Giữ lễ cầu may

Trong tiết trời se lạnh, vệt nắng hiếm hoi sau những ngày mưa rét như góp phần làm cho không khí của buổi lễ cúng cầu may đầu năm của người dân xã Tả Phìn (thị xã Sa Pa) thêm phần linh thiêng, thuận lợi.

Dù không tổ chức được phần hội và phần lễ cũng rút gọn về số lượng người tham gia, nhưng lễ cúng cầu may đầu năm nay (còn gọi là lễ cúng thần miếu làng) tại thôn Sả Xéng, xã Tả Phìn vẫn được cán bộ và người dân địa phương háo hức mong chờ, sắm sửa, chuẩn bị lễ vật đầy đủ, tươm tất.

Thầy cúng làm lễ khấn thần linh, thổ địa trong lễ cúng cầu may đầu năm mới ở xã Tả Phìn.

Nhằm ngày Thìn tháng Giêng, ngay từ sáng sớm, các cán bộ xã và một số người dân địa phương đã tập trung để chuẩn bị lễ vật, sửa soạn mâm cúng thần miếu làng. Ông Lý Láo Lở, Chủ tịch UBND xã Tả Phìn cho biết: Đây là lễ cúng cầu may đầu năm mới truyền thống của địa phương. Vào ngày này, người dân chuẩn bị các mâm lễ, gồm: Xôi, gà, thịt lợn, bánh dày, hoa đào/hoa mận, các loại quả ngon của địa phương… dâng lên thần linh, thổ địa, cầu mong một năm mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, bội thu.

Lễ cúng được thực hiện tại một ngôi miếu giữa cánh đồng, dưới vách đá trắng dựng đứng, to cao sừng sững. Thầy cúng 12 đèn Lý Phù Chìu, người dân tộc Dao, Bí thư Chi bộ thôn Tà Chải, xã Tả Phìn lầm rầm đọc bài khấn thần linh, thổ địa. Trong khoảng 3 tiếng đồng hồ, thầy cúng cầm sách và đứng khấn các bài cúng bằng tiếng Dao. Theo ông Lý Phù Chìu, đó là những bài cúng được truyền từ nhiều đời, có nội dung tạ ơn trời đất, thần linh, thổ địa nơi đây đã che chở, bảo vệ dân làng, mùa màng và cầu mong năm mới này, người dân các thôn, bản trong xã gặp nhiều may mắn, thuận lợi, mùa màng tươi tốt, bội thu, ít thiên tai, dịch bệnh; người người, nhà nhà mạnh khỏe, hạnh phúc, no đủ, yên vui.
Trong khi thầy cúng thực hiện các nghi lễ cúng trên mâm cao sát vách núi thì phía dưới, cán bộ và người dân các thôn xã Tả Phìn tất bật chuẩn bị mâm lễ sẽ được cúng trên khoảng sân nhỏ ngay trước cửa miếu sau khi thầy làm xong phần lễ trên.

Theo ông Lý Láo Lở, Chủ tịch UBND xã Tả Phìn, theo tục lệ, lễ cúng thần miếu làng được thực hiện 2 lần trong năm. Một lần vào dịp đầu xuân năm mới và một lần vào tháng 6 âm lịch, khi người dân đã cấy lúa xong. Lễ cúng vào dịp đầu năm mới được coi là lễ cầu may, mong thần linh, thổ địa phù hộ để việc đồng áng, nhà cửa, ruộng vườn được hanh thông, thuận lợi. Còn lễ cúng vào dịp tháng 6 âm lịch được coi là để tạ ơn trời đất, thần linh, thổ địa đã tạo thuận lợi để người dân trồng, cấy xong và mong cây cối lên xanh tốt, bội thu.

Về nghi lễ cúng thì 2 dịp làm lễ có sự khác biệt. Trong khi lễ cúng đầu năm là do người Dao thực hiện và chủ trì thì lễ cúng vào dịp tháng 6 sẽ do cả 2 dân tộc (Mông và Dao) cùng làm. Đây cũng là 2 dân tộc chiếm đa số trong thành phần các dân tộc ở xã Tả Phìn từ nhiều đời nay. Sự khác biệt lớn nhất phải kể đến các mâm lễ cúng. Trong khi mâm cúng vào dịp đầu năm mới chỉ gồm 2 mâm với các lễ vật là gà, xôi, hoa, quả, thì dịp tháng 6, mâm cúng tạ ơn gồm 5 mâm, với 1 mâm trên miếu và 4 mâm cúng đặt phía dưới, với các lễ vật: Thủ lợn, gà, xôi và nhiều sản vật địa phương khác.

