Thế giới tuần qua

Tình hình Trung-Nhật tiếp tục leo thang căng thẳng, Nhật Bản thắt chặt quan hệ với Đông Nam Á, Singapore có nữ Chủ tịch Quốc hội đầu tiên là ba trong số sự kiện nổi bật thế giới tuần qua.
Tình hình Trung-Nhật tiếp tục leo thang căng thẳng

Đài truyền hình CCTV Trung Quốc tuần qua cho biết, một lữ đoàn tên lửa của Lực lượng tên lửa chiến lược (Pháo binh 2) vừa tiến hành diễn tập đột kích cụm, lần đầu tiên vận dụng chức năng điểm hỏa tự động tiến hành phóng loạt tên lửa, sử dụng trên 10 quả tên lửa phát động tấn công chính xác đối với cùng một mục tiêu.



Tên lửa chiến thuật DF-15

 

Thông tin trên được tiết lộ trong thời điểm tình hình quan hệ Trung-Nhật căng thẳng xung quanh vấn đề quần đảo Senkaku và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang áp dụng thái độ cứng rắn đối với Trung Quốc.

Tổng biên tập tạp chí “Tri thức vũ khí” Trung Quốc, ông Nghiêm Hiểu Phong cho rằng, Trung Quốc công bố thông tin về Pháo binh 2 trong thời điểm như vậy thực chất là muốn cảnh cáo Nhật Bản.

Báo Nhật cho rằng, Trung Quốc đã triển khai một lượng nhỏ tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D, loại tên lửa được gọi là “sát thủ tàu sân bay”, ở dải dọc biển Hoa Đông, tập trung vào việc đối phó với tàu sân bay của Mỹ và tàu chiến mặt nước cỡ lớn của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản.

Tờ “Sankei Shimbun” Nhật Bản cho biết, ngày 10/1, máy bay chiến đấu của Quân đội Trung Quốc đã tiến hành bám theo máy bay do thám P-3C của Hải quân Mỹ và máy bay vận tải C-130 của Không quân Mỹ. Đồng thời, Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản đã lập tức phản ứng, điều máy bay chiến đấu bay lên để đối ứng.

Sự kiện này có thể sẽ làm cho Chính phủ Nhật Bản tăng cường nghiên cứu các biện pháp đối phó với máy bay quân sự Trung Quốc xâm phạm không phận Nhật Bản, cuộc đối đầu Trung-Nhật sẽ tiếp tục leo thang ở biển Hoa Đông.

Tuần qua, Trung Quốc cũng tiến hành thêm một loạt các hành động leo thang như công bố chính thức nội dung và đưa vào hiệu lực “Điều lệ quản lý trị an biên phòng ven biển Hải Nam,” tổ chức tập trận tại đảo Quang Hòa thuộc quần đảo Hoàng Sa, tổ chức khai thông và cung cấp dịch vụ 3G, CDMA tại đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa, phê duyệt “Quy hoạch phát triển du lịch tàu khách thành phố Tam Á 2012-2022” trong đó có tuyến đi tới các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị đã chính thức lên tiếng phản đối các hoạt động sai trái này từ phía Trung Quốc.

Nhật Bản thắt chặt quan hệ với Đông Nam Á

Nhân chuyến thăm các nước Đông Nam Á gồm Việt Nam, Thái Lan và Indonesia của Thủ tướng Shinzo Abe, báo "Sankei" của Nhật Bản đăng bài cho rằng chuyến thăm này được coi là một trong những bước đi nhằm tăng cường giao lưu với các nước ASEAN.



Thủ tướng Nhật Shinzo Abe (giữa) và phu nhân Akie rời sân bay quốc tế Tokyo vào sáng 16/1 để lên đường tới Hà Nội.

 

Trước chuyến công du của Thủ tướng Shinzo Abe, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Taro Aso đã thăm Myanmar; Ngoại trưởng Fumio Kishida đã thăm Philippines, Singapore, Brunei và Australia.

