[Ảnh] Rực rỡ trang phục người Dao tuyển Thanh Bình

Ở xã Thanh Bình (huyện Mường Khương), trong những nếp nhà người Dao dù làm theo phong cách truyền thống hay hiện đại vẫn lưu giữ rất nhiều nét đẹp văn hóa dân tộc từ lời ăn tiếng nói, tín ngưỡng dân gian đến các điệu dân ca… Đặc biệt, bên góc nhỏ hiên nhà, bạn sẽ được khám phá một kho truyền thống, những tri thức dân gian quý mà các cô gái Dao tuyển vẫn cần mẫn thực hành trong việc làm trang phục truyền thống của dân tộc.

Tại nhiều khu vực làng bản của Lào Cai cũng như các thôn tại xã Thanh Bình (huyện Mường Khương), người Dao tuyển thường sống ở khu vực đồi núi. Giữa những màu xanh, nâu đặc trưng của núi rừng, người Dao tuyển chọn màu đỏ làm gam màu chủ đạo để thêu, dệt, tạo điểm nhấn cho trang phục của phụ nữ. Từ những chiếc tua rua trên khăn, trên ngực áo, tà áo đến các họa tiết thêu đều có màu đỏ đặc trưng.

 

Trong khi trang phục của nam giới người Dao tuyển rất đơn giản, chỉ là áo đen trơn và quần tối màu thì trang phục của nữ người Dao tuyển lại có phần cầu kỳ. Bằng đôi bàn tay khéo léo, họ tạo hình những bông hoa hồng đỏ thắm, những hình khối như hình tam giác, hình tròn, hình ngôi sao từ việc thêu họa tiết trên nền vải. Với họ, hoa hồng tượng trưng cho vẻ đẹp, tình yêu, sự thủy chung và mang lại may mắn.

 

Bộ trang phục không chỉ được trang trí bằng hoa văn thêu tay, mà còn có các phụ kiện bằng bạc hoặc mạ bạc đính ở phía ngực áo. Các phụ kiện được chạm khắc hình hoa, đặc biệt tua rua còn là hình các con vật thể hiện cuộc sống dung dị gắn liền với tự nhiên, vạn vật. Những chiếc tua rua bằng kim loại này theo chân đi sẽ phát ra những tiếng rinh reng vui tai. Nhiều bậc cao niên còn bảo: Không cần nhìn, chỉ cần nghe tiếng rinh reng cũng đoán biết được một phần tính cách của nữ chủ nhân. Người nhẹ nhàng, dịu dàng thì tiếng kêu sẽ chậm rãi, khoan thai, còn người xốc nổi, bốc đồng thì tiếng kêu sẽ gấp gáp, dồn dập.

 

Trang phục truyền thống có ý nghĩa quan trọng trong đời sống hằng ngày cũng như đời sống tâm linh (dùng trong việc cưới, việc tang) của người Dao tuyển, do đó làm được trang phục truyền thống của dân tộc là một trong những việc quan trọng mà một bé gái được dạy bảo, thực hành từ khi biết cầm chiếc kim để may vá. Xưa kia, việc thêu thùa giỏi, làm trang phục đẹp còn là tiêu chí chọn vợ hàng đầu của các các chàng trao Dao tuyển, bởi cô gái ấy chắc chắn sẽ là người khéo léo, biết chăm sóc, vun vén cho gia đình.

 

Trong cuộc sống thường ngày, phụ nữ Dao tuyển chỉ mặc áo và thắt đai để tránh rườm rà và thuận tiện cho việc di chuyển. Tuy nhiên, khi nhà có lễ trọng hay vào những dịp tết, họ sẽ dùng đầy đủ phụ kiện đi kèm để làm duyên, như đeo yếm hoa, trang sức, vấn khăn...

 

Màu sắc trang phục ấn tượng trong những dịp lễ hội, vui chơi.

