Mang văn hóa truyền thống vào sản phẩm đương đại

Viết tiếp câu chuyện truyền thống đang là hướng đi với nhiều cách làm mới, chứa đựng trăn trở của người hiểu về giá trị văn hóa truyền thống. Thời gian qua, không ít cá nhân, tổ chức đã có nhiều sáng tạo dựa trên chất liệu dân gian, từng bước hồi sinh giá trị truyền thống trong diện mạo mới, mang hơi thở đương đại…


Đến Khu Du lịch quốc gia Sa Pa, không khó để bắt gặp những không gian trang trí hiện đại, bắt mắt, nhưng mang đầy màu sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số do Công ty TNHH Thương mại tổng hợp Lan Rừng thiết kế.

2.jpg

Với tâm huyết hơn 15 năm gắn bó với văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số ở mảnh đất này, vợ chồng anh Võ Văn Tài, chị Cung Thanh Mai đã “thổi” vào các sản phẩm truyền thống sức sống mới, góp phần nối dài giá trị truyền thống. Các bộ sản phẩm, như đèn lồng treo trang trí, bàn ghế, vỏ gối, túi xách và váy áo thời trang hiện đại đều được thiết kế dựa trên chất liệu truyền thống từ vải lanh, vải nhuộm chàm và hoa văn thổ cẩm của đồng bào các dân tộc thiểu số. Ban đầu chỉ là niềm yêu thích, đam mê với văn hóa bản địa, nhưng khi nhận ra mảnh đất mình đang sống hiện hữu kho tàng giá trị truyền thống có thể khai thác, ứng dụng trong cuộc sống hiện đại, anh Tài và chị Mai đã không ngừng học hỏi và phát triển sản phẩm mới, mẫu mã mới, bắt nhịp với xu thế, nhu cầu và thị hiếu của thị trường tiêu dùng.

3.jpg

Chị Cung Thanh Mai tâm sự: Nếu “bê nguyên” truyền thống vào đời sống thì không phải ai cũng sử dụng được. Thế nhưng, các mẫu thời trang hiện đại có dùng họa tiết, hoa văn thổ cẩm truyền thống lại đang được người tiêu dùng đón nhận. Thông qua sự giao thoa ấy, phần nào mang ý nghĩa quảng bá nét đẹp văn hóa và giá trị truyền thống.

Giờ đây, từ chất liệu thủ công truyền thống, nhờ đam mê của những người tâm huyết với di sản văn hóa, bằng sự sáng tạo riêng, họ đã tạo nên sản phẩm hiện đại, hữu ích với cuộc sống thường nhật. Không bó hẹp trong bản làng vùng cao, sản phẩm kết hợp giữa yếu tố truyền thống và hiện đại đã vươn xa, phục vụ nhu cầu phong phú của cuộc sống, tạo nên xu hướng mới, được nhiều người hưởng ứng.

5.jpg

Chị Phạm Phan Hoàng Linh, chủ workshop Linht Handicraf ở xã Hoàng Liên, thị xã Sa Pa có gần 10 năm đam mê với các sản phẩm truyền thống của đồng bào Mông, Dao nơi đây, đã làm cầu nối để truyền thống gần hơn với hiện đại. Bằng kiến thức mỹ thuật và sức sáng tạo của nghệ sỹ hội họa, chị Phạm Phan Hoàng Linh đã cùng chồng chuyển tải thông điệp sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường bằng chính các vật dụng làm thủ công của đồng bào Mông, Dao, Tày, Giáy, Xá Phó ở Sa Pa. Chính vì vậy, nhiều năm qua, chị Linh bền bỉ phối hợp, liên kết cùng bà con dân tộc thiểu số ở đây, khôi phục nghề truyền thống đúng theo nguyên bản - nói “không” với nguyên liệu công nghiệp. Tiệm may nhỏ của chị Linh dùng toàn bộ sản phẩm vải lanh dệt, nhuộm chàm, củ nâu và lá cây rừng; thổ cẩm thêu tay từ chỉ lanh, tơ tằm đưa vào thiết kế những sản phẩm thời trang hiện đại, được rất nhiều khách hàng ưa chuộng, tin dùng. Những thiết kế váy, áo theo mẫu mới dựa trên chất liệu truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số đã tạo nên nét riêng của thương hiệu Linht Handicraf.

 
4.jpg

Với một trung tâm du lịch sầm uất như Sa Pa, việc có những cơ sở, cửa hàng đưa chất liệu truyền thống vào thiết kế ứng dụng hiện đại, như túi xách, ví cầm tay, gối tựa sofa, đèn trang trí... không phải ít. Tuy nhiên, để bền vững và tạo thu nhập cho người dân địa phương từ nghề truyền thống thì chị Phạm Phan Hoàng Linh đang là một trong những điển hình về sự lao động nghiêm túc, gắn bó và đam mê thực sự với sản phẩm truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số.