Theo báo Sankei, trước chuyến công du này, Thủ tướng Shinzo Abe nói rằng ngoài kinh tế, ông muốn tăng cường quan hệ cả trong lĩnh vực năng lượng và an ninh với các nước ASEAN, đồng thời cho rằng đây là một chuyến công du có ý nghĩa cực kỳ quan trọng.

Đặc biệt, Thời gian qua, Trung Quốc liên tục cử các tàu hải giám và tàu tuần duyên tiến vào vùng biển gần quần đảo Xêncacư/Điếu Ngư nhằm phản đối việc Nhật Bản quốc hữu hóa 3 trong số 5 đảo thuộc quần đảo này. Quần đảo này cùng nằm cách Nhật Bản và Trung Quốc đại lục 200 hải lý, thuộc quyền quản lý của Nhật Bản nhưng Trung Quốc cũng đòi chủ quyền.

Nữ Chủ tịch Quốc hội đầu tiên của Singapore

Lần đầu tiên trong lịch sử, Singapore có nữ Chủ tịch Quốc hội. Bà Halimah Yacob được Thủ tướng Lý Hiển Long đề cử làm Chủ tịch Quốc hội, và chính thức được bầu vào vị trí này trong cuộc bỏ phiếu ngày 14/1 tại Quốc hội Singapore.



Bà Halimah Yacob phát biểu tại Quốc hội Singapore ngày 14-1. (Ảnh: Straits Times)

 

Bà Halimah 58 tuổi, giữ chức Bộ trưởng Phát triển Xã hội và Gia đình Singapore trước khi được bầu làm Chủ tịch Quốc hội, thay người tiền nhiệm là ông Michael Palmer.

Tháng 12/2012, ông Michael Palmer đã nộp đơn xin từ chức Chủ tịch Quốc hội Singapore sau khi vướng phải một vụ bê bối cá nhân.

Tổng thống Mỹ công bố đề xuất kiểm soát súng



Tổng thống Mỹ Barack Obama. (Nguồn: AFP)

 

Ngày 16/1, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ký 23 sắc lệnh để hạn chế tình trạng bạo lực liên quan tới súng đạn và yêu cầu Quốc hội nước này nhanh chóng thông qua lệnh cấm vũ khí tấn công, đồng thời nhấn mạnh nước Mỹ không thể tiếp tục lần lữa với các biện pháp kiểm soát súng.

Ông Obama nói rằng mỗi ngày trôi qua số người Mỹ thiệt mạng vì bạo lực liên quan đến súng đạn tiếp tục tăng lên.

Tổng thống Mỹ nói: “Trong vòng một tháng sau khi 20 trẻ em yêu quí và 6 người lớn dũng cảm vĩnh viễn rời xa chúng ta tại Trường Tiểu học Sandy Hook, hơn 900 công dân Mỹ đã mất mạng vì súng đạn. Tôi đưa ra các đề xuất cụ thể này dựa trên kết quả đánh giá của ủy ban đặc trách do Phó Tổng thống Joe Biden đứng đầu. Tôi sẽ dùng tất cả quyền hạn của tổng thống để các đề xuất này được thực hiện”

Những biện pháp mà Tổng thống Obama kêu gọi Quốc hội Mỹ thông qua bao gồm: thẩm tra lý lịch với tất cả các đối tượng mua súng, đóng cửa một số địa điểm bán lẻ và trưng bày súng, cấm loại đạn bắn xuyên giáp và người sở hữu súng chỉ được sử dụng băng đạn có 10 viên trở xuống. Ngoài ra, các cơ quan chính phủ phải cung cấp các thông tin liên quan tới việc kiểm tra lý lịch người mua súng và nghiên cứu cách thức mới để ngăn những đối tượng thuộc diện "nguy hiểm" sở hữu súng.

