Nhạc sỹ Xuân Quỳnh: Du ca qua những miền quê

Những năm gần đây, nhắc đến những nhạc sỹ viết về mảnh đất vùng cao, biên giới Lào Cai, bên cạnh những “cây đa, cây đề” nổi tiếng như Phùng Chiến, Lê Minh Sơn… đã xuất hiện nhiều nhạc sỹ trẻ. Một trong những nhạc sỹ được nhiều người biết đến qua hàng loạt ca khúc về những địa danh của Lào Cai là Đỗ Xuân Quỳnh. Âm nhạc của anh mang âm hưởng dân ca của đồng bào dân tộc thiểu số, tuy mộc mạc, dung dị nhưng tạo nên dấu ấn riêng.
Nhạc sỹ Đỗ Xuân Quỳnh.

Du ca qua những miền quê

“Núi rừng mờ sương, mây bay mờ lối/Tiếng khèn ai đó, gọi nỗi nhớ thương/Gọi em giữa núi/Gọi em giữa rừng…Nhớ ngày anh gặp em/Giữa chợ phiên Sín Chéng/Ngẩn ngơ anh nhìn em/Khèn không nói lên lời/Đã bao lần tìm em/Giữa chợ phiên đông người/Khèn đã ngân lời yêu/Sao tìm hoài không thấy người đâu…”.

Bấy lâu nay, những ca từ tha thiết, dìu dặt trong bài hát “Tìm em cô gái Si Ma Cai” của nhạc sỹ Xuân Quỳnh đã trở nên quen thuộc với nhiều người. Nghe lời bài hát, mọi người như được dạo chơi trên vùng núi cao Si Ma Cai với các địa danh như Nàn Sán, Bản Mế, Sín Chéng, Cán Hồ… Âm hưởng dân gian như tiếng khèn Mông  dung dị nhưng da diết, ngọt ngào, vừa dễ hát, vừa dễ nghe, dễ nhớ và đi vào lòng người. Những ca từ đưa chúng ta theo chân một chàng trai đi chợ phiên Sín Chéng, rồi say đắm một bóng hồng thấp thoáng giữa chợ phiên, sau phiên chợ ấy chàng cứ mê mẩn tìm cô gái không quen biết khắp vùng cao nguyên mây trắng.

Trò chuyện với nhạc sỹ Xuân Quỳnh, tôi hỏi có phải bài hát gắn với một câu chuyện tình yêu nào đó của nhạc sỹ không? Xuân Quỳnh cười bảo hình ảnh cô gái trong bài hát chính là ẩn dụ của vùng đất Si Ma Cai vừa tươi đẹp, vừa bí ẩn, đầy quyến rũ và hành trình đi tìm cô gái đẹp ấy là hành trình khám phá vùng đất này. Nhiều lần đi chợ phiên ở Si Ma Cai, chen chân trong màu áo thổ cẩm và sắc màu văn hóa các dân tộc nơi đây đã tạo nguồn cảm hứng cho anh sáng tác ca khúc này.

Nhạc sỹ Xuân Quỳnh (phải ảnh) chia sẻ về niềm đam mê sáng tác âm nhạc.

Trong hơn 10 năm gắn bó với mảnh đất biên giới, nhạc sỹ đã viết hàng loạt ca khúc về tất cả các huyện, thị xã, thành phố của Lào Cai. Chỉ cần nghe tên các ca khúc đã có thể cảm nhận được tình yêu của anh đối với mảnh đất này. Các ca khúc tiêu biểu như Bảo Yên câu ca quê mình; Bảo Thắng tuổi thơ tôi; Mường Khương phiên chợ núi; Mường Khương ngày mới; Hoa mận cao nguyên trắng; Suối tình biên cương; Lào Cai thành phố của tôi; Gặp em trên đỉnh sương mây; Cô gái vùng cao xinh đẹp; Chuyện tình bên bờ suối…

Nhạc sỹ Xuân Quỳnh chia sẻ, tuy anh sinh ra và lớn lên ở Yên Bái, nhưng năm 2008 đã lên Lào Cai làm việc và coi đây là quê hương thứ hai của mình. Chính những chuyến đi về các vùng quê và những kỷ niệm đáng nhớ, những ấn tượng về vẻ đẹp của từng vùng đất là niềm cảm hứng vô tận cho anh sáng tác các ca khúc về quê hương Lào Cai. Bắt đầu sáng tác ca khúc đầu tiên vào năm 2006, đến nay, nhạc sỹ Xuân Quỳnh đã có hơn 50 ca khúc được thu âm, phối khí và biểu diễn trên các sân khấu lớn nhỏ. Với nhạc sỹ sinh năm 1984, số lượng ca khúc như vậy cho thấy sức sáng tạo miệt mài và bền bỉ.

Nhạc sỹ Xuân Quỳnh tham gia một đêm nhạc.

Đậm dấu ấn dân ca dân tộc thiểu số

Trò chuyện với nhạc sỹ Xuân Quỳnh, tôi hiểu thêm về hành trình sáng tác âm nhạc của anh. Trong giai đoạn đầu mới sáng tác, từ năm 2006 đến năm 2008, Xuân Quỳnh viết những ca khúc theo dòng nhạc trữ tình như Lời ru của cha; Ký ức. Từ năm 2009 đến nay, anh chuyển sang những ca khúc mang đậm âm hưởng dân gian của các dân tộc vùng cao về các vùng quê.