Lễ cúng cầu may đầu năm mới được thực hiện tại thôn Sả Xéng, xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa.

Những năm trước, ngày làm lễ cúng cầu may rất đông vui, nhộn nhịp với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ đặc sắc, như thi hát giao duyên của các dân tộc trên địa bàn, trò chơi dân gian… Với người dân địa phương, đây là dịp để họ gặp mặt đầu xuân, vui chơi và cầu may, cầu phúc. Còn với chính quyền địa phương, đây là dịp quảng bá nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân trong vùng nhằm thu hút khách du lịch, góp phần phát triển kinh tế, giữ gìn văn hóa dân tộc. Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ tới các hoạt động cộng đồng của xã nói riêng và nhiều địa phương khác nói chung. Tuy nhiên, việc giữ lễ cúng cầu may đầu năm mới là một trong những việc làm rất cần thiết để góp phần duy trì nét văn hóa truyền thống dân tộc, đồng thời tạo sự yên tâm, phấn khởi, đoàn kết trong Nhân dân.

Chị Lý Tả Mẩy, thôn Tà Chải, xã Tả Phìn cho biết: Năm nào tôi cũng tham gia lễ cầu may đầu năm mới của địa phương và cả lễ tạ vào tháng 6 âm lịch. Những năm trước, ngày làm lễ cầu may đầu năm rất vui nhộn. Bây giờ, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên việc không tổ chức các hoạt động phần hội, tôi thấy hợp lý. Với người dân chúng tôi, lễ cúng mang nhiều ý nghĩa về văn hóa tâm linh nên tôi mong dù thế nào, lễ cúng vẫn luôn được giữ gìn và phát huy.
Xã Tả Phìn đang trên đà phát triển, nhất là về thế mạnh du lịch bản làng. Bên cạnh nhận được sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước thì việc địa phương giữ gìn được bản sắc dân tộc cũng như nhiều nét văn hóa đặc trưng đã góp phần làm nên nhiều kết quả nổi bật về kinh tế - xã hội.

https://baolaocai.vn/bai-viet/353475-giu-le-cau-may

 

theo LCĐT

Tin Liên Quan

Sôi nổi Giải vô địch đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ tỉnh Lào Cai năm 2024

Giải vô địch đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ tỉnh Lào Cai năm 2024 đang diễn ra vô cùng sôi động, hấp dẫn tại thị trấn Si Ma Cai, huyện Si Ma Cai.

Bồi đắp niềm tự hào văn hóa dân tộc

“Tuần lễ trang phục truyền thống các dân tộc” tỉnh Lào Cai năm 2024 diễn ra từ ngày 15/4 – 19/4 đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các cá nhân, tập thể. Tại các cơ quan, đơn vị, khu dân cư trên địa bàn tỉnh, cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, lao động và người dân thể hiện rõ niền tự hào...

Nghi lễ đặc sắc trong tết Thanh minh của người Bố Y

Người dân tộc Bố Y trên địa bàn tỉnh Lào Cai chỉ có hơn 2000 người, chủ yếu sinh sống ở các xã: Thanh Bình, Nậm Chảy, Tung Chung Phố và thị trấn Mường Khương (huyện Mường Khương). Trong đời sống tâm linh của người Bố Y, tết Thanh Minh “Sứn mìn” đã trở thành nét văn hóa đặc sắc được truyền lại từ...

Đền Quan ghi dấu nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, quân sự

Tọa lạc ở phường biên giới Lào Cai (thành phố Lào Cai), đền Quan là một trong những di tích quan trọng, còn lưu giữ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, quân sự. Thuở xưa, đây là nơi ghi dấu công lao to lớn của quân đội nhà Trần do Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn chỉ huy lên trấn ải vùng biên giới Lào Cai.

Hoa văn phượng hoàng trong trang phục của người Nùng Dín

Mỗi một dân tộc đều có những nét độc đáo riêng trong bản sắc văn hóa truyền thống. Với người Nùng Dín ở vùng biên giới Mường Khương (Lào Cai), một trong những đặc điểm nhận diện rõ nhất trong trang phục truyền thống của họ, chính là vẻ đẹp tinh tế và đầy màu sắc của hoa văn phượng hoàng thêu trên...

Phát triển du lịch từ bản sắc văn hóa

Trong những năm qua, tỉnh Lào Cai luôn kiên định phát triển du lịch dựa trên các giá trị bền vững, gắn với bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số, nhằm từng bước tạo lập trong lòng du khách trong nước và quốc tế thông điệp “An toàn...