Nếu được áp dụng trọn vẹn, các sắc lệnh trên của ông Obama sẽ đánh dấu cuộc cải cách kiểm soát súng lớn nhất trong nhiều thập kỷ qua ở nước Mỹ. Các điều khoản táo bạo này sẽ cần sự chấp thuận của Quốc hội Mỹ, và Nhà Trắng thừa nhận sẽ gặp phải nhiều sự chống đối, đáng chú ý trong đó là Hiệp hội súng quốc gia (NRA), vốn đã liên tục tuyên bố sẽ chống lại bất kỳ nỗ lực hạn chế sự tiếp cận súng đạn nào.

Pháp tiếp tục chiến dịch can thiệp quân sự vào Mali

Nguồn tin an ninh tại Mali cho biết quân đội Pháp vẫn tiếp tục tiến hành các cuộc không kích nhằm vào các địa điểm của phiến quân Hồi giáo ở Mali.



Máy bay Pháp đã không kích Mali được ba ngày. (Ảnh: theaustralian.com.au)

 

Pháp đã triển khai hàng trăm quân và tiến hành các cuộc không kích từ ngày 11/1 tại khu vực sa mạc rộng lớn ở miền Bắc Mali bị phiến quân chiếm giữ. Phát biểu tại một căn cứ quân sự của Pháp trong chuyến thăm một ngày tới thủ đô Abu Đabi của Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE), Tổng thống Pháp Francois Hollande cho biết hiện Pháp đã triển khai 750 binh sĩ tham chiến tại Mali và quân số sẽ tăng dần lên mức 2.500 binh sĩ. Ông Francois Holland cũng cho biết các cuộc không kích của quân đội Pháp đã nhằm trúng mục tiêu ở Mali, tiêu diệt ít nhất 5 tay súng phiến quân và nhiều tay súng khác bị thương.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cũng đang ở thăm UAE bày tỏ hy vọng các nước Arập vùng Vịnh sẽ hỗ trợ chiến dịch chống phiến quân tại Mali . Theo Ngoại trưởng Pháp, Liên minh châu Âu sẽ thảo luận về cuộc khủng hoảng ở Mali và kế hoạch huấn luyện binh sĩ Mali chống lại lực lượng phiến quân trong tuần này, đồng thời các nhà tài trợ cho chiến dịch tại Mali có thể sẽ họp bàn vào cuối tháng 1 này tại thủ đô Ađi Abêba của Êtiôpia về việc hỗ trợ tài chính cho châu Phi nhằm đẩy lùi các tay súng có quan hệ với al-Qaeda.

Cùng ngày, giới chức quốc phòng các nước Tây Phi đã gặp nhau ở Bamacô, thông qua kế hoạch đẩy nhanh việc triển khai 3.300 quân tới Mali . Dự kiến, một số binh sĩ các nước Tây Phi sẽ đến Mali vào tuần tới và việc triển khai đầy đủ số quân sẽ được hoàn thành trước tháng 9.

Cũng trong ngày 15/1, Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC), mà Mali là một thành viên, đã kêu gọi ngừng bắn ở Mali. Theo Chủ tịch Ekmeleddin Ihsanoglu, thực hiện chiến dịch quân sự tại Mali vào lúc này là quá sớm. OIC kêu gọi "ngừng bắn ngay lập tức" và tất cả các bên trở lại các cuộc đàm phán hồi tháng 12 vừa qua.

Giải cứu gần 650 con tin trong vụ bắt giữ con tin tại Angiêri

Theo hãng Thông tấn quốc gia Angiêri APS ngày 18/1, quân đội nước này đã giải cứu gần 650 con tin, trong đó có khoảng 70 con tin người nước ngoài, bị các tay súng Hồi giáo giam giữ tại cơ sở khí đốt In Amênát (In Amenas) ở tỉnh Lilidi (Illizi), miền Nam nước này.



Cơ sở khí đốt In A-mê-nát, nơi xảy ra vụ bắt cóc con tin. Ảnh: AFP

 

APS dẫn lời một quan chức quân đội Angiêri cho biết các lực lượng an ninh nước này đã giải cứu 573 công nhân người Angiêri và khoảng 70 trong tổng số 132 con tin người nước ngoài trong chiến dịch giải cứu do các lực lượng đặc nhiệm nước này tiến hành. Hiện quân đội Angiêri đang tìm cách giải cứu những công dân nước ngoài, hiện chưa rõ con số cụ thể, vẫn đang bị các tay súng giam giữ tại In Amênát.

