Kết quả Hội nghị hẹp các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN

Ngày 27/2, tại Vientiane, Lào, đã diễn ra Hội nghị hẹp các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị này.

 

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh (thứ 5 từ trái sang), Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh (ngoài cùng bên phải) và các Trưởng đoàn tại Lễ khai mạc hội nghị.

Đây là Hội nghị ASEAN đầu tiên trong năm Chủ tịch ASEAN 2016 của Lào và cũng là Hội nghị đầu tiên của ASEAN sau khi ASEAN hình thành Cộng đồng vào ngày 31/12/2015 và thông qua Tầm nhìn ASEAN 2025, nhằm định hướng cho hợp tác ASEAN trong năm 2016, đưa ASEAN bước sang giai đoạn liên kết mới sâu rộng hơn.

Với chủ đề hợp tác: “Đưa tầm nhìn thành hiện thực vì một cộng đồng ASEAN năng động”, Hội nghị lần này tập trung bàn triển khai kết quả Cấp cao ASEAN lần thứ 27 (tháng 11/2015), trao đổi các ưu tiên trong năm Chủ tịch ASEAN của Lào, tăng cường quan hệ đối ngoại và vai trò trung tâm của ASEAN cũng như trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.

Về triển khai kết quả Cấp cao ASEAN lần thứ 27, các nước trao đổi các biện pháp triển khai hiệu quả Tầm nhìn ASEAN 2025 và các Kế hoạch Tổng thể của 3 Cộng đồng, nhất là Cộng đồng Chính trị-An ninh. Các nước nhất trí cần xác định các lĩnh vực và biện pháp ưu tiên trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, xây dựng lộ trình triển khai cụ thể, huy động và phân bổ nguồn lực phù hợp cũng như tăng cường các cơ chế giám sát và điều phối ở cả cấp quốc gia và khu vực nhằm bảo đảm tiến độ và chất lượng thực thi.

Các nước đều ủng hộ 8 ưu tiên do Lào đề xuất, nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của năm 2016 là năm đầu tiên của Cộng đồng ASEAN, nhất trí sẽ tập trung thúc đẩy hợp tác và liên kết ASEAN trên cả 3 trụ cột với những kết quả thực chất và cụ thể; củng cố đoàn kết, thống nhất của ASEAN, phát huy vai trò chủ đạo của ASEAN trong việc duy trì hòa bình, an ninh khu vực, đẩy mạnh đối thoại, hợp tác, tăng cường lòng tin, hiểu biết và sự tin cậy giữa các nước, nâng cao năng lực của ASEAN nhằm ứng phó kịp thời và hữu hiệu với các thách thức đang và sẽ đặt ra, tăng cường quan hệ giữa ASEAN với các đối tác cũng như tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy tổ chức ASEAN.

Bàn về quan hệ đối ngoại, các nước nhất trí cần tiếp tục thúc đẩy thực chất quan hệ giữa ASEAN với các đối tác, khuyến khích các đối tác tham gia, đóng góp xây dựng vào các vấn đề thuộc quan tâm và lợi ích chung ở khu vực cũng như tiếp tục hỗ trợ cho tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN. Các Bộ trưởng cũng nhấn mạnh cần tăng cường hiệu quả các cơ chế do ASEAN khởi xướng và dẫn dắt như ASEAN+1, ASEAN+3, Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Cấp cao Đông Á (EAS), phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong định hình cấu trúc khu vực trên cơ sở bảo đảm vai trò và lợi ích của ASEAN.

Về tình hình khu vực và quốc tế, các Bộ trưởng trao đổi về nhiều vấn đề cùng quan tâm như tình hình Bắc Triều Tiên, Biển Đông, các thách thức an ninh phi truyền thống như khủng bố, an ninh mạng, buôn bán người và di cư bất thường, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh. Các Bộ trưởng nhấn mạnh trong bối cảnh khu vực và quốc tế ngày càng chuyển biến phức tạp, tác động nhiều chiều đến ASEAN, ASEAN phải tăng cường vai trò trung tâm, củng cố đoàn kết, thống nhất, lập trường chung, nâng cao trách nhiệm và vai trò chủ đạo trong việc xử lý các vấn đề ở khu vực.

Về vấn đề Biển Đông, các Bộ trưởng chia sẻ quan ngại sâu sắc về những diễn biến phức tạp gần đây và đang diễn ra, trong đó có các hoạt động bồi đắp và các hành động khác, làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng, đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực; nhấn mạnh tầm quan trọng của duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, không quân sự hóa, kiềm chế, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 và đạt tiến triển thực chất trong việc thực hiện Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và xây dựng Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC).

Kết thúc Hội nghị, Lào đã ra Tuyên bố Báo chí của Chủ tịch, phản ánh những nội dung và kết quả chính của Hội nghị.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh
và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Lào Thongloun Sisoulith. Ảnh: TTXVN

