Người Dao ở Văn Bàn giữ gìn văn hóa truyền thống

Tới thăm xóm người Dao ở thôn Khổi Nghè, xã Sơn Thủy, huyện Văn Bàn, chúng tôi gặp các bà, các chị đang miệt mài ngồi thêu bên hiên nhà. Trong bộ trang phục truyền thống, các bà, các chị đưa những đường kim mũi chỉ tạo hình lên các tấm vải nhỏ trên tay, vừa vui vẻ trò chuyện.

 

Bà Phùng Thị Mùi, 65 tuổi là một trong những người giữ nghề thêu truyền thống của dân tộc. Bà Mùi tâm sự: Từ lúc 13 - 14 tuổi, tôi đã được mẹ dạy thêu. Đến khi lấy chồng, tôi đã thêu và may được bộ quần áo truyền thống cho mình và người thân. Đối với người Dao, phụ nữ trước khi lấy chồng phải biết thêu thùa, may vá.

Nhờ đó, hầu hết phụ nữ người Dao ở thôn Khổi Nghè đều được biết thêu thùa, may vá từ khi còn ở tuổi thiếu niên, góp phần tạo nên nét đặc trưng riêng của người Dao ở xã Sơn Thủy nói riêng và huyện Văn Bàn nói chung.

Cách xóm người Dao ở Khổi Nghè không xa, thôn Thượng, xã Nậm Dạng là nơi sinh sống của gần 100% người Dao, với 54 hộ và 275 nhân khẩu. Nơi đây cũng là quê hương của cố Nghệ nhân Ưu tú Triệu Nguyên Minh - người sinh thời đã có công nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn và truyền dạy sách cổ, chữ cổ của người Dao cho nhiều thế hệ người Dao ở địa phương. Dù nghệ nhân không còn nữa nhưng tiếp nối niềm đam mê văn hóa Dao của cha mình, 8 người con trai của cụ Minh đều giỏi chữ Nôm Dao và là những thầy cúng nổi tiếng trong vùng. Trong khi người con trai út của cụ Minh là Triệu Kim Hữu có thể sáng tác bài hát Dao bằng chữ Nôm và tự mình làm được những nghi lễ cao nhất của một thầy cúng theo truyền thống, thì con trai cả - Triệu Kim Phương cũng là thầy cúng uy tín trong vùng gần 30 năm nay. Ông Phương đã tiếp nối sự nghiệp truyền dạy chữ Nôm Dao của cha mình, mở lớp dạy chữ cho trẻ nhỏ vào dịp đầu năm, hoặc bất cứ khi nào, ai có nhu cầu học chữ đều có thể tới nhà tìm ông.

Cũng theo ông Phương, sinh ra trong gia đình có bố là Nghệ nhân Ưu tú, ông cũng như các em càng có động lực, quyết tâm học tập, nghiên cứu sách cổ do cha ông để lại. Sách của người Dao đều có nội dung truyền dạy những điều hay lẽ phải, dạy con người hướng thiện, sống có tình có nghĩa, biết trên biết dưới; sách còn dạy kinh nghiệm chăn nuôi, trồng cấy… Do đó, sau khi bố mất, ông Phương và các em trai vẫn cố gắng trở thành những người uy tín trong cộng đồng người Dao ở địa phương, làm thầy cúng, truyền dạy chữ và sách cổ người Dao cho con, cháu. Đến nay, thôn Thượng là một trong những thôn có đông người biết đọc, biết viết chữ Nôm Dao nhất trong xã, trong huyện.

Giữ gìn nghề thêu truyền thống hay truyền dạy chữ Nôm Dao chỉ 2 trong số rất nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống đang được người Dao ở Văn Bàn nỗ lực bảo tồn. Huyện Văn Bàn hiện có gần 17 nghìn người Dao (theo số liệu điều tra cuối năm 2023), cư trú chủ yếu ở 14/22 xã, thị trấn, như Nậm Dạng, Nậm Tha, Dần Thàng, Tân An, Tân Thượng, Liêm Phú, Sơn Thủy, Nậm Xây, Dương Quỳ, Thẳm Dương… với 2 ngành Dao là Dao họ và Dao đỏ, trong đó Dao đỏ chiếm đa số. Người Dao ở Văn Bàn vẫn giữ gìn được nhiều nét văn hóa đặc sắc của dân tộc, như chữ viết, tiếng nói riêng; nghề thêu, may trang phục truyền thống; các nghi lễ truyền thống (Lễ cấp sắc; Cúng rừng...); Páo dung (hát Dao); nghề lấy lá thuốc tắm người Dao...