Chiến dịch giải cứu con tin được quân đội chính phủ tiến hành vào tối 17/1, sau khi nhóm vũ trang tự xưng là "Tiểu đoàn máu" đột kích cơ sở khí đốt In Amênát thuộc sở hữu của liên doanh giữa Tập đoàn BP của Anh, Statoil của Na Uy và Sonatrach của Angiêri. Nhóm này tuyên bố đây là hành động trả đũa việc Angiêri ủng hộ Pháp can thiệp quân sự vào miền Bắc Mali.

Trước đó, những kẻ bắt cóc nói rằng đã có 34 con tin thiệt mạng trong vụ giải cứu này, song một nguồn tin an ninh Angiêri cho rằng đây là con số "tưởng tượng" và số tay súng bị tiêu diệt là 18 tên. Nguồn tin này cho biết những tay súng còn lại trong tổng số hơn 30 tên vẫn đang cố thủ trong khu tổ hợp In Amênát và giam giữ một số con tin, trong khi các lực lượng an ninh tiếp tục bao vây cơ sở này.

Tại Luân Đôn, Thủ tướng Anh Đavít Camêrôn (David Cameron) trong bài phát biểu trước Quốc hội đã bày tỏ lo ngại rằng nhiều công dân Anh đang gặp nguy hiểm tại Angiêri. Theo phóng viên TTXVN tại Luân Đôn, ông Camêrôn đã phải hoãn đọc bài phát biểu quan trọng vốn đang được dư luận trông đợi về tương lai của nước Anh trong Liên minh châu Âu (EU) sau khi hủy chuyến thăm Hà Lan. Văn phòng Thủ tướng ra thông báo cho biết Thủ tướng Camêrôn sẽ chỉ đọc bài diễn văn này khi nào cuộc khủng hoảng con tin ở Angiêri được giải quyết xong./.

Iraq lại rung chuyển bởi các vụ đánh bom liên hoàn

Ngày 16/1, khu vực miền Bắc Iraq rung chuyển bởi các vụ đánh bom liên hoàn nhằm vào các văn phòng của đảng người Cuốc. Theo tin mới nhận được, ít nhất 24 người đã thiệt mạng và hơn 200 người bị thương.



Hiện trường một trong hai vụ đánh bom ở thị trấn Tuz Khurmatu, tỉnh Kirkuk, Iraq ngày 17/12/2012. Ảnh: AFP-TTXVN.

 

Vụ tấn công đẫm máu nhất xảy ra tại một trung tâm thương mại của thành phố Kirkuk khi một kẻ đánh bom liều chết lái xe tải chứa đầy chất nổ lao thẳng vào cổng chính Văn phòng Đảng Dân chủ người Cuốc (KDP) trên đường Atlas.

Vụ nổ đã làm 16 người thiệt mạng và gần 190 người bị thương, chủ yếu là các quan chức lãnh đạo của KDP và nhân viên an ninh. Tuy nhiên, số người chết có thể còn tăng lên do nhiều người bị thương hiện đang trong tình trạng rất nguy kịch.

Cùng ngày, tại thành phố Tuz-Khurmato cũng xảy ra một vụ đánh bom làm ít nhất 2 người chết và 34 người bị thương. Các nhân chứng tại chỗ cho biết một xe bom đã phát nổ ngay gần văn phòng của Liên minh người Cuốc yêu nước (PUK), chính đảng của Tổng thống Jalal Talabani.

Trước đó, chính tại Bátđa cũng xảy ra liên tiếp 3 vụ tấn công cướp đi sinh mạng của 5 người. Hiện chưa có nhóm nào thừa nhận tiến hành các vụ tấn công trên.

