Thêm nhiều triệu phú, tỷ phú nông dân

Hưởng ứng phong trào thi đua "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" trong 5 năm (2015 - 2020), trên địa bàn tỉnh ngày càng xuất hiện nhiều triệu phú nông dân. Họ là những điển hình tiên tiến, thể hiện tinh thần bền bỉ vượt khó, không cam chịu đói nghèo, quyết vươn lên làm giàu và giúp đỡ người khác cùng vươn lên làm giàu, giảm nghèo bền vững.
Lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh tham quan mô hình trồng dâu nuôi tằm tại huyện Bảo Yên.

Nhiều năm qua, mô hình kinh tế tổng hợp của anh Nguyễn Văn Thắng, bản Bát, xã Yên Sơn, huyện Bảo Yên trở thành địa chỉ tin cậy cho những nông dân chịu khó, bám đất, bám bản để làm giàu. Những năm tháng bươn chải, đi làm thuê tại Phú Thọ, anh Thắng tiếp cận và học được kỹ thuật nuôi bò sinh sản cho hiệu quả kinh tế cao. Thấy vậy, anh bàn với gia đình vay vốn đầu tư nuôi bò sinh sản. Năm 2017, gia đình anh bắt đầu nuôi bò, từ vài con đến hơn chục con. Để chủ động nguồn thức ăn cho đàn gia súc, gia đình anh đã dành 6 sào đất để trồng cỏ. Với kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi học hỏi được, anh Thắng đã áp dụng vào thực tế, nhờ đó đàn bò sinh trưởng nhanh và cho thu nhập trung bình 60 triệu đồng/năm.

Mô hình chăn nuôi bò sinh sản của gia đình anh Nguyễn Văn Thắng, bản Bát, xã Yên Sơn.

Cùng với chăn nuôi, gia đình anh Thắng đã mạnh dạn thuê đất để đầu tư trồng rừng sản xuất, nuôi thủy sản, gia cầm. Hiện, gia đình anh đã có 10 ha rừng sản xuất, gồm quế, mỡ và cho thu hoạch nhờ tỉa thưa. Từ mô hình kinh tế tổng hợp, gia đình anh Thắng có thu nhập ổn định trên 200 triệu đồng/năm và là hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi của địa phương, đồng thời là địa chỉ mà nhiều nông dân tìm đến để học cách làm giàu.

Mô hình nuôi trùn quế phục vụ chăn nuôi của gia đình anh Nguyễn Văn Thắng.

Anh Nguyễn Văn Thắng, bản Bát, xã Yên Sơn, huyện Bảo Yên chia sẻ: Cái cơ bản mình phải chịu khó thay đổi cây trồng, vật nuôi và học hỏi nhiều mô hình khác để mang lại hiệu quả, đồng thời trồng rừng, trồng cây ăn quả lâu năm để mang lại kinh tế. Chúng tôi được Hội Nông dân xã rất quan tâm, ủng hộ, Hội Nông dân tỉnh cũng rất quan tâm hõ trợ cho vay vốn để sản xuất, chăn nuôi…

Khu vực nuôi ba ba của anh Hù Văn Lịch, thôn Làng Kim, xã Quang Kim, Bát Xát.

Tuổi đời còn trẻ, khát vọng, nhiệt huyết có thừa, nhưng Hù Văn Lịch, thôn Làng Kim, xã Quang Kim, huyện Bát Xát thiếu nguồn lực để biến khát vọng làm giàu thành hiện thực. Sau thời gian dài đi làm thuê, có cơ hội tìm hiểu các mô hình phát triển kinh tế, anh Lịch nhận thấy mô hình nuôi thủy sản có nhiều triển vọng, bởi người dân thôn Làng Kim có nhiều kinh nghiệm nuôi thủy sản và có nguồn nước sạch dồi dào. Với chút tích lũy trong tay, anh Lịch nhờ gia đình vay thêm vốn ngân hàng để đầu tư nuôi thủy sản. Đầu tư từng bước một, hơn 10 năm, anh Lịch đã đầu tư 1,8 tỷ đồng xây dựng hệ thống ao nuôi đạt chuẩn với diện tích 2 ha mặt nước, chưa kể mỗi năm bỏ ra 400 triệu đồng để mua giống thức ăn gia súc. Không phụ công và ý chí vươn lên, mỗi năm gia đình anh Lịch có nguồn thu ổn định từ nuôi cá. Đặc biệt, năm 2017, anh Lịch quyết định đầu tư nuôi cá lăng chấm, ba ba, nhờ đó nguồn thu tăng lên và trở thành hộ sản xuất giỏi, tiêu biểu của xã Quang Kim.