* Tại Hội nghị, đoàn Việt Nam do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh dẫn đầu đã có nhiều đóng góp cụ thể và thiết thực vào các nội dung thảo luận của Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh chúc mừng Lào chính thức đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN, bày tỏ cam kết mạnh mẽ Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với Lào và các thành viên khác để hoàn thành tốt trọng trách này; hoàn toàn ủng hộ các ưu tiên hợp tác ASEAN trong năm 2016 do Lào đề xuất.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng nhấn mạnh ASEAN cần ưu tiên duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực trong bối cảnh môi trường an ninh ở khu vực ngày càng phức tạp; theo đó, ASEAN cần thúc đẩy các biện pháp xây dựng lòng tin, ngoại giao phòng ngừa, xây dựng các quy tắc và chuẩn mực ứng xử nhằm ngăn ngừa các xung đột tiềm tàng ở khu vực, nâng cao năng lực của ASEAN để ứng phó kịp thời các khủng hoảng hoặc tình huống khẩn cấp, trong đó có vận hành các cơ chế cảnh báo sớm và phản ứng nhanh.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh ASEAN cần duy trì và phát huy vai trò chủ đạo trong việc xử lý các thách thức ở khu vực cũng như trong định hình cấu trúc khu vực phù hợp với lợi ích của ASEAN, trong lúc tiếp tục làm sâu sắc quan hệ với các đối tác đối thoại nhằm tranh thủ sự hợp tác, ủng hộ và hỗ trợ của các đối tác cho việc triển khai Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN.

Trong trao đổi về tình hình khu vực và quốc tế, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng nhấn mạnh ASEAN cần phát huy đoàn kết thống nhất và tiếng nói chung trước những diễn biến phức tạp ở khu vực, nhất là Biển Đông; chia sẻ quan ngại về tình hình đang ngày càng phức tạp ở Biển Đông, nhất là việc quân sự hóa và những hệ lụy đối với hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực, nhấn mạnh cần giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, Công ước Luật Biển LHQ năm 1982, kiềm chế, không quân sự hóa, thực hiện nghiêm túc DOC và đi vào thương lượng thực chất để sớm đạt được COC.

* Bên lề Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có cuộc gặp song phương với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Lào Thongloun Sisoulith. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh chúc mừng thành công của Đại hội Đảng X của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, chúc mừng Lào đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN 2016, khẳng định Việt Nam sẽ ủng hộ và phối hợp chặt chẽ để Lào đảm nhiệm thành công trọng trách này.

Hai bên đã trao đổi các biện pháp thúc đẩy quan hệ song phương, trong đó nhất trí sẽ triển khai hiệu quả các thỏa thuận đạt được tại Cuộc gặp Cấp cao thường niên hai Bộ chính trị tháng 12/2015 cũng như các kết quả đạt được tại Kỳ họp lần thứ 38 Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam-Lào; tiếp tục tăng cường trao đổi đoàn cấp cao và các cấp dưới nhiều hình thức khác nhau; và hoàn tất các văn bản về công việc tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam-Lào.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Lào Thongloun Sisoulith đánh giá cao sự ủng hộ và hợp tác của Việt Nam đối với vai trò Chủ tịch ASEAN của Lào. Hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường phối hợp trong khuôn khổ ASEAN, củng cố đoàn kết thống nhất, phát huy tiếng nói chung và vai trò trung tâm của ASEAN trong các vấn đề quan trọng của khu vực./.

Theo chinhphu.vn

Tin Liên Quan

Mùa hè khắc nghiệt, nền nhiệt cao kỷ lục

Cơ quan khí hậu của Liên minh châu Âu (EU) Copernicus cho biết, tính đến tháng 3 vừa qua, thế giới đã trải qua tháng thứ 10 liên tiếp có nền nhiệt cao kỷ lục, cả nhiệt độ không khí và các đại dương đều ở mức cao nhất mọi thời đại. Nhiều khu vực đã xuất hiện “mùa cháy rừng” tồi tệ nhất trong thế kỷ...

Tổ chức Mặt trận góp phần củng cố quan hệ đoàn kết Việt Nam-Lào-Campuchia

Chiều 9/4 tại thủ đô Vientiane, đã diễn ra Hội nghị Chủ tịch Mặt trận ba nước Campuchia-Lào-Việt Nam lần thứ 5. Hội nghị nhằm củng cố, tăng cường quan hệ hợp tác lâu dài, ổn định và phát triển giữa ba tổ chức Mặt trận của ba nước.

Triển vọng chính sách sản lượng của OPEC+ đối mặt "ngã ba đường"

Mặc dù kỳ vọng OPEC+ bắt đầu nghĩ đến việc chấm dứt kế hoạch cắt giảm sản lượng là hợp lý, nhưng việc khối này giữ nguyên các hạn chế có thể hợp lý hơn.

Khai mạc Hội chợ thương mại Việt Nam-Lào-Campuchia-Thái Lan

Chiều 10/4 tại tỉnh Champasak đã diễn ra lễ khai mạc “Hội chợ triển lãm trưng bày sản phẩm và các hoạt động kết nối đầu tư, thương mại, du lịch giữa các doanh nghiệp Việt Nam-Lào-Campuchia-Thái Lan”.

Hợp tác bảo vệ tài nguyên nước

Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) nhận định, khủng hoảng nước là một trong số những rủi ro hàng đầu đối với thế giới. Biến đổi khí hậu khiến nhiều khu vực trên thế giới đối mặt tình trạng thiếu nước trầm trọng, làm đảo lộn sinh hoạt của người dân và cản trở sự phát triển kinh tế.

Tín hiệu tích cực từ các "đầu tàu" kinh tế

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong quý IV/2023 tăng trưởng 3,4%, cao hơn so với mức 3,2% dự báo trước đó; Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của ngành sản xuất Trung Quốc trong tháng 3 lần đầu quay lại ngưỡng trên 50 điểm sau 5 tháng giảm liên tục. Ðó là những tín hiệu tích cực từ các "đầu tàu" kinh...