Món quà của mùa thu

Thế rồi những ngày hè oi bức với cái nắng gắt gao khiến người ta ngộp thở cũng đã qua để nhường chỗ cho từng cơn gió heo may mang theo hơi ẩm và chút se lạnh của mùa thu đến.

Những ngày đầu thu vẫn còn vương vấn đôi tiếng ve kêu râm ran trên cây sấu xù xì nhưng chỉ mấy hôm, ve trốn đi đâu hết, chỉ thấy thoang thoảng hương thơm của quả sấu chín vàng gọi bầy chim vành khuyên, chim chào mào tới ríu ran trong vòm lá. Mùa thu mang đến bao nhiêu món quà đầy sắc màu và hương vị ngọt ngào.
Khác với những buổi bình minh ngày hè, mới 5 giờ sáng mặt trời đã chiếu ánh nắng vàng qua khe rèm mỏng báo hiệu một ngày nắng lửa, buổi sớm hôm nay thật lạ khi kéo rèm mở toang cánh cửa bất chợt một luồng gió mát tràn vào ngập cả căn phòng. Một thứ hương thơm nhè nhẹ của quả chín cũng từ khu vườn nhỏ xanh mướt theo gió bay vào khiến tôi lâng lâng cảm giác khó tả.
Trên cây ổi thóc trong vườn, cành nào cũng sai trĩu, những quả ổi chỉ nhỏ như cái chén nay đã chuyển sang màu vàng tươi thơm lựng. Giống ổi thóc nhỏ nhưng nhiều hạt và hương thơm thật quyến rũ, chỉ cần cắn nhẹ một miếng đã cảm nhận được vị thanh ngọt tuyệt vời. Nhớ lại mấy năm trước, tôi có chuyến công tác ở vùng cao Sa Pa, buổi trưa đang đói mềm bỗng hái được cả chùm ổi đào mọc hoang dại bên suối Bản Hồ. Hương thơm, vị ngọt và cái màu đào tươi của quả ổi chín mãi không thể nào quên.

Mỗi độ thu về là mùa của những quả hồng chín đỏ.

Mùa thu quả thực đem đến cho cuộc sống bao nhiêu món quà thơm thảo. Mới chiều hôm qua, bà nội bọn trẻ ở trong làng gửi người bạn mang ra phố cho các cháu cả giỏ quả hồng chín đỏ. Cây hồng bà trồng trong vườn quả nào cũng căng mọng đỏ thắm như quả cà chua, căng mọng như đôi môi thiếu nữ. Nhẹ nhàng dùng tay bóc lớp vỏ mỏng và tách đôi quả hồng, ruột hồng mềm và ngọt sắc khiến lũ trẻ thích mê ăn no bụng không biết chán.
Cũng là hồng mùa thu, nhưng khi lên vùng cao Bắc Hà tôi lại được anh bạn ở Trại Nghiên cứu và Sản xuất rau quả cho thưởng thức những quả hồng giòn có lớp vỏ màu vàng, khi gọt vỏ đi ăn thấy vị ngọt và giòn sồn sột. Còn ở mạn Bảo Hà (Bảo Yên) thì lại nổi tiếng với những quả hồng ngâm. Giống hồng này ai không biết thấy hồng chín cứ gọt vỏ ăn thì không nuốt nổi vì chát tận cổ, nhưng chỉ cần ngâm nước hồi lâu thì vị chát tan đâu hết chỉ còn vị thanh ngọt khó tả.
Mùa thu tôi hay có sở thích một mình rong ruổi trên những cung đường vùng cao Tây Bắc để thu vào tầm mắt bức tranh hùng vĩ, tươi đẹp của núi rừng. Mùa này, khắp các tràn ruộng bậc thang lúa đã chín chuyển sang một màu vàng rực. Đứng trên cao nhìn xuống thung lũng Thề Pả (xã Y Tý, xã A Lù, huyện Bát Xát) hay thung lũng Mường Hoa, Tả Giàng Phình (Sa Pa), cảm giác như được bay trên biển vàng mênh mông sóng lúa. Mùa gặt thật rộn ràng. Năm nay lúa được mùa, nông dân phấn khởi chở về nhà những bao thóc căng mẩy. Bữa cơm mới từ những hạt gạo dẻo thơm ấm áp tình làng xóm. Đi qua ruộng bậc thang mùa gặt bao kỷ niệm tuổi thơ chăn trâu, cắt cỏ chợt ùa về khi được hít hà hương của lúa chín hay mùi thơm của khói rơm lúc chạng vạng hoàng hôn. 