Mô hình nuôi cá lăng mang lại hiệu quả kinh tế cao của anh Hù Văn Lịch.

Anh Hù Văn Lịch, thôn Làng Kim, xã Quang Kim, huyện Bát Xát bộc bạch: Chúng tôi đã tìm hiểu nhiều mô hình phát triển kinh tế tại địa phương, tuy nhiên mô hình nuôi thủy sản là hợp lý nhất, bởi có nguồn nước ổn định và có nhiều diện tích được chuyển đổi sang rất tập trung. Sau vài năm nuôi cá gia đình đã có thu nhập rất ổn định.

Rừng quế hơn 10 ha của gia đình ông Triệu Kim Thọ, thôn Khe Bá, xã Phú Nhuận.

Được biết đến là tỷ phú trồng rừng, nhưng gần 10 năm trước, cuộc sống gia đình ông Triệu Kim Thọ, thôn Khe Bá, xã Phú Nhuận, huyện Bảo Thắng cũng chỉ trông chờ vào nương ngô, nương sắn, mỗi khi giáp hạt là một lần gia đình vất vả đi làm thuê để có tiền mua gạo, nhưng không đủ để lũ trẻ no cái bụng. Trong lần đi làm thuê, ông nghe người ta kể về cây quế ở Văn Yên giúp người dân không chỉ đủ ăn, mà còn làm giàu. Thấy vậy, ông giục vợ vay mượn tiền, rồi về tận xã Đại Sơn - vùng trọng điểm quế của huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái để mắt thấy người ta trồng quế, tai nghe người ta kể về chuyện làm giàu. Ở đó vài ngày, được nghe và thấy thực tế, ông quyết định mua 3.000 hạt quế về trồng. Trong thời gian ở Đại Sơn, ông Thọ “học mót” được cách ươm hạt làm cây giống nên về đến nhà, ông bắt tay làm ngay. Năm 1995, những cây quế đã bén rễ trên nương ngô, nương sắn và gia đình ông cũng là một trong vài hộ đầu tiên đưa cây quế lên đồi của đất Khe Bá.

Từ trồng rừng đã giúp kinh tế gia đình ông Triệu Kim Thọ ổn định và phát triển.

Thấy cây quế sinh trưởng nhanh, ông đề xuất xã giao cho phần đất đồi cằn để được nhiều diện tích hơn, thậm chí ông còn đề nghị các hộ nhượng lại diện tích canh tác để trồng quế. Dần dần, gia đình ông đã có vài ha quế và mỡ. Mỗi năm, gia đình ông tỉa thưa cũng cho nguồn thu khoảng 100 triệu đồng. Năm 2014, gia đình ông quyết định khai thác trắng diện tích quế, thu hơn 300 triệu đồng. Tính sơ sơ, đồi quế đã cho gia đình nguồn thu 700 - 800 triệu đồng, nếu như giá vỏ quế ngày đó cao như hiện nay thì số tiền thu được hơn 1 tỷ đồng.

Hơn 20 năm miệt mài trồng quế, hiện gia đình ông Thọ có 10 ha. Cuộc sống dư dả, nhà ở xây khang trang, phương tiện đi lại sắm đủ cả nên ông xác định chỉ tỉa thưa cho cây lớn nhanh chứ chưa nghĩ đến khai thác trắng, mà làm của để dành cho các con. Với giá thu mua vỏ quế như hiện nay, đến kỳ khai thác, mỗi ha quế mang lại cho gia đình ông 300 triệu đồng. Vậy nên, với 10 ha quế hiện có, ông Thọ cầm chắc tiền tỷ trong tay.

