Dấu xưa Lão Nhai

Trong ký ức của nhiều người dân thành phố Lào Cai, Lão Nhai là một hình ảnh quen thuộc, đầy ắp những câu chuyện xưa cũ, mang đậm dấu ấn lịch sử và văn hóa của thành phố.

Ngày nay, khi dạo bước trên phố Phan Bội Châu hay đường Nguyễn Huệ, thuộc khu vực phường Lào Cai, thành phố Lào Cai, ít ai biết rằng hàng trăm năm trước, nơi đây từng là một phố chợ ven sông, trên bến dưới thuyền - nơi giao thương sầm uất giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Đoạn đường Nguyễn Huệ dẫn ra Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai là một phần của phố chợ Lão Nhai xưa.

Phố chợ Lão Nhai nằm ở vị trí đặc biệt, nơi ngã ba sông biên giới giữa sông Hồng và sông Nậm Thi. Theo sách “Tên làng xã Việt Nam” viết vào những năm 1810 - 1813, đời Gia Long (nhà Nguyễn), khu đô thị cổ Lão Nhai thuộc trại Bảo Thắng, gọi là “Bảo Thắng quan” gồm toàn bộ phần đất phường Lào Cai ngày nay. Trung tâm khu phố cổ Lão Nhai là đường Nguyễn Huệ, đoạn từ cầu Cốc Lếu đến cửa khẩu. Danh xưng Lào Cai ngày nay có lẽ được gọi chệch từ Lão Nhai mà ra và thành phố Lào Cai cũng đã manh nha hình thành từ phố chợ thuở xa xưa ấy.

Một góc Phố Mới chính là khu Tân Nhai trước đây, nay thuộc phường Lào Cai, thành phố Lào Cai.

Thời nhà Nguyễn, khu đô thị cổ này được mở rộng xuống ven sông Hồng gọi là khu Tân Nhai (Phố Mới) và mở rộng sang bên kia sông Hồng, nơi có nhiều cây gạo với tên gọi khu Cốc Lếu. Đồng thời, bên khu phố cổ Lão Nhai, cạnh sông Nậm Thi có một con phố nhỏ tên gọi Phố Tèo, ngay dưới chân đồi Hỏa Hiệu - nơi ghi dấu công cuộc giữ gìn bờ cõi của vua, tôi nhà Trần.

Phố Tèo xưa (Ảnh: Tư liệu đầu thế kỷ XX).

Phố Tèo xưa được đổi tên thành phố Phan Bội Châu.

Từng có kiến giải, Phố Tèo thực chất là con phố nhỏ làm khu ở trọ cho những người phục dịch việc giao thương, mà phần lớn là mã phu đoàn (dân chăn ngựa thồ). Mỗi khi có việc cần thuê ngựa, thuê người bốc vác, những nhà buôn người Hoa thường hay tìm đến đây và gọi tên là "Xiao zhen" - nghĩa là phố nhỏ. Phố Lão Nhai, với những ngôi nhà giản dị và những hàng quán tấp nập, là điểm đến quen thuộc của nhiều thương nhân từ khắp nơi.

Một cách lý giải khác, khi thực dân Pháp đánh chiếm Lào Cai vào năm 1886, họ bắt đầu lập lại trật tự ở khu vực Bảo Thắng quan. Thấy tên "Xiao zhen" khó gọi, người Pháp đã gọi lái thành "Phố Tèo". Từ đó, cái tên Phố Tèo trở nên phổ biến, được người dân trong khu vực sử dụng.

Cũng có ý kiến cho rằng tên Phố Tèo xuất hiện sau khi người Pháp khởi công xây dựng tuyến đường sắt Việt - Điền (Hà Nội - Côn Minh) vào năm 1898. Khi tuyến đường sắt này đi vào hoạt động, sự tan rã của mã phu đoàn đã diễn ra, khiến khu phố dần trở nên vắng vẻ, chỉ còn lèo tèo vài dãy nhà lụp xụp ven sông.

Giao thương của cư dân biên giới Lào Cai (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc) ở khu vực cửa khẩu Lào Cai đầu thế kỷ XX (Ảnh: Tư liệu).

Lão Nhai cầu nối giao thương nay đã là cửa khẩu quốc tế.