Các vụ đánh bom vẫn thường xuyên xảy ra tại nhiều thành phố của Iraq, cho dù đã giảm mạnh so với thời kỳ đỉnh điểm năm 2006 - 2007. Trước đó, chiều 15/1, tại thị trấn Fallujah ở phía Tây Bátđa cũng xảy ra một vụ đánh bom liều chết sát hại một nghị sĩ Hồi giáo dòng Sunni. Vụ tấn công xảy ra hai ngày sau khi Bộ trưởng Tài chính Rafa al-Essawi may mắn thoát chết trong vụ ám sát nhằm vào đoàn xe của ông.

Dự báo lạc quan về chất lượng tăng trưởng của kinh tể Mỹ La-tinh và Caribe

Báo cáo mới nhất của Ủy ban kinh tế Mỹ La-tinh và Caribe (CEPAL) về Kinh tế Mỹ La-tinh và Caribe năm 2012 và triển vọng 2013 cho thấy, tăng trưởng chung của kinh tế khu vực này trong năm 2013 sẽ tiếp tục được củng cố và khởi sắc hơn so với năm 2012.



Kinh tế Mỹ la-tinh được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định trong năm 2013

 

Theo số liệu của Báo cáo, năm 2012, GDP các nước Mỹ La-tinh và Caribe đã đạt tỉ lệ tăng trưởng 3,1%, cao hơn so với tỉ lệ tăng trưởng chung của kinh tế thế giới dự kiến ở mức 2,2%, tuy nhiên vẫn thấp hơn nhiều so với mức 4,3% mà khu vưc đã đạt được năm 2011. Báo cáo của CEPAL cũng cho thấy, Panama là nước đạt tỉ lệ tăng trưởng GDP trong năm 2012 cao nhất khu vực với 10,5%, tiếp đến là Peru 6,2%, Chile 5,5% và Venezuela là 5,3%. Paraguay, San Kitts và Nevis và Jamaica là ba nước trong khu vực có mức tăng trưởng GDP âm trong năm qua lần lượt là -1,8%; -0,8% và -0,2%. Mexico tăng trưởng GDP năm ngoái đạt 3,8%. Tiểu khu vực Trung Mỹ tỉ lệ tăng trưởng GDP trung bình đạt 4,2%, Nam Mỹ là 2,7% và Caribe là 1,1%. Kết quả trên là minh chứng cho thấy khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã tác động bất lợi nhưng không quá tiêu cực lên khu vực này.

Báo cáo của CEPAL cũng cho thấy, triển vọng tăng trưởng của khu vực vẫn tiếp tục phụ thuộc vào tiến trình phục hồi chung của kinh tế thế giới trong năm nay. Kịch bản nhiều khả năng nhất có thể xẩy ra trong năm 2013 là các nước châu Âu vẫn tiếp tục phục hồi chậm, thậm chí một số nước trong khu vực đồng tiền chung châu Âu vẫn tiếp tục suy thoái. Tuy nhiên EU cũng có thể sẽ đạt được một thỏa thuận chung cho phép từng bước thu hẹp dần các mất cân đối về tài chính và tài khóa mà không làm mất đi tính cạnh tranh hiện có. Bên cạnh đó, Hoa Kỳ nhiều khả năng sẽ đạt được một thỏa thuận khả dĩ trong lĩnh vực tài chính và ngân sách tăng lên sau bầu cử Tổng thống; Trung Quốc cũng có nhiều cơ hội hơn để thúc đẩy hơn nữa tỉ lệ tăng trưởng GDP trong năm nay, hoặc chí ít cũng tiếp tục duy được mức tăng trưởng tương tự như năm ngoái. Điều này phụ thuộc nhiều vào vào việc tăng trưởng nội nhu và kiềm chế cũng như kiểm soát tốt hơn áp lực của lạm phát song song với việc khôi phục mạnh mẽ tỉ lệ tăng trưởng xuất khẩu. Ngoài ra, CEPAL cũng hy vọng, dầu lửa sẽ không trở thành một nhân tố gây thêm các bất ổn bởi lý do địa chính trị.

Nga phóng thành công ba vệ tinh quân sự lên quỹ đạo



Tên lửa đẩy Rokot của Nga trong một đợt phóng vệ tinh. (Ảnh: RIA Novosti).