Ông Triệu Kim Thọ, thôn Khe Bá, xã Phú Nhuận, huyện Bảo Thắng tâm sự: Từ trồng rừng, mình nhân rộng ra thì trong thôn cũng nhiều người đến học hỏi mình cũng giúp đỡ cho mọi người chia sẻ kinh nghiệm trồng cây gì ở nơi nào hợp và cho anh em trong thôn vay tiền không lấy lãi để mua cây giống, con giống phát triển kinh tế. Gia đình tôi thì kinh tế khá ổn định, mua được nhiều máy móc thiết bị để phục vụ phát triển kinh tế.

Trên địa bàn tỉnh còn rất nhiều mô hình kinh tế hiệu quả và nhiều gia đình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.

Đó chỉ là 3 trong số hàng chục nghìn hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp của tỉnh trong 5 năm qua. Qua điều tra, thống kê, thông qua bình xét từ thôn bản, tổ dân phố, nông dân các dân tộc trong tỉnh đã bình xét, suy tôn 15.793 hộ đạt danh hiệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, tăng 521 hộ so với năm 2015, chiếm 12,74% tổng số hộ nông nghiệp, nông thôn, tăng gấp 17 lần so với kỳ tổng kết lần thứ nhất năm 1992. Trong đó: Hộ đạt tiêu chuẩn sản xuất, kinh doanh giỏi cấp Trung ương (với mức thu nhập bình quân 20,6 triệu đồng/người/tháng trở lên) có 110 hộ, tăng 13 hộ so với năm 2017 và tăng 17 hộ so với năm 2015. Hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh (với mức thu nhập 10,3 triệu đồng/người/tháng trở lên) có 1.072 hộ, chiếm 6,78% so với hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện (với mức thu nhập 5,2 triệu đồng/người/tháng trở lên) có 3.615 hộ. Hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp xã (với mức thu nhập 3,4 triệu đồng/người/tháng trở lên) có 10.996 hộ, trong đó có 530 hộ nghèo vượt khó vươn lên đạt tiêu chuẩn hộ sản xuất giỏi.

Đồng chí Đinh Minh Hà, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Thời gian qua,  các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã làm tốt công tác tuyên truyền hội viên nông dân đăng ký thi đua nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Hằng năm phát động phong trào thi đua trên địa bàn toàn tỉnh để các gia đình thi đua phấn đấu đạt sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, để làm được thì Hội đã tập trung tuyên truyền cho nông dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi và liên kết trong sản xuất, thời gian qua các cấp hội thành lập trên 150 tổ hội nghề nghiệp, tổ chức liên kết nông dân với nông dân, nông dân với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các cấp Hội đặc biệt quan tâm hỗ trợ về giống, khoa học kỹ thuật, phân bón trả chậm và phối hợp chuyển giao khoa học kỹ thuật, dạy nghề cho nông dân.

Mô hình chăn nuôi lợn đen hiệu quả tại xã Bản Xen, huyện Mường Khương.

Kết quả của phong trào thi đua “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” không chỉ thể hiện ở những con số, mà đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội chung của Lào Cai, tạo bước đột phá và chuyển biến lớn trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, trong tái cơ cấu kinh tế ngành nông, lâm nghiệp và chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh; đời sống vật chất, tinh thần của nông dân không ngừng được cải thiện và nâng cao. Tuy nhiên, trước những yêu cầu thực tiễn của giai đoạn 2020 – 2025 đặt ra, phong trào thi đua “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” của tỉnh cần có sự đột phá về số lượng và chất lượng. Điều đó đòi hỏi cần những giải pháp cụ thể, hiệu quả của các tổ chức, địa phương và vai trò chủ thể của nông dân.