Lão Nhai không chỉ là cầu nối giao thương nổi tiếng, mà còn là một phần của nền văn minh sông Hồng thời kỳ dựng nước. Những hiện vật khảo cổ học tìm thấy trên khu vực thị xã Lào Cai như lưỡi cày đồng, rìu đồng, trống đồng… chứng tỏ rằng nơi đây đã từng có một cộng đồng người cổ đại sinh sống từ trên dưới 3.000 năm trước. Với vị trí thuận lợi nằm ở ngã ba sông, vào đầu công nguyên, Lão Nhai đã sớm hình thành một khu đô thị và nhanh chóng trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa quan trọng ven bờ sông Cối (sông Hồng).

Cầu Hồ Kiều khi mới xây dựng đầu thế kỷ XX (Ảnh: Tư liệu).

Thời Hùng Vương dựng nước, vùng đất Lào Cai thuộc bộ Tân Hưng. Đến thời Âu Lạc, nơi đây thuộc bộ lạc Tây Vu. Khi nước ta giành độc lập với chiến thắng Bạch Đằng năm 938, khu đô thị Lào Cai thuộc Châu Đăng dưới thời Nhà Lý. Qua nhiều triều đại, từ nhà Trần đến nhà Lê và nhà Nguyễn, địa danh này luôn được coi trọng và là một phần quan trọng trong hệ thống hành chính của quốc gia. Đến năm 1907, thực dân Pháp thành lập tỉnh Lào Cai, gồm thị xã Lào Cai và nhiều khu vực lân cận, với tổng diện tích 5.177 km², có 15 dân tộc với 6 vạn dân

Tường thành cổ Lưu Vĩnh Phúc tại khu vực Đền Mẫu, phường Lào Cai, thành phố Lào Cai.

Sau khi tỉnh Lào Cai được giải phóng khỏi ách Quốc dân Đảng vào tháng 11/1946, chính quyền chia tỉnh, thành 8 đơn vị hành chính. Thị xã Lào Cai gồm ba khu: Lao Cai, Cốc Lếu, Phố Mới. Sau ngày hòa bình lập lại, thị xã Lào Cai được mở rộng và chia thành nhiều khu khác nhau. Qua biến cố lịch sử, địa danh Lão Nhai đã trải qua nhiều lần thay đổi và sáp nhập, nhưng vẫn giữ được những giá trị văn hóa và lịch sử quý báu.

Tuyến đường sắt liên vận quốc tế chạy qua địa phận phường Lào Cai.

Lão Nhai xưa là một phần của thành phố Lào Cai ngày nay, vẫn khẳng định vị trí giao thương nhộn nhịp từ hàng trăm năm trước với nước bạn Trung Quốc. Thành phố Lào Cai - đô thị trung tâm tỉnh lỵ ven biên duy nhất trong cả nước, có cửa khẩu quốc tế và tuyến đường sắt liên vận quốc tế, là cửa ngõ nối các nước ASEAN với vùng Tây Nam rộng lớn của Trung Quốc.

Trong tuyên bố chung giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm từ ngày 18 - 20/8/2024, phía Trung Quốc đồng ý cung cấp, hỗ trợ để Việt Nam xây dựng báo cáo nghiên cứu khả thi tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng (1.435 mm). Trong tương lai, khi tuyến được sắt được mở rộng khổ, nâng cao năng lực vận tải, cùng với dự án Cảng Hàng không Sa Pa khởi công xây dựng và đi vào hoạt động sẽ tiếp củng cố rõ nét hơn vị trí cửa ngõ của thành phố Lào Cai.

Phố Tèo giờ đã đổi tên thành phố Phan Bội Châu, nhà cửa mọc lên san sát to đẹp, nhưng trong ký ức của nhiều người dân Lào Cai vẫn lưu giữ hình ảnh một con phố nhỏ ven sông thân thương, với bộn bề khó khăn của những ngày đầu tái lập.

Thành phố Lào Cai là cửa ngõ quan trọng kết nối các nước ASEAN với vùng Tây Nam rộng lớn của Trung Quốc.