Những sản phẩm từ nghề truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Lào Cai hiện đang được ứng dụng nhiều trong cuộc sống hiện đại. Thậm chí, có những sản phẩm sáng tạo mang giá trị thẩm mỹ cao, đạt tiêu chuẩn cao cấp đã theo chân du khách nước ngoài vươn ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Mặc dù chưa tạo nên trào lưu phổ biến đối với người dân Lào Cai, nhưng đây là xu hướng tất yếu trên hành trình bảo tồn và phát triển các giá trị truyền thống trong xã hội hiện đại. Theo như lời các nhà nghiên cứu văn hóa, thì đó cũng là con đường bảo tồn “động” để di sản thực sự sống và có giá trị…

7.jpg

Nhìn rộng hơn ra các tỉnh vùng cao Tây Bắc, vốn có văn hóa truyền thống tương đồng với cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Lào Cai cũng thấy không ít cá nhân, tổ chức cũng đã và đang khai thác thế mạnh đưa chất liệu truyền thống vào đời sống đương đại. Không chỉ tạo ra các sản phẩm mang giá trị ứng dụng, giải quyết việc làm, bảo tồn văn hóa bản địa, mà còn tạo thành những sản phẩm đặc sắc phục vụ ngành “công nghiệp không khói” của địa phương…

6.jpg

Chia sẻ về việc các giá trị truyền thống hiện diện trong đời sống đương đại, bà Hoàng Thị Vượng, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin thị xã Sa Pa cho rằng:

 

Đồng bào các dân tộc thiểu số ở Lào Cai đang sở hữu kho tàng văn hóa truyền thống vô cùng giá trị, nguồn chất liệu này đang được khai thác trên hành trình đưa văn hóa truyền thống ứng dụng trong đời sống đương đại. Việc phát huy giá trị văn hóa truyền thống không chỉ mang ý nghĩa bảo tồn di sản, mà còn có thêm sứ mệnh góp phần tô thêm cuộc sống tươi đẹp.

 

https://baolaocai.vn/mang-van-hoa-truyen-thong-vao-san-pham-duong-dai-post370355.html

 

Theo LCĐT

Tin Liên Quan

Sôi nổi Giải vô địch đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ tỉnh Lào Cai năm 2024

Giải vô địch đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ tỉnh Lào Cai năm 2024 đang diễn ra vô cùng sôi động, hấp dẫn tại thị trấn Si Ma Cai, huyện Si Ma Cai.

Bồi đắp niềm tự hào văn hóa dân tộc

“Tuần lễ trang phục truyền thống các dân tộc” tỉnh Lào Cai năm 2024 diễn ra từ ngày 15/4 – 19/4 đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các cá nhân, tập thể. Tại các cơ quan, đơn vị, khu dân cư trên địa bàn tỉnh, cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, lao động và người dân thể hiện rõ niền tự hào...

Nghi lễ đặc sắc trong tết Thanh minh của người Bố Y

Người dân tộc Bố Y trên địa bàn tỉnh Lào Cai chỉ có hơn 2000 người, chủ yếu sinh sống ở các xã: Thanh Bình, Nậm Chảy, Tung Chung Phố và thị trấn Mường Khương (huyện Mường Khương). Trong đời sống tâm linh của người Bố Y, tết Thanh Minh “Sứn mìn” đã trở thành nét văn hóa đặc sắc được truyền lại từ...

Đền Quan ghi dấu nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, quân sự

Tọa lạc ở phường biên giới Lào Cai (thành phố Lào Cai), đền Quan là một trong những di tích quan trọng, còn lưu giữ nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, quân sự. Thuở xưa, đây là nơi ghi dấu công lao to lớn của quân đội nhà Trần do Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn chỉ huy lên trấn ải vùng biên giới Lào Cai.

Hoa văn phượng hoàng trong trang phục của người Nùng Dín

Mỗi một dân tộc đều có những nét độc đáo riêng trong bản sắc văn hóa truyền thống. Với người Nùng Dín ở vùng biên giới Mường Khương (Lào Cai), một trong những đặc điểm nhận diện rõ nhất trong trang phục truyền thống của họ, chính là vẻ đẹp tinh tế và đầy màu sắc của hoa văn phượng hoàng thêu trên...

Phát triển du lịch từ bản sắc văn hóa

Trong những năm qua, tỉnh Lào Cai luôn kiên định phát triển du lịch dựa trên các giá trị bền vững, gắn với bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số, nhằm từng bước tạo lập trong lòng du khách trong nước và quốc tế thông điệp “An toàn...