 

Tối 15/1, Nga đã phóng thành công tên lửa đẩy Rokot mang theo ba vệ tinh quân sự từ sân bay vũ trụ Plêxétxcơ (Plesetsk), ở miền Bắc nước này.

Người phát ngôn Lực lượng Phòng thủ không gian vũ trụ Nga, ông Alếchxây Dôlôtukhin (Alexei Zolotukhin) cho biết vụ phóng diễn ra đúng thời gian đã định (vào 20 giờ 25 phút giờ Mátxcơva, tức 23 giờ 25 giờ Hà Nội ) và hiện ba vệ tinh quân sự này đã đi vào quỹ đạo mục tiêu thành công.

Theo kế hoạch ban đầu, vụ phóng trên sẽ diễn ra vào đầu tháng 12/2012, nhưng đã bị hoãn lại vì trục trặc kỹ thuật. Đây là vụ phóng tên lửa lên vũ trụ đầu tiên của quân đội Nga trong năm nay và lần thứ 17 phóng loại tên lửa này tại sân bay vũ trụ Plêxétxcơ.

Nga đã hoãn phóng các tên lửa đẩy Rokot sau thất bại hồi tháng 2/2011, khi một quả tên lửa đưa vệ tinh Geo-IK-2 lên sai quỹ đạo./.
 
(theo vietnam.vn)

Tin Liên Quan

Mùa hè khắc nghiệt, nền nhiệt cao kỷ lục

Cơ quan khí hậu của Liên minh châu Âu (EU) Copernicus cho biết, tính đến tháng 3 vừa qua, thế giới đã trải qua tháng thứ 10 liên tiếp có nền nhiệt cao kỷ lục, cả nhiệt độ không khí và các đại dương đều ở mức cao nhất mọi thời đại. Nhiều khu vực đã xuất hiện “mùa cháy rừng” tồi tệ nhất trong thế kỷ...

Tổ chức Mặt trận góp phần củng cố quan hệ đoàn kết Việt Nam-Lào-Campuchia

Chiều 9/4 tại thủ đô Vientiane, đã diễn ra Hội nghị Chủ tịch Mặt trận ba nước Campuchia-Lào-Việt Nam lần thứ 5. Hội nghị nhằm củng cố, tăng cường quan hệ hợp tác lâu dài, ổn định và phát triển giữa ba tổ chức Mặt trận của ba nước.

Triển vọng chính sách sản lượng của OPEC+ đối mặt "ngã ba đường"

Mặc dù kỳ vọng OPEC+ bắt đầu nghĩ đến việc chấm dứt kế hoạch cắt giảm sản lượng là hợp lý, nhưng việc khối này giữ nguyên các hạn chế có thể hợp lý hơn.

Khai mạc Hội chợ thương mại Việt Nam-Lào-Campuchia-Thái Lan

Chiều 10/4 tại tỉnh Champasak đã diễn ra lễ khai mạc “Hội chợ triển lãm trưng bày sản phẩm và các hoạt động kết nối đầu tư, thương mại, du lịch giữa các doanh nghiệp Việt Nam-Lào-Campuchia-Thái Lan”.

Hợp tác bảo vệ tài nguyên nước

Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) nhận định, khủng hoảng nước là một trong số những rủi ro hàng đầu đối với thế giới. Biến đổi khí hậu khiến nhiều khu vực trên thế giới đối mặt tình trạng thiếu nước trầm trọng, làm đảo lộn sinh hoạt của người dân và cản trở sự phát triển kinh tế.

Tín hiệu tích cực từ các "đầu tàu" kinh tế

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong quý IV/2023 tăng trưởng 3,4%, cao hơn so với mức 3,2% dự báo trước đó; Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của ngành sản xuất Trung Quốc trong tháng 3 lần đầu quay lại ngưỡng trên 50 điểm sau 5 tháng giảm liên tục. Ðó là những tín hiệu tích cực từ các "đầu tàu" kinh...