Phụ nữ giúp phụ nữ

Ở vùng cao Si Ma Cai, phong trào phụ nữ giúp nhau vươn lên trong cuộc sống ngày càng lan tỏa. Họ không chỉ vượt qua định kiến giới mà ngày càng tự tin nắm lấy cơ hội thoát nghèo, cùng thắt chặt sợi dây đoàn kết để tương trợ, giúp đỡ nhau vươn lên trong sản xuất.

 

Trên con đường vào thôn Hô Sáo Chải, xã Thào Chư Phìn, chúng tôi không khó bắt gặp một tiệm may nhỏ, không cần biển hiệu hào nhoáng nhưng rất thu hút khách. Không gian nhỏ nhưng luôn ngập tràn tiếng cười của các chị em, đó là tiệm may của chị Giàng Thị Dở.

Dưới hiên nhà đơn sơ, 5-6 chị em cùng nhau thêu những tấm thổ cẩm đầy sắc màu văn hóa dân tộc. Từng đường kim mũi chỉ được những đôi bàn tay khéo léo, tỉ mỉ tạo hình trên tấm vải. Công việc may thêu này giúp chị Vàng Thị Hoa kiếm được 200 nghìn đồng mỗi ngày: “Dù có chút vất vả nhưng làm cùng chị em trong thôn thì mọi việc trở nên nhẹ nhàng, thân tình hơn”, chị Hoa tâm sự.

Những năm gần đây, sản phẩm thổ cẩm truyền thống của phụ nữ Thào Chư Phìn dần được nhiều nơi biết đến, từ các khu du lịch nổi tiếng như Sa Pa, Bắc Hà, đến những khu chợ truyền thống ở Si Ma Cai, nhiều chủ hàng tìm đến đặt mua. Đặc biệt vào dịp du lịch mùa hè, đơn đặt hàng liên tục khiến chị Dở phải làm từ sáng sớm tới tối mịt. Những sản phẩm may thêu truyền thống trước kia chỉ phục vụ cho bản thân nay đã gia đình chị Dở đã vươn lên thoát nghèo, với thu nhập bình quân từ 100 đến 120 triệu đồng mỗi năm.

Đối với chị Dở, niềm hạnh phúc không chỉ dừng lại ở con số: “Tôi vui không chỉ vì có thu nhập ổn định, mà còn vì thổ cẩm truyền thống của phụ nữ dân tộc Mông được biết đến nhiều hơn. Nhiều nhà hàng, khách sạn cũng liên hệ đặt hàng để làm sản phẩm trang trí, phục vụ biểu diễn nghệ thuật. Điều này khiến tôi có thêm động lực để cố gắng mỗi ngày tạo ra sản phẩm đa dạng hơn”.

Hiện, trên địa bàn xã Thào Chư Phìn có 10 hội viên phụ nữ làm chủ mô hình may, thêu trang phục truyền thống, hơn 70 chị em khác tham gia các công đoạn như may mũ, khăn quấn, dây đeo... Chị Dở và các chủ tiệm may khác cũng liên kết với nhau để chia sẻ khách hàng, giúp cho sản phẩm may thêu truyền thống không chỉ vươn xa trong nước mà còn đến với cộng đồng người Mông ở nhiều nước trên thế giới.

Sợi dây đoàn kết, tương trợ lẫn nhau của hội viên phụ nữ xã Thào Chư Phìn tiếp tục được thắt chặt khi tháng 8 vừa qua, Hội Phụ nữ xã đã triển khai mô hình “1+1 - Duy trì nghề thủ công, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc”, với cách làm một hội viên giúp đỡ một hội viên duy trì nghề may thêu thủ công. Những người phụ nữ không chỉ giúp nhau ở công đoạn cuối cùng là thêu hoa văn, mà còn đồng hành ngay từ lúc trồng cây bông, dệt vải, cho đến khi sản phẩm hoàn thiện và được bán ra thị trường.

