UNESCO kêu gọi quản lý việc sử dụng trí tuệ nhân tạo trong trường học

Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) mới đây kêu gọi áp dụng các quy định nghiêm ngặt để quản lý việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong lớp học, qua đó góp phần bảo vệ trẻ em. Việc xây dựng những chiến lược ở cấp quốc gia và toàn cầu nhằm bảo đảm sử dụng AI một cách có trách nhiệm, an toàn và có đạo đức đang là yêu cầu cấp bách.

Trong bản hướng dẫn mới nhất mà UNESCO gửi tới các chính phủ, tổ chức này nhấn mạnh rằng, giới chức quản lý ở các nước vẫn chưa chuẩn bị sẵn sàng để giải quyết các vấn đề liên quan việc triển khai các chương trình AI tạo sinh trong trường học.

Cơ quan này nhận định, việc dùng những chương trình AI thay cho các giáo viên có thể ảnh hưởng tới cảm xúc của trẻ em, đẩy các em vào nguy cơ dễ bị thao túng. Bản hướng dẫn của UNESCO nêu rõ, các công cụ AI có tiềm năng giúp đỡ trẻ em như một trợ lý nghiên cứu, song những công cụ này chỉ trở nên an toàn và hiệu quả nếu các chính phủ quản lý việc sử dụng, đồng thời giáo viên, học sinh và nhà nghiên cứu cùng tham gia vào quá trình thiết kế công cụ.

Thực tế cho thấy, AI đang làm thay đổi thế giới và tạo thuận lợi cho cuộc sống hằng ngày. Công việc của con người trong tất cả lĩnh vực được giảm tải đáng kể nhờ ứng dụng AI.

Tuy nhiên, ngày càng có nhiều cảnh báo về nguy cơ từ AI. Công nghệ này được cho là đang khơi mào một cuộc chiến cam go, phức tạp mới giữa các lực lượng bảo vệ an ninh mạng và tội phạm mạng. Trẻ em là người thụ hưởng những cơ hội do AI mang lại, nhưng cũng là đối tượng dễ bị tổn thương nhất trước mối nguy hiểm từ công nghệ đột phá này.

Trong bối cảnh AI trở nên phổ biến trên toàn cầu với những khoản đầu tư bùng nổ trong năm 2023, các nhà lập pháp trên toàn thế giới đã khẩn trương xem xét cách thức giảm nguy cơ từ công nghệ mới nổi này đối với an ninh quốc gia.

Vào tháng 11 tới, Chính phủ Anh sẽ tổ chức Hội nghị cấp cao toàn cầu về an toàn AI, trong đó tập trung bàn thảo về cách ngăn tình trạng AI bị lợi dụng để phát tán tin sai, tin giả trong các cuộc bầu cử và việc sử dụng công nghệ này trong chiến tranh.

Hồi tháng 5 vừa qua, lãnh đạo Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) kêu gọi áp dụng tiêu chuẩn toàn cầu để phát triển công nghệ AI một cách an toàn và đáng tin cậy.

Sự phát triển nhanh chóng của lĩnh vực AI đặt giới chức các nước trước bài toán khó là làm thế nào để cân bằng giữa việc thúc đẩy tinh thần đổi mới, sáng tạo và kiểm soát rủi ro tiềm ẩn từ công nghệ này. Dù hưởng lợi từ các sản phẩm AI, hàng loạt công ty công nghệ vẫn cảnh báo về mức độ nguy hiểm của công nghệ này nếu không được đặt dưới sự giám sát chặt chẽ.

Chủ tịch Tập đoàn Microsoft Brad Smith mới đây nêu rõ, AI có tiềm năng trở thành công cụ hữu ích, song cũng có nguy cơ trở thành vũ khí chống lại nhân loại nếu chúng vượt tầm kiểm soát của con người. Ông Brad Smith khẳng định cần khuyến khích các công ty công nghệ làm điều đúng đắn, trong đó có việc tạo ra các quy định và chính sách mới nhằm bảo đảm an toàn trong mọi tình huống.