Đặc biệt, năm 2023, huyện mở lớp “truyền dạy chữ viết, tập quán xã hội của người Dao” tại xã Nậm Dạng hay lớp “truyền dạy thực hành và trao truyền phong tục, tập quán, chữ Nôm Dao và lễ hội Cầu làng của người Dao” tại xã Tân An. Mỗi lớp học thu hút hơn gần 30 người tham gia, đóng góp tạo nên những “hạt nhân” văn hóa trong cộng đồng người Dao.

Cùng với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, trong cộng đồng người Dao, các nghệ nhân là những điển hình trong gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc. Đặc biệt, mỗi người dân đang trở thành những mắt xích quan trọng trong hành trình kết nối cộng đồng chung tay bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

https://baolaocai.vn/nguoi-dao-o-van-ban-giu-gin-van-hoa-truyen-thong-post392303.html

Theo Hoàng Thương - Khánh Ly/Báo Lào Cai điện tử

Tin Liên Quan

Triển lãm mỹ thuật kỷ niệm 74 năm Ngày giải phóng Lào Cai

Ngày 26/10, Trung tâm Văn hóa và Điện ảnh tỉnh tổ chức khai mạc triển lãm mỹ thuật kỷ niệm 74 năm Ngày giải phóng Lào Cai (1/11/1950 - 1/11/2024).

Nhà thơ Dương Soái và câu chuyện nơi ngã ba sông

Chúng tôi đã gặp nhà thơ Dương Soái, tác giả bài thơ “Gửi em ở cuối sông Hồng” trong một ngày mùa thu nơi ngã ba sông - thôn Lũng Pô, xã A Mú Sung, huyện Bát Xát… Sau 45 năm kể từ khi bài thơ ra đời, nhà thơ Dương Soái mới có dịp trở lại thăm vùng biên giới năm xưa và chia sẻ về cảm hứng để ông viết nên...

Bát Xát bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Bát Xát là huyện vùng cao biên giới của tỉnh Lào Cai có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống với đa dạng sắc màu văn hóa dân tộc. Đây cũng là địa phương lưu giữ nhiều giá trị văn hóa phi vật thể, việc giữ gìn và khai thác, phát huy các giá trị sẽ tích cực góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã...

[Ảnh] Độc đáo thổ cẩm thêu tay của phụ nữ dân tộc Dao đỏ Sa Pa

Thổ cẩm thêu tay của phụ nữ Dao đỏ ở Sa Pa rất độc đáo, bởi các hoa văn đặc sắc và màu sặc sỡ. Để làm được một bộ trang phục hoàn chỉnh, mỗi chị em phụ nữ phải mất rất nhiều thời gian và công sức. Sự tỷ mỷ trong mỗi công đoạn đã tạo nên những nét riêng biệt của trang phục dân tộc Dao đỏ.

[Ảnh] Độc đáo phong tục “giữ hồn lúa”, “gọi hồn lúa” của người Xá Phó

“Giữ hồn lúa”, “gọi hồn lúa” là những nghi thức độc đáo được lưu truyền từ nhiều đời nay trong cộng đồng người Xá Phó ở xã Kim Sơn (huyện Bảo Yên). Những nghi thức này là “linh hồn” trong lễ ăn cơm mới của cộng đồng Xá Phó. Trong văn hóa của đồng bào Xá Phó, ăn cơm mới là nét văn hóa đặc...

[Ảnh] Rực rỡ trang phục người Dao tuyển Thanh Bình

Ở xã Thanh Bình (huyện Mường Khương), trong những nếp nhà người Dao dù làm theo phong cách truyền thống hay hiện đại vẫn lưu giữ rất nhiều nét đẹp văn hóa dân tộc từ lời ăn tiếng nói, tín ngưỡng dân gian đến các điệu dân ca… Đặc biệt, bên góc nhỏ hiên nhà, bạn sẽ được khám phá một kho truyền thống,...