Sắc thu vàng ở vùng cao.

Đã có những đêm mùa thu tôi dừng chân nghỉ lại ở một bản làng vùng cao Tây Bắc. Đêm thu trên núi cao khá lạnh và thật yên tĩnh, không có tiếng xe cộ, chỉ nghe tiếng dế nỉ non và tiếng côn trùng kêu rả rích trong những bụi hoa mua bên suối. Ở nơi có độ cao hơn 2.000 m so với mực nước biển bầu trời dường như cũng gần hơn ngay tầm tay với. Ngồi bên hiên nhà, nhìn lên là cả một không gian rộng lớn với những chấm sáng lấp lánh. Trăng lên. Khắp nơi chan hòa ánh trăng, thứ ánh sáng nhẹ nhàng và huyền ảo. Chỉ cần dõi theo ánh trăng thượng ngàn ấy, bao muộn phiền, lo toan bỗng tan biến hết, tâm trí chỉ còn cảm giác nhẹ nhàng, mênh mang, mênh mang…

https://baolaocai.vn/bai-viet/360719-mon-qua-cua-mua-thu

 

Theo LCĐT

Tin Liên Quan

Triển lãm mỹ thuật kỷ niệm 74 năm Ngày giải phóng Lào Cai

Ngày 26/10, Trung tâm Văn hóa và Điện ảnh tỉnh tổ chức khai mạc triển lãm mỹ thuật kỷ niệm 74 năm Ngày giải phóng Lào Cai (1/11/1950 - 1/11/2024).

Nhà thơ Dương Soái và câu chuyện nơi ngã ba sông

Chúng tôi đã gặp nhà thơ Dương Soái, tác giả bài thơ “Gửi em ở cuối sông Hồng” trong một ngày mùa thu nơi ngã ba sông - thôn Lũng Pô, xã A Mú Sung, huyện Bát Xát… Sau 45 năm kể từ khi bài thơ ra đời, nhà thơ Dương Soái mới có dịp trở lại thăm vùng biên giới năm xưa và chia sẻ về cảm hứng để ông viết nên...

Bát Xát bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Bát Xát là huyện vùng cao biên giới của tỉnh Lào Cai có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống với đa dạng sắc màu văn hóa dân tộc. Đây cũng là địa phương lưu giữ nhiều giá trị văn hóa phi vật thể, việc giữ gìn và khai thác, phát huy các giá trị sẽ tích cực góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã...

[Ảnh] Độc đáo thổ cẩm thêu tay của phụ nữ dân tộc Dao đỏ Sa Pa

Thổ cẩm thêu tay của phụ nữ Dao đỏ ở Sa Pa rất độc đáo, bởi các hoa văn đặc sắc và màu sặc sỡ. Để làm được một bộ trang phục hoàn chỉnh, mỗi chị em phụ nữ phải mất rất nhiều thời gian và công sức. Sự tỷ mỷ trong mỗi công đoạn đã tạo nên những nét riêng biệt của trang phục dân tộc Dao đỏ.

Người Dao ở Văn Bàn giữ gìn văn hóa truyền thống

Tới thăm xóm người Dao ở thôn Khổi Nghè, xã Sơn Thủy, huyện Văn Bàn, chúng tôi gặp các bà, các chị đang miệt mài ngồi thêu bên hiên nhà. Trong bộ trang phục truyền thống, các bà, các chị đưa những đường kim mũi chỉ tạo hình lên các tấm vải nhỏ trên tay, vừa vui vẻ trò chuyện.

[Ảnh] Độc đáo phong tục “giữ hồn lúa”, “gọi hồn lúa” của người Xá Phó

“Giữ hồn lúa”, “gọi hồn lúa” là những nghi thức độc đáo được lưu truyền từ nhiều đời nay trong cộng đồng người Xá Phó ở xã Kim Sơn (huyện Bảo Yên). Những nghi thức này là “linh hồn” trong lễ ăn cơm mới của cộng đồng Xá Phó. Trong văn hóa của đồng bào Xá Phó, ăn cơm mới là nét văn hóa đặc...