Giám đốc điều hành OpenAI Sam Altman cũng cảnh báo mối nguy hại tiềm ẩn từ AI và nhấn mạnh cần giảm những mối nguy đó. Bốn công ty công nghệ lớn gồm Anthropic, Google, Microsoft và OpenAI đã thành lập một nhóm mới có tên là Frontier Model Forum nhằm xây dựng các tiêu chuẩn an toàn, hướng tới các mục tiêu chính như: Thúc đẩy nghiên cứu AI an toàn để hỗ trợ phát triển, giảm rủi ro; giúp công chúng hiểu về bản chất, khả năng, hạn chế và tác động của công nghệ; hợp tác với các nhà hoạch định chính sách, học giả để chia sẻ kiến thức về rủi ro và an toàn...

Sử dụng AI đang là xu hướng không thể đảo ngược của thế giới. Việc xây dựng những chiến lược phát triển sao cho AI thật sự phục vụ cuộc sống của con người là bước đi cần thiết nhằm chuẩn bị cho các thế hệ sau có thể sống chung an toàn với trí tuệ nhân tạo.

https://nhandan.vn/unesco-keu-goi-quan-ly-viec-su-dung-tri-tue-nhan-tao-ai-trong-truong-hoc-post771991.html

Theo nhandan.vn

Tin Liên Quan

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ sống mãi trong ký ức các lực lượng yêu chuộng hòa bình toàn thế giới

Được tin đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam từ trần, lãnh đạo các Đảng cầm quyền, Đảng Cộng sản trên thế giới, các Đảng đối tác, các tổ chức quốc tế đã gửi các điện/thư chia buồn đến Đảng Cộng sản Việt Nam, Ban Chấp hành Trung ương Đảng...

Bảo vệ giới trẻ trước tác hại của thuốc lá

Thế giới có khoảng 37 triệu trẻ em, từ 13 đến 15 tuổi, hút thuốc lá. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kêu gọi các chính phủ nhanh chóng hành động để bảo vệ thế hệ tương lai của đất nước.

2024 đang trên đà trở thành năm nóng nhất trong lịch sử

Với việc nhiệt độ trung bình thế giới tháng 6 vừa qua đã phá kỷ lục cao nhất mọi thời đại, các nhà khí tượng học cho rằng, năm 2024 sẽ có thể trở thành năm nóng nhất lịch sử thế giới.

Thu hẹp khoảng cách tiếp cận vaccine

Tăng cường khả năng châu Phi tự sản xuất vaccine là chủ đề được tập trung thảo luận tại Diễn đàn toàn cầu về chủ quyền vaccine và đổi mới, vừa diễn ra ở Paris (Pháp). Để bảo đảm tiếp cận công bằng vaccine, ngoài việc các nước giàu chia sẻ vaccine, các hãng dược thực hiện đầy đủ cam kết phân...

Cộng đồng quốc tế chia sẻ trách nhiệm hỗ trợ người tị nạn

Gần 120 triệu người trên thế giới phải rời bỏ mái ấm để trốn chạy khỏi các cuộc xung đột, bạo lực... Con số nhức nhối này là hồi chuông cảnh báo và cũng thúc giục cộng đồng quốc tế dang rộng vòng tay đón nhận và hỗ trợ người tị nạn, để tránh những thảm kịch tồi tệ.

Xu hướng tích cực trên thị trường năng lượng

Báo cáo Đầu tư Năng lượng thế giới hằng năm của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho thấy, đầu tư toàn cầu vào công nghệ và cơ sở hạ tầng năng lượng sạch dự kiến đạt 2.000 tỷ USD trong năm nay, gấp đôi mức dành cho nhiên liệu hóa thạch. Sự gia tăng chi tiêu cho năng lượng sạch là nhờ kinh tế phát triển...