 

Do việc làm trang phục rất kỳ công và nguyên liệu tạo thành cũng rất tốn kém nên khi đi chơi hội, cô gái nào có trang phục đẹp, mới, nhiều trang sức chứng tỏ điều kiện kinh tế của gia đình khá giả và thể hiện khả năng thêu thùa khéo léo.

 

Mang trang phục truyền thống, những người phụ nữ Dao tuyển như những bông hoa rực rỡ giữa núi rừng.

 

Nhịp sống ngày càng hối hả nhưng bên hiên nhà người Dao tuyển, thời gian như trôi chậm hơn, lắng đọng nơi những đôi tay đêm ngày miệt mài thêu, dệt thổ cẩm góp phần gìn giữ và phát huy nét đẹp văn hóa cổ truyền.

 

https://baolaocai.vn/anh-ruc-ro-trang-phuc-nguoi-dao-tuyen-thanh-binh-post392191.html

Theo Phạm Bằng - Tô Dung/Báo Lào Cai điện tử

Tin Liên Quan

Triển lãm mỹ thuật kỷ niệm 74 năm Ngày giải phóng Lào Cai

Ngày 26/10, Trung tâm Văn hóa và Điện ảnh tỉnh tổ chức khai mạc triển lãm mỹ thuật kỷ niệm 74 năm Ngày giải phóng Lào Cai (1/11/1950 - 1/11/2024).

Nhà thơ Dương Soái và câu chuyện nơi ngã ba sông

Chúng tôi đã gặp nhà thơ Dương Soái, tác giả bài thơ “Gửi em ở cuối sông Hồng” trong một ngày mùa thu nơi ngã ba sông - thôn Lũng Pô, xã A Mú Sung, huyện Bát Xát… Sau 45 năm kể từ khi bài thơ ra đời, nhà thơ Dương Soái mới có dịp trở lại thăm vùng biên giới năm xưa và chia sẻ về cảm hứng để ông viết nên...

Bát Xát bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Bát Xát là huyện vùng cao biên giới của tỉnh Lào Cai có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống với đa dạng sắc màu văn hóa dân tộc. Đây cũng là địa phương lưu giữ nhiều giá trị văn hóa phi vật thể, việc giữ gìn và khai thác, phát huy các giá trị sẽ tích cực góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã...

[Ảnh] Độc đáo thổ cẩm thêu tay của phụ nữ dân tộc Dao đỏ Sa Pa

Thổ cẩm thêu tay của phụ nữ Dao đỏ ở Sa Pa rất độc đáo, bởi các hoa văn đặc sắc và màu sặc sỡ. Để làm được một bộ trang phục hoàn chỉnh, mỗi chị em phụ nữ phải mất rất nhiều thời gian và công sức. Sự tỷ mỷ trong mỗi công đoạn đã tạo nên những nét riêng biệt của trang phục dân tộc Dao đỏ.

Người Dao ở Văn Bàn giữ gìn văn hóa truyền thống

Tới thăm xóm người Dao ở thôn Khổi Nghè, xã Sơn Thủy, huyện Văn Bàn, chúng tôi gặp các bà, các chị đang miệt mài ngồi thêu bên hiên nhà. Trong bộ trang phục truyền thống, các bà, các chị đưa những đường kim mũi chỉ tạo hình lên các tấm vải nhỏ trên tay, vừa vui vẻ trò chuyện.

[Ảnh] Độc đáo phong tục “giữ hồn lúa”, “gọi hồn lúa” của người Xá Phó

“Giữ hồn lúa”, “gọi hồn lúa” là những nghi thức độc đáo được lưu truyền từ nhiều đời nay trong cộng đồng người Xá Phó ở xã Kim Sơn (huyện Bảo Yên). Những nghi thức này là “linh hồn” trong lễ ăn cơm mới của cộng đồng Xá Phó. Trong văn hóa của đồng bào Xá Phó, ăn cơm mới là nét văn hóa đặc...