Đặc biệt, trong 2 năm gần đây, anh khai thác chất liệu dân gian trong âm nhạc của các dân tộc rất ít người, nổi bật là các ca khúc: Xuân về trên bản Bố Y (âm hưởng dân ca dân tộc Bố Y); Ru em ngủ ngoan; Bản Phù Lá (âm hưởng dân ca dân tộc Phù Lá (Xa Phó)…

“Lào Cai có nhiều dân tộc thiểu số, trong đó có những dân tộc rất ít người. Âm nhạc dân gian của các dân tộc này thường ít người biết tới. Dân ca của mỗi dân tộc đều có nét độc đáo riêng, đó chính là kho tàng vô giá để các nhạc sỹ sáng tác các ca khúc, mang nét đẹp dân ca các dân tộc ít người tới công chúng. Tuy nhiên, để sáng tác được những bài hát hay, trước hết phải dành nhiều thời gian sưu tầm, nghiên cứu các bài dân ca, dân vũ, tìm hiểu về bản sắc các dân tộc, nét văn hóa đặc trưng, các phong tục tập quán…”, nhạc sỹ Xuân Quỳnh chia sẻ.

Trong 10 năm qua, sáng tác nhiều ca khúc, nhạc sỹ Xuân Quỳnh cũng gặt hái được không ít giải thưởng trong những hội thi, cuộc thi sáng tác âm nhạc trong và ngoài tỉnh, trong đó có 2 giải A, 2 giải B, 8 giải C Giải thưởng văn học - nghệ thuật tỉnh; Giải C Liên hiệp các Hội Văn học - nghệ thuật toàn quốc.

Đảm đương chức vụ Trưởng khoa Văn hóa - Nghệ thuật kiêm Giám đốc Trung tâm Đào tạo và biểu diễn nghệ thuật (Trường Cao đẳng Lào Cai), công việc của nhạc sỹ Xuân Quỳnh khá bận rộn. Tuy nhiên, anh vẫn dành thời gian cho niềm đam mê sáng tác âm nhạc.

Với Xuân Quỳnh, sáng tác không chỉ phụ thuộc và cảm hứng, mà còn là kết quả của những tìm tòi, nghiên cứu và sáng tạo thường xuyên. “Điều quan trọng nhất với nhạc sỹ là những ca khúc mình sáng tác đến được và sống được trong lòng công chúng, chỉ cần có một ca khúc được mọi người nhớ đến là hạnh phúc rồi”, Xuân Quỳnh chia sẻ.

https://baolaocai.vn/bai-viet/355475-nhac-sy-xuan-quynhdu-ca-qua-nhung-mien-que

 

Theo LCĐT

Tin Liên Quan

Sôi nổi Giải vô địch đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ tỉnh Lào Cai năm 2024

Giải vô địch đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ tỉnh Lào Cai năm 2024 đang diễn ra vô cùng sôi động, hấp dẫn tại thị trấn Si Ma Cai, huyện Si Ma Cai.

Bồi đắp niềm tự hào văn hóa dân tộc

“Tuần lễ trang phục truyền thống các dân tộc” tỉnh Lào Cai năm 2024 diễn ra từ ngày 15/4 – 19/4 đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các cá nhân, tập thể. Tại các cơ quan, đơn vị, khu dân cư trên địa bàn tỉnh, cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, lao động và người dân thể hiện rõ niền tự hào...

Nghi lễ đặc sắc trong tết Thanh minh của người Bố Y

Người dân tộc Bố Y trên địa bàn tỉnh Lào Cai chỉ có hơn 2000 người, chủ yếu sinh sống ở các xã: Thanh Bình, Nậm Chảy, Tung Chung Phố và thị trấn Mường Khương (huyện Mường Khương). Trong đời sống tâm linh của người Bố Y, tết Thanh Minh “Sứn mìn” đã trở thành nét văn hóa đặc sắc được truyền lại từ...

Đền Quan ghi dấu nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, quân sự

Tọa lạc ở phường biên giới Lào Cai (thành phố Lào Cai), đền Quan là một trong những di tích quan trọng, còn lưu giữ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, quân sự. Thuở xưa, đây là nơi ghi dấu công lao to lớn của quân đội nhà Trần do Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn chỉ huy lên trấn ải vùng biên giới Lào Cai.

Hoa văn phượng hoàng trong trang phục của người Nùng Dín

Mỗi một dân tộc đều có những nét độc đáo riêng trong bản sắc văn hóa truyền thống. Với người Nùng Dín ở vùng biên giới Mường Khương (Lào Cai), một trong những đặc điểm nhận diện rõ nhất trong trang phục truyền thống của họ, chính là vẻ đẹp tinh tế và đầy màu sắc của hoa văn phượng hoàng thêu trên...

Phát triển du lịch từ bản sắc văn hóa

Trong những năm qua, tỉnh Lào Cai luôn kiên định phát triển du lịch dựa trên các giá trị bền vững, gắn với bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số, nhằm từng bước tạo lập trong lòng du khách trong nước và quốc tế thông điệp “An toàn...