Đồng chí Hoàng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục bổ sung, sửa đổi những chính sách hỗ trợ cho phát triển nông lâm nghiệp đã có và những chính sách mới một cách phù hợp nhất, quan tâm đến chính sách đầu tư về công nghệ, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, trang bị những thiết bị hiện đại, chuyển giao giống mới mở rộng sản xuất và nâng cao chất lượng hàng hóa nông nghiệp; thứ 2 là tiếp tục tập trung chỉ đạo liên kết trong sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ hình thành, sắp xếp lại các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác trong sản xuất nông nghiệp và thực hiện chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp để mang lại giá trị cao hơn cho sản phẩm trên thị trường; thứ 3 là tăng cường phối hợp giữa các thành viên trong Ban Chỉ đạo của tỉnh, các doanh nghiệp, hợp tác xã trong việc hỗ trợ nông dân và tổ chức đối thoại với người dân để tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh; thứ 4 là tiếp tục phát triển hệ thống phân phối hàng hóa, sản phẩm của nông nghiệp, đưa sản phẩm nông dân ra thị trường, đẩy mạnh xúc tiến hoạt động thương mại để tăng khả năng cạnh tranh và nâng cao giá trị sản phẩm của nông dân Lào Cai; thứ 5 là gắn phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững với việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo, xác định việc phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn và nâng cao thu nhập của người dân là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong nhiệm kỳ 2020-2025.

Với những giải pháp chỉ đạo của tỉnh, cùng với ý chí, khát vọng vươn lên, khẳng định mình, trong giai đoạn tới, Lào Cai sẽ có thêm nhiều triệu phú, tỷ phú nông dân và những “sao thần nông” mới.

Theo Nhóm phóng viên thời sự (http://baolaocai.vn/kinh-te/them-nhieu-trieu-phu-ty-phu-nong-dan-z3n20200720175427499.htm)

Tin Liên Quan

Phát huy vai trò thanh niên trong đảm bảo trật tự an toàn giao thông

Lực lượng thanh niên Lào Cai hiện có trên 150.300 người, chiếm gần 20% dân số toàn tỉnh. Những năm qua, lực lượng đoàn viên thanh niên Lào Cai đã tích cực tham gia giữ gìn trật tự, an toàn giao thông (ATGT) với tinh thần xung kích tình nguyện, chung tay cùng các lực lượng chức năng bảo đảm ATGT cho Nhân dân.

Mỗi ngày có gần 400 xe hàng xuất - nhập khẩu qua Cửa khẩu Kim Thành

Hoạt động xuất - nhập khẩu hàng hóa qua Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành (Cửa khẩu Kim Thành) diễn ra khá sôi động, mỗi ngày có gần 400 xe hàng được làm thủ tục thông quan.

06 nhóm giải pháp đảm bảo an toàn không gian mạng quốc gia

Hiện nay, nguy cơ mất an toàn thông tin nói chung và vấn nạn lừa đảo trên không gian mạng đang trở nên ngày càng phổ biến, phức tạp và gây hậu quả ngày càng lớn. Việc bảo đảm an toàn thông tin, phòng chống lừa đảo trên không gian mạng không chỉ là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước mà còn là trách...

Đẩy mạnh phân cấp trong quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh Lào Cai

UBND tỉnh Lào Cai vừa ban hành Quyết định số 875/QĐ-UBND ngày 19/4/2024 về Đề án đẩy mạnh phân cấp trong quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký.

Mường Khương: Nỗ lực nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông cho Nhân dân

Mường Khương là huyện vùng cao biên giới với 23 dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm trên 87% tổng dân số. Ý thức, kỹ năng tham gia giao thông của một bộ phận người dân, đặc biệt người dân vùng sâu, vùng xa còn hạn chế. Thách thức lớn nhất với Mường Khương là thay đổi thói quen sử...

Lào Cai: Phát động Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024

Sáng 26/4, Ủy ban nhân dân tỉnh phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh Lào Cai tổ chức Lễ phát động Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024.