Không chỉ tại Thào Chư Phìn, từ tháng 6/2024 đến nay, mỗi xã, thị trấn trên địa bàn huyện Si Ma Cai hiện nay đều thành lập một mô hình “1+1”, với 3 phương thức: một cơ sở hội giúp đỡ một chi hội; một chi hội giúp đỡ một phụ nữ yếu thế và phụ nữ giúp phụ nữ.

Dù mới đi vào hoạt động không lâu, nhưng kể từ khi các mô hình được ra mắt đã nhận được sự quan tâm, đồng thuận rất cao từ các hội viên trên toàn huyện.

Chị Dương Thị Hoa, Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện cho biết: “Mỗi nơi tuy có cách thức triển khai, xây dựng mô hình khác nhau nhưng đã xuất hiện những câu chuyện cảm động về tình chị em, về sự sẻ chia và giúp đỡ nhau chân tình”.

Thời gian tới, Hội Phụ nữ các cấp trên địa bàn huyện sẽ tiếp tục nghiên cứu, đẩy mạnh phát triển mô hình “1+1” phù hợp với thực tiễn, góp phần nhân lên những điển hình tiên tiến và lan tỏa tinh thần tương thân tương ái của chị em, giúp đỡ nhau cùng vươn lên thoát nghèo.

https://baolaocai.vn/phu-nu-giup-phu-nu-post392644.html

Theo Hữu Huỳnh/Báo Lào Cai điện tử

Tin Liên Quan

Giao lưu giữa thư viện các tỉnh miền núi phía Bắc

Chiều 30/10, tại Thư viện tỉnh diễn ra Chương trình giao lưu văn nghệ - thể thao chào mừng Hội nghị tổng kết Liên hiệp Thư viện các tỉnh miền núi phía Bắc, nhiệm kỳ 2022 - 2024.

Triển lãm mỹ thuật kỷ niệm 74 năm Ngày giải phóng Lào Cai

Ngày 26/10, Trung tâm Văn hóa và Điện ảnh tỉnh tổ chức khai mạc triển lãm mỹ thuật kỷ niệm 74 năm Ngày giải phóng Lào Cai (1/11/1950 - 1/11/2024).

Nhà thơ Dương Soái và câu chuyện nơi ngã ba sông

Chúng tôi đã gặp nhà thơ Dương Soái, tác giả bài thơ “Gửi em ở cuối sông Hồng” trong một ngày mùa thu nơi ngã ba sông - thôn Lũng Pô, xã A Mú Sung, huyện Bát Xát… Sau 45 năm kể từ khi bài thơ ra đời, nhà thơ Dương Soái mới có dịp trở lại thăm vùng biên giới năm xưa và chia sẻ về cảm hứng để ông viết nên...

Bát Xát bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Bát Xát là huyện vùng cao biên giới của tỉnh Lào Cai có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống với đa dạng sắc màu văn hóa dân tộc. Đây cũng là địa phương lưu giữ nhiều giá trị văn hóa phi vật thể, việc giữ gìn và khai thác, phát huy các giá trị sẽ tích cực góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã...

[Ảnh] Độc đáo thổ cẩm thêu tay của phụ nữ dân tộc Dao đỏ Sa Pa

Thổ cẩm thêu tay của phụ nữ Dao đỏ ở Sa Pa rất độc đáo, bởi các hoa văn đặc sắc và màu sặc sỡ. Để làm được một bộ trang phục hoàn chỉnh, mỗi chị em phụ nữ phải mất rất nhiều thời gian và công sức. Sự tỷ mỷ trong mỗi công đoạn đã tạo nên những nét riêng biệt của trang phục dân tộc Dao đỏ.

Người Dao ở Văn Bàn giữ gìn văn hóa truyền thống

Tới thăm xóm người Dao ở thôn Khổi Nghè, xã Sơn Thủy, huyện Văn Bàn, chúng tôi gặp các bà, các chị đang miệt mài ngồi thêu bên hiên nhà. Trong bộ trang phục truyền thống, các bà, các chị đưa những đường kim mũi chỉ tạo hình lên các tấm vải nhỏ trên tay, vừa vui vẻ trò chuyện.