cực giữ nghề, truyền lại cho con cháu để sau này không bị mai một. Ông Vàng A Tớ, Chủ tịch UBND xã Nậm Xé, cũng là người con của dân tộc Mông xanh chia sẻ: Bên cạnh việc bảo tồn những nét đẹp văn hóa cho cộng đồng, bản làng mình, còn có ý nghĩa về bản sắc văn hóa, bởi người Mông xanh là dân tộc rất ít người, chỉ có duy nhất ở Lào Cai. Nghề dệt vải truyền thống cũng như những nét bản sắc văn hóa khác trong tín ngưỡng, nghi lễ, trong cuộc sống đời thường phải được gìn giữ mới làm nên bản sắc riêng có của dân tộc Mông xanh./.

 

Lê Thanh Cường

Tin Liên Quan

Phụ nữ giúp phụ nữ

Ở vùng cao Si Ma Cai, phong trào phụ nữ giúp nhau vươn lên trong cuộc sống ngày càng lan tỏa. Họ không chỉ vượt qua định kiến giới mà ngày càng tự tin nắm lấy cơ hội thoát nghèo, cùng thắt chặt sợi dây đoàn kết để tương trợ, giúp đỡ nhau vươn lên trong sản xuất.

Giao lưu giữa thư viện các tỉnh miền núi phía Bắc

Chiều 30/10, tại Thư viện tỉnh diễn ra Chương trình giao lưu văn nghệ - thể thao chào mừng Hội nghị tổng kết Liên hiệp Thư viện các tỉnh miền núi phía Bắc, nhiệm kỳ 2022 - 2024.

Triển lãm mỹ thuật kỷ niệm 74 năm Ngày giải phóng Lào Cai

Ngày 26/10, Trung tâm Văn hóa và Điện ảnh tỉnh tổ chức khai mạc triển lãm mỹ thuật kỷ niệm 74 năm Ngày giải phóng Lào Cai (1/11/1950 - 1/11/2024).

Nhà thơ Dương Soái và câu chuyện nơi ngã ba sông

Chúng tôi đã gặp nhà thơ Dương Soái, tác giả bài thơ “Gửi em ở cuối sông Hồng” trong một ngày mùa thu nơi ngã ba sông - thôn Lũng Pô, xã A Mú Sung, huyện Bát Xát… Sau 45 năm kể từ khi bài thơ ra đời, nhà thơ Dương Soái mới có dịp trở lại thăm vùng biên giới năm xưa và chia sẻ về cảm hứng để ông viết nên...

Bát Xát bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Bát Xát là huyện vùng cao biên giới của tỉnh Lào Cai có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống với đa dạng sắc màu văn hóa dân tộc. Đây cũng là địa phương lưu giữ nhiều giá trị văn hóa phi vật thể, việc giữ gìn và khai thác, phát huy các giá trị sẽ tích cực góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã...

[Ảnh] Độc đáo thổ cẩm thêu tay của phụ nữ dân tộc Dao đỏ Sa Pa

Thổ cẩm thêu tay của phụ nữ Dao đỏ ở Sa Pa rất độc đáo, bởi các hoa văn đặc sắc và màu sặc sỡ. Để làm được một bộ trang phục hoàn chỉnh, mỗi chị em phụ nữ phải mất rất nhiều thời gian và công sức. Sự tỷ mỷ trong mỗi công đoạn đã tạo nên những nét riêng biệt của trang phục dân tộc Dao đỏ.