Từ Lão Nhai đến Lào Cai, từ phố nhỏ đến thành phố Lào Cai là hành trình dài với biết bao thăng trầm của lịch sử. Hôm nay, thành phố Lào Cai - nơi con sông Hồng trọn vẹn đôi bờ chảy vào lòng đất Việt đã thực sự to đẹp và hiện đại. Địa giới hành chính cũng mở rộng gấp nhiều lần với 17 xã, phường, lấy sông Hồng làm trục đối xứng đã trở thành trung tâm chính trị, kinh tế của tỉnh. Nhưng dấu ấn của Lão Nhai xưa vẫn còn hiện diện qua những câu chuyện, những di tích lịch sử và giá trị văn hóa bản địa.

Thành phố Lào Cai hôm nay đẹp như dải lụa là sự hình thành, phát triển tiếp nối từ phố chợ Lão Nhai thuở xa xưa (Ảnh: Ngọc Bằng).

Dấu xưa Lão Nhai không chỉ là câu chuyện về một vùng đất, mà còn là câu chuyện về con người, về những giá trị lịch sử và văn hóa đã được gìn giữ qua hàng trăm năm. Lão Nhai, với tất cả những biến động và thăng trầm của lịch sử, vẫn luôn là một phần quan trọng của Lào Cai, nơi lưu giữ ký ức và truyền thống của một vùng đất giàu đẹp, đầy tự hào.

https://baolaocai.vn/dau-xua-lao-nhai-post389481.html

 

Nguyễn Thành Phú/Báo Lào Cai điện tử

Tin Liên Quan

Triển lãm mỹ thuật kỷ niệm 74 năm Ngày giải phóng Lào Cai

Ngày 26/10, Trung tâm Văn hóa và Điện ảnh tỉnh tổ chức khai mạc triển lãm mỹ thuật kỷ niệm 74 năm Ngày giải phóng Lào Cai (1/11/1950 - 1/11/2024).

Nhà thơ Dương Soái và câu chuyện nơi ngã ba sông

Chúng tôi đã gặp nhà thơ Dương Soái, tác giả bài thơ “Gửi em ở cuối sông Hồng” trong một ngày mùa thu nơi ngã ba sông - thôn Lũng Pô, xã A Mú Sung, huyện Bát Xát… Sau 45 năm kể từ khi bài thơ ra đời, nhà thơ Dương Soái mới có dịp trở lại thăm vùng biên giới năm xưa và chia sẻ về cảm hứng để ông viết nên...

Bát Xát bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Bát Xát là huyện vùng cao biên giới của tỉnh Lào Cai có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống với đa dạng sắc màu văn hóa dân tộc. Đây cũng là địa phương lưu giữ nhiều giá trị văn hóa phi vật thể, việc giữ gìn và khai thác, phát huy các giá trị sẽ tích cực góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã...

[Ảnh] Độc đáo thổ cẩm thêu tay của phụ nữ dân tộc Dao đỏ Sa Pa

Thổ cẩm thêu tay của phụ nữ Dao đỏ ở Sa Pa rất độc đáo, bởi các hoa văn đặc sắc và màu sặc sỡ. Để làm được một bộ trang phục hoàn chỉnh, mỗi chị em phụ nữ phải mất rất nhiều thời gian và công sức. Sự tỷ mỷ trong mỗi công đoạn đã tạo nên những nét riêng biệt của trang phục dân tộc Dao đỏ.

Người Dao ở Văn Bàn giữ gìn văn hóa truyền thống

Tới thăm xóm người Dao ở thôn Khổi Nghè, xã Sơn Thủy, huyện Văn Bàn, chúng tôi gặp các bà, các chị đang miệt mài ngồi thêu bên hiên nhà. Trong bộ trang phục truyền thống, các bà, các chị đưa những đường kim mũi chỉ tạo hình lên các tấm vải nhỏ trên tay, vừa vui vẻ trò chuyện.

[Ảnh] Độc đáo phong tục “giữ hồn lúa”, “gọi hồn lúa” của người Xá Phó

“Giữ hồn lúa”, “gọi hồn lúa” là những nghi thức độc đáo được lưu truyền từ nhiều đời nay trong cộng đồng người Xá Phó ở xã Kim Sơn (huyện Bảo Yên). Những nghi thức này là “linh hồn” trong lễ ăn cơm mới của cộng đồng Xá Phó. Trong văn hóa của đồng bào Xá Phó, ăn cơm mới là nét văn hóa đặc...